Đối với trẻ nhỏ, giấc ngủ có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển trí não và thể chất. Trẻ ngáy khi ngủ không phải là hiện tượng phổ biến và cũng không phải mọi trường hợp đều nguy hiểm. Tuy nhiên, một số trường hợp ngủ ngáy ở trẻ em cha mẹ không nên chủ quan bởi nó có thể cảnh báo những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe của trẻ.
17/01/2021 | Tư vấn: Chữa ngủ ngáy cực đơn giản bằng 7 mẹo sau 22/04/2020 | Tìm hiểu về chứng ngủ ngáy và cách khắc phục
1. Như thế nào là ngủ ngáy?
Ngủ ngáy ở trẻ em có thể xuất phát từ nguyên nhân bệnh lý nguy hiểm cho sức khỏe
Ngủ ngáy là hiện tượng xuất hiện khi các cấu trúc của hệ hô hấp bắt đầu rung do có sự xuất hiện của vật cản ở đường thở. Chính sự rung động đã làm xuất hiện âm thanh ở đường thở của cơ thể. Tùy từng trường hợp cụ thể mà âm thanh ấy có thể mềm hoặc to nhưng rất dễ nghe thấy.
Ngủ ngáy gồm 2 loại:
- Ngáy theo thói quen: đây là hiện tượng ngáy duy trì trong suốt một thời gian dài mà không do bất cứ tác động bên ngoài nào hết.
- Ngáy triệu chứng: âm thanh ngáy xuất hiện do sự thay đổi của các điều kiện bên ngoài và nó có thể mất đi.
2. Tại sao trẻ bị ngủ ngáy?
Hiện tượng ngủ ngáy ở trẻ em có thể xảy ra do các yếu tố nguy cơ sau:
- Béo phì
Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ bị thừa cân rất dễ có khả năng ngủ ngáy. Nguyên nhân của tình trạng này là do đường thở bị thu hẹp do béo phì và làm tăng nguy cơ bị rối loạn ngưng thở trong đó có chứng ngáy to.
- Dị ứng
Sự tác động của các yếu tố gây dị ứng như: thời tiết, bụi, phấn hoa,... có thể khiến cho các mô bên trong mũi và họng của trẻ bị viêm và tắc nghẽn từ đó dẫn đến chứng ngủ ngáy.
- Nhiễm trùng đường hô hấp trên
Trẻ bị cảm cúm và cảm lạnh dễ bị ngủ ngáy không thường xuyên. Do nghẹt mũi nên trẻ phải thở miệng và nhờ đó mà hiện tượng ngủ ngáy có cơ hội xuất hiện.
- Không khí có chất lượng kém
Môi trường không khí ô nhiễm, nhiều khói thuốc có thể khiến cho trẻ gặp khó khăn khi thở và làm tăng nguy cơ ngủ ngáy ở trẻ em.
- Sưng Amidan
Khi Amidan bị sưng to sẽ vô tình khiến cho khả năng lưu thông của không khí trong đường thở của trẻ bị chặn và kết quả là trẻ ngủ ngáy.
Sưng viêm Amidan có thể khiến cho trẻ bị ngủ ngáy
- Bệnh hen suyễn
Trẻ mắc bệnh lý này sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc hít thở nên dễ ngủ ngáy.
3. Cảnh báo về hiện tượng ngủ ngáy ở trẻ em
3.1. Trẻ ngủ ngáy, khi nào là bình thường?
Chứng ngủ ngáy ở trẻ em nếu chỉ thỉnh thoảng mới xuất hiện kèm theo tiếng thở khò khè, nghẹt mũi hoặc trẻ thở bằng miệng thì có thể xem là hiện tượng bình thường, cha mẹ không cần lo ngại. Hiện tượng này sẽ mất đi vào giai đoạn tiếp theo của giấc ngủ hoặc khi tình trạng nhiễm trùng hô hấp của trẻ được cải thiện.
3.2. Trẻ ngủ ngáy, khi nào là bất thường?
Trẻ ngủ ngáy với âm thanh quá lớn, kéo dài trên 3 ngày/tuần hoặc có hiện tượng tạm ngưng thở trong khi ngủ thì cha mẹ tuyệt đối không được bỏ qua bởi nó là trạng thái hô hấp bất bình thường. Đặc biệt, nếu trẻ phải thở gấp hay gắng sức để thở thì trẻ có thể bị ngưng thở khi ngủ - một dạng rối loạn nghiêm trọng cần được bác sĩ chuyên khoa điều trị ngay.
