Thiếu máu là tình trạng có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào. Tình trạng này không những gây ra nhiều hệ lụy về sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Trường hợp thiếu máu nặng còn có khả năng đe dọa đến tính mạng người bệnh. Vậy thiếu máu uống thuốc gì sẽ giúp cải thiện sức khỏe? Chuyên gia của MEDLATEC sẽ giải đáp qua bài viết sau đây.
13/06/2023 | Thiếu máu và các cách phân độ thiếu máu 13/06/2023 | Thiếu máu do thiếu sắt: Nguyên nhân và cách phòng ngừa 13/06/2023 | Thiếu máu do đâu? nên ăn gì để cải thiện?
1. Kiến thức chung về bệnh thiếu máu
Thiếu máu là do cơ thể bị thiếu hụt hemoglobin hay các tế bào hồng cầu. Hiện tượng này sẽ làm giảm lưu lượng oxy được vận chuyển đến các mô, cơ cũng như những cơ quan khác. Khi một người bị thiếu máu thường sẽ có các dấu hiệu như khó thở, choáng váng, suy nhược, chóng mặt và mệt mỏi.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh thiếu máu xảy ra khoảng 1,62 tỷ người và con số này chiếm tỷ lệ 24,8% dân số trên toàn thế giới. Đa phần những trường hợp bị thiếu máu là có thể điều trị được nhưng sẽ cần dựa trên căn nguyên của thiếu máu là gì.
Thiếu máu sẽ khiến bạn cảm thấy mệt mỏi
Nguyên nhân gây ra thiếu máu được phân thành các loại như sau:
-
Thiếu máu do thiếu hụt vitamin thiết yếu: folate và vitamin B12 được coi là 2 yếu tố quan trọng tham gia vào quá trình sản xuất các tế bào hồng cầu. Nếu thiếu đi 2 dưỡng chất này người bệnh sẽ bị thiếu máu;
-
Thiếu máu do thiếu sắt: sắt rất cần thiết đối với tủy xương vì khoáng chất này giúp sản sinh hemoglobin, hỗ trợ tế bào máu luân chuyển oxy theo hệ tuần hoàn. Nếu bệnh nhân bị mất máu do kinh nguyệt, thoát vị, viêm loét hay ung thư ruột thì sẽ làm giảm hàm lượng hemoglobin gây thiếu máu;
-
Thiếu máu bất sản: một loại bệnh lý tự miễn, cản trở việc sản xuất hồng cầu và tác động đến tế bào tiểu cầu, bạch cầu;
-
Thiếu máu ác tính: xuất phát từ nguyên nhân cơ thể bất dung nạp vitamin B12 làm gián đoạn chu trình hình thành và phát triển của tế bào hồng cầu;
-
Thalassemia: một tình trạng rối loạn máu di truyền khiến cơ thể giảm sản xuất hemoglobin;
-
Thiếu máu do bệnh lý mạn tính như bệnh tự miễn, bệnh về thận, bệnh Crohn;
-
Thiếu máu hồng cầu hình liềm: một dạng thiếu máu tán huyết do bị lỗi huyết sắc tố, làm biến dạng các tế bào hình cầu (từ hình tròn thành hình liềm) khiến các tế bào này dễ bị tiêu hủy hơn. Đây là bệnh lý di truyền nên sẽ nhanh chóng biểu hiện ở trẻ sơ sinh từ khi mới ra đời, càng lớn bệnh sẽ càng nghiêm trọng hơn;
-
Thiếu máu do thuốc: thuốc nhóm NSAID, kháng sinh (levofloxacin, Cephalosporin), Penicillin, Dapsone, Nitrofurantoin, Methyldopa,...
2. Thiếu máu uống thuốc gì?
2.1. Sắt
Nếu bạn đang băn khoăn thiếu máu uống thuốc gì thì sắt là lựa chọn thích hợp. Có nhiều loại viên sắt đường uống được sản xuất và tung ra trên thị trường. Đa phần các trường hợp bị thiếu máu do thiếu sắt đều đáp ứng được những chế phẩm này. Uống thuốc sắt sẽ kích thích cơ thể sản xuất nhiều hơn hemoglobin và các tế bào hồng cầu cần thiết.
Nếu bệnh nhân không thể dung nạp sắt qua đường uống, mất máu nhiều không kịp bổ sung bằng dạng viên uống hay không tuân thủ điều trị thì bác sĩ sẽ chỉ định biện pháp thay thế là cho người bệnh sử dụng sắt theo đường tiêm.
