Bị nhiệt miệng là tình trạng nhiều người gặp phải với tần suất và mức độ khác nhau. Đại đa số trường hợp mắc phải đều sẽ gặp cảm giác đau rát rất khó chịu khiến cho việc ăn uống gặp khó khăn, tâm lý và chất lượng cuộc sống giảm sút. Vậy nguyên nhân gây ra nhiệt miệng trong cổ họng là gì và nên xử lý thế nào, bài viết sau sẽ cùng bạn tìm hiểu cụ thể về vấn đề này.
15/04/2022 | Nhiệt miệng: nguyên nhân, cách khắc phục và phòng ngừa 08/03/2022 | Top 4 cách chữa trị nhiệt miệng hiệu quả tại nhà mà bạn nên biết 15/01/2022 | Bị nhiệt miệng nên ăn gì và kiêng ăn gì để nhanh khỏi?
1. Dấu hiệu và nguyên nhân hình thành nhiệt miệng trong cổ họng
1.1. Dấu hiệu cho thấy bị nhiệt miệng trong cổ họng
Nhiệt miệng trong cổ họng là một dạng của bệnh nhiệt miệng (còn gọi là loét áp tơ). Đây là dạng viêm loét niêm mạc miệng lành tính đặc trưng bởi sự xuất hiện của một hoặc nhiều vết loét nông, đỏ xung quanh, phần chính giữa mủ vàng hoặc trắng, kích thước khoảng 1cm. Khi mủ vỡ ra, vết loét sẽ lõm vào trong, phần bờ cao lên, nếu chạm vào sẽ rất đau rát.
Nhiệt miệng trong cổ họng là một dạng viêm loét niêm mạc giống như vết loét ở các vị trí khác trong khoang miệng
Thường thì các vết loét do nhiệt miệng có thể tự khỏi sau khoảng 7 - 14 ngày nhưng có một số trường hợp kéo dài dai dẳng, thường xuyên tái phát khiến người bệnh cảm thấy đau đớn không muốn ăn uống từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống và sức khỏe.
1.2. Bị nhiệt miệng trong cổ họng, nguyên nhân do đâu?
Tuy chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây ra nhiệt miệng trong cổ họng nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy bệnh lý này có liên quan tới phản ứng của hệ miễn dịch. Các yếu tố sau góp phần kích thích phản ứng này hình thành:
- Nuốt thức ăn khô cứng làm trầy xước cổ họng.
- Thường xuyên ăn thức ăn có tính nóng khiến cho nướu và niêm mạc miệng sưng đỏ, dễ nhạy cảm và bị xây xước hơn. Chính vết xước này sẽ tạo thành vết loét khi sức đề kháng của cơ thể kém đi hay khi bị thiếu vitamin và thiếu khoáng chất.
- Thói quen vệ sinh răng miệng thiếu sạch sẽ cùng với một số bệnh lý nha khoa như sâu răng, viêm nha chu, viêm nướu răng,… tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn có hại trong khoang miệng phát triển mạnh. Mặt khác, thói quen này cũng dễ tạo cơ hội cho vi khuẩn, virus ngoại sinh xâm nhập, nếu cổ họng có sẵn vết xây xước thì chúng sẽ nhanh chóng tấn công và tạo thành nốt nhiệt miệng.
- Thay đổi nội tiết tố khi mang thai, tiền mãn kinh, thời kỳ hành kinh, đang cho con bú,... ảnh hưởng đến hoạt động của hệ miễn dịch và khiến cho các loại vi khuẩn, virus có hại tấn công niêm mạc cổ họng và hình thành nốt nhiệt miệng trong cổ họng.
Thiếu vitamin và khoáng chất khiến hệ miễn dịch suy yếu là một trong các nguyên nhân gây ra nhiệt miệng trong cổ họng
- Cơ thể thiếu khoáng chất và vitamin như: sắt, B9, B12, C, D, kẽm,... khiến cho hệ miễn dịch bị suy giảm nên các loại virus, vi khuẩn dễ phát triển và gây nên nốt nhiệt miệng ở cổ họng cùng các vị trí khác trong khoang miệng.
