Thực quản được cấu tạo như một ống cơ, là cầu nối giữa cổ họng và dạ dày. Với tính chất là một cầu nối, thực quản có nhiệm vụ chính là vận chuyển thức ăn nước uống từ miệng xuống dạ dày. Tuy nhiên không phải ai cũng nắm được đặc điểm giải phẫu thực quản và thấu hiểu được vai trò quan trọng của cơ quan này.
30/05/2023 | Ung thư thực quản giai đoạn 2 có triệu chứng gì? 04/03/2023 | May mắn “vượt cửa tử” nhờ phát hiện ung thư thực quản từ giai đoạn rất sớm 24/11/2022 | Bệnh ung thư thực quản hình thành do những yếu tố nào?
1. Đặc điểm giải phẫu thực quản con người
Thực quản với cấu trúc như một ống cơ có tác dụng kết nối dạ dày với cổ họng, có độ dài 8 inch có nhiệm vụ truyền thức ăn từ khoang miệng xuống hệ tiêu hoá. Niêm mạc bên trong của thực quản là tập hợp các mô màu hồng ẩm, hình dẹt. Vị trí của thực quản là nằm phía sau tim, khí quản và ở trước cột sống. Thực quản sẽ đi qua cơ hoành rối mới đến dạ dày, đồng thời mối liên kết giữa thực quản với các tạng khá lỏng lẻo.
Vị trí thực quản
1.1. Phân chia các phần của thực quản
Xét về giải phẫu thực quản, bộ phận này được chia thành như sau:
-
⅓ phần trên: dài khoảng 10cm, chạy từ miệng thực quản cho đến bờ trên quai động mạch chủ;
-
⅓ phần giữa: độ dài khoảng 8cm, tiếp nối bờ trên quai động mạch chủ đến bờ dưới tĩnh mạch phổi dưới;
-
⅓ phần dưới: độ dài khoảng 7cm, tiếp nối phần giữa chạy tới tâm vị.
Có vô vàn các mạch máu chạy qua thực quản với nguồn cấp máu khác nhau dựa trên chiều dài thực quản:
-
Phần trên thực quản: khu vực này sẽ nhận máu được chuyển tới từ động mạch tuyến giáo;
-
Phần giữa thực quản: được cấp máy từ động mạch chủ ngực và động mạch phế quản;
-
Đoạn dưới thực quản: máu nhận được ở phần này là từ động mạch phổi dưới và động mạch dạ dày trái.
1.2. Cơ thắt thực quản
Ngoài ra thực quản còn bao gồm 2 cơ thắt là:
-
Cơ thắt thực quản trên: nằm trên đỉnh thực quản, bộ phận này gồm các cơ có thể kiểm soát được bằng ý thức, tham gia vào hoạt động ăn, thở, nôn, ợ;
-
Cơ thắt thực quản dưới: nằm dưới đầu thấp thực quản, tiếp giáp với dạ dày. Khi cơ thắt này đóng lại sẽ giúp ngăn cản acid dạ dày trào ngược lên thực quản.
1.3. Cấu tạo thành thực quản
Thành thực quản được cấu tạo với 3 lớp như sau:
- Lớp cơ:
-
Cơ trơn: chiếm khoảng ⅔ đoạn phía trên thực quản, là các dải cơ dọc bao bọc bên ngoài, còn bên trong là các sợi cơ vòng;
-
Cơ vân: phân bố ở quanh cuống họng, càng ở phần phía dưới thực quản bó sợi cơ vân sẽ càng mỏng dần. Khi đi đến tâm vị các cơ vân này sẽ xuất hiện lại để tạo nên một bộ phận gọi là cơ thắt tâm vị, tên gọi khác là cơ thắt thực quản dưới
- Lớp dưới niêm mạc: nơi tập trung các dây thần kinh và mạch máu;
- Lớp niêm mạc trong lòng thực quản: bao gồm lớp biểu mô, tiếp đến là lớp đệm, tới lớp cơ niêm và đến lớp tuyến.
2. Chức năng của thực quản là gì?
Thực quản chính là ống cơ giúp đưa thức ăn từ miệng xuống hệ tiêu hóa. Trong quá trình chúng ta nhai nuốt, thực quản sẽ vận động lớp cơ của mình để đẩy thức ăn đi xuống dưới. Động tác vận chuyển thức ăn của thực quản rất nhịp nhàng sẽ giúp thức ăn được di chuyển chậm, cụ thể nhiệm vụ của thực quản sẽ như sau:
-
Miệng thực quản thường sẽ được đóng kín để ngăn cản luồng không khí chui vào thực quản. Chỉ khi nào chúng ta nuốt thức ăn thì miệng thực quản mới được mở ra;
-
Tâm vị sẽ được hoạt động tương tự như van một chiều giúp ngăn dịch vị từ dạ dày trào ngược lên thực quản. Bình thường nó cũng sẽ đóng kín.
