Áp xe phổi là tình trạng nhiễm trùng tại phổi gây tích tụ dịch mủ, sưng đau và hoại tử mô phổi. Áp xe phổi nguyên phát là nhiễm trùng khởi phát và gây mưng mủ tại phổi, còn áp xe phổi thứ phát là nhiễm trùng tiến triển từ các cơ quan mắc bệnh khác. Cần chẩn đoán và điều trị sớm tránh áp xe phổi tiến triển đến biến chứng nguy hiểm.
29/01/2021 | Cảnh báo tình trạng nguy hiểm khi bị áp xe răng 26/01/2021 | Áp xe có nguy hiểm không, khi nào cần phải mổ áp xe? 04/01/2021 | Làm sao để nhận biết dấu hiệu ung thư phổi từ sớm?
1. Bệnh áp xe phổi và triệu chứng
Đây là bệnh lý do viêm nhiễm hoại tử cấp tính không phải lao, tác nhân gây bệnh phổ biến là các loại nấm, vi khuẩn, ký sinh trùng gây viêm nhiễm, hoại tử nhu mô phổi. Tác nhân gây bệnh này có thể đi theo đường hô hấp vào phổi hoặc do nhiễm trùng bộ phận khác lan sang.
Áp xe phổi là tình trạng nhiễm trùng phổi tích dịch mủ
Ổ mủ hình thành hầu hết là xác bạch cầu chết và các vi sinh vật gây bệnh, do không có đường thoát ra ngoài nên tạo thành các ổ tích tụ trong phổi. Dịch mủ tích tụ càng lâu thì nguy cơ gây hoại tử mô phổi xung quanh càng cao.
Căn bệnh này đang chiếm khoảng 4,8% tổng số ca bệnh về phổi. Áp xe phổi thường gặp hơn ở các bệnh nhân mắc bệnh lý nền về phổi như: nhồi máu phổi, ung thư phổi, chấn thương lồng ngực hở,… Áp xe phổi kết hợp với bệnh lý nền gây khó khăn trong điều trị và nguy cơ biến chứng cao.
Tùy theo diễn tiến bệnh, triệu chứng của áp xe phổi có thể khác nhau. Cụ thể, bệnh được chia thành các giai đoạn phát triển sau:
Sốt cao là triệu chứng điển hình của nhiễm trùng
Giai đoạn ổ mủ kín
Lúc này các ổ mủ đang hình thành và mở rộng do dịch mủ không ngừng được tạo ra. Kích thước ổ mủ vẫn nằm trong giới hạn phổi, chưa gây nhiều ảnh hưởng song sẽ tăng dần kích thước rất nhanh. Triệu chứng của giai đoạn này có thể khá mờ nhạt, bao gồm tình trạng ho, đau ngực, sốt trên 39 - 40 độ C kèm với khạc đờm nhiều, có thể kèm theo biếng ăn hoặc giảm cân.
Giai đoạn ộc mủ
Ở giai đoạn này, áp xe phổi bị vỡ ra do mủ tích tụ quá nhiều, triệu chứng bệnh cũng ồ ạt và nguy hiểm hơn. Đặc biệt là tình trạng ho, đau tăng lên, cùng với mỗi cơn ho dữ dội bệnh nhân có thể ộc ra nhiều mủ hoặc đàm lẫn máu.
Giai đoạn ộc mủ thường xuất hiện sau 6 - 15 ngày kể từ khi khởi phát triệu chứng. Sức khỏe của bệnh nhân suy giảm nghiêm trọng, nhất là sau cơn ộc mủ, người mệt lả, vã mồ hôi. Sau đó cơ thể cảm thấy dễ chịu hơn nhưng nếu áp xe nhiễm trùng không được điều trị triệt để, triệu chứng sẽ tái phát nguy hiểm hơn.
Giai đoạn ổ mủ thông với phế quản
Ở giai đoạn này, người bệnh vẫn bị ho dai dẳng song triệu chứng bệnh không quá ồ ạt và nặng nề. Tình trạng ho xảy ra nhiều hơn khi thay đổi tư thế hoặc theo tác nhân kích thích gây ho.
Chụp X-quang thường dùng trong chẩn đoán áp xe phổi
Ngoài dựa trên dấu hiệu lâm sàng, bác sĩ chẩn đoán cần dựa trên các dấu hiệu cận lâm sàng như hình ảnh chụp X-quang phổi, xét nghiệm máu,… Ở giai đoạn ổ mủ kín, ảnh X-quang thấy đám mờ khá rộng, bờ nham nhở và không thuần nhất. Nếu áp xe vỡ, mủ vào màng phổi sẽ thấy hình ảnh mức nước mức hơi ở khoang phổi. Áp xe càng nặng thì tình trạng ổ mủ càng nhiều, chiếm hết khu vực phổi. Bên cạnh đó, xét nghiệm máu thấy bạch cầu và tốc độ máu lắng tăng, đây là phản ứng của hệ miễn dịch đang chống lại tác nhân gây bệnh.
2. Áp xe phổi nguy hiểm như thế nào bạn đã biết?
Bệnh nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như:
Tràn mủ màng phổi
Khi ổ áp xe bị vỡ ra, mủ thông với màng phổi gây viêm nhiễm, hoại tử phổi,…
Vỡ mạch máu
Khi ổ áp xe nằm gần rốn phổi, dịch tích tụ tăng có thể chèn ép làm vỡ mạch máu. Đây là biến chứng cấp tính nguy hiểm, nếu không cấp cứu kịp thời, chảy máu trong có thể khiến người bệnh tử vong.
Nhiễm trùng máu
Khi vi khuẩn xâm nhập từ ổ áp xe vào máu, có thể gây ra tình trạng sốc nhiễm trùng khiến bệnh nhân tử vong nhanh chóng. Trong điều trị phải theo dõi và phòng ngừa nhiễm trùng máu gây biến chứng hoặc lây lan nhiễm trùng đến các cơ quan khác.
Nhiễm trùng máu nếu không được can thiệp kịp thời có thể khiến người bệnh tử vong
Tuy nhiên đa phần các trường hợp áp xe phổi được chẩn đoán và điều trị có thể phục hồi hoàn toàn và không để lại biến chứng đáng lo ngại nào.
3. Các phương pháp điều trị áp xe phổi hiệu quả
Ngoài chẩn đoán xác định tình trạng, vị trí và mức độ áp xe phổi, cần chẩn đoán phân biệt bệnh với các bệnh lý dễ nhầm lẫn khác như: kén khí phổi bội nhiễm, ung thư phổi áp xe hóa, lao phổi có hang, giãn phế quản hình túi cục bộ,…
Việc chẩn đoán cần tiến hành nhanh vì áp xe phổi có thể vỡ và gây biến chứng nhanh chóng. Điều trị bệnh có thể độc lập hoặc kết hợp các phương pháp sau:
3.1. Điều trị nội khoa
Thuốc kháng sinh có vai trò quan trọng trong điều trị bệnh nhiễm trùng nói chung và áp xe phổi nói riêng. Cần dùng kháng sinh sớm liều cao, và phối hợp kháng sinh theo phác đồ. Liệu trình dùng kháng sinh có thể thay đổi dựa trên hiệu quả điều trị và triệu chứng lâm sàng. Dùng kháng sinh đúng, đủ thời gian và liều lượng sẽ giúp điều trị nhiễm trùng triệt để, tránh tái phát.
Dẫn lưu ổ áp xe cũng cần thực hiện sớm sau khi xác định được vị trí và mức độ áp xe. Dẫn lưu tư thế, vỗ rung lồng ngực cần thực hiện nhiều lần cho đến loại bỏ hoàn toàn ổ áp xe. Các trường hợp nặng hơn có thể dùng dẫn lưu ống mềm qua phế quản hoặc chọc dẫn lưu mủ qua da.
3.2. Điều trị hỗ trợ
Điều trị hỗ trợ bằng thuốc điều trị triệu chứng sẽ giúp bệnh nhân dễ chịu hơn như: thuốc kháng viêm, thuốc hạ sốt, thuốc giảm đau,… Bên cạnh đó cần lưu ý đến chế độ dinh dưỡng đầy đủ, giúp tăng cường sức khỏe và cân bằng điện giải.
Phẫu thuật là cần thiết với các trường hợp áp xe phổi lớn, nguy cơ biến chứng cao
3.3. Phẫu thuật
Với các trường hợp ổ áp xe kích thước lớn, đe dọa biến chứng nguy hiểm, không đáp ứng với điều trị nội khoa hoặc áp xe phổi trên bệnh lý nền thì phẫu thuật có thể được tiến hành. Phẫu thuật dẫn lưu loại bỏ ổ mủ sẽ giúp loại bỏ nhanh ổ viêm nhiễm, tuy nhiên vẫn cần điều trị kéo dài bằng kháng sinh và chăm sóc.
Với bệnh áp xe phổi, chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giúp ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm đe dọa đến sức khỏe và tính mạng người bệnh. Vì thế ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ, hãy sớm tới chuyên khoa hô hấp kiểm tra và điều trị.