Bạn có thể uống sắt kết hợp với vitamin C và khi bụng đói vì sắt hấp thụ tốt hơn trong môi trường acid. Thậm chí bạn có thể uống sắt cùng nước cam.
Nếu bạn đang băn khoăn thiếu máu uống thuốc gì thì sắt là lựa chọn thích hợp
2.2. Acid folic
Một nguyên nhân phổ biến khác dẫn đến thiếu máu đó là do cơ thể bị thiếu hụt acid folic. Điều này thường xảy ra ở những người nghiện rượu hoặc phụ nữ mang thai. Việc bổ sung acid folic nên được duy trì trong khoảng 4 tháng để tạo đủ thời gian giúp các tế bào hồng cầu bất thường (thiếu acid folic) bị phá hủy hoàn toàn, sau đó được thay thế bởi các tế bào hồng cầu mới.
2.2. Vitamin B12
Đối với những trường hợp bị thiếu máu do lượng vitamin B12 trong cơ thể không có đủ với các triệu chứng như tê bì, kiến bò ở tay chân, xét nghiệm có kết quả thiếu vitamin B12 thì nên bổ sung thêm loại vitamin này. Nhờ đó cơ thể bạn sẽ tiếp tục tạo ra những tế bào hồng cầu mới.
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và nguyên nhân gây thiếu máu sẽ quyết định số thời gian người bệnh nên dùng vitamin B12 là trong ngắn hạn hay dài ngày. Mặc dù hiếm khi xảy ra tác dụng phụ nhưng người bệnh cũng cần lưu ý đến các phản ứng như buồn nôn, nôn, chóng mặt, đau đầu.
Xét nghiệm vitamin B12 sẽ giúp bạn biết được bản thân có đang bị thiếu vitamin này hay không
Nhìn chung là có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu máu. Do đó việc quyết định phương thức điều trị còn dựa trên tình trạng bệnh, phân loại thiếu máu, tiền sử bệnh lý, tuổi tác và các loại thuốc mà bệnh nhân đang dùng.
3. Thuốc điều trị thiếu máu và các phản ứng phụ
Bên cạnh những công dụng mà các thuốc điều trị thiếu máu đem lại thì vẫn tồn tại một số nguy cơ về tác dụng phụ. Cụ thể:
-
Sắt: gây cảm giác buồn nôn, nôn mửa, đau bụng, ợ chua và táo bón;
-
Acid folate: khiến bệnh nhân cảm thấy buồn nôn, kém ăn, đầy hơi, khó ngủ;
-
Vitamin B12: tương tự như 2 thuốc trên, vitamin B12 cũng có thể dẫn tới triệu chứng buồn nôn, nôn ói, đau đầu và chóng mặt.
Trước khi sử dụng thuốc người bệnh nên tham khảo tư vấn từ bác sĩ, đồng thời đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, liều dùng thích hợp và các tác dụng phụ liên quan. Hãy thông báo cho bác sĩ danh sách các loại thuốc mà bạn đang sử dụng để hạn chế nguy cơ tương tác thuốc có thể xảy ra.
4. Nên ăn gì khi bị thiếu máu?
Nếu bạn đang gặp tình trạng thiếu máu thì ngoài việc dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, hãy quan tâm đến cả chế độ dinh dưỡng của bản thân. Bạn nên tăng cường bổ sung các loại thực phẩm chứa nhiều sắt như: cá, thịt đỏ, trứng, rau lá xanh, chế phẩm từ đậu nành. Ngoài ra để tăng cường khả năng hấp thụ sắt của cơ thể thì bạn nên uống nước cam, ăn các loại hoa quả tươi chứa nhiều vitamin C. Do trà, sữa và cà phê có khả năng làm cản trở quá trình hấp thu sắt nên bạn đừng uống cùng thời điểm dùng sắt và hạn chế sử dụng ở mức vừa phải. Đó là đối với những trường hợp thiếu máu do thiếu sắt.
Ở bệnh nhân bị thiếu máu do thiếu vitamin B12 thì nên bổ sung thịt gia cầm, cá, sữa và chế phẩm từ sữa, các món giàu acid folate như rau lá xanh đậm, đậu, cam quýt, cà chua,...
Bạn có thể bổ sung vitamin B12 từ thực phẩm
Để được chẩn đoán và tư vấn chi tiết hơn về tình trạng thiếu máu, bạn có thể liên hệ đặt lịch khám cùng các chuyên gia tại MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56.