Viêm màng bồ đào mắt là một trong những bệnh lý có thể dẫn đến mất thị lực vĩnh viễn. Các triệu chứng của bệnh có khả năng tự khỏi nhưng lại tái phát thường xuyên, dễ gây biến chứng và làm cho cấu trúc mắt bị phá hủy hoàn toàn. Bệnh lý này có thể gặp ở bất kỳ ai, không thể phòng ngừa nên cần hết sức thận trọng.
20/01/2022 | Tìm hiểu nguyên nhân gây ra bệnh nấm mắt và cách phòng tránh 09/01/2022 | Bỏ túi ngay 6 loại thực phẩm giúp tránh khô mắt 19/05/2021 | Viêm màng bồ đào mắt: triệu chứng, biến chứng và cách điều trị
1. Bị viêm màng bồ đào mắt là do đâu
1.1. Thế nào là bệnh viêm màng bồ đào mắt
Viêm màng bồ đào mắt dễ bị nhầm lẫn với bệnh viêm kết mạc
Màng bồ đào là lớp giữa của mắt, gồm 3 phần:
- Mống mắt: tạo màu mắt.
- Thể mi: cơ vòng nhỏ phía sau mống mắt, khiến mắt có khả năng tập trung.
- Màng mạch: lớp mô giữa võng và củng mạc, có mạch máu và sắc tố để hấp thụ ánh sáng thừa.
Viêm màng bồ đào mắt là thuật ngữ dùng để chỉ tình trạng viêm và sưng ở trong mắt.
1.2. Bị viêm màng bồ đào mắt là do đâu
Xác định nguyên nhân gây ra viêm màng bồ đào mắt hiện nay là chưa thể. Các nghiên cứu cho thấy rằng những yếu tố sau đây có thể là nguyên nhân gây ra bệnh lý này:
- Nhiễm khuẩn từ bên trong của mắt hoặc lây cho mắt do:
+ Virus gây ra một số bệnh như: herpes, quai bị, zona,...
+ Một số loại vi nấm, điển hình như histoplasmosis.
+ Một số loại ký sinh trùng, điển hình như toxoplasmosis.
+ Vi khuẩn gây ra một số bệnh như: Lyme, lao, giang mai,...
- Một số bệnh lý viêm ảnh hưởng đến các bộ phận của cơ thể trong đó có mắt như:
+ Bệnh tự miễn, phổ biến nhất là hệ miễn dịch tự tấn công các mô trong cơ thể.
+ Tổn thương tại mắt.
+ Viêm nhiễm ở một bên mắt khiến cho bên mắt còn lại bị tổn thương nghiêm trọng.
2. Tính chất nguy hiểm và dấu hiệu của bệnh viêm màng bồ đào mắt
2.1. Tính chất nguy hiểm của bệnh
Bệnh viêm màng bồ đào mắt bản chất không có khả năng lây lan nhưng nó lại gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm:
- Làm tăng nhãn áp: đây là biến chứng phổ biến nhất do bệnh viêm màng bồ đào trước gây ra. Trong đợt viêm cấp, bệnh chủ yếu do nghẽn góc tiền phòng, nghẽn đồng tử. Đối với viêm màng bồ đào cũ thì tăng nhãn áp là do tân mạch mống mắt, dính bít đồng tử hoặc dính góc tiền phòng. Ngoài ra, điều trị viêm màng bồ đào bằng cách dùng thuốc Corticoid trong thời gian dài cũng gây tăng nhãn áp.
Tăng nhãn áp là biến chứng thường gặp ở những người bị viêm màng bồ đào
- Hạ nhãn áp.
- Bệnh đục thể thuỷ tinh: bệnh lý này hay gặp ở những người bị viêm mống mắt thể mi tái phát hoặc mạn tính. Nó chính là kết quả của quá trình viêm hoặc điều trị Corticoid trong thời gian dài.
- Nang phù hoàng điểm: đây là biến chứng xảy ra do viêm hắc mạc hoặc viêm màng bồ đào trung gian.
- Teo nhãn cầu: xuất hiện khi thể mi giảm tiết thuỷ dịch vĩnh viễn hoặc bị viêm mống mắt thể mi nặng.
