Ho là phản xạ bình thường của cơ thể giúp chúng ta loại bỏ các tác nhân gây bệnh và dị vật ra khỏi đường thở. Tuy nhiên không phải loại thuốc ho nào cũng có công dụng giống nhau. Để hiểu rõ hơn về thuốc ho cũng như thời điểm thích hợp để sử dụng các thuốc này, mời quý bạn đọc cùng tìm hiểu qua các thông tin dưới đây.
20/03/2023 | Ho đờm xanh là cảnh báo của bệnh lý gì? 20/03/2023 | Các biến chứng của bệnh ho gà cần cảnh giác 10/03/2023 | Ho khan kéo dài là bệnh gì và cách cải thiện hiệu quả
1. Tiếng ho phản ánh điều gì?
Trên thực tế ho chính là phản xạ tự nhiên của cơ thể khi có các tác nhân lạ xâm nhập gây tắc nghẽn hoặc kích thích niêm mạc đường thở. Cụ thể, những cơn ho có đờm thường là dấu hiệu của sự xuất hiện các loại dịch đặc làm bít tắc hầu họng. Còn ho khan thường xuất phát từ nguyên nhân niêm mạc họng bị kích thích bởi bụi bẩn, khói thuốc hay các loại virus.
Đối với những trường hợp có biểu hiện ho nhẹ, người bệnh chưa cần phải dùng ngay đến các loại thuốc trị ho mà hãy để cơ thể hình thành cơ chế tự loại bỏ những tác nhân gây nên triệu chứng này bằng cơn ho. Trừ khi biểu hiện ho khiến người bệnh bị khó thở, ảnh hưởng đến giấc ngủ và sinh hoạt giao tiếp hàng ngày thì nên cân nhắc dùng thuốc ho.
Ho là phản xạ tự nhiên của cơ thể giúp loại bỏ tác nhân gây bệnh ra khỏi đường thở
2. Phân loại thuốc ho
Tùy thuộc vào cơn ho đó là ho khan hay ho có đờm, người bệnh sẽ có 2 lựa chọn như sau:
2.1. Các loại thuốc trị ho có đờm
Những thuốc thuộc nhóm này có công dụng chính là giúp long đờm với 2 phân loại là:
Thuốc làm tiêu nhầy:
Thuốc hoạt động theo cơ chế phân rã chất nhầy hình thành bên trong đường hô hấp, từ đó làm loãng đờm để tống xuất những chất dịch nhầy này ra ngoài một cách dễ dàng hơn. Tuy nhiên những thuốc này cũng gây ra tác dụng phụ là ảnh hưởng đến niêm mạc dạ dày nên không thích hợp dùng cho những người đang bị viêm dạ dày- tá tràng. Một số thuốc ho tiêu nhầy thường được khuyên dùng đó là Bromhexine, N-acetyl cysteine, mecysteine, carbocysteine, mucothiol,...
Thuốc giảm tính nhạy của thụ thể ho ngoại biên:
Các thuốc này có chức năng hạn chế sự tiết dịch để giảm triệu chứng ho. Cụ thể là:
-
Thuốc giúp kiểm soát thụ thể kích thích đường thở như guaiacol, terpin hay eucalyptol. Đây đều thuộc dạng các tinh dầu có tác dụng diệt khuẩn. Riêng trẻ em dưới 30 tháng tuổi không được dùng guaiacol;
-
Thuốc làm giãn cơ trơn phế quản: đây là cơ chế giúp giảm tiết chất nhầy và hiệu quả này thường được tìm thấy ở thuốc tiotropium và ipratropium.
2.2. Các loại thuốc trị ho khan
Các thuốc trị ho khan không được áp dụng cho các trường hợp ho có đờm. Ví dụ như trường hợp viêm phế quản thì phản xạ ho sẽ giúp tống xuất đờm ra khỏi cơ thể, vì thế đây được coi là phản xạ có ích nên không cần dùng thuốc trị ho.
Thuốc trị ho khan cũng được chia thành nhiều loại như sau:
Thuốc giảm ho ngoại biên:
Công dụng chính của những thuốc này là giúp kiểm soát và làm giảm độ nhạy của các thụ thể gây ho ở đường thở:
-
Nhóm thuốc gây tê các dây thần kinh điều khiển cơn ho: bupivacaine, bạc hà (methol), lidocaine và benzonatate;
-
Nhóm thuốc bảo vệ thụ thể hầu họng, hỗ trợ làm dịu cơn ho: glycerol, mật ong, siro đường mía.
