Đối với cơ thể, hạch bạch huyết giữ vai trò như người giữ cửa để bảo vệ các hệ thống cơ quan trước sự xâm nhập của tác nhân lạ. Đây chính là một phần không thể thiếu của hệ miễn dịch nên khi hệ thống hạch bạch huyết có vấn đề bất thường thì cơ thể rất dễ bị nhiễm trùng. Bài viết dưới đây sẽ cùng bạn tìm hiểu chi tiết hơn về hệ này và các bệnh lý liên quan.
28/02/2023 | Chỉ số Lympho cao cảnh báo bệnh gì? 22/07/2021 | Cùng chuyên gia tìm hiểu lý do khiến hạch bạch huyết bị sưng 14/11/2020 | Hạch bạch huyết: Cấu trúc, chức năng và bệnh lý thường gặp
1. Cấu tạo và cơ chế hoạt động của hạch bạch huyết
Hạch bạch huyết là hệ thống phòng thủ đầu tiên của hệ miễn dịch, có chức năng như một bộ lọc thanh trừ phần tử lạ ra khỏi chất lỏng chạy qua mạch bạch huyết, nhờ đó mà cơ thể được bảo vệ trước sự tấn công của virus, vi khuẩn có nguy cơ gây nhiễm trùng, gây bệnh cho cơ thể.
Cấu tạo của hạch bạch huyết
Các hạch bạch huyết chỉ có kích thước khoảng vài mm và đường kính thường nhỏ hơn 2cm, hình dáng khá giống hạt đậu. Bên trong các hạch này là quần thể dày đặc gồm các tế bào bạch cầu (lympho) có nhiệm vụ trung hòa tác nhân lạ xâm nhập vào cơ thể.
Tế bào bạch cầu lympho trong hạch bạch huyết gồm 2 loại:
- Tế bào lympho B tạo ra kháng thể bám vào tác nhân gây hại rồi báo hiệu cho hệ thống miễn dịch biết về sự xâm nhập đó để tiêu diệt kẻ lạ tấn công cơ thể.
- Tế bào lympho T tạo ra phản ứng miễn dịch thích ứng với từng tác nhân lây nhiễm. Tế bào này không hoạt động sau khi đã bị nhiễm trùng nhưng sẽ tái hoạt động khi đối mặt lại với chính nhiễm trùng đó.
1.2. Cơ chế hoạt động hạch bạch huyết
Khi cơ thể xuất hiện các tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn,... các hạch bạch huyết sẽ tăng cường hoạt động để sản sinh ra tế bào bạch cầu lympho để tiêu diệt những tác nhân này. Từ đó gây ra hiện tượng nổi hạch hay sưng hạch.
Khi hạch sưng, dùng tay có thể sờ thấy và mắt thường có thể nhìn thấy, một số người cũng sẽ cảm thấy đau. Tuy nhiên, hạch bạch huyết không thể vô hiệu hóa tất cả tác nhân gây hại. Điển hình như tế bào ung thư do một khối u gần đó tạo ra, hạch bạch huyết không tiêu diệt được tế bào ung thư.
Hạch bạch huyết nằm rải rác khắp cơ thể. Người trưởng thành có khoảng 450 hạch. Hệ thần kinh trung ương không chứa hạch bạch huyết.
2. Các bệnh lý hạch bạch huyết thường gặp
2.1. Viêm sưng hạch bạch huyết
Đây là tình trạng hạch bị nhiễm trùng trong quá trình thực thi nhiệm vụ của mình. Hạch bạch huyết sưng viêm là do sự xâm nhập của vi khuẩn, virus, thường gặp nhất là liên cầu khuẩn cấp tính hoặc nhiễm trùng tụ cầu khuẩn.
Hạch bạch huyết bị sưng viêm
Viêm hạch bạch huyết có thể gặp trong trường hợp nhiễm trùng da nghiêm trọng, viêm amidan, nhiễm trùng huyết, viêm ruột mạn tính,... Bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh nhưng phổ biến hơn ở người có hệ miễn dịch kém.
Bệnh viêm hạch bạch huyết thường gây nên các triệu chứng:
- Nổi hạch hoặc không.
- Sưng, đau hạch, vùng nổi hạch màu đỏ hoặc tím, có thể thấy được mạch quản nổi lên bề mặt hạch.
- Cơ thể bị suy nhược, chán ăn, ớn lạnh, sốt, hay đổ mồ hôi về đêm.
- Sổ mũi, ho, đau họng,...
- Chân sưng phù do hệ bạch huyết bị tắc nghẽn.
Viêm hạch bạch huyết không được điều trị hiệu quả có thể bị viêm nặng hơn, áp xe hạch, nhiễm trùng huyết, viêm mô tế bào, nhiễm trùng da,...
2.2. Ung thư hạch bạch huyết
Bệnh còn được biết đến với tên khác là u lympho. Đây là căn bệnh nguy hiểm bởi khối u sẽ tàn phá hệ miễn dịch và nhanh chóng di căn đến các bộ phận của cơ thể.
Do triệu chứng của bệnh không rõ ràng nên nhiều người nhầm lẫn ung thư hạch bạch huyết với các bệnh ung thư khác. Trước khi xuất hiện khối u, người bệnh thường có triệu chứng:
- Thở ngắn, khó thở, sưng đường hô hấp.
- Sưng hạch.
- Thiếu máu.
- Hệ miễn dịch suy giảm nên dễ bị nhiễm trùng ở hệ thần kinh trung ương nên bị u nang não, viêm màng não.
- Hạch bạch huyết sưng, to dần về kích thước, thường không bám vào da. Khi bệnh tiến triển nặng hạch sẽ tách rời da và có thể di chuyển khi chạm vào.
Ung thư hạch bạch huyết xuất hiện qua 2 con đường: nguyên phát và thứ phát. Khối u ác tính có thể di căn từ vị trí khởi phát đến nhiều vị trí của cơ thể. Nếu tế bào ung thư tách khỏi khối u thì có thể di chuyển đến vị trí khác qua đường bạch huyết hoặc máu.
Các giai đoạn phát triển của bệnh ung thư hạch bạch huyết
Khi tế bào ung thư đến mạch bạch huyết thì khả năng cao chúng sẽ lan đến hạch bạch huyết. Số đông tế bào ung thư này bị tiêu diệt hoặc chết trước khi phát triển ở vị trí khác nhưng cũng có một số tế bào tồn tại ở một vị trí mới rồi từ đó sinh trưởng và hình thành nên khối u. Tình trạng này chính là di căn. Nếu tế bào ác tính di căn đến hạch bạch huyết thì thường di căn đến hạch ở gần khối u nguyên phát. Những hạch này sẽ tiêu diệt hoặc lọc bỏ tế bào ung thư.
Đây là bệnh viêm mạn tính xảy ra ở hệ thống hạch bạch huyết ngoại vi gây nên bởi vi khuẩn lao. Vị trí lao hạch phổ biến nhất gặp ở nhóm hạch vùng cổ, nhất là dọc theo cơ ức đòn chũm. Bệnh thường tiến triển qua 3 giai đoạn với các triệu chứng:
- Giai đoạn đầu: hạch có kích thước không đều, sưng và có khả năng di động tốt.
- Giai đoạn sau: hạch bị viêm, vùng mô quanh hạch cũng viêm, khả năng di động của hạch hạn chế và có thể dính thành chùm.
- Giai đoạn nhuyễn hoá: hạch sưng và mềm dân, tấy đỏ ở vùng da có hạch nhưng không đau và cũng không nóng. Nếu hóa mủ, hạch rất dễ vỡ. Nếu hạch tự vỡ sẽ tạo thành các lỗ rò trên da, thời gian lành lâu, hình thành sẹo lồi, sùi trắng, nhăn nhúm hoặc phát triển thành các dây chằng xơ.
Người bị lao hạch thường không thay đổi về tổng trạng trừ khi mắc kèm bệnh lý lao ngoài phổi khác hoặc lao phổi, bị bội nhiễm. Vi khuẩn lao chỉ khu trú ở hạch chứ không bùng phát ra bên ngoài nên bệnh không có khả năng lây qua đường tiếp xúc.
Có rất nhiều vấn đề liên quan gián tiếp hoặc trực tiếp đến hạch bạch huyết, với nhiều mức độ khác nhau. Hạch sưng viêm có thể sờ thấy hoặc không. Khi hạch bạch huyết sưng, nóng là thời điểm cần phải theo dõi vì đây có thể là dấu hiệu bất thường cảnh báo bệnh lý nguy hiểm.
Ngoài ra, khám tổng quát định kỳ hay khi có các dấu hiệu bất thường như sưng, đau hạch cũng là cách phòng ngừa, phát hiện sớm các vấn đề của cơ thể. Thông qua thăm khám lâm sàng, chỉ định xét nghiệm phù hợp như: siêu âm, chọc hút tế bào hạch, xét nghiệm máu, sinh thiết hạch,… bác sĩ sẽ tìm ra chính xác nguyên nhân và đưa ra phương án điều trị phù hợp với từng trường hợp bệnh nhân.
Những thông tin được chia sẻ trên đây hy vọng sẽ giúp quý khách hàng hiểu hơn về các bệnh lý liên quan đến hạch bạch huyết để chủ động phòng ngừa, xử trí sớm bất thường.
Quý khách có nhu cầu thăm khám, sàng lọc bệnh lý hạch bạch huyết có thể liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 để tìm hiểu chi tiết, đặt trước lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC, Tổng đài viên sẽ hỗ trợ quý khách 24/7.