- Dịch kính tổ chức hóa: giảm thị lực do dịch kính tổ chức hóa, bị đục hoặc bong dịch kính sau co kéo làm cho võng mạc bị bong hoặc thoái hóa.
- Bong võng mạc: chủ yếu xảy ra ở viêm màng bồ đào sau do co kéo hoặc xơ dịch kính.
2.2. Dấu hiệu thường gặp của bệnh
Thường thì những người bị viêm màng bồ đào mắt hay bị cương tụ mạch máu tại kết mạc. Hiện tượng này dễ gây nhầm lẫn với đau mắt đỏ, nhưng cần lưu ý rằng đau mắt đỏ thông thường thì mạch máu cương tụ rộng khắp chứ không chỉ ở kết mạc.
Ngoài ra, bệnh nhân mắc bệnh viêm màng bồ đào còn hay có cảm giác như mình đang phải nhìn qua một lớp sương mờ. Những người bị viêm màng bồ đào sau hay có cảm giác nhức trong nhãn cầu, đau đầu và nhìn mờ.
Bên cạnh những triệu chứng phổ biến trên đây thì người bệnh còn có thể gặp hiện tượng:
- Tăng nhãn áp kèm đau nhức mắt.
- Cảm giác như đang nhìn thấy nhiều bóng đen bay qua bay lại trong mắt.
- Tái phát đỏ mắt thường xuyên.
3. Cách thức chẩn đoán bệnh viêm màng bồ đào mắt
Bệnh viêm màng bồ đào mắt chỉ có thể được chẩn đoán chính xác bởi bác sĩ nhãn khoa thông qua thăm khám mắt toàn diện gồm:
Khám thị lực định kỳ là cách tốt nhất để phát hiện sớm viêm màng bồ đào mắt
- Dùng bảng đo thị lực để kiểm tra thị lực của mắt.
- Dùng đèn soi đáy mắt quan sát bên trong mắt. Nếu thấy cần thiết, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân dùng thuốc giãn đồng tử để giúp cho việc quan sát bên trong mắt trở nên dễ dàng hơn.
- Đo nhãn áp.
Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng có thể sẽ được bác sĩ yêu cầu thực hiện thêm một số khảo sát, nhất là khi bác sĩ nghi ngờ có vấn đề tiềm ẩn, từng bị viêm màng bồ đào trước đó hoặc lần viêm màng bồ đào này có tính chất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng tới hai bên mắt. Những khảo sát này thường gồm: chụp X-quang, chụp cắt lớp đáy mắt, xét nghiệm máu,...
Bệnh viêm màng bồ đào mắt càng được phát hiện và điều trị từ sớm thì tiên lượng khỏi càng cao và nhanh. Trường hợp bệnh có liên quan đến bệnh tự miễn, bệnh lý tiềm ẩn thì nguy cơ tái phát rất cao. Vì thế, việc nắm bắt các dấu hiệu bệnh từ sớm luôn là cần thiết để ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm do bệnh gây ra và giúp cho việc điều trị dễ đạt được kết quả như mong muốn.
Viêm màng bồ đào dạng tự miễn là không thể phòng ngừa. Những trường hợp viêm do ký sinh trùng có thể chủ động phòng tránh bằng cách ăn chín uống sôi để không nhiễm sán, ấu trùng,...; giữ tay trong điều kiện thường xuyên vệ sinh sạch sẽ; tránh để mắt tiếp xúc với nguồn nước ô nhiễm;...
Bệnh viêm màng bồ đào mắt có thể ghé thăm bất kỳ ai. Vì thế, chăm sóc mắt cẩn thận và thăm khám mắt định kỳ là những việc làm tốt nhất giúp phòng ngừa và phát hiện sớm bệnh lý này. Khi nghi ngờ dấu hiệu của bệnh, nếu không biết hướng xử lý, bạn đọc có thể gọi tới Tổng đài 1900 56 56 56, chuyên gia y tế của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC sẽ giúp bạn tìm ra cách tốt nhất để bảo vệ cho đôi mắt của mình.