Tùy thuộc vào cơn ho đó là ho khan hay ho có đờm sẽ dùng loại thuốc phù hợp
Thuốc giảm ho trung ương:
-
Codein: đây là một dẫn xuất của thuốc phiện, thuốc có tác dụng ức chế trung tâm điều khiển ho nhưng có thể gây đặc quánh và làm khô đờm. Do đó chỉ nên dùng codein cho người bị ho khan, điều trị giảm nhẹ cơn đau mức trung bình. Không nên dùng codein cho những trường hợp bị suy hô hấp, mắc bệnh gan, người mẫn cảm với các thành phần của thuốc, phụ nữ có thai và trẻ nhỏ dưới 1 tuổi;
-
Pholcodin: so với codein tác dụng giảm ho tốt hơn gấp 1,6 lần và gây ít tác dụng phụ hơn;
-
Dextromethorphan: cơ chế hoạt động của thuốc tương tự như codein nhưng chứa ít an thần, không gây nghiện và không giúp giảm đau. Thuốc phát huy hiệu quả đối với những trường hợp bị ho khan mạn tính nhưng không dành cho trẻ dưới 2 tuổi, người dị ứng với thành phần của thuốc hoặc đang sử dụng thuốc ức chế MAO. Đặc biệt những người có tiền sử bị dị ứng, hen suyễn, suy hô hấp cần phải thận trọng khi sử dụng Dextromethorphan;
-
Noscapine: công dụng, cách dùng, tác dụng phụ của Noscapine cũng tương tự như Dextromethorphan. Thêm một lưu ý nữa là Noscapine không được dùng cho phụ nữ có thai.
Thuốc kháng histamin:
Thuốc kháng histamin thế hệ 1 ngoại biên và trung ương có công dụng chính là giảm nhẹ phản ứng dị ứng. Do đó thuốc thường được dùng đối với những trường hợp ho khan do kích ứng, dị ứng, nhất là những cơn ho xảy ra về đêm. Tuy nhiên nhóm thuốc này lại hay gây buồn ngủ. Các thuốc kháng histamin H1 dùng để trị ho khan bao gồm Diphenhydramine, Alimemazin.
Việc dùng thuốc trị ho nêu trên cần có chỉ định từ bác sĩ. Nhất là với đối tượng mẹ bầu khi bị ho không thuyên giảm thì nên đi khám để có biện pháp khắc phục. Ngay cả trước khi trị ho bằng các bài thuốc dân gian mẹ bầu cũng cần lắng nghe tư vấn từ các chuyên gia y tế để đảm bảo không ảnh hưởng tới thai nhi.
3. Bài thuốc trị ho theo kinh nghiệm dân gian
Đối với những trường hợp ho nhẹ trong vài ngày, kèm theo đó không có biểu hiện nghiêm trọng nào khác thì người bệnh chưa cần phải dùng thuốc ho Tây y. Thay vào đó hãy chủ động điều chỉnh lịch sinh hoạt, chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh hơn, tránh ăn những thực phẩm lạnh, đồ dễ gây kích ứng và nhớ giữ ấm cho cơ thể. Ngoài ra cần vệ sinh mũi họng hàng ngày và áp dụng các bài thuốc dân gian để trị ho như:
-
Dùng mật ong và gừng: chuẩn bị 1 củ gừng tươi rồi đem đi nướng cho tới khi vỏ bên ngoài cháy xém thì cạo sạch phần vỏ cháy. Giã nhỏ gừng, trộn gừng cùng 2 - 3 thìa mật ong. Sau đó ngậm hỗn hợp trong miệng rồi nuốt một cách chậm rãi;
-
Chanh/quất hấp mật ong: rửa sạch quả chanh hoặc quả quất, đem thái lát (không cần bỏ vỏ) rồi cho từ 2 - 3 thìa mật ong, bỏ vào hấp trong 10 - 15 phút. Ngậm lát chanh/quất trong họng và có thể nhai nuốt để giảm ho;
-
Dùng lá húng chanh: lấy vài lá húng chanh đem rửa sạch, giã nhỏ chỗ lá này, chắt lấy nước uống khoảng 2 lần/ngày.
Trà chanh mật ong cũng giúp trị ho rất tốt
Như vậy có nhiều loại thuốc trị ho với công dụng, liều dùng và phân nhóm khác nhau. Tùy từng tính chất cơn ho bệnh nhân sẽ điều trị bằng loại thuốc phù hợp. Nếu đã áp dụng những cách điều trị tại nhà nêu trên nhưng tình trạng ho vẫn không được cải thiện, bạn có thể đến khám tại Chuyên khoa Hô hấp - Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC để được các bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và tư vấn điều trị cụ thể. Nếu còn bất kỳ băn khoăn nào cần được giải đáp, mời quý bạn đọc liên hệ với MEDLATEC thông qua hotline 1900 56 56 56.