Thực quản nằm ở dưới thanh quản
3. Một số bệnh lý thường gặp ở thực quản
3.1. Viêm thực quản
Viêm thực quản là bệnh lý phổ biến thường xuất hiện khi phần niêm mạc từ họng tới dạ dày, lớp lót trong lòng thực quản bị viêm. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nhiễm nấm, dùng thuốc, dị ứng, trào ngược dạ dày thực quản, xạ trị,... Khi bị viêm thực quản, bệnh nhân sẽ có triệu chứng nuốt đau, khó nuốt, nóng rát ngực, đau ngực,...
Nếu không được chẩn đoán và điều trị, bệnh nhân sẽ dễ gặp phải biến chứng như viêm thực quản mạn tính, teo hẹp thực quản, tiến triển thành thực quản Barrett - một biến chứng có khả năng phát triển thành bệnh ung thư.
3.2. Bệnh thực quản Barrett
Tình trạng này thường xảy ra ở đoạn ⅓ phía dưới thực quản. Sở dĩ gọi là thực quản Barrett vì nó được đặt tên theo vị bác sĩ đầu tiên phát hiện ra nó. Bình thường niêm mạc của thực quản được cấu thành từ các tế bào biểu mô lát, màu sắc trắng hồng. Tuy nhiên ở vùng thực quản Barrett chúng sẽ có màu đỏ, là các tế bào trụ khá tương đồng với tế bào ở niêm mạc dạ dày.
Đa phần những bệnh nhân bị bệnh thực quản Barrett đều là hệ quả của chứng trào ngược dạ dày thực quản. Acid chứa trong dịch vị dạ dày có thể làm tổn thương và phá hủy các tế bào niêm mạc thực quản. Bản thân bệnh thường không gây triệu chứng nào, nhưng bệnh nhân lại có biểu hiện của chứng trào ngược dạ dày như: đầy hơi, ợ nóng, ợ chua, buồn nôn, đau vùng bụng trên và vùng ngực,...
3.3. Trào ngược thực quản
Tên gọi khác là trào ngược acid dạ dày. Nguyên nhân của tình trạng này là do cơ vòng thực quản dưới bị rối loạn hoạt động, không thể kiểm soát được việc đóng mở khiến acid dạ dày bị trào ngược lên trên. Ngoài ra nguyên nhân còn là do nguyên nhân thừa cân, mang thai tạo áp lực đè lên dạ dày hoặc do thoát vị dạ dày,...
3.4. Co thắt thực quản
Khi khả năng co giãn của cơ trơn thực quản không hoạt động hiệu quả sẽ gây ra hiện tượng co thắt thực quản, ảnh hưởng đến sự di chuyển của thức ăn đi xuống dạ dày. Hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, tuy nhiên có giả thiết là do nhiễm trùng, tổn thương thần kinh điều khiển cơ trơn, do di truyền,...
Xét về triệu chứng thì co thắt thực quản có biểu hiện gần giống với các vấn đề khác tại hệ tiêu hóa, ví dụ như buồn nôn, khó nuốt, đau tức ngực, nôn mửa,...
3.5. Ung thư thực quản
Đây được coi là bệnh lý nghiêm trọng nhất ở thực quản, xảy ra khi các tế bào niêm mạc thực quản phát triển quá mức (loạn sản, dị sản) và tạo thành những khối u ác tính.
Nguyên nhân của hiện tượng này hiện vẫn còn là một câu hỏi lớn đối với giới y khoa. Tuy nhiên cũng có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư thực quản đó là:
-
Bệnh nhân đang mắc phải các bệnh lý ở thực quản;
-
Nghiện bia rượu và thường xuyên hút thuốc lá;
-
Chế độ ăn uống thiếu lành mạnh: thiếu hụt vitamin A, B2, ăn nhiều chất béo, dùng những thực phẩm có chứa nitrosamin,...
-
Mắc một số bệnh như bị sừng hóa gan bàn chân, ung thư tỵ hầu, ung thư vùng đầu cổ…
Hình ảnh mô phỏng ung thư thực quản
Trên đây là những thông tin về giải phẫu thực quản cũng như các loại bệnh lý thường gặp ở cơ quan này. Nếu bạn cần được tư vấn thêm về các dịch vụ thăm khám tình trạng bệnh lý tại thực quản hay bất kỳ vấn đề sức khỏe nào khác, hãy liên hệ đặt lịch khám cùng bác sĩ ngay qua hotline 1900 56 56 56 của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC.