Đau mắt đỏ là bệnh lý dễ mắc, dễ lây nhiễm, gặp phải ở bất cứ độ tuổi nào và bùng phát mạnh vào mùa hè thu. Hầu hết các trường hợp bệnh lành tính và có khả năng tự khỏi nhưng vẫn có trường hợp gây biến chứng nguy hiểm. Bài viết dưới đây sẽ cùng bạn tìm hiểu về thuốc nhỏ đau mắt đỏ và cách sử dụng an toàn.
12/05/2023 | Thuốc điều trị bệnh đau mắt đỏ có những loại nào? 22/09/2022 | Tác nhân gây đau mắt đỏ và diễn biến của bệnh 27/10/2021 | Bị đau mắt đỏ bao lâu thì khỏi, cách phòng tránh thế nào?
1. Nguyên nhân và triệu chứng bệnh đau mắt đỏ
Đau mắt đỏ (hay còn gọi là viêm kết mạc) là hiện tượng viêm nhiễm xảy ra ở lớp lòng trắng bên trong mắt và vùng kết mạc mi. Bệnh thường bùng phát vào thời điểm hè thu và dễ dàng lây nhiễm, thành dịch trong cộng đồng.
Bệnh đau mắt đỏ gây viêm nhiễm bờ mi và lòng trắng bên trong mắt
1.1. Nguyên nhân gây đau mắt đỏ
Bệnh đau mắt đỏ chủ yếu xuất phát từ 3 nguyên nhân chính:
- Viêm kết mạc do virus: thường gặp nhất là virus adeno, dễ bùng phát thành dịch.
- Viêm kết mạc do vi khuẩn: Streptococcus pneumoniae, Staphylococcus aureus, Moraxella catarrhalis, Haemophilus influenzae, thường gặp ở trẻ nhỏ.
- Viêm kết mạc dị ứng: do tác nhân khói bụi, phấn hoa, dùng kính áp tròng, chất trong hóa mỹ phẩm dính vào mắt. Trường hợp này bệnh không lây nhiễm và nhanh khỏi.
Đau mắt đỏ là bệnh dễ lây nhiễm qua các đường sau:
- Tiếp xúc với dịch tiết của người bệnh: nước mắt, nước bọt,... qua không khí, bắt tay, chạm vào vật dụng có chứa mầm bệnh.
- Dùng chung vật dụng sinh hoạt với người bệnh.
- Dùng nguồn nước ô nhiễm chứa mầm bệnh.
- Có thói quen dùng tay sờ vào miệng, mũi, mắt.
1.2. Triệu chứng thường gặp của bệnh đau mắt đỏ
Triệu chứng chính của bệnh đau mắt đỏ là có ghèn mắt và đỏ mắt. Ban đầu, người bệnh bị đỏ một bên mắt rồi sau đó lan sang mắt tiếp theo, mắt bị cộm, khó chịu, bị ghèn dính chặt khiến mắt khó mở vào buổi sáng sau khi ngủ dậy. Tùy vào tác nhân gây bệnh mà ghèn mắt sẽ có màu vàng hoặc xanh.
Mặt khác, người bệnh cũng sẽ gặp các tình trạng: chảy nước mắt, đau nhức mắt, sưng nề mi mắt, đỏ mắt, mắt có mọng,... Nếu bị viêm kết mạc thì một số người sẽ có giả mạc.
Một số ít trường hợp bị đau mắt đỏ kèm đau họng, sốt, ho, mệt mỏi, nổi hạch ở tai. Nếu bệnh trở nên nghiêm trọng thì người bệnh sẽ bị xuất huyết dưới kết mạc, phù đỏ mắt, trong mắt có màng,...
Triệu chứng thường gặp ở người bị đau mắt đỏ
2. Các loại thuốc nhỏ đau mắt đỏ và cách sử dụng
Hầu hết các trường hợp đau mắt đỏ lành tính nhưng bệnh rất dễ lây, nếu diễn tiến nghiêm trọng có thể biến chứng suy giảm thị lực. Vì thế, việc điều trị đau mắt đỏ là cần thiết và cần thực hiện sớm.
2.1. Các loại thuốc nhỏ đau mắt đỏ
Hiện nay, thuốc nhỏ đau mắt đỏ thường được dùng gồm:
- Thuốc nhỏ chứa kháng sinh
Thành phần của loại thuốc trị đau mắt đỏ này có chứa kháng sinh giúp tiêu diệt vi khuẩn gây bội nhiễm và virus bám trên kết mạc mắt.
