Áp xe là hiện tượng cơ thể bị nhiễm trùng, hệ miễn dịch sẽ thực hiện công việc tiêu diệt vi khuẩn, từ đó hình thành nên một ổ dịch. Áp xe hình thành gây ra sự đau đớn cũng như nguy hiểm cho người mắc. Vậy nguyên nhân, cách phòng ngừa như thế nào cũng như có cần phải mổ áp xe hay không. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết sau đây.
16/01/2021 | Trẻ chích ngừa bị áp xe, cha mẹ cần làm gì cho đúng? 30/10/2020 | Áp xe hậu môn: Nguyên nhân, dấu hiệu các phương pháp phòng tránh 10/09/2020 | Các phương pháp chẩn đoán áp xe phổi chính xác
1. Tình trạng áp xe là gì?
Áp xe là sự hình thành một túi chứa đầy dịch mủ, túi dịch mủ được hình thành do cơ chế miễn dịch tự nhiên. Khi cơ thể bị xâm nhập bởi các loại vi khuẩn hay vi trùng thì hệ miễn dịch sẽ được kích hoạt để loại bỏ chúng, các bạch cầu trong cơ thể sẽ được điều động đến nơi bị nhiễm trùng để thực hiện nhiệm vụ. Dịch mủ trong ổ áp xe chứa một hỗn hợp, bao gồm các tế bào bạch cầu, xác vi trùng và các mảnh tế bào chết.
Một ổ áp xe được phát hiện trên nướu
Triệu chứng của áp xe
Một ổ áp xe có thể hình thành ở mọi vị trí trong cơ thể. Triệu chứng chung và phổ biến của chúng là: sốt, khó chịu, xuất hiện vùng sưng đỏ (ngoài da), nôn mửa,…
-
Áp xe dưới da: ví dụ áp xe cơ, áp xe răng, áp xe vú,… thường có triệu chứng rõ ràng, sưng tấy, đau ở vùng sưng, vết sưng mềm chứa dịch mủ, sờ thấy mềm,… dễ chẩn đoán và điều trị.
-
Áp xe trong cơ thể: ví dụ áp xe quanh hậu môn, áp xe gan, áp xe phổi, áp xe thận,… Triệu chứng không rõ ràng, khó nhận biết tuy có những thay đổi nhỏ bên trong cơ thể. Áp xe nội cần phải nhờ đến các thăm dò chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, chụp cắt lớp vi tính mới đánh giá được.
Nguyên nhân gây ra áp xe
Việc hình thành áp xe có rất nhiều nguyên nhân:
-
Các nguyên nhân thường gặp là do nhiễm trùng, nhiễm ký sinh trùng hoặc chất lạ, do hệ miễn dịch suy yếu và khả năng chống nhiễm trùng bị suy giảm.
-
Những nguyên nhân ít gặp hơn như: hóa trị, bệnh tiểu đường, ung thư, AIDS, bệnh hồng cầu hình liềm, bạch cầu,viêm loét dạ dày,…
-
Một số nguyên nhân khác như vệ sinh kém, tuần hoàn kém cũng gây ra ổ áp xe.
Hình ảnh cắt lớp vi tính của một ổ áp xe chứa đầy dịch mủ ở gan
2. Cần làm gì khi bị áp xe
Đối với ổ áp xe nhỏ
Thường thì những ổ áp xe nhỏ trên da sau một thời gian sẽ tự khô dịch mủ và lành lại. Một số trường hợp nặng hơn phải sử dụng thuốc và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
Đối với ổ áp xe lớn
Những ổ áp xe lớn hoặc bên trong cơ thể thường có tính nguy hiểm cao hơn rất nhiều so với các ổ áp xe nhỏ. Vì thế, cần phải làm phẫu thuật mổ áp xe để giải quyết vấn đề nhiễm trùng này.
3. Mổ áp xe là gì và các trường hợp cần chỉ định
Mổ áp xe là làm một cuộc phẫu thuật chích hút hoặc rạch để lấy dịch mủ ra khỏi ổ, giúp vết nhiễm trùng mau lành và không gây nguy hiểm cho người bị. Vậy mổ áp xe có quy trình như thế nào, trường hợp áp xe nào cần mổ. Chúng ta hãy cùng tiếp tục theo dõi.
Quy trình mổ áp xe
-
Gây tê xung quanh khu vực áp xe, rất khó để gây tê hoàn toàn nên chỉ gây tê một vùng áp xe để giảm đau trong quá trình phẫu thuật. Bạn cũng có thể được uống một liều an thần để giảm đau.
-
Bôi thuốc sát khuẩn và đặt khăn vô trùng xung quanh vùng cần phẫu thuật
-
Rạch ổ áp xe để dịch mủ và các tế bào chết được đưa ra ngoài, đối với các ổ áp xe nội cần đưa ống kim vào để hút hết dịch mủ ra.
-
Khi lấy được hết dịch mủ ra, các bác sĩ phẫu thuật sẽ chèn gạc vào trong để cầm máu, vết thương sau đó được để hở 1 - 2 ngày. Đối với các ổ áp xe nội sau khi lấy dịch mủ sẽ tiến hành khâu đường mổ.
