Đau tức ngực bên trái có thể xuất hiện đột ngột, thoáng qua rồi chấm dứt nhưng cũng có thể âm ỉ, kéo dài. Dù tần suất lặp lại như thế nào thì hiện tượng này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý và chất lượng cuộc sống. Ở mức độ nguy hiểm hơn, nó có thể là tín hiệu cảnh báo những vấn đề nghiêm trọng của sức khỏe mà người bệnh không thể chủ quan.
25/06/2020 | Tức ngực là biểu hiện của bệnh gì và kéo dài có nguy hiểm không? 18/06/2020 | Bác sĩ giải đáp băn khoăn: Tức ngực khó thở là bệnh gì?
1. Thế nào là đau tức ngực?
Đau tức ngực là hiện tượng đau tức kèm theo cảm giác khó thở tại vùng ngực. Có thể đau tức ngực trái hoặc ngực phải và có trường hợp càng làm việc gắng sức cơn đau càng nặng hơn, khi được nghỉ ngơi hợp lý thì cơn đau sẽ giảm xuống. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này nhưng muốn chẩn đoán chính xác thì người bệnh cần thực hiện một số kiểm tra như điện tim, siêu âm, chụp X-quang, chụp cắt lớp,...
2. Nguyên nhân gây ra cơn đau tức ngực trái là gì?
Đau tức ngực bên trái tức là cơn đau tức khởi phát từ khu vực bên trái của ngực. Nguyên nhân gây ra hiện tượng này thường là:
- Vấn đề về dạ dày - thực quản
Co thắt cơ thực quản có thể gây ra cơn đau ngực bên trái tương tự như đau tim. Ngoài ra, khi lớp niêm mạc thực quản bị viêm cũng có thể xảy ra tình trạng đau tức ngực, buồn nôn, thở nhanh. Đặc biệt, hầu hết bệnh về dạ dày thực quản sẽ khiến người bệnh đau tức ngực bên trái sau khi uống rượu, ăn cơm hay uống nước nóng.
Một vấn đề nào đó về dạ dày thực quản có thể gây nên cơn đau tức ngực bên trái
- Chấn thương và kéo cơ thành ngực
Bất kỳ tổn thương nào tại ngực cũng có thể khiến ngực bị đau. Đặc biệt, khi các cơ bị kéo căng ở ngực sẽ gây nên hiện tượng đau tức ngực bên trái.
- Viêm màng phổi
Nếu ngực bên trái đau tức hoặc đau nhói có tính chất tăng dần về mức độ, nhất là khi nằm ngửa hoặc hít vào thì khả năng đây là dấu hiệu của bệnh viêm màng phổi.
- Thuyên tắc phổi
Có cơn đau tức ngực trái đột ngột là một dấu hiệu cảnh báo thuyên tắc phổi - có cục máu đông trong phổi. Lúc này người bệnh cần được cấp cứu ngay để không bị nguy hại đến tính mạng.
- Đau tim
Khi cơ tim bị tổn thương nó sẽ không nhận đủ máu giàu oxy và gây ra một cơn đau tức ngực đột ngột một cách dữ dội. Cũng có trường hợp cơn đau nhẹ kiểu hơi rát mà thôi nên nhiều người thường bỏ qua, không kịp thời phát hiện và điều trị bệnh.
- Viêm màng ngoài tim
Màng ngoài tim là hai lớp mô mỏng bao bọc lấy tim. Nếu lớp màng này bị kích thích hoặc viêm có thể sẽ sinh ra triệu chứng đau giữa hoặc đau tức ngực bên trái. Cũng có khi người bệnh sẽ bị đau một hoặc hai bên vai.
- Nhồi máu cơ tim
Bệnh nhồi máu cơ tim có thể gây ra cơn đau tức ngực trái với cảm giác như bị bóp nghẹt từ phía sau. Cơn đau có chiều hướng lan dần xuống cổ, lưng và cánh tay bên trái, dù nghỉ ngơi vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm mà thậm chí người bệnh còn toát mồ hôi và buồn nôn.