- Thuốc nhỏ chống dị ứng
Thành phần của loại thuốc nhỏ đau mắt đỏ này chứa chất kháng histamin H1 với công dụng giảm triệu chứng ngứa, sưng do đau mắt đỏ.
- Thuốc nhỏ chứa vitamin
Các loại thuốc nhỏ chứa vitamin dùng cho người bị đau mắt đỏ chứa các nhóm vitamin cần thiết cho mắt như: A, B, E,… Quá trình sử dụng thuốc sẽ giúp mắt được cung cấp dưỡng chất cần thiết để trở nên tinh anh, khỏe khoắn và cải thiện các triệu chứng nhức mỏi, đau mắt, đỏ mắt,...
2.2. Cách sử dụng thuốc nhỏ đau mắt đỏ
Thực tế cho thấy rằng, rất nhiều người bị đau mắt đỏ có tâm lý nôn nóng, hoang mang nên tìm hiểu rồi tự mua thuốc nhỏ đau mắt đỏ để chữa bệnh. Việc làm này khiến cho bệnh trở nên trầm trọng hơn, đó là chưa kể đến việc tùy tiện dùng thuốc có chứa cortisol gây loét giác mạc, đe dọa đến thị lực.
Người bệnh nên khám bác sĩ chuyên khoa Mắt để được kê đơn thuốc nhỏ đau mắt đỏ hiệu quả
Bệnh đau mắt đỏ có thể tự khỏi nhưng cũng có trường hợp diễn tiến ngày càng nặng, điều trị không đúng cách nên thị lực giảm sút, việc điều trị sau đó trở nên khó khăn hơn nhiều.
Vì thế, người bệnh không nên tự ý tìm hiểu và tự dùng thuốc nhỏ đau mắt đỏ mà cần đến khám bác sĩ chuyên khoa Mắt để được hướng dẫn điều trị đúng. Trong quá trình dùng thuốc nhỏ trị đau mắt đỏ cần lưu ý:
- Nhỏ thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, không dùng quá liều vì điều này không giúp bệnh nhanh khỏi hơn.
- Nếu phải nhỏ cùng lúc nhiều loại thuốc nhỏ mắt khác nhau nên khoảng cách giữa các lần nhỏ thuốc nên cách nhau tối thiểu nửa tiếng.
- Trường hợp dùng cả thuốc nhỏ đau mắt đỏ dạng mỡ và dạng thuốc thì hãy dùng thuốc nước trước, thuốc mỡ nhỏ sau đó khoảng 3 phút để cả hai loại được hấp thu tốt nhất.
- Thuốc sau khi mở nắp cần ghi lại ngày mở để chú ý chỉ dùng trong 1 tháng tính từ thời điểm mở nắp.
- Thuốc nhỏ mắt dạng hỗn dịch cần được lắc đều trước khi dùng.
- Rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng diệt khuẩn trước và sau khi dùng thuốc nhỏ đau mắt đỏ.
- Khi nhỏ mắt không để đầu lọ thuốc chạm vào trong mắt và lông mi để tránh làm vi khuẩn dính vào lọ thuốc.
- Khi dùng thuốc nhỏ mắt Natri Clorid 0,9% có thể nhỏ mỗi ngày 3 - 5 lần để vệ sinh mắt nhưng các loại thuốc đặc trị khác cần tuân thủ đúng số lần nhỏ do bác sĩ chỉ định.
Không phải mọi trường hợp bị đau mắt đỏ đều nhỏ thuốc giống nhau. Tùy vào từng tác nhân gây bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc phù hợp. Vì thế, chỉ khi đi khám bác sĩ chuyên khoa, xác định đúng tác nhân gây bệnh thì mới dùng đúng thuốc để chữa đau mắt đỏ hiệu quả. Càng tự tìm hiểu, tự dùng thuốc không có chỉ định người bệnh càng dễ đẩy mình vào những tình thế nguy hiểm, không những mất tiền oan mà còn mang tật vào người.
Khi nghi ngờ triệu chứng đau mắt đỏ, quý khách hàng có thể liên hệ hotline 1900 56 56 56 để đặt lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa Mắt - Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC. Bằng cách này, quý khách sẽ biết được tình trạng bệnh của mình và được kê đơn thuốc nhỏ đau mắt đỏ hiệu quả nhất.