-
Sau đó, bác sĩ phẫu thuật sẽ tiến hành băng vết thương và hướng dẫn chăm sóc tại nhà.
-
Hầu hết bệnh nhân sẽ thấy dễ chịu ngay sau khi mổ. Nếu vẫn còn cảm thấy đau thì bác sĩ sẽ kê cho bạn 1 - 2 ngày uống giảm đau.
Các trường hợp áp xe cần mổ thường gặp
Áp xe quanh hậu môn
-
Nhiễm trùng quanh hậu môn là sự hình thành các khoang chứa dịch mủ ở trực tràng và các vùng quanh hậu môn, gây nên cảm giác đau nhức trực tràng kéo dài và đau nặng hơn khi cử động mạnh và kéo căng. Bên cạnh đó là những triệu chứng như sốt, táo bón, khó tiểu.
-
Nguyên nhân là do trực tràng và các tuyến tạo chất nhầy bị nhiễm trùng bởi vi khuẩn.
-
Để chẩn đoán áp xe quanh hậu môn bác sĩ sẽ dựa vào tiền sử bệnh của bệnh nhân, kiểm tra trực tràng để xác định tình trạng.
-
Sau đó sẽ tiến hành phẫu thuật mổ áp xe, chích hút ổ áp xe.
-
Biến chứng thường gặp: hồi phục không hoàn toàn, áp xe tái phát và hình thành dò hậu môn.
Ca phẫu thuật áp xe hậu môn đang được thực hiện
Áp xe vú
-
Áp xe vú vú là hiện tượng nhiễm trùng sâu trong các tuyến vú do vi khuẩn, thường gặp ở phụ nữ trong thời kỳ sinh đẻ và nuôi con. Áp xe vú gây sưng đau, chảy mủ từ núm vú gây hại cho sức khỏe của mẹ và bé.
-
Để giải quyết ổ áp xe ở vú, các bác sĩ cũng tiến hành phẫu thuật mổ áp xe vú, chích rạch để tháo mủ, nếu ổ áp xe nông dưới da thì các biện pháp chích hút, nặn mủ sẽ được thực hiện.
-
Vết mổ sau phẫu thuật sẽ dài khoảng 5 - 8cm, từ 2 - 3 tuần thành sẹo nhưng khoảng 6 tuần sau sẹo sẽ co lại rõ ràng và lẫn vào màu da nên không ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ.
-
Biến chứng thường gặp: vết mổ có thể sẽ sưng mủ nên phải thường xuyên đi tái khám để kịp thời chữa trị.
Áp xe răng
-
Áp xe răng là tình trạng ở chân răng bị xuất hiện các túi mủ, răng sưng đau, có thể chảy mủ ra ngoài, miệng có mùi khó chịu do dịch mủ. Áp xe răng ảnh hưởng lớn đến công việc sinh hoạt thường ngày của người mắc nặng hơn là mất răng thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
-
Vệ sinh răng miệng không đúng cách là nguyên nhân chủ yếu gây áp xe răng, bên cạnh đó còn có các nguyên nhân như: viêm nha chu, lấy tủy thất bại, bị sâu răng và viêm tủy nhưng chủ quan khiến cho bệnh ngày càng nặng hơn, tiểu đường, tim mạch khiến vi khuẩn dễ xâm nhập và gây tình trạng áp xe răng.
-
Để giải quyết những ổ áp xe răng cũng cần làm phẫu thuật chích rạch ổ mủ để lấy mủ ra ngoài, bên cạnh đó sẽ sử dụng thêm kháng sinh để vết thương không còn đau nhức, sưng tấy.
4. Chăm sóc vết thương sau phẫu thuật mổ áp xe
-
Chế độ ăn uống: tránh các món ăn có thể ảnh hưởng không tốt đến việc làm lành vết thương.
-
Vệ sinh: tránh bụi bẩn để ngăn sự xâm nhập của vi khuẩn, rửa vết thương bằng nước ấm, thay băng gạc thường xuyên hoặc đến các cơ sở y tế để tránh việc làm sai ảnh hưởng đến vết thương.
-
Nghỉ ngơi vận động bằng những bài tập nhẹ nhàng.
-
Tái khám thường xuyên để nắm bắt tình hình phục hồi, phòng tránh viêm nhiễm.
Thay băng và vệ sinh vết thương hằng ngày để tránh nhiễm trùng
Mổ áp xe là một hình thức phẫu thuật đang rất phổ biến để giải quyết các vấn đề về nhiễm trùng cả bên trong và bên ngoài cơ thể. Khi cần thực hiện, người bệnh nên lựa chọn những địa điểm phẫu thuật đáng tin cậy và uy tín. Bên cạnh đó, lời khuyên tốt nhất của chuyên gia là hãy giữ cho mình một thói quen ăn uống và sinh hoạt lành mạnh để không mắc phải những vấn đề nguy hại đến sức khỏe.