Tràn khí màng phổi là hội chứng đặc trưng bằng hiện tượng xuất hiện khí ở khoang màng phổi. Tràn khí màng phổi có van là một trong những phân loại bệnh theo y học giúp cho việc điều trị và tiên lượng dễ dàng hơn.
29/12/2020 | Tràn khí màng phổi - những biến chứng không thể chủ quan 24/12/2020 | Lao màng phổi có lây không và cách phòng tránh như thế nào? 10/09/2020 | Tràn dịch màng phổi ác tính có chữa được không?
1. Tràn khí màng phổi có van là gì?
Trong y học, tràn khí màng phổi được chia thành nhiều loại, chủ yếu dựa trên nguyên nhân và áp lực khoang màng phổi. Trong đó, tràn khí màng phổi có van là một phân loại bệnh dựa trên áp lực khoang màng phổi.
Tràn khí màng phổi được phân loại theo nguyên nhân hoặc áp lực khoang màng phổi
Khi đo áp lực màng máy, bệnh nhân sẽ được chẩn đoán phân loại bệnh như sau:
Tràn khí màng phổi kín
Ở phân loại này, chỗ rách của màng phổi đã tự được bịt lại. Đây là trường hợp tiên lượng tốt, thông thường khí màng phổi sẽ tự hấp thu theo thời gian mà không cần can thiệp y khoa.
Tràn khí màng phổi hở
Những người bệnh bị tràn khí màng phổi hở khi chụp X-quang hoặc thăm khám thấy chỗ rách ở màng phổi vẫn tồn tại. Điều này làm lưu thông khí và khiến áp lực khoang màng phổi tương đương với áp lực khí quyển.
Tràn khí màng phổi có van
Đây là phân loại bệnh đặc biệt khi chỗ rách màng phổi chưa lành lại nhưng tạo thành van một chiều, kết quả đo áp lực dương tính. Các trường hợp chẩn đoán tràn khí màng phổi có van cần cấp cứu y tế càng sớm càng tốt vì van khí khiến cho phổi tương ứng bị xẹp, trung thất bị đẩy ra bên đối diện. Biến chứng suy hô hấp, trụy mạch có thể gây tử vong nhanh chóng nếu không cấp cứu khẩn cấp.
Vị trí rách màng phổi có thể tạo thành van một chiều thông khí
Phân loại tràn khí màng phổi sẽ dựa trên triệu chứng lâm sàng và các kết quả chẩn đoán cận lâm sàng. Phương pháp chẩn đoán thường dùng là: chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính CT phân giải cao,…
2. Cơ chế bệnh sinh tràn khí màng phổi có van
Bình thường màng phổi gồm 2 lớp mỏng gắn với nhau bằng một lớp dịch nhầy ở giữa. Theo hoạt động hô hấp của phổi, hai lớp màng phổi chuyển động nhịp nhàng, vừa có tác dụng bảo vệ vừa hỗ trợ chức năng của cơ quan này. Tuy nhiên, vì nguyên nhân nào đó gây xuất hiện khí giữa màng phổi, làm xẹp phổi.
Có 3 con đường làm xuất hiện khí trong màng phổi bao gồm:
-
Rách màng phổi khiến cho không khí từ đường thở đi vào màng phổi và tích tụ trong đó.
-
Vết thương thấu ngực khiến cho không khí đi qua thành ngực, cơ hoành và trung thất, đôi khi qua thực quản và bị tích khí ở màng phổi
-
Khí được sinh ra bởi các vi sinh vật có trong khoang màng phổi.
Cấu trúc màng phổi giúp duy trì áp lực âm tính giữ cho phổi hoạt động và duy trì. Khi bị tràn khí màng phổi thì chức năng hô hấp và khả năng đàn hồi của nhu môi phổi bị giảm.
Tùy vào mức độ tràn khí gây xẹp phổi như thế nào mà bệnh lý này làm rối loạn chức năng hô hấp nhẹ hay nặng. Nguy hiểm hơn là trường hợp tràn khí kết hợp với tràn dịch màng phổi, diễn tiến nhanh và nặng đe dọa tới tính mạng của người bệnh.