Như chúng tôi đã chia sẻ ở trên, một số trường hợp ngủ ngáy ở trẻ em có căn nguyên xuất phát từ yếu tố bệnh lý, nó có thể gây ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe của trẻ, như:
- Chất lượng giấc ngủ đêm kém khiến cho ban ngày trẻ buồn ngủ nên khó tập trung, ảnh hưởng đến học tập, quá trình phát triển trí tuệ của trẻ bị cản trở.
- Trẻ dễ bị đái dầm vì chứng rối loạn thở khi ngủ khiến cho quá trình sản xuất nước tiểu bị kích thích quá mức vào ban đêm.
- Khả năng sản xuất hormone tăng trưởng bị suy giảm khiến cho cơ thể trẻ chậm phát triển.
- Trẻ ít tham gia hoạt động thể chất vì cảm thấy mệt mỏi từ đó dễ bị chứng béo phì.
- Trẻ dễ phải đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh lý về phổi, rối loạn tim mạch, tăng huyết áp,...
3.3. Cha mẹ nên làm gì khi trẻ ngủ ngáy?
Nói tóm lại, trẻ ngủ ngáy không những làm cho chất lượng giấc ngủ bị giảm sút mà còn tiềm ẩn những nguy hại đáng lo về sức khỏe, không chỉ cản trở sự phát triển trí não mà còn có thể gây ngưng thở và dẫn đến tử vong trong khi ngủ.
Trẻ thường xuyên ngủ ngáy cần được bác sĩ thăm khám tìm nguyên nhân và điều trị hiệu quả
Điều này được lý giải rằng, trong khi ngủ, nếu trẻ ngủ ngáy, các phần mềm và niêm mạc của cuống họng sẽ làm nghẽn khí quản, phổi và làm cho não bị thiếu dưỡng khí. Gặp phải tình trạng ấy, não sẽ tự phát ra tín hiệu để làm cho cuống họng và khí quản giãn nở để quá trình hô hấp trở lại bình thường.
Khi các rối loạn đó thường xuyên diễn ra sẽ dẫn đến chứng ngưng thở khi ngủ, làm ngắt quãng thời kỳ ngủ sâu của trẻ. Hậu quả của hiện tượng ấy là bộ não không được nghỉ ngơi hoàn toàn nên trẻ dễ bị mệt mỏi, hoạt động kém, mất tập trung vào ban ngày, theo thời gian trẻ sẽ bị suy giảm trí nhớ.
Bên cạnh đó, ngủ ngáy ở trẻ em còn có thể dẫn đến những nguy cơ mắc các bệnh lý nguy hiểm như: nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp tim,... và nguy hiểm nhất là ngưng thở khi ngủ kéo dài gây ra tử vong.
Ngủ ngáy ở trẻ em không phải mọi trường hợp đều xấu nhưng nó vẫn tiềm tàng nhiều bệnh lý đáng ngại. Vì thế, khi thấy con ngủ ngáy kèm theo các dấu hiệu dưới đây, cha mẹ nên chú ý để sớm đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa thăm khám tìm nguyên nhân và có biện pháp điều trị hiệu quả:
- Ngáy to thường xuyên.
- Thở hổn hển.
- Đái dầm kéo dài mà không rõ nguyên nhân.
- Trẻ có nhiều thay đổi về hành vi và tâm lý như: dễ kích động và cáu gắt, hay buồn ngủ vào buổi ngày.
Nếu con bị ngủ ngáy và cha mẹ thấy có bất thường, hãy đến ngay Chuyên khoa Nhi của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC hoặc liên hệ tổng đài 1900 56 56 56. Tại đây, đội ngũ bác sĩ cùng chuyên gia y tế của bệnh viện sẽ dựa trên tình trạng thực tế của trẻ để có những tư vấn chính xác về chứng ngủ ngáy ở trẻ em, giúp cha mẹ tìm ra hướng bảo vệ an toàn cho sức khỏe của con mình.