Sốc phản vệ ở trẻ là một hiện tượng khá nguy hiểm, xảy ra nhanh, với nhiều triệu chứng đáng lo ngại, vì thế cần được nhận biết và phát hiện sớm. Dưới đây, MEDLATEC sẽ cung cấp những thông tin cần biết, cách xử trí và các biện pháp phòng ngừa.
23/05/2022 | Cách xử lý khi trẻ bị sốc phản vệ nhanh và kịp thời 28/02/2022 | Tại sao bị sốc phản vệ? xử trí cấp cứu sốc phản vệ như thế nào? 26/01/2021 | Sốc phản vệ và cách sơ cứu trong trường hợp khẩn cấp
1. Tìm hiểu về hiện tượng sốc phản vệ ở trẻ em
Sốc phản vệ ở trẻ là một hiện tượng tai biến dị ứng rất nguy hiểm, bệnh xuất hiện khi cơ thể chịu sự xâm nhập của dị nguyên lần thứ hai dẫn đến tình trạng phản ứng quá mẫn tức thì của cơ thể. Vì vậy gây nên những triệu chứng đáng lo ngại như hạ huyết áp, suy đường hô hấp cấp hay thậm chí là trụy tim, cơ chế hoạt động của tim gặp vấn đề và có thể dẫn đến tình trạng tim ngừng bơm máu.
Sốc phản vệ ở trẻ, một hiện tượng nguy hiểm
Một đặc điểm riêng của sốc phản vệ là bệnh diễn ra nhanh chóng, ngay tức thì hoặc trong khoảng thời gian 30 phút sau đó, nếu bệnh nhân biểu hiện các triệu chứng sớm thì bệnh đang ở mức độ nặng, nguy cơ tử vong cao.
Sốc phản vệ xuất hiện ở mọi lứa tuổi, còn với nhóm đối tượng trẻ em thường rơi vào các trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên. Vì ở từ độ tuổi này, trẻ đã có thể vận động, vui chơi và trong quá trình này, trẻ có nguy cơ tiếp xúc với các chất gây tình trạng sốc phản vệ. Ngoài ra, theo thống kê, sốc phản vệ còn xảy ra ở một số ít trường hợp là trẻ nhỏ. Vậy nên gia đình cần chú ý đến các con để kịp thời nhận biết những biểu hiện sức khỏe liên quan đến sốc phản vệ và có cách xử trí sốc phản vệ để tránh dẫn đến những trường hợp bệnh đáng tiếc.
2. Những nguyên nhân dẫn đến tình trạng sốc phản vệ ở trẻ
Sốc phản vệ ở trẻ do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó có 3 lý do chính gây ra hiện tượng này lần lượt là một số loại thuốc như kháng sinh, chống viêm, gây tê, vaccin, huyết thanh,… tiếp đến là thức ăn và nọc của côn trùng như ong, kiến,...
Những dị nguyên có trong thuốc, thức ăn, nọc côn trùng
Những loại thuốc có nguy cơ cao khiến trẻ bị sốc phản vệ hay các triệu chứng dị ứng thuốc bao gồm thuốc kháng sinh nhóm penicillin, nhóm vancomycin, chloramphenicol,…; thuốc chống viêm như mofen, salicylate,…; thuốc gây tê novocain; các loại vắc xin, huyết thanh và một số loại thuốc khác tùy vào thể trạng của trẻ. Trong những trường hợp phụ huynh đã biết trẻ dị ứng với các thành phần của thuốc thì nên báo cho bác sĩ để tránh tình trạng này. Bên cạnh đó, đưa thuốc vào cơ thể thông qua bất kỳ cách nào (tiêm, uống, nhỏ mắt, thoa ngoài da,..) đều có thể xảy ra tình trạng sốc phản vệ.
Thức ăn cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sốc phản vệ ở trẻ em, các loại thực phẩm như một số loại hải sản (cá ngừ, cá thu, ốc, tôm,…), lạc, dứa, trứng, sữa,… Vì thế, trong lần đầu tiên cho con ăn các loại thực phẩm này, phụ huynh cần quan sát, theo dõi các biểu hiện sức khỏe của bé, điều này giúp nhận biết các thực phẩm gây phản vệ ở trẻ. Các trường hợp bé gặp phải hiện tượng sốc phản vệ bởi thức ăn, thông thường sau 30 phút, cơ thể trẻ xuất hiện những triệu chứng.
Một trong những nguyên nhân gây sốc phản vệ ở trẻ là nọc côn trùng như ong, kiến, nhện, rắn, bò cạp… Khi bé bị sốc phản vệ do côn trùng đốt, các triệu chứng biểu hiện nhanh, chỉ trong vòng từ vài giây tới vài phút sau đó. Gia đình cần lưu ý giữ môi trường xung quanh sạch sẽ và không có các loại côn trùng.
