Rối loạn tiêu hóa được xem là một “hội chứng” không hiếm gặp. Tình trạng này thể hiện sự hoạt động bất thường của hệ tiêu hóa, xảy ra ở mọi lứa tuổi. Biểu hiện bất thường này có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống người bệnh, làm mất cân bằng tỷ lệ lợi khuẩn, dẫn đến rối loạn lợi khuẩn trong đường ruột. Vậy nguyên nhân gây ra hiện tượng này là gì, biểu hiện và cách phòng tránh ra sao?
31/12/2020 | Đau bụng dưới rốn và những dấu hiệu không được chủ quan 09/10/2020 | Nguyên nhân và giải pháp khắc phục khi bị đau bụng trên rốn 11/05/2020 | Rối loạn tiêu hóa: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
1. Nguyên nhân gây ra rối loạn tiêu hóa:
Rối loạn tiêu hóa hiện nay không còn xa lạ đối với nhiều người bởi rất nhiều nguyên nhân:
Chế độ ăn uống không hợp lý:
Hiện nay, hầu như các căn bệnh đều có nguyên nhân bắt nguồn từ chế độ ăn uống không khoa học và rối loạn tiêu hóa cũng không ngoại lệ. Việc sử dụng những thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc, xuất xứ,... rất dễ gây nhiễm khuẩn đường ruột, rối loạn hệ tiêu hóa. Thậm chí, nếu nặng hơn, độc tố tích tụ lâu ngày sẽ dẫn đến những căn bệnh nghiêm trọng như ung thư.
Ngoài ra, căn nguyên của rối loạn tiêu hóa còn bắt nguồn từ những vấn đề như: khẩu phần ăn hàng ngày chứa nhiều đạm, dầu mỡ, đường, chất tạo ngọt, tinh bột; sử dụng nhiều thức ăn cay, nóng,... Với chế độ ăn uống không lành mạnh này, ngoài chứng rối loạn tiêu hóa ra, người sử dụng còn có thể gặp phải những hiện tượng như đầy hơi, khó tiêu,... Thêm vào đó, việc ăn uống thất thường, không điều độ cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng này.
Ăn uống không lành mạnh có thể gây rối loạn tiêu hóa
Chế độ sinh hoạt hàng ngày không khoa học:
Nhịp sống nhanh ở các đô thị phần nào cũng ảnh hưởng đến sức khỏe con người, trong đó có rối loạn tiêu hóa. Mọi người hầu như quá bận rộn với công việc, gia đình mà thiếu chú ý đến sức khỏe bản thân.
Các khảo sát gần đây về sự phân bổ thời gian cho thấy, trong chế độ sinh hoạt hàng ngày, nhiều người gần như bỏ qua việc luyện tập thể dục, thể thao. Nhiều chuyên gia về sức khỏe cho rằng, lười tập thể dục cũng ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng tiêu hóa của đường ruột. Việc rèn luyện sức khỏe hàng ngày sẽ giúp nâng cao sức đề kháng, tăng độ bền cho cơ thể, kích thích ăn ngon và bù đắp lại sự mất cân bằng tỷ lệ lợi khuẩn trong đường ruột.
Chế độ sinh hoạt không điều độ gây rối loạn tiêu hóa
Áp lực, căng thẳng kéo dài:
Hormone Serotonin là loại hormone có trong hệ tiêu hóa của mỗi người. Tuy nhiên, loại hormone này lại có mối quan hệ mật thiết đến tâm trạng. Vì vậy, nếu một người xuất hiện tình trạng căng thẳng kéo dài thì lượng hormone này sẽ phát triển mạnh và làm cho hệ tiêu hóa bị ảnh hưởng. Thêm vào đó, áp lực kéo dài sẽ gây tác động xấu đến việc co bóp dạ dày, làm thay đổi chu trình hoạt động của nó và dẫn đến chứng chướng bụng, khó tiêu hoặc tiêu chảy.
