Cơ thể con người cần vitamin B12 cho nhiều chức năng quan trọng. Chất này cần thiết để tạo ra các tế bào hồng cầu, dây thần kinh, chuyển hóa thức ăn thành năng lượng. Vitamin B12 bảo vệ các tế bào máu để ngăn ngừa bệnh thiếu máu nguyên bào không lồ.
Khẩu phần B12 được khuyến nghị là 2,4 mcg/ngày. Nói chung, hầu hết chúng ta đều có thể đáp ứng yêu cầu này nhờ ăn uống nhưng thiếu vitamin B12 có thể diễn ra thầm lặng hơn ta tưởng. Với hơn 3 triệu người bị tình trạng này ở Mỹ, đây được xem là một thiếu hụt dinh dưỡng phổ biến.
Dưới đây là 6 dấu hiệu bạn có thể bị thiếu vitamin B12:
Cảm thấy kiệt sức
Bạn cảm thấy mệt mỏi quá mức, yếu hoặc thở dốc? Tình trạng này có thể bắt nguồn từ thiếu B12. Thiếu máu nguyên bào khổng lồ có thể phát triển nếu thiếu B12. Không có đủ B12, cơ thể sẽ tạo ra những hồng cầu non lớn không thể vận chuyển oxy trong cơ thể. Khi tế bào không nhận được oxy cần thiết, bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi hơn bình thường.
Dùng thuốc điều trị ợ nóng
Những người bị cảm giác khó chịu do ợ nóng thường tự điều trị bằng thuốc kê đơn để giảm a-xít dạ dày. Tuy nhiên, vấn đề là vitamin B12 cần có a-xít dạ dày để hấp thu. Đây là lý do: Trong thực phẩm của chúng ta, vitamin B12 gắn với một protein phải được “gỡ bỏ” trong dạ dày bởi axit dạ dày và một loại enzym gọi là pepsin. Khi B12 được giải phóng, một protein sẽ gắn với nó, bảo vệ nó cho đến khi tới ruột non. Trong ruột non, một chất gọi là yếu tố nội sẽ tiế nhận B12 từ protein gắn kết và từ đó được hấp thu vào máu.
Cảm giác kiến bò và tê bàn tay và bàn chân
Vitamin B12 tạo ra myelin, lớp vỏ bảo vệ dây thần kinh. Nếu dây thần kinh không được che phủ, chúng sẽ bị tổn thương, bao gồm bị co rút. Sự co rút có thể gây ra cảm giác tê và châm chích. Nếu bạn đang bị tình trạng này, hãy đi khám bác sĩ để chẩn đoán chính xác.
Da nhợt nhạt hoặc vàng
Thiếu vitamin B12 có thể được nhận thấy thông qua màu da. Lý do là vì các tế bào hồng cầu không thể mang oxy cần thiết, khiến da có màu sắc nhợt nhạt.
Màu vàng có thể là do hoàng đản, một triệu chứng của thiếu vitamin B12 nghiêm trọng. Tuy nhiên, đừng mực định rằng đó là nguyên nhân; nhiều tình trạng bệnh khác, như ung thư gan, cũng có thể tạo ra màu sắc này. Luôn đi khám bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân.
Trầm cảm
Vitamin B12 cải thiện sản sinh các chất dẫn truyền thần kinh, như serotonin, giữ cho não hoạt động tốt. Nếu thiếu serotonin, trầm cảm có thể xảy ra. Thiếu B12 có thể dẫn đến giảm truyền thông tin giữa các dây thần kinh.
Đãng trí
Trí nhớ kém và thậm chí cả các triệu chứng của sa sút trí tuệ có thể do thiếu hụt B12. Điều này đặc biệt có thể ảnh hưởng đến người cao tuổi, vì vitamin B12 tác động đến quá trình trao đổi chất trong não. Khi chúng ta già đi, chúng ta tạo ra ít yếu tố nội hơn, hợp chất cần thiết để hấp thu vitamin B12.
Nếu một người cao tuổi có biểu hiện trí nhớ kém và hay quên, hãy kiểm tra tình trạng vitamin B12 để loại trừ sự thiếu hụt có thể là nguyên nhân của vấn đề.
Những người có nguy cơ bị thiếu B12:
Người ăn chay
Vitamin B12 chỉ có trong thực phẩm có nguồn gốc động vật - không có thực phẩm nguồn gốc thực vật nào chứa vitamin này. Các nguồn B12 trong thực phẩm bao gồm thịt, trứng, gia cầm, cá, và các sản phẩm sữa. Do đó, những người ăn chay nghiêm ngặt có nguy cơ thiếu B12.
Những người ăn chay cần phải đảm bảo bổ sung B12 và ăn những thực phẩm bổ sung B12, như một số loại ngũ cốc ăn sáng, sữa đậu nành và men vi sinh dinh dưỡng. Kiểm tra nhãn thực phẩm để xem thực phẩm có chứa vitamin B12 hay không.
Những người trên 50 tuổi
Khi tuổi tăng lên, a-xít dạ dày sẽ được sản xuất ít hơn. Vì a-xít dạ dày cần thiết để hấp thu vitamin B12, những người trên 50 tuổi có nhiều nguy cơ bị thiếu vitamin B12. Nếu bạn trên 50 tuổi, bạn nên thảo luận với bác sĩ xem có cần bổ sung hay không.
Người bệnh tiểu đường
Một nghiên cứu năm 2016 cho thấy trong 283 bệnh nhân tiểu đường týp 2 được kê đơn thuốc Metformin liều cao, 33% bị thiếu vitamin B12. Một nghiên cứu khác cho thấy những người mắc bệnh tiểu đường týp 1 cũng có nguy cơ; Trong số 90 người mắc bệnh tiểu đường týp 1, 45% bị thiếu vitamin B12.
Nguồn: dantri.com.vn