Hệ miễn dịch khỏe mạnh là nền tảng sức khỏe quan trọng để trẻ tăng trưởng, phát triển tốt trong độ tuổi này cũng như trong tương lai. Do vậy, tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ là việc hết sức cần thiết, giúp trẻ đủ sức khỏe để chống chọi lại với các tác nhân gây bệnh cũng sự phát triển toàn diện.
05/03/2022 | Ăn gì phòng chống Covid, tăng sức đề kháng? 29/10/2021 | Bác sĩ hướng dẫn tăng sức đề kháng cho trẻ thời điểm giao mùa 01/08/2020 | Người bệnh mạn tính, sức đề kháng yếu đặc biệt đề phòng Covid - 19 chủng mới
1. Miễn dịch của trẻ hình thành và duy trì thế nào?
Trước khi tìm hiểu về biện pháp tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ, cần biết cơ chế hoạt động và duy trì của rào chắn sức khỏe này ở con người. Trẻ sơ sinh chưa thể tự hình thành kháng thể chống lại tác nhân gây bệnh, do đó hệ miễn dịch còn non nớt và cần nhận kháng thể từ mẹ thông qua sữa mẹ. Theo thời gian khi trẻ lớn lên, hệ miễn dịch khỏe mạnh hơn và trẻ có thể tự hình thành kháng thể chống lại bệnh.
Hệ miễn dịch khỏe mạnh giúp trẻ khỏe mạnh, ít mắc bệnh
Như vậy, cơ thể trẻ sẽ được bảo vệ từ kháng thể hệ miễn dịch qua các nguồn:
-
Kháng thể mẹ truyền cho thai nhi trong quá trình mang thai thông qua nhau thai.
-
Kháng thể từ nguồn sữa mẹ cung cấp cho bé trong những tháng năm đầu sau sinh.
-
Kháng thể hình thành khi hệ miễn dịch của trẻ đã tự hoạt động và khi tiếp xúc với tác nhân gây bệnh.
Hệ miễn dịch hoạt động tốt sẽ giúp trẻ ngăn chặn, tiêu diệt những mầm bệnh nguy hiểm luôn hiện hữu ngoài môi trường xâm nhập vào cơ thể. Từ đó quyết định sức khỏe của trẻ có tốt và tăng trưởng khỏe mạnh hay không.
2. Khi nào nên tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ?
Thực tế cơ thể trẻ hay bất cứ ai cũng luôn cần sự bảo vệ của hệ miễn dịch, khi màng chắn bảo vệ này suy yếu là lúc vi khuẩn, virus tấn công gây bệnh. Tuy nhiên ở những thời điểm sau, hệ miễn dịch của trẻ dễ bị suy yếu và dễ mắc bệnh hơn nên cha mẹ cần chú ý tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ.
Khi thời tiết thay đổi, miễn dịch của trẻ yếu nên dễ mắc bệnh hơn
2.1. Khi thời tiết thay đổi
Khi thời tiết giao mùa, nhiệt độ thay đổi nhanh cùng với thời tiết thất thường khiến cơ thể trẻ không kịp thích nghi, hệ miễn dịch cũng hoạt động kém hơn. Do vậy, cần chú ý giữ ấm, bảo vệ và tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ cho trẻ.
2.2. Khi trẻ bắt đầu đi học mẫu giáo
Môi trường nhà trẻ, mẫu giáo là nơi có đông trẻ nhỏ - đối tượng dễ mắc bệnh nhiễm trùng do miễn dịch yếu. Vì thế trẻ dễ bị lây nhiễm bệnh từ các trẻ khác cùng với thói quen sinh hoạt, ăn uống thay đổi là điều kiện thuận lợi. Rất nhiều trẻ khi mới đi học sẽ thường ốm nhiều, ốm liên tục nên cần tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ để trẻ khỏe mạnh đến trường.
2.3. Trong mùa dịch
Trẻ nhỏ với hệ miễn dịch yếu là đối tượng dễ mắc bệnh, dễ bị tổn thương nhất trong mùa dịch. Do vậy, cần có biện pháp bảo vệ, ngăn ngừa trẻ tiếp xúc với người mắc bệnh và tăng cường sức đề kháng tự nhiên.
3. Các biện pháp tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ
Làm sao để tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ là thắc mắc của nhiều bậc phụ huynh, dưới đây là những thông tin hữu ích để trẻ luôn khỏe mạnh và phát triển tốt.
Dinh dưỡng đầy đủ là biện pháp đơn giản và hiệu quả để tăng cường miễn dịch
3.1. Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ
Biện pháp tự nhiên và hiệu quả nhất để trẻ phát triển hệ miễn dịch khỏe mạnh đó là cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong ít nhất 6 tháng đầu tiên sau sinh, sau đó duy trì kết hợp với ăn dặm trong 24 tháng tiếp theo. Từ sữa mẹ, cơ thể bé được cung cấp các kháng thể, tế bào bạch cầu hoạt động thay thế cho hệ miễn dịch đang hoàn thiện để chống lại các bệnh nhiễm trùng.
