Quá trình tiêu hóa ở ruột non diễn ra rất trình tự, bài bản và đóng vai trò quan trọng đối với sự sinh tồn, phát triển của cơ thể con người. Có thể nói ruột non và các bộ phận khác trong hệ tiêu hóa được thiết kế rất tỉ mỉ và cơ quan nào cũng có nhiệm vụ của riêng mình. Vậy bạn biết gì về ruột non? Hãy để MEDLATEC đồng hành cùng bạn trong chuyến “tham quan nhà máy tiêu hóa” của cơ thể chúng ta trong bài viết dưới đây nhé!
29/11/2022 | Chụp cộng hưởng từ đánh giá được các bệnh lý gì của ruột non? 21/11/2022 | Tìm hiểu sơ bộ về ruột non và các bệnh lý thường gặp 30/03/2022 | Tiết lộ những nguyên nhân phổ biến gây viêm ruột non
1. Tầm quan trọng của hệ thống tiêu hóa
Hệ tiêu hóa tập trung rất nhiều cơ quan và chiếm nhiều diện tích trong cơ thể con người, xuất phát từ miệng cho tới hậu môn, kèm theo gan, túi mật và tuyến tụy. Dạ dày, miệng, thực quản, ruột già, ruột non và hậu môn được coi là các cơ quan rỗng của hệ tiêu hóa.
Các chất dinh dưỡng có trong thức ăn như chất béo, protein, nước, carbohydrate, khoáng chất và vitamin,... sẽ được hệ tiêu hóa tiếp nhận, chuyển hóa, hấp thụ để sản xuất năng lượng cung cấp cho các hoạt động sống của cơ thể, tái tạo và phát triển các tế bào. Nếu không có hệ tiêu hóa thì cơ thể chúng ta sẽ mất đi sự sống.
Vị trí ruột non
2. Ruột non có cấu tạo như thế nào?
Nếu như dạ dày là cơ quan phình to nhất trong ống tiêu hóa thì ruột non lại là bộ phận sở hữu chiều dài ấn tượng nhất (trung bình dài từ 5 - 9m). Đường kính của ruột non là khoảng 1,5 - 3cm. Nơi bắt đầu của ruột non được tính từ môn vị nằm phía cuối dạ dày và kết thúc tại góc tá - hỗng tràng. Theo đó ruột non được chia theo 3 phần đó là tá tràng - hỗng tràng - hồi tràng.
Về mặt giải phẫu, ruột non bao gồm 4 lớp, nếu xét từ ngoài vào trong sẽ theo thứ tự: màng bọc, lớp cơ, lớp dưới niêm mạc, trong cùng là lớp niêm mạc, cụ thể:
-
Màng bọc: được cấu thành từ phúc mạc mặt dưới, mặt sau gồm có các mô liên kết. Trong đó phúc mạc bao gồm 2 lớp (thanh mạc, tấm dưới thanh mạc);
-
Lớp cơ: gồm 2 lớp cơ trơn, ở giữa 2 lớp cơ trơn là mạng lưới các bạch huyết và mạch máu. Lớp cơ có tính đàn hồi với nhiệm vụ co bóp đẩy thức ăn xuống ruột già;
-
Lớp dưới niêm mạc: các mô cơ ở đây không có sự liên kết bền chặt, đây đồng thời là nơi quy tụ nhiều dây thần kinh và các đám rối mạch máu;
-
Lớp niêm mạc trong: vai trò của lớp này là giúp tiết ra nhiều dịch vị, tăng cường khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng cũng như bảo vệ ruột non. Có một đặc điểm thú vị là trong niêm mạc của ruột non có một lớp nhung mao bao phủ và mỗi một nhung mao này là vô vàn các mạch bạch huyết và mao mạch máu.
Cấu tạo của ruột non
3. Quá trình tiêu hóa ở ruột non
Các loại thức ăn khi xuống tới ruột non sẽ là tiếp tục bị phân chia thành những phần nhỏ hơn, sau đó nhu động ruột sẽ luân chuyển số thức ăn này đến cơ quan tiêu hóa tiếp theo.
3.1. Thức ăn trước khi được di chuyển tới ruột non
Về quá trình tiêu hóa ở ruột non thì cần phải hình dung về tính chất của thức ăn trước khi đi xuống cơ quan này. Ban đầu chúng ta sẽ đưa thức ăn vào miệng, nhai và nghiền nát chúng nhờ sự hỗ trợ của cơ hàm, răng, lưỡi và các enzyme. Thức ăn sau đó đi qua thực quản, xuống dạ dày để được nhào trộn và phân hủy. Kết thúc bước này dạ dày sẽ đổ thức ăn xuống tá tràng.
3.2. Tiêu hóa thức ăn tại phần đầu ruột non
Phần đầu ruột non chính là đoạn tá tràng. Khi thức ăn do dạ dày đưa xuống bộ phận này, dịch tụy sẽ được tuyến tụy tiết ra để hỗ trợ tiêu hóa tinh bột, chất đạm và chất béo. Nó sẽ được tiết vào tá tràng qua ống tụy Vater, kèm theo đó là dịch mật từ gan, chất nhờn được trộn lẫn để làm mềm và phân hủy thức ăn.
3.3. Tiêu hóa ở ruột non (tại hỗng tràng - hồi tràng)
Thức ăn sẽ tiếp tục được chuyển giao từ tá tràng đến hỗng tràng và hồi tràng - các phần tiếp theo của ruột non. Nhờ các nhung mao và nếp gấp của ruột non nên diện tích bề mặt bên trong nó sẽ tăng lên đáng kể giúp tăng cường hấp thu nhiều chất dinh dưỡng hơn.
Tiêu hóa thức ăn ở ruột non sẽ được hoàn tất trong phần chính của cơ quan này. Trong đó các chất dinh dưỡng như axit amin, glucose, chất béo sẽ được tăng hấp thu qua thành ruột, sau đó đi vào máu và vận chuyển tới gan.
So với hồi tràng thì hỗng tràng có diện tích bề mặt lớn hơn và đây cũng chính là nơi diễn ra phần lớn các chu trình tiêu hóa, hấp thu chất dinh dưỡng. Tuy nhiên nếu bệnh nhân bị tổn thương hoặc phải cắt bỏ hỗng tràng thì hồi tràng sẽ là bộ phận thay thế nhiệm vụ. Đây đồng thời là đoạn ruột giúp tăng khả năng hấp thụ vitamin B12 của cơ thể.
Đối với các chất không tiêu hóa được như chất xơ thì sẽ được đưa tới ruột già. Cơ quan này sẽ tái hấp thu nước và thụ hưởng nốt những dưỡng chất còn lại từ chất xơ và đẩy chất thải ra ngoài.
Quá trình tiêu hóa ở ruột non diễn ra rất trình tự
4. Những bệnh lý có thể xảy ra tại ruột non
Ruột non là cơ quan phải hoạt động hàng ngày, lặp đi lặp lại các nhiệm vụ là tiêu hóa đồng thời hấp thụ các chất dinh dưỡng từ thức ăn. Nguy cơ ruột non gặp phải tổn thương là điều không thể tránh khỏi. Có 3 bệnh lý chính thường gặp tại ruột non đó là:
-
Tắc ruột: đây là tình trạng dễ gặp phải ở phần hồi tràng nhất. Khi bị tắc ruột bệnh nhân thường sẽ có triệu chứng là bụng đau thành từng đợt, vị trí đau nằm quanh rốn. Cơn đau sẽ ngày càng dồn dập hơn, dần lan ra xung quanh. Cùng với sự tiến triển này bệnh nhân sẽ bị táo bón, nôn mửa, chướng bụng, suy nhược cơ thể, đổ nhiều mồ hôi,... Nếu không cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn tới viêm, thủng màng bụng và nhiễm trùng máu;
-
Viêm túi thừa Meckel: túi thừa Meckel là một dị tật bẩm sinh trong đường tiêu hóa với dấu hiệu nhận biết là buồn nôn, nôn ói, phân lẫn máu, đau bụng,...;
-
Hội chứng ruột kích thích: hội chứng này thường xuất hiện ở ruột già nhưng vẫn có trường hợp gặp ở ruột non do tình trạng rối loạn chức năng ruột thường xuyên tái phát.
Quá trình tiêu hóa ở ruột non thường diễn ra theo trình tự với mục đích chính là để cơ thể được hấp thụ được các chất dinh dưỡng có trong thức ăn. Để quá trình này được diễn ra một cách tự nhiên, trơn tru, dễ dàng thì mỗi người nên duy trì một chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh, giữ thói quen sinh hoạt hợp lý vì đây là những cách tốt nhất giúp bảo vệ sức khỏe cho hệ tiêu hóa.