Tràn khí màng phổi có van là phân loại bệnh nguy hiểm, cần cấp cứu sớm
Tràn khí màng phổi thông thường, khí có thể tự thoát ra khi thở ra. Tuy nhiên các trường hợp có van khiến khí không tự thoát ra ngoài được sẽ dần gây biến chứng suy hô hấp, khó thở nghiêm trọng. Trong chẩn đoán, cần xác định loại tràn khí màng phổi và nguyên nhân để cấp cứu, hỗ trợ thở cũng như điều trị tận gốc nguyên nhân.
3. Điều trị tràn khí màng phổi có van có gì khác?
Mục đích chính của điều trị là tránh xẹp phổi gây suy hô hấp. Nếu suy hô hấp cấp xảy ra, cần cấp cứu hỗ trợ thở cho người bệnh. Muốn đạt được mục đích này, điều trị cần loại bỏ được khí tích tụ trong màng phổi.
Tùy theo bệnh được chẩn đoán là tràn khí màng phổi có van hay các phân loại khác, phương pháp điều trị là khác nhau.
3.1. Điều trị tràn khí màng phổi kín
Đa phần các trường hợp này khí tràn màng phổi chiếm thể tích nhỏ, bệnh nhân sẽ được theo dõi và hỗ trợ tự hấp thu khí. Nếu sau 3 - 4 ngày, khí tràn màng phổi không giảm hoặc tăng lên, phương pháp dẫn lưu bằng kim sẽ được xem xét thực hiện.
Bệnh nhân bị tràn khí màng phổi cần được điều trị đúng cách, tránh nguy hiểm tính mạng
3.2. Điều trị tràn khí màng phổi mở
Những người bệnh được chẩn đoán là tràn khí màng phổi mở thường điều trị bằng dẫn lưu catheter màng phổi, đưa từ liên sườn II hoặc liên sườn 4 - 5. Ống thông dẫn lưu khí thường được kẹp lại sau 24 - 48 giờ, đồng thời kiểm tra đánh giá bằng chụp X-quang, theo dõi mạch và huyết áp.
3.3. Điều trị tràn khí màng phổi có van
Đây là trường hợp bệnh nặng, tiến triển nhanh và nguy hiểm, vì thế bệnh nhân được chẩn đoán tràn khí màng phổi có van phải được cấp cứu nội khoa, hỗ trợ thoát khí càng sớm càng tốt. Để thoát khí nhanh, bác sĩ thường dùng kim loại chọc hút khí liên tục với sự hỗ trợ của máy. Các trường hợp cơ sở y tế không đáp ứng được thì dùng kim lớn nối với dây truyền huyết thanh để hút khí màng phổi.
Như vậy, xác định tràn khí màng phổi có van hay không là rất quan trọng, nó quyết định việc lựa chọn phương pháp cấp cứu có hiệu quả hay không. Bên cạnh dẫn lưu khí màng phổi, bệnh nhân cần được điều trị nội khoa và điều trị phục hồi bằng việc:
- Nghỉ ngơi tại giường: Hạn chế đi lại hoặc sai tư thế gây suy hô hấp cấp.
- Thuốc giảm đau: Paracetamol hoặc Acetaminophen.
- Thuốc giảm ho giúp giảm cơn đau ngực và khó thở, thường dùng Paxeladine.
- Thở oxy với các trường hợp suy hô hấp.
- Dùng kháng sinh nếu tràn khí màng phổi do bội nhiễm vi khuẩn, thường dùng loại kháng sinh phổ rộng như Cefalosporin.
Bệnh nhân tràn dịch màng phổi cần được chăm sóc và nghỉ ngơi đặc biệt
- Tránh lo âu, xúc động: Bệnh nhân có thể được cho dùng thuốc an thần để nghỉ ngơi tốt hơn, tránh biến chứng tràn dịch màng phổi.
- Theo dõi chống sốc và trụy tim mạch, những biến chứng này có thể khiến người bệnh tử vong.
Như vậy, tràn khí màng phổi có van là phân loại nguy hiểm, tiến triển nhanh của biến chứng hô hấp này. Việc chẩn đoán phân biệt tràn khí màng phổi có van hay không được thực hiện sớm để định hướng điều trị tốt hơn.