Hơn nữa, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, sữa mẹ tốt cho sự phát triển trí não của trẻ, chống lại bệnh tiểu đường và làm giảm nguy cơ phát triển các bệnh viêm nhiễm nguy hiểm. Đặc biệt là sữa non mà mẹ tiết ra trong những ngày đầu sau sinh rất giàu kháng thể có giá trị, vì vậy cần cho trẻ sau sinh bú sữa mẹ càng sớm càng tốt.
Ngoài ra, trẻ lớn lên bắt đầu ăn dặm hoặc đã ăn thức ăn hoàn toàn cần được tính toán chế độ ăn đa dạng, đầy đủ thành phần cũng như hàm lượng chất dinh dưỡng cần thiết cho sự hoàn thiện của hệ miễn dịch. Hệ miễn dịch hoạt động tốt là khi có sự hỗ trợ, phối hợp của nhiều chất dinh dưỡng trong cơ thể n như: Selen, sắt, Vitamin C, Vitamin A, Vitamin D, protein,...
Nguồn thực phẩm giàu các chất này bao gồm thực vật có lá màu xanh đậm, đậu xanh, dâu tây, cam, cà rốt, thịt đỏ, thịt gia cầm,... Cùng với đó, chất xơ là nhóm dinh dưỡng có lợi cho đường ruột, được vi sinh vật đường ruột phân hủy và tạo thành sản phẩm kích thích hoạt động của tế bào miễn dịch.
Chế độ dinh dưỡng tốt giúp trẻ khỏe mạnh, miễn dịch kháng bệnh hiệu quả
Ngoài chế độ ăn uống hàng ngày, mẹ cũng cần chú ý bổ sung thêm các sản phẩm chứa Vitamin và các dinh dưỡng vi lượng để hệ miễn dịch khỏe mạnh. Khi cho trẻ dùng các thực phẩm này, cần có hướng dẫn của các chuyên gia y tế để được hướng dẫn liều dùng và thời gian thích hợp.
3.2. Tạo cho trẻ thói quen sinh hoạt lành mạnh
Để có một sức khỏe, sức đề kháng tốt, cần lưu ý rèn luyện cho trẻ các thói quen tốt sau:
Ngủ đủ giấc
Giấc ngủ có vai trò quan trọng với sức khỏe cũng như hệ miễn dịch, ngủ thiếu giấc, mất ngủ, ngủ không ngon giấc là yếu tố dẫn đến giảm sức đề kháng, giảm số lượng tế bào miễn dịch. Từ đó, trẻ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Cha mẹ cần chú ý thời gian ngủ cần thiết trong ngày của trẻ sẽ tùy theo độ tuổi như sau:
-
Trẻ sơ sinh cần ngủ từ 18 - 20 giờ mỗi ngày.
-
Trẻ mới biết đi và trẻ lớn hơn ngủ từ 12 - 13 giờ mỗi ngày.
-
Trẻ mẫu giáo ngủ khoảng 10 giờ mỗi ngày.
-
Không nên bắt ép trẻ học quá nhiều, thức quá khuya chơi khiến giấc ngủ rối loạn.
Tập thể dục thường xuyên
Việc tập luyện thể dục hàng ngày giúp tăng số lượng tế bào miễn dịch cho cơ thể rất tốt, nhất là ở trẻ nhỏ. Muốn trẻ hình thành thói quen này, cha mẹ cũng cần là tấm gương tốt cùng bé tập luyện mỗi ngày, hãy hướng trẻ đến các môn thể thao lành mạnh, phát triển thể chất như: đạp xe, trượt băng, bơi lội,...
Tập thể dục cũng là biện pháp giúp tăng cường sức khỏe, miễn dịch cho trẻ
Giữ gìn vệ sinh cá nhân
Trẻ cần biết cách tự vệ sinh và giữ gìn cơ thể sạch sẽ, từ đó giảm nguy cơ tiếp xúc với tác nhân gây bệnh. Từ đó số lượng tế bào miễn dịch của trẻ cũng được duy trì. Các thói quen tốt mà cha mẹ nên tập luyện cho trẻ bao gồm: rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, đánh răng 2 lần/ngày, đeo khẩu trang khi đến nơi đông người, nhất là trong mùa dịch.
Có thể thấy, tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ là một quá trình dài cần sự nỗ lực, cố gắng của cả cha mẹ lẫn bé song sẽ đem lại kết quả tốt giúp trẻ khỏe mạnh, phát triển tốt cả về thể chất lẫn tinh thần. Nếu cần tư vấn thêm, liên hệ với MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ.