Đau bụng trên rốn là dấu hiệu thường gặp trong cuộc sống hằng ngày, nhưng vì sự chủ quan nên chúng ta có thể phớt lờ và xem thường nó. Trong khi các cơ quan quan trọng như dạ dày, tá tràng, gan, túi mật đều nằm xung quanh vùng bụng trên rốn. Hãy cùng MEDLATEC tìm hiểu các nguyên nhân gây đau bụng ở vùng trên rốn và cách xử lý khi gặp hiện tượng này.
05/10/2020 | Đau bụng bên phải là triệu chứng cảnh báo những bệnh gì? 03/10/2020 | Đau bụng kinh: nguyên nhân và biện pháp giảm đau hiệu quả
1. Nguyên nhân gây đau bụng trên rốn
Có nhiều nguyên nhân gây ra đau bụng vùng trên rốn, trong đó chủ yếu đều liên quan đến hệ tiêu hóa.
Chướng hơi
Khi trong đường tiêu hóa có nhiều khí hơn bình thường, chúng sẽ gây ra tình trạng ứ hơi ở trong bụng, gây chướng, và tìm cách thoát hơi ra ngoài qua đường miệng khi ợ hơi, hoặc qua hậu môn khi xì hơi. Đây là triệu chứng đau không nghiêm trọng, thường sẽ tự biến mất sau vài giờ hoặc có thể sử dụng thuốc không kê toa.
Trường hợp khi chướng hơi đi kèm các triệu chứng như tiêu chảy, táo bón, nôn mửa, đau bụng dữ dội hoặc bị sốt thì có thể đã bị nhiễm virus và nên đi khám bác sĩ sớm.
Ngộ độc thực phẩm
Khi ăn phải các thực phẩm có vấn đề ôi thiu, nấm mốc hoặc có nhiều axit, vùng thượng vị dạ dày sẽ phản ứng và gây ra các biểu hiện đau quặn dữ dội. Cơn đau có thể giảm dần và mất hẳn khi đã nôn được thực phẩm độc ra ngoài.
đau bụng trên rốn là tình trạng thường gặp do các cơ quan tiêu hóa bị ảnh hưởng
Khó tiêu
Khó tiêu cũng như rối loạn tiêu hóa, là nguyên nhân gây ra cảm giác đau và khó chịu ở các bộ phận thực quản, dạ dày, tá tràng, nằm ở vị trí vùng trên rốn, những triệu chứng này xuất hiện khi dạ dày có quá nhiều axit.
Khi bị khó tiêu có thể sử dụng các loại thuốc không kê toa tùy vào nguyên nhân, hoặc thay đổi chế độ ăn uống nếu thực phẩm thường dùng có tính axit cao.
Viêm dạ dày là tình trạng niêm mạc dạ dày bị sưng, gây đau ở vùng bụng trên rốn. Đối với bệnh nhân viêm dạ dày cấp tính, các niêm mạc ở dạ dày sẽ nhanh chóng sưng lên, triệu chứng đau bụng cũng dữ dội hơn do sự xâm nhập của vi khuẩn HP.
Viêm dạ dày ruột
Nguyên nhân của viêm dạ dày ruột là do một loại virus ở dạ dày gây ra, có thể dẫn đến các triệu chứng như buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng vùng trên rốn hoặc đau bụng gần mỏ ác. Các triệu chứng viêm dạ dày ruột thường sẽ tự biến mất sau vài ngày. Ăn các bữa ăn nặng và uống nhiều nước lọc có thể giảm nhẹ ảnh hưởng của các triệu chứng.
Nước lọc giúp thúc đẩy giải độc và giảm nhẹ triệu chứng buồn nôn
Viêm ruột thừa
Viêm ruột thừa không đau bụng trên rốn. Nhưng có thể lúc đầu, bệnh nhân đau quanh rốn sau khu trú hố chậu phải. Đây là tình trạng ruột thừa bị nhiễm trùng và gây đau âm ỉ ở vùng lân cận. Khi nhiễm trùng chuyển nặng cơn đau sẽ lan đến vùng dưới bên phải, lúc đó cần thực hiện phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa để tránh tình trạng ruột thừa bị vỡ, gây nguy hiểm đến tính mạng.