3. Những dấu hiệu nhận biết trẻ bị sốc phản vệ
Sốc phản vệ ở trẻ có 2 giai đoạn, bao gồm khởi phát và toàn phát. Ở khởi phát, trẻ có những dấu hiệu sức khỏe đầu tiên bao gồm: bồn chồn, khó thở, toát mồ hôi, ngứa tay chân, tim đập nhanh,…
Còn ở toàn phát, các biểu hiện của sốc phản vệ xuất hiện nghiêm trọng hơn ở các cơ quan trong cơ thể bao gồm: hệ hô hấp (co rút cơ, khò khè, tắc nghẽn đường thở,…), hệ tim mạch (loạn nhịp, đập nhanh, hạ huyết áp,…), hệ thần kinh (chóng mặt, đau đầu, co giật, run, ngất xỉu,…), hệ tiêu hóa (đau bụng, nôn,…).
Ngoài ra cơ thể trẻ gặp phải một số tình trạng như phù, mày đay, mẩn đỏ, toát mồ hôi nhiều, mệt mỏi,…
Mức độ sốc phản vệ ở trẻ
Hiện tượng phản vệ này được chia thành 3 mức độ từ nhẹ đến nặng như sau:
-
Đối với mức độ nhẹ, người bệnh cảm thấy chóng mặt, đau đầu, nổi mẩn đỏ hay mày đay, sưng phù có thể ngứa, huyết áp giảm, nhịp tim đập nhanh và khó thở.
Trẻ đau đầu, mệt mỏi khi bị sốc phản vệ
-
Đới với mức độ phản vệ trung bình, xuất hiện các triệu chứng như choáng váng, rất khó thở, da tím tái, huyết áp hạ, co giật.
-
Phản vệ ở mức độ nặng, các triệu chứng xảy ra nhanh chóng, người bệnh phải đối diện với những triệu chứng đáng lo ngại như co giật, hôn mê, huyết áp không đo được, tím tái toàn thân, có thể ngừng thở và có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu kịp thời.
Sốc phản vệ nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời, bệnh sẽ tiến triển đến giai đoạn nặng, dễ phát sinh các biến chứng cũng như những tình huống xấu. Vì vậy, gia đình cần chú ý đến những hoạt động và những biểu hiện sức khỏe bất thường của các bé để phòng tránh các tác nhân xấu ảnh hưởng đến con và nhận biết bệnh sớm nhất có thể.
4. Cách xử trí sốc phản vệ ở trẻ
Cách thức xử lý sốc phản vệ ban đầu là rất cần thiết, điều này giúp hạn chế bệnh ngày càng tiến triển nặng. Trẻ bị sốc phản vệ người nhà cần gọi cho cấp cứu ngay và thực hiện các bước sau:
-
Để trẻ nằm thấp đầu, kê chân cao, nếu trường hợp bệnh nhân nôn mửa thì nằm nghiêng.
-
Không cho trẻ tiếp xúc với dị nguyên, trường hợp sốc phản vệ do thuốc cần ngừng ngay thuốc đang tiêm hoặc đang uống.
-
Hỗ trợ, giúp cho đường thở được mở, lấy đờm dãi của bệnh nhân, không tập trung nhiều người xung quanh và thường xuyên đo huyết áp cho trẻ.
-
Nếu có thể, tiêm bắp Adrenalin cho trẻ, chú ý cần tiêm theo đúng liều lượng của trẻ và người thực hiện tiêm phải có chuyên môn.
Khi tiêm Adrenalin cho trẻ, chú ý cần tiêm theo đúng liều lượng của trẻ
Khi đến bệnh viện, người nhà cần nói rõ tình trạng bệnh của trẻ, báo cho bác sĩ biết nguyên nhân gây phản vệ và việc tiêm Adrenalin nếu có. Các bác sĩ dựa theo tình hình trẻ mà cho trẻ dùng thuốc hoặc sử dụng các trang thiết bị để kiểm soát bệnh. Sau đó trẻ sẽ được theo dõi và quan sát tại bệnh viện.
Trên đây là những thông tin cần thiết liên quan đến hiện tượng sốc phản vệ ở trẻ em mà các phụ huynh cần lưu ý để kịp thời phát hiện bệnh sớm nhất có thể. Nếu có những thắc mắc về bệnh hoặc đang tìm kiếm địa chỉ uy tín để khám chữa trị, hãy liên hệ với số hotline sau: 1900 56 56 56 để được các chuyên viên của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC giải đáp và hỗ trợ.