Nhồi máu cơ tim có thể gây đau ngực trái như bị bóp nghẹt từ phía sau
- Bệnh động mạch vành
Bệnh mạch vành thường liên quan đến tình trạng tắc nghẽn trong lòng mạch vành hoặc co thắt mạch vành. Đau tức ngực bên trái do hẹp mạch vành thường xảy ra khi gắng sức khiến tim phải hoạt động nhiều hơn, cần nhiều máu đến tim hơn. Tất nhiên, không phải mọi trường hợp bị bệnh mạch vành đều có dấu hiệu đau tức ngực trái một cách rõ ràng, đôi khi chỉ là cơn đau nhói hoặc đau nhẹ kiểu thoáng qua. Cũng có trường hợp cơ tim thiếu máu, mạch vành hẹp nhưng lại có rất ít hoặc không có triệu chứng nên cần hết sức thận trọng.
3. Người bệnh cần lưu ý
3.1. Thăm khám và chẩn đoán
Ngay khi có dấu hiệu đau tức ngực trái người bệnh cần nghỉ ngơi, chú ý quan sát các triệu chứng kèm theo và diễn tiến của hiện tượng này. Tốt nhất, người bệnh nên tìm đến cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ thăm khám và thực hiện một số kiểm tra cần thiết để chẩn đoán bệnh một cách chính xác.
Người bệnh nên gặp bác sĩ chuyên khoa thăm khám để tìm ra nguyên nhân đau tức ngực bên trái
Để tìm ra nguyên nhân gây đau tức ngực bên trái, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện một số kiểm tra như: điện tâm đồ, siêu âm tim, chụp động mạch vành, chụp X-quang ngực, chụp cắt lớp phổi, xét nghiệm men tim,... Sau khi đã có kết quả kiểm tra, biết được nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị cụ thể, việc của người bệnh là cần tích cực tuân thủ đúng phác đồ ấy.
3.2. Một số điều cần nhớ
Bên cạnh việc thực hiện nghiêm túc chỉ định điều trị từ bác sĩ thì việc thay đổi lối sống sao cho khoa học cũng là vấn đề cần được người bệnh lưu tâm. Ngoài ra, người bệnh cần nhớ một số điều sau:
- Cơn đau tức ngực trái nếu liên quan đến tim, ngoài việc thực hiện theo đúng chỉ dẫn điều trị của bác sĩ thì người bệnh cần tránh xúc động mạnh, có chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng hợp lý.
- Khi lên cơn đau mà đang làm việc thì cần dừng việc để nghỉ ngơi ngay lập tức và lên chế độ luyện tập nhẹ nhàng sau đó để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
- Nếu trong quá trình điều trị không thấy bệnh có chiều hướng cải thiện hoặc phát sinh các triệu chứng khác thì cần liên hệ ngay với bác sĩ để có hướng xử trí kịp thời.
- Người bị đau tức ngực bên trái nếu bị bệnh béo phì thì cần xây dựng cho mình một chế độ giảm cân khoa học có sự tham vấn ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.
- Bỏ hút thuốc lá và có chế độ giảm bớt gánh nặng trong công việc, duy trì thể dục thể thao điều độ.
Nói chung, có rất nhiều nguyên nhân gây ra cơn đau tức ngực bên trái và không ai có thể tự biết được lý do mình bị như vậy. Vì thế, phương pháp tốt nhẫn vẫn là đến bác sĩ chuyên khoa thăm khám để được điều trị kịp thời (nếu cần). Dựa vào các triệu chứng mà người bệnh đang gặp phải, căn cứ từ những kiểm tra trên người bệnh bác sĩ sẽ có kết luận và hướng điều trị hiệu quả nhất.
Nếu có dấu hiệu đau tức ngực bên trái người bệnh có thể đến trực tiếp Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC - cơ sở y tế quy tụ đội ngũ bác sĩ chuyên khoa hàng đầu với những phương pháp chẩn đoán và điều trị tiên tiến nhất. Tại đây bạn sẽ được các bác sĩ thăm khám cẩn thận, làm kiểm tra một cách chính xác để có những can thiệp y tế kịp thời và đạt mục đích chữa trị.
Ngoài ra, khi cần tư vấn hay hỗ trợ về các vấn đề liên quan đến hiện tượng đau tức ngực, bạn cũng có thể liên hệ tổng đài 1900 56 56 56, chuyên viên y tế của chúng tôi luôn sẵn lòng phục vụ, giúp bạn có được những chỉ dẫn hữu ích nhất cho sức khỏe.