So với các bệnh ung thư khác như ung thư dạ dày, ung thư vú, ung thư đại tràng,... thì ung thư miệng khá ít gặp nhưng thường phát hiện bệnh muộn, điều trị khi ung thư đã tiến triển và gây biến chứng nguy hiểm. Nguyên nhân là do triệu chứng bệnh khá giống với các vấn đề răng miệng thường gặp nên mọi người thường chủ quan không đi khám và điều trị. Điều trị ung thư miệng càng muộn thì càng khó khăn, kém hiệu quả hơn.
12/09/2022 | Nhiệt miệng trong cổ họng và những điều không nên bỏ qua 22/08/2022 | Phân biệt đậu mùa khỉ - đậu mùa - thủy đậu - tay chân miệng 18/08/2022 | Tất tần tật những điều mẹ cần biết về nấm miệng ở trẻ
1. Tại sao ung thư miệng thường phát hiện muộn?
Ung thư miệng khá ít gặp, do đó hầu hết mọi người không nắm được thông tin về bệnh cũng như triệu chứng để nhận biết. Bên cạnh đó, ở giai đoạn đầu và giai đoạn tiến triển, ung thư miệng thường gây triệu chứng dễ nhầm lẫn với viêm nhiễm khoang miệng thông thường.
Cụ thể, những triệu chứng do ung thư khoang miệng gây ra thường gặp gồm:
1.1. Tổn thương loét
Ở vị trí khoang miệng bị bệnh sẽ xuất hiện các vùng tổn thương nhô lên, có thể có nhú phủ trên các mảnh mô hoại tử hoặc loét đơn thuần tùy theo giai đoạn ung thư. Những tổn thương loét trong khoang miệng này gây ra mùi hôi thối khó chịu, dễ chảy máu khi tác động lực. Khi dùng tay kiểm tra thấy những tổn thương này cứng, ít hoặc không di động, dễ lan ra các vùng miệng xung quanh.
1.2. Tổn thương sùi
Nhiều bệnh nhân ung thư miệng không xuất hiện tổn thương loét mà là những tổn thương dạng sùi, nhô lên như hình súp lơ. Khi bị tác động do ăn uống hoặc vệ sinh răng miệng, những tổn thương này cũng có thể bị chảy máu, loét ra.
Ung thư miệng gây ra nhiều tổn thương loét, sùi trong miệng
1.3. Triệu chứng khi ung thư miệng di căn
Tế bào ung thư miệng khi đã qua giai đoạn phát triển khu trú sẽ di căn đến các vùng xung quanh và các hạch đầu, mặt, cổ. Các bệnh ung thư thứ phát thường gặp gồm: ung thư lưỡi, ung thư họng, ung thư sàn miệng,... Hạch di căn ở vùng hầu họng có thể gây chèn ép đường thở, chèn ép mạch máu và dây thần kinh ảnh hưởng tới chức năng của các cơ quan.
Nghiêm trọng nhất là các vùng miệng và khu vực xung quanh khi ung thư di căn đến bị hoại tử, dẫn đến chảy máu ồ ạt và tử vong nhanh chóng nếu không được can thiệp kịp thời.
Hầu hết bệnh nhân ung thư miệng chỉ đi khám và điều trị khi phát hiện những tổn thương, u ở miệng kéo dài, lở loét, gây đau đớn không điều trị được bằng phương pháp thông thường. Phát hiện bệnh càng sớm, nhất là giai đoạn chưa di căn thì điều trị càng đơn giản và hiệu quả. Do vậy, người bệnh nếu phát hiện có những dấu hiệu như trên cần sớm đến cơ sở y tế chuyên khoa khám, bác sĩ sẽ sinh thiết phân tích mẫu mô từ tổn thương để chẩn đoán chính xác.
Ung thư miệng có thể xuất phát từ thói quen sống thiếu lành mạnh
2. Nguyên nhân chính dẫn đến ung thư miệng
Các nhà khoa học vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây ung thư miệng song cũng biết được một số yếu tố nguy cơ cao như:
2.1. Ung thư miệng xuất phát từ thói quen sống thiếu lành mạnh
Thói quen ăn uống không tốt cho sức khỏe nói chung và khoang miệng nói riêng là thường xuyên hút thuốc lá và uống rượu. Việc này vừa ảnh hưởng tới hoạt động miễn dịch, vừa gây tổn thương kéo dài cho các mô khoang miệng, dần dần tiến triển thành ung thư.
Thói quen vệ sinh răng miệng kém, bệnh lý răng miệng không điều trị,... tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây bệnh, cùng với tổn thương cơ học trong khoang miệng tạo điều kiện cho ung thư phát triển.
2.2. Ung thư miệng tiến triển do bệnh lý khác
Ở những người mắc phải tổn thương tiền ung thư trong khoang miệng như: hồng sản, bạch sản, viêm nấm candida mạn tính, loét lở miệng liên tục,... có nguy cơ ung thư khoang miệng cao hơn bình thường.
Bên cạnh đó, các tác nhân như virus Herpes, HPV,... cũng được xem là yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư miệng.
Ung thư miệng có thể do virus như HPV gây ra
Bằng cách hạn chế những yếu tố nguy cơ cao trên, bạn có thể ngăn ngừa ung thư miệng cũng như các bệnh lý thường gặp khác. Bên cạnh đó, thói quen ăn uống lành mạnh, giàu rau xanh và thực phẩm tốt cho miễn dịch cũng rất quan trọng. Đừng quên thăm khám răng miệng định kỳ 6 tháng 1 lần ở các cơ sở chuyên khoa để phát hiện can thiệp sớm nếu có vấn đề bất thường.
3. Điều trị ung thư miệng thế nào?
Ung thư miệng tiến triển qua từng giai đoạn với triệu chứng và mức độ khác nhau. Khi khối u đã xuất hiện nghĩa là đang ở giai đoạn lâm sàng, có thể đã di căn hoặc chưa. Các giai đoạn tiền ung thư hoặc giai đoạn sinh vật khi đang biến đổi gen rất khó phát hiện do triệu chứng nghèo nàn nhưng có thể chẩn đoán thông qua thăm khám, kiểm tra.
Tùy theo kết quả chẩn đoán giai đoạn và mức độ ung thư miệng, bác sĩ sẽ xem xét phương pháp điều trị phù hợp như:
3.1. Phẫu thuật
Nếu ung thư miệng phát hiện sớm, khi khối u đang hình thành, phát triển và chưa di căn, phương pháp điều trị thường lựa chọn là phẫu thuật cắt bỏ. Phương pháp phẫu thuật cũng khá đa dạng như: cắt bỏ khối u đơn thuần, cắt và nạo vét hạch cổ, cắt u, phẫu thuật tái tạo,...
Xạ trị có thể áp dụng trước phẫu thuật để thu nhỏ kích thước u ung thư hoặc sau phẫu thuật để loại bỏ tế bào ung thư còn sót lại. Xạ trị hiệu quả nhưng có thể gây 1 số tác dụng phụ như: sâu răng, khô miệng, chảy máu khoang miệng, loét miệng, hoại tử xương hàm,...
3.3. Hóa trị liệu
Hóa trị liệu có thể áp dụng kết hợp với xạ trị để tăng hiệu quả tiêu diệt tế bào ung thư nhưng cũng gây ra nhiều tác dụng phụ không mong muốn.
Điều trị ung thư miệng có thể kết hợp hóa xạ trị
Như vậy, có nhiều phương pháp điều trị ung thư miệng, tùy theo kích thước khối u và giai đoạn bệnh mà bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp phù hợp. Phát hiện bệnh càng sớm thì điều trị càng nhanh và hiệu quả, hạn chế biến chứng do ung thư miệng gây ra.
Nếu cần tư vấn thêm, liên hệ với MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 để được chuyên gia hỗ trợ.