Nhiệt miệng là tình trạng phổ biến rất nhiều người mắc phải. Tuy không gây quá nhiều nguy hiểm đến sức khỏe nhưng lại ảnh hưởng không nhỏ đến chức năng nhai cắn, giao tiếp hàng ngày. Do đó để nhanh chóng loại bỏ những nốt nhiệt miệng khó chịu này, cách tốt nhất đó là sử dụng các loại thuốc bôi nhiệt miệng.
09/12/2022 | Các thuốc trị nhiệt miệng và cách phòng ngừa hiện tượng này 12/09/2022 | Nhiệt miệng trong cổ họng và những điều không nên bỏ qua 15/04/2022 | Nhiệt miệng: nguyên nhân, cách khắc phục và phòng ngừa
1. Một số loại thuốc bôi nhiệt miệng hiệu quả
1.1. Thuốc bôi nhiệt miệng Oral Nano silver
Thành phần chủ yếu của thuốc này đó là các loại thảo dược tự nhiên bao gồm dịch chiết hoa hòe, kim ngân hoa, cam thảo và mật ong. Thuốc có tác dụng làm dịu, làm sạch và mát miệng, từ đó giúp loại bỏ vi khuẩn, đánh bay mùi hôi miệng, hạn chế tình trạng sâu răng, viêm chân răng.
Oral Nano Silver là thuốc bôi nhiệt miệng có độ lành tính và an toàn cao nên dùng được cho cả phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ. Tuy nhiên do phần lớn thành phần của thuốc đều được chiết xuất từ tự nhiên nên cần sử dụng một thời gian mới thấy được hiệu quả.
Thuốc Oral Nano Silver
Hướng dẫn cách bôi thuốc:
-
Đánh răng và súc miệng sạch sẽ để loại bỏ bớt vi khuẩn trong khoang miệng;
-
Lấy ra một lượng kem nhỏ và bôi lên vết nhiệt miệng. Tốt nhất bạn nên bôi kem trước khi đi ngủ để thuốc có thời gian ngấm hoàn toàn sau một đêm;
-
Nếu vết nhiệt miệng lớn hoặc nhiều nốt thì có thể bôi thuốc khoảng 2 - 3 lần/ngày sau khi dùng bữa.
1.2. Thuốc bôi nhiệt miệng Gengigel
Đây là loại thuốc bôi dạng gel giúp điều trị các vấn đề về nướu (viêm nướu, chảy máu, tụt nướu,...) nhờ trong thuốc có chứa thành phần chính là Axit hyaluronic, Alcohol, Xylitol, Aqua, Sodium Hydroxide,... có tác dụng kích thích sự phát triển của các mô khỏe mạnh, ngăn ngừa tái nhiễm trùng.
Cách sử dụng:
-
Lấy một lượng thuốc vừa đủ bằng ngón tay hoặc tăm bông, sau đó nhẹ nhàng thoa thuốc lên vết nhiệt miệng;
-
Dùng thuốc từ 3 - 4 lần/ngày sẽ giúp làm dịu cơn đau do nhiệt miệng gây ra.
Thuốc bôi nhiệt miệng Gengigel
Thuốc có thể khiến bạn cảm thấy chóng mặt, nhức đầu và ngứa ran nơi tiếp xúc với thuốc. Đây là những tác dụng phụ do gel gây ra nên nếu thấy tình trạng này không thuyên giảm, bạn nên ngừng sử dụng thuốc và hỏi ý kiến nha sĩ.
1.3. Thuốc bôi nhiệt miệng Oracortia
Hoạt chất chính chứa trong Oracortia đó là Triamcinolone acetonide - một dạng glucocorticoid có flour với công dụng ngăn cản hoạt động của các chất kích thích tình trạng viêm. Nhờ đó khi bôi thuốc lên vết nhiệt miệng bạn sẽ cảm thấy bớt sưng đau, nóng rát và giảm sưng loét niêm mạc.
Thuốc chỉ cần dùng trong thời gian ngắn đã đem lại hiệu quả. Tuy nhiên không nên quá lạm dụng thuốc này vì có thể gây rạn da, mỏng da, teo da, kích ứng hoặc nhiễm trùng thứ phát. Ngoài ra không nên dùng Oracortia đối với người bị loét hạch, mụn trứng cá đỏ, nhiễm herpes, nhiễm nấm và chưa được chứng minh an toàn đối với phụ nữ có thai.
Thuốc bôi nhiệt miệng Oracortia
Cách dùng thuốc tương tự như các thuốc bôi nhiệt miệng khác, chỉ cần dùng khoảng 2 - 3 lần/ngày và có thể bôi trước giờ đi ngủ để thuốc phát huy tối đa tác dụng qua đêm.
1.4. Thuốc bôi nhiệt miệng Urgo
Đặc điểm của loại thuốc bôi này khá đặc biệt, hoạt động tương tự như một miếng băng urgo bởi vì khi thuốc tiếp xúc với nước bọt sẽ tạo thành một màng film mỏng và bảo vệ nốt nhiệt miệng khỏi các tác động từ bên ngoài. Thuốc có tác dụng trong 4 giờ giúp giảm cảm giác đau rát từ vết loét, thúc đẩy quá trình làm lành vết thương.
Tuy vậy thuốc bôi miệng urgo lại có tác dụng diệt khuẩn khá yếu, chỉ nên dùng cho những trường hợp nhiệt miệng nhẹ chưa bị nhiễm khuẩn nghiêm trọng. Ngoài ra trong thuốc có chứa thành phần Alcohol có khả năng gây kích ứng.
Thuốc bôi nhiệt miệng Urgo
Hướng dẫn sử dụng thuốc:
-
Chấm thuốc trực tiếp lên vết nhiệt miệng. Để màng gel được phủ đều có thể dùng que gạt và để thuốc khô trong 10 giây;
-
Số lần thoa gel tối đa là 4 lần/ngày, dùng trước bữa ăn;
-
Tùy tình trạng vết loét nhưng thời gian dùng thuốc trung bình sẽ thường là từ 3 - 5 ngày.
2. Các phương pháp chữa nhiệt miệng khác từ thiên nhiên
Nếu bị nhiệt miệng là do vệ sinh răng miệng không đúng cách, thói quen ăn uống không phù hợp (ăn nhiều đồ cay nóng, ít rau củ quả,...) thì bên cạnh việc dùng thuốc bạn cũng có thể áp dụng các biện pháp như sau:
-
Uống bột sắn dây: từ xưa đến nay bột sắn dây đã trở thành một nguyên liệu giúp giải độc, thanh nhiệt vô cùng hiệu quả. Để điều trị nhiệt miệng, bạn chỉ cần hòa một ít bột sắn dây cùng nước đun sôi để nguội để uống, hoặc đun hỗn hợp này trên bếp cho đến khi trở thành chất bột dẻo để ăn hàng ngày;
-
Dùng mật ong: đây được coi là một món quà tuyệt vời từ thiên nhiên với rất nhiều công dụng hữu ích đối với sức khỏe con người. Mật ong có công dụng diệt khuẩn rất hiệu quả giúp làm lành vết thương một cách nhanh chóng. Lặp lại điều này từ 2 - 3 lần/ngày;
-
Nước khế: quả khế cung cấp một lượng lớn vitamin A, B2, C và các khoáng chất như Canxi, Sắt, Natri,... giúp tăng cường sức đề kháng, giải nhiệt và hỗ trợ làm lành vết thương. Bạn có thể rửa sạch, cắt lát từ 2 - 3 quả khế và đun lấy nước để làm nước súc miệng. Ngậm nước khế từ 1 - 2 phút trong lúc súc miệng và tiến hành khoảng 2 lần/ngày;
-
Nước muối: hạt muối vốn có tính sát khuẩn cao nên hãy đem pha loãng muối cùng nước, hoặc dùng nước muối sinh lý cũng có thể tiêu diệt vi khuẩn và hạn chế sự lan rộng của vết loét. Lưu ý là chỉ nên lấy một lượng muối vừa đủ, không nên cho quá nhiều muối sẽ khiến vết loét miệng trở nên nghiêm trọng hơn;
-
Giấm táo: giấm táo có công dụng diệt khuẩn rất tốt tương tự như oxy già. Bạn có thể pha giấm táo cùng nước ấm (tỷ lệ 1:1). Thành phần axit acetic chứa trong giấm táo sẽ giúp loại bỏ số lượng lớn các hại khuẩn và làm gia tăng lợi khuẩn trong khoang miệng, giảm thiểu triệu chứng khó chịu do nhiệt miệng gây ra.
Bạn có thể súc miệng bằng nước muối pha loãng để khử khuẩn các nốt nhiệt miệng
Hy vọng rằng thông qua những chia sẻ trên đây của MEDLATEC về các loại thuốc bôi nhiệt miệng và cách trị nhiệt miệng tại nhà đã giúp bạn lựa chọn cho mình được phương pháp xử trí hợp lý, hiệu quả đối với tình trạng này.