Tìm hiểu giải phẫu răng sữa và tầm quan trọng của chúng đối với trẻ là việc làm cần thiết đối với các bậc cha mẹ trong quá trình chăm sóc và nuôi dạy con. Răng sữa là răng tạm thời mọc khi trẻ còn nhỏ và sẽ được thay thế khi lớn nên đôi khi các bậc phụ huynh cho rằng chúng không quá quan trọng. Tuy nhiên, răng sữa lại đóng một vai trò đặc biệt đối với sức khỏe răng miệng.
06/04/2023 | Thứ tự mọc răng sữa của trẻ và một số lưu ý quan trọng 15/09/2022 | Thay răng sữa ở trẻ và những lưu ý quan trọng 06/09/2022 | Cách nhổ răng sữa không đau cho bé tại nhà
1. Giải phẫu răng sữa
Những thông tin liên quan đến giải phẫu răng sữa bao gồm cấu tạo và số lượng sẽ giúp cha mẹ có biện pháp chăm sóc và bảo vệ răng sữa cho bé.
Răng sữa là gì?
Răng sữa là những chiếc răng mọc đầu tiên trong quá trình phát triển vào giai đoạn trẻ đang bú sữa mẹ. Răng sữa hình thành khi trẻ còn trong bào thai và bắt đầu nhú lên trong khoảng thời gian bé được 6 tháng tuổi sau khi sinh.
Răng sữa là những chiếc răng mọc đầu tiên trong giai đoạn phát triển của trẻ
Răng sữa chỉ là răng tạm thời, đến một thời gian nhất định, răng sữa sẽ tự rụng và thay thế bằng răng vĩnh viễn. Đây là quy luật tự nhiên mà bất kể đứa trẻ nào cũng phải trải qua một lần trong đời. Giai đoạn mọc răng sữa của trẻ hầu hết sẽ kết thúc khi 3 tuổi, sau đó khoảng 5 - 6 tuổi thì bắt đầu thay răng trưởng thành.
Răng sữa có bao nhiêu cái?
Thông thường, từ giai đoạn bắt đầu mọc đến khi kết thúc, trẻ sẽ có tổng cộng 20 chiếc răng sữa chia đều hàm trên và dưới. Trong đó, răng cửa giữa, răng cửa bên và răng nanh mỗi loại sẽ có 4 chiếc cùng 8 răng hàm.
Thời gian và vị trí mọc răng sữa đối với mỗi trẻ sẽ có sự khác nhau do tác động của cấu trúc của hàm, răng, khớp cắn,... hoặc một số nguyên nhân khác. Đến giai đoạn thay răng, răng sữa sẽ tự rụng và trẻ bắt đầu mọc răng vĩnh viễn cho đến khi đủ 32 chiếc. Một số trường hợp răng sữa không tự rụng có thể gây ra tình trạng răng mọc chồng lên nhau.
Cấu tạo răng sữa như thế nào?
Tìm hiểu về giải phẫu răng sữa thì không thể nào bỏ qua cấu tạo. Cấu tạo của răng sữa gần giống như với răng vĩnh viễn nhưng có một số đặc điểm khác biệt. Cấu trúc giải phẫu răng sữa chia làm 3 phần là thân răng, cổ răng và chân răng sẽ bao gồm:
-
Men răng là sản phẩm của tế bào có nguồn gốc ngoại bì, thành phần hữu cơ là các protein của khuôn men. Men răng sữa thường mỏng và yếu hơn răng vĩnh viễn nên dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài. Hình dáng và bề dày được xác định trước khi răng mọc và bào mòn dần theo tuổi.
-
Ngà răng sữa mềm và xốp, là những mô khoáng đặc biệt có nguồn gốc từ trung bì, cấu tạo từ các sợi collagen. Do hoạt động của nguyên bào nên ngà răng sẽ thay đổi theo thời gian, ngày càng dày về phía hốc tủy răng.
-
Tủy răng là phần mô mềm có nguồn gốc từ trung mô của nhú răng, nằm trong hốc tủy gồm tủy chân ở ống tủy và tùy thân ở buồng tủy. Bên trong tủy răng có chứa nhiều mạch máu, mạch bạch huyết và đầu tận cùng thần kinh.
Cấu tạo của răng sữa gần giống với răng vĩnh viễn
Ngoài ra, phần nha chu là bộ phần giữ và nâng đỡ răng có cấu tạo bởi xi măng (xương hay men chân răng), hệ thống dây chằng, xương ổ răng và nướu (lợi). Đối với răng sữa, kích thước của răng khá nhỏ và thường mọc cách xa nhau, màu răng cũng sẽ trắng hơn răng vĩnh viễn.
2. Vai trò của răng sữa và cách chăm sóc
Sau khi đã biết về giải phẫu răng sữa thì bạn cần tìm hiểu về tầm quan trọng của chúng đối với bé trong những năm đầu đời. Nhiều người cho rằng răng sữa sẽ bị thay thế và chỉ mọc trong một khoảng thời gian ngắn nên không quá quan trọng với trẻ. Tuy nhiên, răng sữa lại giữ những nhiệm vụ rất đặc biệt đối với hệ tiêu hóa và cấu trúc xương hàm nên các bậc phụ huynh cần phải chú ý đến vấn đề chăm sóc, bảo vệ.
Vai trò của răng sữa đối với trẻ là gì?
Trong giai đoạn đầu đời thì răng sữa được coi là một “lực sĩ” với những vai trò:
-
Là công cụ hỗ trợ bé tạo lập việc nhai, ăn tất cả các loại thức ăn mới. Khi đường ruột của bé còn yếu, chưa tiêu hóa hết thức ăn thì răng sữa sẽ giúp nghiền một phần để bảo vệ đường ruột.
-
Hoạt động nhai, cắn của răng sữa sẽ kích thích sự phát triển của xương hàm, tránh được tình trạng xương hàm phát triển chậm hoặc không phát triển ảnh hưởng đến cấu trúc hàm mặt khi trường thành.
-
Những trường hợp răng sữa phát triển chậm hoặc mọc không đầy đủ có thể khiến bé chậm nói, nói ngọng hoặc phát âm không rõ chữ.
-
Răng sữa còn là “người hướng dