Tuyến nội tiết và tuyến ngoại tiết có vai trò vô cùng quan trọng đối với các hoạt động trao đổi chất của cơ thể con người. Khi những tuyến này gặp vấn đề thì sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe và các hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Vậy đâu là điểm giống và khác nhau giữa hai loại tuyến nêu trên? Câu trả lời có trong bài viết dưới đây!
23/07/2022 | Cẩm nang Y tế: Khám nội tiết là khám những gì? 23/06/2022 | Hệ nội tiết của cơ thể có vai trò gì và các bệnh lý liên quan 22/10/2021 | Suy tuyến tụy ngoại tiết: Nguyên nhân và cách điều trị
1. Tuyến nội tiết là gì và gồm bao nhiêu loại?
1.1. Khái niệm hệ nội tiết
Hệ thống nội tiết bao gồm một mạng lưới những tuyến có nhiệm vụ tiết ra các hormone để tạo mối liên kết giữa các tế bào với nhau. Các tuyến nội tiết đóng vai trò rất quan trọng với mọi tế bào và cơ quan trong cơ thể.
Các hormone do tuyến nội tiết tạo ra có tác dụng kiểm soát tâm trạng, thúc đẩy quá trình tăng trường, phát triển trao đổi chất giữa các cơ quan cũng như chức năng sinh sản. Chúng là những bộ máy điều chỉnh cách thức giải phóng và vận chuyển hormone vào máu, từ đó các hormone này sẽ theo hệ tuần hoàn máu tới từng tế bào trên khắp cơ thể.
Tuyến nội tiết có vai trò quan trọng đối với cơ thể con người
1.2. Phân loại các tuyến nội tiết
Hệ nội tiết bao gồm rất nhiều tuyến đảm nhận những trọng trách khác nhau, cụ thể:
-
Tuyến yên: được coi là “nhân viên đưa thư" của cơ thể, nó có chức năng nhận thông tin do não bộ truyền ra để thông báo phân chia nhiệm vụ cho các tuyến khác. Tuyến này tạo ra hormone tăng trưởng, prolactin kích thích cơ thể người mẹ sản sinh sữa cho con bú, hormone luteinizing giúp điều tiết nồng độ testosterone ở nam giới và estrogen ở nữ giới. Ngoài ra nó còn giúp điều hòa hoạt động của tuyến giáp, tuyến thượng thận,...;
-
Tuyến tùng: tiết ra chất melatonin giúp dễ dàng đưa cơ thể đi vào giấc ngủ;
-
Tuyến giáp: hormone tuyến giáp giúp kiểm soát và điều chỉnh quá trình trao đổi chất. Nếu hormone được tiết ra quá ít sẽ dẫn tới hiện tượng suy giáp, mọi hoạt động sống trong cơ thể bị chậm lại, ví dụ như nhịp tim chậm, tiêu hóa kém gây táo bón và người bệnh dễ tăng cân. Ngược lại cường giáp là khi cơ thể dư thừa hormone tuyến giáp và mọi thứ sẽ làm việc với tốc độ nhanh hơn với các biểu hiện như tim đập nhanh, giảm cân, tiêu chảy,...;
-
Tuyến cận giáp: là tập hợp 4 loại tuyến nhỏ nằm phía sau tuyến giáp. Tuyến cận giáp tham gia vào việc củng cố sức khỏe cho xương, giúp hệ xương trở nên vững chắc nhờ kiểm soát hàm lượng canxi và phốt pho;
-
Tuyến thượng thận: loại tuyến này đóng vai trò tiết ra các loại hormone như corticosteroid và epinephrine. Những hormone này tác động tới khả năng sinh lý, chức năng tình dục và sự trao đổi chất của cơ thể;
-
Tuyến ức: tế bào lympho T hay còn được gọi là tế bào bạch cầu chính là sản phẩm do tuyến ức sản xuất ra. Tế bào bạch cầu giữ vị trí quan trọng trong hàng ngũ hệ miễn dịch của trẻ, giúp chống lại tình trạng nhiễm trùng. Từ sau giai đoạn dậy thì, tuyến ức sẽ dần dần co lại;
-
Tuyến tụy: không những là một phần của hệ nội tiết, tuyến tụy còn góp mặt trong các hoạt động diễn ra tại hệ tiêu hóa. Nó sản sinh ra các enzyme giúp phân rã thức ăn một cách hiệu quả, ngoài ra còn có nhiệm vụ kiểm soát hormone glucagon và insulin luôn ở mức bình ổn trong máu và các tế bào. Sự thiếu hụt insulin do các bất thường xảy ra tại tuyến tụy chính là nguyên nhân dẫn đến tiểu đường type 1 và type 2;
-
Tinh hoàn ở nam giới: đây là bộ phận tiết ra hormone testosterone tham gia vào quá trình hình thành lông trên cơ thể khi bước vào độ tuổi dậy thì, đồng thời testosterone còn kích thích dương vật phát triển lớn hơn và tạo ra tinh trùng giúp nam giới duy trì nòi giống;
-
Buồng trứng ở nữ giới: là nơi sản xuất ra hormone progesterone và estrogen giúp ngực phát triển trong giai đoạn dậy thì, điều hòa kinh nguyệt và khả năng thụ thai.
