Bạn đã bao giờ thắc mắc rằng hậu môn bình thường sẽ có cấu tạo như thế nào chưa? Đây cũng là một trong những cơ quan quan trọng trong hệ tiêu hóa của con người, nó đảm nhiệm chức năng đào thải chất cặn bã ra khỏi cơ thể. Vậy để tìm hiểu thêm về cơ quan này, MEDLATEC sẽ cung cấp cho bạn những thông tin trong bài viết sau.
14/06/2023 | Mẹo hay giúp giảm đau rát hậu môn sau khi đi vệ sinh 31/01/2023 | Bệnh ung thư hậu môn: Nguyên nhân và cách nhận biết 09/01/2023 | Chụp cộng hưởng từ rò hậu môn để làm gì?
1. Cấu tạo của hậu môn bình thường
Hậu môn là một cơ quan cuối cùng thuộc hệ tiêu hóa, có độ dài từ 2,5 - 4cm nằm ở giữa hai mông. Rìa hậu môn hay còn gọi là mép dưới của hậu môn thông với bên ngoài, còn phần mép trên sẽ nối liền với trực tràng.
1.1. Các bộ phận ở hậu môn bình thường
Hậu môn được cấu tạo từ van hậu môn, ống hậu môn, hang hậu môn và đầu vú hậu môn. Cụ thể:
-
Ống hậu môn: nằm ở dưới trực tràng, dài khoảng 2 - 3 cm do các cơ vòng trong và cơ vòng ngoài cấu thành. Ống hậu môn khi ở trạng thái bình thường sẽ có hình thái là các khía dọc, tuy nhiên nó sẽ chuyển thành dạng ống trong quá trình đại tiện;
-
Van hậu môn: nằm giữa phần cuối 2 cột trực tràng, cấu trúc là các nếp gấp hình bán nguyệt. Van hậu môn hình thành là nhờ niêm mạc của ống hậu môn và phần cuối trực tràng liên kết với nhau;
-
Hang hậu môn: có cấu tạo như những hốc nhỏ, là một bộ phận được hình thành dựa trên sự liên kết giữa những cột trực tràng và van hậu môn;
-
Đầu vú hậu môn: lồi lên và có màu hơi ngả vàng. Chúng thường nằm ở vị trí nơi giữa ống hậu môn giao nhau với cột trực tràng hoặc nằm dưới van hậu môn.
Mô phỏng cấu tạo của hậu môn
1.2. Hệ thống cơ ở hậu môn
-
Cơ thắt trong hậu môn: đây là cơ trơn có khả năng chi phối phần lớn áp lực hậu môn, giúp lỗ hậu môn được đóng kín;
-
Cơ thắt ngoài hậu môn: là cơ vân quy tụ nhiều dây thần kinh vận động và cảm giác. Nó sẽ phối hợp với bó mu trực tràng giúp giữ chặt phân, kiểm soát các hoạt động như trung tiện và đại tiện, đồng thời nó cũng có khả năng co lại tự động nếu có vật lạ tiếp xúc, xâm nhập vào hậu môn. Bên cạnh đó, cơ thắt ngoài còn bao gồm các cơ dọc ở thành ruột, cùng với đó là cơ nâng hậu môn.
Ngoài ra hậu môn còn là nơi tập trung khá nhiều những dây thần kinh và mạch máu. Khi những mạch máu ở khu vực này bị giãn và phình ra quá mức sẽ tạo thành những búi trĩ.
2. Hai bệnh lý thường gặp ở hậu môn
2.1. Triệu chứng của bệnh trĩ
Một số vấn đề bệnh lý xảy ra khá phổ biến trong đời sống hàng ngày đó chính là bệnh trĩ và nứt kẽ hậu môn. Trong đó tình trạng này thường xuất hiện trong trường hợp đám rối tĩnh mạch vùng hậu môn bị căng quá mức và hình thành nên búi trĩ.