- Tác động của một số bệnh lý hô hấp và nha khoa làm tăng nguy cơ bị nhiệt miệng trong cổ họng vì chúng khiến cho số lượng virus, vi khuẩn trong khoang miệng tăng lên. Ngoài ra, nhiễm vi khuẩn HP, viêm loét dạ dày - đại tràng,... cũng có thể khiến nhiệt miệng xuất hiện và thường xuyên tái phát.
- Bị dị ứng thực phẩm làm niêm mạc cổ họng bị viêm, loét, ngứa sau đó hình thành vết loét trong cổ họng cùng một số vị trí khác trong khoang miệng.
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc kháng viêm như: Atenolol, Diclofenac, Ibuprofen,… gia tăng nguy cơ bị nhiệt miệng ở cổ họng.
3. Cách xử trí khi bị nhiệt miệng trong cổ họng
Tùy theo mức độ nghiêm trọng của nốt nhiệt miệng mà nó sẽ gây ra sự khó chịu, cảm giác đau đớn khác nhau. Hầu hết các trường hợp bị nhiệt miệng trong cổ họng sẽ gây đau rát khó chịu, ảnh hưởng trực tiếp đến việc ăn uống của người bệnh, thậm chí có trường hợp còn tác động đến giấc ngủ, suy giảm chất lượng công việc và học tập. Vì thế, thực hiện biện pháp để vết loét nhanh lành là cần thiết.
Người bị nhiệt miệng trong cổ họng có thể thực hiện một số biện pháp khắc phục sau:
- Tập thói quen vệ sinh răng miệng đúng cách để làm dịu cổ họng, giảm dần cảm giác đau rát. Có thể bắt đầu việc này bằng cách thay đổi loại nước súc miệng và kem đánh răng không chứa thành phần kích ứng như: cồn, sodium lauryl sulfate; mỗi ngày đánh răng 2 - 3 lần nhưng chú ý thao tác nhẹ nhàng để không làm xây xước khoang miệng; súc miệng bằng nước muối hoặc nước súc miệng; dùng chỉ nha khoa để loại bỏ cặn bẩn bám trong kẽ răng;...
Người bị nhiệt miệng kéo dài nên khám bác sĩ chuyên khoa để được điều trị đúng cách
- Tham vấn ý kiến bác sĩ chuyên khoa về việc dùng thuốc trị nhiệt miệng trong cổ họng như: Nitrate bạc, Triamcinolone acetonide, Amlexanox,...
- Uống nhiều nước mát để giảm kích thích và làm dịu nhẹ vết loét.
- Dùng thức ăn dạng mềm, lỏng, có ít gia vị và được để nguội nhằm tránh cảm giác đau rát khi ăn đồng thời tăng cường bổ sung các loại trái cây tươi, rau xanh và thực phẩm chứa nhiều đạm để cải thiện sức đề kháng.
Nhiệt miệng trong cổ họng rất dễ tái phát nên việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau cũng giúp giảm thiểu nguy cơ này:
- Kiểm soát các bệnh lý dễ tăng nguy cơ bị nhiệt miệng như: HP dạ dày, viêm loét dạ dày - hành tá tràng, viêm đại tràng, bệnh nha khoa,...
- Hạn chế ăn đồ ăn có tính nóng cùng các loại thực phẩm dễ gây kích ứng hoặc dị ứng.
- Thận trọng khi sử dụng các loại thuốc, nhất là thuốc chống viêm.
- Chọn các sản phẩm chăm sóc răng miệng chứa thành phần lành tính.
Tuy nhiệt miệng trong cổ họng không hiếm gặp nhưng các triệu chứng đau rát do bệnh gây ra ảnh hưởng nhiều đến tâm lý và sức khỏe của người bệnh. Vì thế, cần chăm sóc và điều trị vết loét từ sớm để đẩy nhanh tốc độ liền và giảm đau hiệu quả.
Nếu đã thực hiện các biện pháp nêu trên mà nốt nhiệt miệng trong cổ họng không thuyên giảm hoặc tái phát nhiều lần thì tốt nhất nên gặp bác sĩ chuyên khoa thăm khám để tìm ra nguyên nhân và có biện pháp điều trị phù hợp.