Túi mật nằm ở dưới gan, vùng bên phải ổ bụng và có đảm nhiệm vai trò quan trọng trong quá trình tiêu hóa thức ăn. Sự mất cân bằng giữa các thành phần trong túi mật tạo nên những hạt cứng như đá hoặc nhầy như bùn, chính là sỏi mật. Khi túi sỏi chứa sỏi mật, bệnh nhân sẽ có các triệu chứng đau dữ dội vùng dưới sườn bên phải, nôn mửa, mệt mỏi, kiệt sức, nguyên nhân là tình trạng tắc nghẽn ở túi mật do sỏi mật gây ra.
Mật được hình thành từ các tế bào gan, được chứa trong túi mật và đưa vào tá tràng, ruột non để tham gia quá trình tiêu hóa thức ăn. Vì vậy, khi túi mật có sỏi sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của các bộ phận quan trọng như gan và tuyến tụy, gây ra triệu chứng vàng da, vàng mắt, đặc biệt viêm tụy sẽ gây nguy hiểm lớn đến sức khỏe.
Tắc ruột
Tình trạng ngừng lưu thông của hơi và dịch tiêu hóa trong đường ruột là nguyên nhân gây ra tắc ruột. Các triệu chứng của tắc ruột bao gồm đau bụng dữ dội, táo bón, khó tiêu, buồn nôn, bụng sưng phù, đau thắt bụng vùng gần ức.
Bệnh nhân bị tắc ruột cần được điều trị theo đơn thuốc của bác sĩ để tránh nhiễm trùng nghiêm trọng hoặc thủng ruột, dẫn đến việc phẫu thuật loại bỏ tắc ruột.
Thay đổi chế độ ăn uống hợp lý để bảo vệ hệ tiêu hóa luôn khỏe mạnh
Nhiễm giun
Đau bụng do bị nhiễm giun thường gặp ở trẻ em, gây đau bụng khu vực vùng quanh rốn, thỉnh thoảng là trên rốn. Thỉnh thoảng, giun có thể chui vào túi mật gây nên những cơn đau bụng co thắt dữ dội.
2. Giải pháp tạm thời khi bị đau bụng trên rốn
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra đau bụng trên rốn, nên người bệnh phải bình tĩnh theo dõi các biểu hiện. Trong trường hợp đau bụng tự biến mất sau vài giờ có thể là do bị đầy bụng, ăn thức ăn khó tiêu hoặc ăn quá no. Trường hợp cơn đau vùng trên lan xuống vùng dưới bụng, các dấu hiệu buồn nôn, hoa mắt chóng mặt, sốt cao, bụng trướng kéo dài nhiều giờ, nhiều ngày chính là biểu hiện của các vấn đề liên quan đến tiêu hóa, cần đi gặp bác sĩ và điều trị kịp thời.
Để giảm nhẹ các triệu chứng và cơn đau bụng tạm thời, có thể sử dụng một trong những biện pháp dưới đây.
Uống nước
Nước giúp thúc đẩy quá trình giải độc khỏi cơ thể, giảm nhẹ triệu chứng nôn mửa, nên bạn có thể sử dụng nước lọc, hoặc các loại nước ép trái cây, không sử dụng rượu, bia, thức uống có cồn, có ga và café.
Chườm nóng
Chườm nóng là phương pháp hữu hiệu nhất để giảm viêm và giảm cơn đau. Có thể chườm nóng bằng cách cho nước nóng vào bình, bọc lại bằng khăn và đặt trên vùng bụng bị đau, có thể dùng túi chườm nóng để thay thế cho bình nước.
Sử dụng túi chườm nóng có thể giảm đau hiệu quả cho triệu chứng đau bụng thượng vị
Nước gừng
Gừng có tính kháng viêm tốt, có thể giảm nhẹ các triệu chứng đầy bụng, khó tiêu, giúp giảm đau hiệu quả. Việc uống nước ấm pha mật ong và gừng tươi có tác dụng tương tự như uống nước lọc hoặc các loại nước trái cây.
Đau bụng trên rốn có thể xảy ra đối với mọi đối tượng, trẻ em, người già, nhưng thường gặp nhất là ở người lớn. Đây có thể là triệu chứng của những căn bệnh thông thường, nhưng cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo tình trạng sức khỏe đang gặp nguy hiểm liên quan đến hệ tiêu hóa. Mọi thắc mắc liên quan đến đau bụng vùng thượng vị sẽ được MEDLATEC giải đáp miễn phí khi gọi điện đến hotline 1900565656. MEDLATEC luôn sẵn sàng phục vụ để đảm bảo nhu cầu sức khỏe cho quý khách.