So với hậu môn bình thường, hậu môn của bệnh nhân bị trĩ sẽ xuất hiện nhiều các triệu chứng đặc trưng, cụ thể đó là:
-
Sưng nề vùng hậu môn và sa búi trĩ: là trường hợp bị trĩ ngoại, tức là búi trĩ sa ra ngoài thành hậu môn, mỗi lần đi đại tiện bệnh nhân có thể cảm nhận và sờ thấy được. Bởi vì búi trĩ này bị sưng to, phù nề nên lâu dần nó không thể trở ngược vào trong hậu môn khiến bệnh nhân vô cùng đau đớn. Thậm chí đôi khi bệnh nhân phải dùng tay để nhét lại búi trĩ vào trong nhưng cách này cũng không khả quan;
-
Chảy máu: tình trạng căng giãn tĩnh mạch quá mức sẽ trở thành tác nhân cản trở sự di chuyển của chất thải khi ra khỏi hậu môn. Lúc đó phân sẽ cứa vào búi trĩ và gây chảy máu. Đây là nguyên nhân vì sao những trường hợp bị trĩ khi đi ngoài thường phân có lẫn máu, máu có khi nhỏ thành giọt hoặc thành tia. Nghiêm trọng hơn mỗi lần bệnh nhân ngồi xổm, đi tiêu hay vận động nhiều thì máu đều chảy ra;
-
Thiếu máu: xảy ra nếu bị mất máu quá nhiều;
-
Đau vùng hậu môn: có thể chia thành các mức độ như đau cấp, không đau, đau mạn tính. Thường thì cơn đau bắt nguồn từ tình trạng nứt hậu môn hoặc búi trĩ có xuất hiện các cục máu đông nhỏ;
-
Ngứa, xuất tiết và khó chịu vùng hậu môn: hiện tượng viêm búi trĩ và vùng hậu môn lại là khu vực ẩm ướt, tích tụ nhiều chất thải của cơ thể nên dễ bị nhiễm khuẩn gây ngứa.
Trĩ nội và trĩ ngoại
2.2. Bệnh nứt kẽ hậu môn gây ra những triệu chứng gì?
Mặc dù nứt kẽ hậu môn và bệnh trĩ là hai loại bệnh khác nhau nhưng vì đều có chung một triệu chứng là gây chảy máu trực tràng nên rất dễ bị nhầm lẫn với nhau.
Biểu hiện của tình trạng nứt kẽ hậu môn:
-
Hậu môn chảy máu, phân có lẫn máu hoặc máu thấm vào giấy vệ sinh;
-
Đau vùng hậu môn, dấu hiệu đau có đặc điểm dữ dội, nóng rát cả trong và sau khi đại tiện. Tình trạng này có thể kéo dài tới vài tiếng đồng hồ. Điều này khiến cho người bệnh lo lắng, sợ phải đi đại tiện, da xanh xao, mất ngủ,...;
-
Quanh hậu môn có cảm giác khó chịu, ngứa ngáy và xuất hiện vết rách ở trên da hậu môn;
-
Ở gần vết nứt sờ được phần da thừa.
Bệnh nứt kẽ hậu môn
3. Làm thế nào để phòng ngừa các bệnh lý ở hậu môn?
Để phòng ngừa nguy cơ gặp phải bệnh trĩ hay nứt kẽ hậu môn, chúng ta nên thực hiện những cách như sau:
-
Tích cực bổ sung nhiều chất xơ, nhất là những món nhuận tràng như khoai lang, khai môn, củ cải,...;
-
Hạn chế ăn những món cay nóng (tiêu, ớt) hay thức ăn chứa nhiều dầu mỡ;
-
Tránh xa thuốc lá, không nên uống nhiều rượu bia, cà phê;
-
Uống nhiều nước mỗi ngày (ít nhất 2 lít/ngày). Ngoài nước lọc bạn có thể bổ sung nước từ rau củ quả, canh súp,... vì nước có tác dụng làm mềm phân, tránh nguy cơ táo bón.
-
Đi đại tiện theo giờ giấc cố định để tạo thói quen đại tiện tích cực;
-
Khi bị táo bón thì bạn không nên dùng quá nhiều sức để rặn, thay vào đó hãy tìm hiểu cách để thụt tháo phân;
-
Vệ sinh sạch sẽ vùng hậu môn sau khi đi vệ sinh, có dùng nước ấm để vệ sinh, sau đó dùng giấy để lau khô. Nên tránh dùng giấy thơm vì có thể làm tăng kích ứng hậu môn và càng làm nghiêm trọng hơn tình trạng viêm nhiễm;
-
Nên luyện tập thể dục, vận động hợp lý mỗi ngày, không nên ngồi lâu một chỗ trong nhiều giờ liền để tránh nguy cơ táo bón.
Trong trường hợp bạn bị viêm loét đại tràng hoặc viêm hậu môn thì hãy đi khám để tìm hiểu cách điều trị phù hợp và kịp thời, tránh nguy cơ dẫn tới biến chứng rò loét hậu môn. Bạn có thể liên hệ tới hotline 1900 56 56 56 để được tổng đài viên của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC tư vấn, đặt lịch khám cùng các y bác sĩ tại Chuyên khoa Tiêu hóa ngay hôm nay!