1.3. Tuyến nội tiết và các vấn đề về sức khỏe
Khi cơ thể chúng ta bắt đầu đến giai đoạn lão hóa, việc hệ thống nội tiết xuất hiện các vấn đề bệnh lý là một quy luật tự nhiên tất yếu. Nguyên nhân là vì các hoạt động trao đổi chất trong cơ thể đã dần chậm lại vì sự già đi của các tế bào. Đó là lý do tại sao chúng ta sẽ dễ bị tăng cân mặc dù không bất kỳ thay đổi lớn nào trong chế độ dinh dưỡng cũng như tập luyện hàng ngày.
Nội tiết tố thay đổi không chỉ làm ảnh hưởng tới cân nặng mà còn gây ra nhiều hệ lụy khác, điển hình là sự ghé thăm của các bệnh tim mạch, suy giáp, tiểu đường type 2 và loãng xương khi về già. Ngoài ra, một số yếu tố như căng thẳng, tuổi tác, nhiễm trùng, di truyền, sinh sống hoặc làm việc trong môi trường chứa nhiều hóa chất độc hại cũng làm rối loạn hệ nội tiết.
2. Tổng quan về tuyến ngoại tiết
Không giống như các tuyến nội tiết tiết ra các chất mà chúng sản xuất được trực tiếp vào máu, tuyến ngoại tiết là những tuyến có chức năng dẫn xuất và tiết ra các sản phẩm lên bề mặt biểu mô. Hoạt động này được thực hiện thông qua các ống dẫn. Các tuyến ngoại tiết thường gặp bao gồm tuyến nước bọt, mồ hôi, tuyến lông mi, tuyến nước mắt, tuyến vú, tuyến bã nhờn và chất nhầy.
Dựa trên cách thức bài tiết, tuyến ngoại tiết được chia làm 3 nhóm chính:
-
Các tuyến toàn hủy (Holocrine gland): chất tiết là các cấu trúc của tế bào chế tiết. Ví dụ như tuyến bã;
-
Các tuyến bán hủy (Apocrine gland): chất tiết là thành phần bào tương thuộc nhân tế bào chế tiết (tức là nhân tế bào chế tiết không chứa trong chất tiết);
-
Các tuyến toàn vẹn (merocrine gland): hạt tiết xuất khỏi tế bào chế tiết và tế bào chế tiết vẫn còn nguyên vẹn. Ví dụ như tuyến tụy.
Tuyến mồ hôi giúp cơ thể tiết mồ hôi trên bề mặt da
Dựa trên các sản phẩm do tuyến ngoại tiết tiết ra, ta có 3 nhóm chính như sau:
-
Tuyến tiết nhày: chất tiết có đặc tính nhớt và giàu carbohydrate;
-
Tuyến tiết dịch: chất tiết là các dung dịch giống như nước, giàu protein
-
Tuyến tiết bã nhờn hay còn gọi là tuyến tiết dầu: chất tiết có đặc điểm là chứa nhiều lipid.
3. Tuyến nội tiết và tuyến ngoại tiết giống và khác nhau như thế nào?
Giống nhau:
-
2 loại tuyến này đều có cùng một cơ chế là sản sinh ra các chất tiết;
-
Các sản phẩm chất tiết đều đóng vai trò quan trọng khi tham gia vào những hoạt động sinh lý của cơ thể: chuyển hóa vật chất và năng lượng, trao đổi chất,...
Khác nhau:
Bảng dưới đây biểu thị sự khác nhau giữa tuyến nội tiết và tuyến ngoại tiết:
Phân biệt tuyến nội tiết và tuyến ngoại tiết
Như vậy những thông tin trên đã giúp chúng ta hiểu rõ hơn về tuyến nội tiết và tuyến ngoại tiết - những loại tuyến giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển của cơ thể. Nếu bạn đang gặp phải các vấn đề về rối loạn nội tiết hoặc ngoại tiết, hãy liên hệ ngay với tổng đài của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC theo hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ nhé!