Hô hấp đảo ngược là tình trạng xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Mặc dù khá hiếm gặp nhưng hiện tượng này lại có mức độ nguy hiểm cao và có thể gây suy hô hấp trong thời gian ngắn, thậm chí là biến chứng trụy tuần hoàn thường xảy ra sau chấn thương. Nhân viên y tế hay kể cả người bình thường đều nên được trang bị kiến thức về hô hấp đảo ngược để có thể hỗ trợ dưỡng khí cho người bệnh ngay khi phát hiện ra tình trạng này.
04/05/2023 | Bỏng đường hô hấp: Nguyên nhân - triệu chứng và cách xử trí 04/05/2023 | Các phân độ suy hô hấp bạn nên biết 21/03/2023 | Các yếu tố gây viêm đường hô hấp dưới và triệu chứng thường gặp
1. Thế nào là hô hấp đảo ngược?
Thuật ngữ hô hấp đảo ngược được dùng để mô tả một trạng thái hít thở đi ngược lại với quy trình thở bình thường. Như chúng ta đã biết thì khi hít vào bình thường, cơ hoành có xu hướng đi xuống dưới còn thành bụng mở rộng ra. Khi thở ra cơ hoành sẽ đi lên còn thành bụng co lại. Đây chính là trạng thái thở bằng bụng hay thở bằng cơ hoành, không cử động phần lồng ngực.
Còn nếu một người bị hô hấp đảo ngược thì toàn bộ quy trình trên sẽ bị đảo ngược lại. Đây được coi là biểu hiện bất thường cảnh báo tình trạng suy hô hấp. Đôi khi hô hấp đảo ngược có thể xảy ra cấp tính và bệnh nhân cần được cấp cứu ngay lập tức. Nhưng cũng có trường hợp biểu hiện theo thể mạn tính, có thể tái phát những khi trải qua cảm xúc căng thẳng khiến người bệnh bị khó thở và hoảng loạn.
Để nhận biết một người đang gặp phải hiện tượng hô hấp đảo ngược thì cần dựa trên những triệu chứng bất thường như sau:
-
Thở gấp;
-
Nhịp thở đột ngột trở nên sâu hơn;
-
Thở hổn hển mất kiểm soát;
-
Khó thở, tức thở;
-
Có cảm giác yếu hoặc đau vùng ngực;
-
Đau cổ và đau vai;
-
Tim đập nhanh;
-
Chóng mặt.
Hô hấp đảo ngược gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng hô hấp của người bệnh
2. Hô hấp đảo ngược là do nguyên nhân nào gây nên?
Hô hấp đảo ngược thể cấp tính thường là do bệnh nhân gặp phải chấn thương ở vùng ngực. Lúc này bệnh nhân sẽ xuất hiện cơn co thắt vùng cơ liên sườn, từ đó dẫn đến sự đảo ngược trong hô hấp. Người bệnh cần phải được hỗ trợ hô hấp khẩn cấp để tránh nguy hiểm đến tính mạng.
Ngoài thể cấp tính, hô hấp đảo ngược cũng tồn tại theo dạng mạn tính do các nguyên nhân sau:
-
Tổn thương thần kinh: bệnh nhân mắc phải một số vấn đề tại hệ thần kinh như đau nửa đầu, bị động kinh mà những chứng bệnh này có thể gây ra các phản xạ nghịch lý, tác động đến cơ hoành dẫn đến tình trạng hô hấp đảo ngược;
-
Do tư thế: người thường xuyên ngồi một chỗ, làm việc ở một tư thế trong suốt cả ngày dài cũng dễ gặp phải hiện tượng đau nhức và căng cứng vùng cơ vai gáy. Nếu tiếp tục tình trạng này sẽ làm suy yếu cơ hoành và làm đảo ngược trình tự hô hấp. Quá trình hô hấp khó khăn, hệ hô hấp càng đòi hỏi những cơ hô hấp chính hoạt động năng suất hơn và sẽ càng làm đau các cơ bắp ở cổ vai gáy;
-
Căng thẳng trong thời gian dài: áp lực công việc, nỗi lo lắng trong cuộc sống và tâm lý căng thẳng cũng là yếu tố dẫn đến tình trạng hô hấp đảo ngược với biểu hiện là tăng thông khí hay thở gấp đôi;
-
Tổn thương tại phổi: bệnh nhân mắc các bệnh lý tại phổi như COPD (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính), ung thư phổi, hen phế quản,... cũng là những đối tượng dễ gặp phải triệu chứng của hô hấp đảo ngược.
Căng thẳng lâu ngày là một trong những nguyên nhân gây hô hấp đảo ngược
3. Biện pháp được dùng để khắc phục tình trạng hô hấp đảo ngược
Ở những bệnh nhân được chẩn đoán bị hô hấp đảo ngược với sự xuất hiện của các cơn khó thở cấp tính (nguyên nhân do thể chất suy yếu, chấn thương tại ngực) sẽ gây cản trở sự hấp thụ khí oxy của cơ thể thì cần phải được can thiệp càng sớm càng càng tốt.
Nếu người bệnh bị hô hấp đảo ngược do tăng thông khí hoặc bị hoảng sợ với các biểu hiện như thở gấp, thở nhanh không tự chủ thì hãy hướng dẫn bệnh nhân áp dụng ngay những biện pháp dưới đây để khôi phục lại nhịp thở cho bệnh nhân:
-
Nhịn thở, làm chậm lại nhịp thở;
-
Không cố nói chuyện với bệnh nhân;
-
Mím chặt môi, thở bằng mũi;
-
Tập trung tầm nhìn vào một điểm nào đó trước mắt, cách bệnh nhân 1 mét;
-
Khi đã lấy lại được hơi thở, hãy để bệnh nhân cố gắng thử thở bằng bụng (khi hít vào bụng phồng lên, khi thở ra thì bụng xẹp xuống).
4. Có cách nào giúp phòng ngừa hô hấp đảo ngược không?
4.1. Tập hít thở đúng cách
Để bản thân ngồi ở một nơi yên tĩnh và bắt đầu tập thở với một tư thể thoải mái. Nhẹ nhàng nhắm mắt lại và thở nhịp nhàng. Trút hết không khí tồn đọng ra khỏi phổi. Tiếp theo hít không khí vào phổi bằng mũi nhằm đáp ứng tình trạng sau: không cử động phần vai và ngực, đồng thời thành bụng được mở rộng hướng ra ngoài.
Sau khi thực hiện động tác hít sâu thì bắt đầu thở bằng miệng để thành bụng xẹp xuống, vẫn phải đảm bảo không cử động vùng ngực và vai.
Tập hít thở đúng cách sẽ giúp phòng ngừa tình trạng hô hấp đảo ngược
4.2. Luyện tập thở đều
Bài tập thở đều có tác dụng giúp xoa dịu các dây thần kinh đang bị kích thích, ngoài ra còn giúp tạo cảm giác thư giãn và giảm căng thẳng cho bệnh nhân. Bạn có thể tập thở đều bất cứ khi nào, nhất là trong những trường hợp bạn không thể thở được hoặc trải qua tâm lý hoảng sợ, choáng ngợp.
Cách thực hiện như sau:
-
Thở đúng cách như đã hướng dẫn bên trên, sau đó bắt đầu hít thở sâu (đếm từ 1 - 4);
-
Khi đã hít sâu thì giữ hơi thở lại trong phổi, trong lúc này đếm giữ nhịp từ 1 - 4;
-
Thở ra từ từ, nhẹ nhàng theo nhịp từ 1 - 4;
-
Lặp lại quy trình này từ 1 - 2 phút.
Như vậy thông qua bài viết nêu trên chúng ta đã nắm được nguyên nhân, triệu chứng của hô hấp đảo ngược và cách xử trí khi gặp phải tình trạng này. Nếu hô hấp đảo ngược diễn ra thường xuyên thì có thể khiến bạn bị khó thở, kém hấp thu oxy, khó ngủ, cơ thể suy nhược và dễ gặp phải những biến chứng ngắn hạn và dài hạn. Thậm chí ở thể cấp tính do chấn thương hoặc liệt cơ hoành, hô hấp đảo ngược còn khiến bệnh nhân đối diện với nguy cơ tử vong rất cao. Do vậy cần hết sức cảnh giác và nếu bạn thường xuyên có những biểu hiện của hô hấp đảo ngược thì hãy đi khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Chuyên khoa Hô hấp - Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC là địa chỉ uy tín hàng đầu quy tụ đội ngũ y bác sĩ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm giúp thăm khám, chẩn đoán và tư vấn những vấn đề mà bạn đang gặp phải về hô hấp. Nếu có nhu cầu thăm khám hay có bất kỳ thắc mắc nào cần được giải đáp, hãy liên hệ ngay với MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56.