Tức ngực khó thở là bệnh gì? Tức ngực khó thở là một trong những tình trạng có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào, không kể người già hay người trẻ. Kèm theo các triệu chứng khác như đau nhói ở tim, buồn nôn,... tức ngực khó thở có thể là dấu hiệu cho thấy một người đang mắc những bệnh lý liên quan đến tim mạch.
18/06/2020 | Bác sĩ giải đáp băn khoăn: Tức ngực khó thở là bệnh gì? 21/06/2014 | Đau tức ngực đáng lo là bệnh tim mạch
1. Tức ngực khó thở là biểu hiện của bệnh gì?
Tức ngực khó thở có thể là cảnh báo của nhiều bệnh lý khác nhau. Thông thường, sẽ không đáng lo ngại nếu như cơn đau tức ngực chỉ diễn ra thoáng qua trong chốc lát. Tuy nhiên, nếu tình trạng này lặp đi lặp lại và diễn ra liên tục với cường độ tăng dần thì có thể là triệu chứng của các bệnh lý đặc biệt nguy hiểm như:
- Các bệnh lý tim mạch.
- Các bệnh lý về phổi, màng phổi.
- Các bệnh lý vùng thành ngực.
Tức ngực khó thở - dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm
Trong đó, nguy hiểm nhất chính là tức ngực khó thở do các bệnh lý tim mạch gây ra. Cụ thể các bệnh thường gặp như:
1.1. Bệnh mạch vành
Bệnh mạch vành là tình trạng lòng động mạch có các mảng xơ vữa, làm cản trở quá trình lưu thông máu. Lúc này, tế bào cơ tim không được cung cấp đủ lượng oxy cần thiết sẽ dẫn đến tình trạng tức ngực khó thở kèm những cơn đau nhói ở tim.
Bên cạnh cảm giác tức ngực khó thở, người bị bệnh mạch vành còn cảm thấy vùng ngực như bị đè nén, tim như thắt lại và đôi khi là những cơn đau dữ đội từ phía ngực bên trái. Đặc biệt, cơn đau tức ngực trở nên rõ ràng, trầm trọng hơn khi người bệnh vận động quá sức hoặc có cảm xúc căng thẳng, xúc động, tức giận.
Trong các dạng của bệnh mạch vành thì nhồi máu cơ tim chính là dạng nguy hiểm nhất và có thể đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh.
Nhồi máu cơ tim là dạng nguy hiểm nhất của bệnh mạch vành
1.2. Bóc tách động mạch chủ
Trong cơ thể, động mạch chủ là động mạch quan trọng nhất và cũng là động mạch lớn nhất. Nó nắm giữ vai trò như một cầu nối giúp vận chuyển máu đến các cơ quan khác trong cơ thể.
Bóc tách động mạch chủ là hiện tượng rách lớp nội mạc của động mạch chủ. Điều này tạo điều kiện cho máu len lỏi vào bên trong, từ đó dẫn đến thiếu máu cục bộ và nghiêm trọng hơn có thể gây vỡ động mạch chủ. Những triệu chứng điển hình của hiện tượng này phải kể đến choáng váng, tức ngực khó thở hay thậm chí ngất xỉu. Đây là một bệnh lý vô cùng nguy hiểm, dễ dẫn đến suy tim cấp và có nguy cơ cao dẫn đến tử vong.
1.3. Các bệnh lý liên quan đến phổi và màng phổi
Các bệnh lý như viêm màng phổi, tràn khí màng phổi hay u phổi cũng có thể là nguyên nhân lý giải cho tình trạng tức ngực khó thở thường gặp.
2. Các dạng đau tức ngực thường gặp
Ngoài nắm được tức ngực khó thở là bệnh gì, mọi người cần phân biệt được các loại tức ngực thường gặp.
2.1. Đau tức ngực khó thở
Không chỉ là do bệnh tim mạch vành gây ra, trong nhiều trường hợp, tình trạng hẹp đường hô hấp tạm thời hay trào ngược dạ dày thực quản cũng là những nguyên nhân khá phổ biến dẫn đến hiện tượng tức ngực khó thở.
Ngoài ra, tức ngực khó thở còn có thể do yếu tố tâm lý gây ra. Nhịp thở của chúng ta thường sẽ bị ảnh hưởng (thở ngắt nhịp, thở dốc,...) nếu đang ở trong trạng thái hồi hộp, lo âu hoặc căng thẳng kéo dài. Điều này làm cho thiếu oxy và gây ra những cơn đau tức ngực khó thở.
Tức ngực khó thở có thể do yếu tố tâm lý gây ra
Tình trạng này có thể hạn chế bằng cách cân bằng cảm xúc, tránh căng thẳng, kết hợp chế độ ăn uống lành mạnh và kiểm soát các bệnh lý liên quan.
2.2. Đau tức ngực, buồn nôn
Thực chất, đau tức ngực buồn nôn là một biểu hiện bắt nguồn từ các vấn đề về tâm lý. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, đây lại cũng có thể là cảnh báo về những bệnh lý đáng lo ngại như:
Các bệnh lý về đường hô hấp: biểu hiện tức ngực khó thở kèm theo cảm giác buồn nôn có thể do đường hô hấp gặp rối loạn hoặc nhiễm trùng. Ảnh hưởng hệ hô hấp đồng nghĩa với việc làm hạn chế lượng oxy được thu nạp vào cơ thể và dẫn đến những biểu hiện như kể trên.
Trào ngược dạ dày thực quản: cảm giác đau nhói ở vùng ức có thể bắt nguồn từ việc đầu mút các sợi thần kinh ở biểu mô thực quản bị kích thích do axit dạ dày trào ngược lên thực quản. Bên cạnh axit dạ dày và hơi thì các chất bị trào ngược lên thực quản có thể bao gồm cả thức ăn đang tiêu hóa, khiến cho người bệnh có cảm giác buồn nôn.
Tức ngực khó thở kèm theo cảm giác buồn do rối loạn đường hô hấp
3. Khi bị tức ngực khó thở nên làm gì?
Như đã nói ở trên, tức ngực khó thở không phải là tình trạng hiếm gặp. Khi các cơn đau tức ngực diễn ra thường xuyên kèm theo cảm giác khó thở, tốt nhất bạn nên đến các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và xác định sớm nguyên nhân gây bệnh, nhất là đối với những người cao tuổi có mắc đồng thời các bệnh như đái tháo đường, tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, rối loạn mỡ máu,...
Tiếp đó, sau khi đã được bác sĩ chẩn đoán về nguyên nhân gây bệnh cũng như tình trạng bệnh của mình, người bệnh nên tuyệt đối tuân thủ theo liệu trình điều trị của bác sĩ, bao gồm cả chế độ dinh dưỡng và chế độ sinh hoạt lành mạnh. Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần hết sức thận trọng nếu được chẩn đoán cơn đau tức ngực là do các bệnh về tim mạch (bệnh mạch vành, bóc tách động mạch chủ, nhồi máu cơ tim,...) gây ra.
Khi xuất hiện cơn đau tức ngực khó thở, tốt nhất bạn nên tạm dừng công việc đang thực hiện và dành thời gian nghỉ ngơi, không nên quá gắng sức hay cố làm các công việc nặng.
Bên cạnh đó, người bệnh nên thay thế các môn thể thao nặng bằng những bài tập thể dục hàng ngày nhẹ nhàng hơn để tránh làm nghiêm trọng thêm tình trạng tức ngực khó thở.
Tập thể dục hàng ngày với những bài tập nhẹ nhàng
Có thể thấy, những cơn đau tức ngực khó thở tuy thường không gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng tại thời điểm đó nhưng lại là cảnh báo cho nhiều bệnh lý nguy hiểm, có khả năng đe dọa đến tính mạng con người. Chính vì vậy, nếu bạn thấy có xuất hiện những cơn đau tức ngực khó thở không rõ nguyên nhân thì cần đến gặp bác sĩ ngay để được thăm khám và theo dõi thường xuyên.
Hi vọng với bài viết này, câu hỏi “Tức ngực khó thở là bệnh gì” đã không còn là mối băn khoăn, lo lắng của bạn nữa. Mọi nhu cầu cần được tư vấn vui lòng liên hệ MEDLATEC theo hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ và giải đáp.