Căng thẳng có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe
Lạm dụng thuốc kháng sinh:
Đây là một trong những nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa khá phổ biến hiện nay. Việc sử dụng thuốc một cách bừa bãi dẫn đến làm giảm đáng kể hệ vi khuẩn trong đường ruột, bao gồm cả vi khuẩn có lợi, gây rối loạn hệ tiêu hóa. Thậm chí, nếu sử dụng liên tục trong thời gian dài với liều cao thì việc xuất hiện tình trạng tiêu chảy là rất dễ xảy ra.
Việc lạm dụng thuốc kháng sinh sẽ gây rối loạn hệ tiêu hóa
Sử dụng những thức uống có cồn và chất kích thích:
Đây là một trong những nguyên nhân thường thấy ở người lớn. Lượng cồn trong rượu bia sẽ gây ra sự mất cân bằng hệ vi sinh vốn có trong dạ dày cũng như làm cơ thể “hao hụt” đi một lượng lớn men tiêu hóa và nghiêm trọng hơn sẽ dẫn đến hội chứng ruột kích thích.
Lạm dụng rượu bia, chất kích thích gây ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa
2. Triệu chứng của rối loạn tiêu hóa
Những biểu hiện điển hình của chứng rối loạn tiêu hóa có thể kể đến như:
Đại tiện thất thường:
Được phát hiện qua những dấu hiệu: táo bón, tiêu chảy, đại tiện nhiều lần trong ngày,… Tuy nhiên, các biểu hiện này không đều đặn, có thể giảm triệu chứng nếu như cải thiện chế độ ăn uống sinh hoạt. Điều này khiến những người gặp phải thấy mệt mỏi, khó chịu, ảnh hưởng ít nhiều đến cơ thể.
Đây là biểu hiện điển hình, thường gặp phải khi bị chứng rối loạn tiêu hóa. Những cơn đau bụng có thể là những cơn đau âm ỉ hoặc đau quặn từng cơn. Vị trí đau bụng ở nhiều chỗ khác nhau có thể là vùng bụng trên, vùng bụng dưới hoặc ra tận sau lưng.
Đầy hơi, khó tiêu:
Đây cũng là triệu chứng dễ nhận biết khi bị rối loạn tiêu hóa. Người bệnh sẽ cảm thấy vùng bụng sẽ căng to, luôn cảm thấy no và liên tục ợ hơi. Nguyên nhân là do thức ăn trong dạ dày không thể tiêu hóa và đào thải được.
Những biểu hiện của rối loạn tiêu hóa
3. Cách phòng tránh hiệu quả
Chúng ta nên thực hiện theo những lời khuyên sau để ngăn ngừa các vấn đề về dạ dày ruột cũng như hệ tiêu hóa:
-
Xây dựng một chế độ ăn uống hợp lý, khoa học, đảm bảo vệ sinh: ăn nhiều hoa quả, rau xanh, uống nhiều nước, bổ sung chất xơ, hạn chế những món ăn cay nóng, chứa nhiều dầu mỡ,... Ngoài ra, không được sử dụng những thực phẩm ôi thiu, không được bảo quản cẩn thận trong nhiều giờ, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, thực phẩm chứa hóa chất,...
-
Thiết lập chế độ sinh hoạt điều độ mỗi ngày: không lạm dụng thức uống có cồn, có ga, chất kích thích, nên vận động thường xuyên, không được bỏ bữa,...
-
Bổ sung những dưỡng chất có lợi cho việc cân bằng tỷ lệ vi khuẩn có lợi cho đường ruột như: men tiêu hóa, men vi sinh,...
-
Nên duy trì tinh thần vui vẻ, lạc quan, tránh những áp lực, căng thẳng trong cuộc sống.
Mặc dù rối loạn tiêu hóa là hiện tượng phổ biến, dễ gặp phải nhưng chúng ta không nên lơ là, chủ quan bởi nếu không chủ động phòng và chữa trị, nó có thể dẫn đến nhiều căn bệnh nguy hiểm, khó lường khác. Hy vọng với những thông tin được chia sẻ trong bài viết sẽ giúp mọi người có thêm nhiều kiến thức để tự phòng ngừa hội chứng này cho bản thân và chính gia đình của mình.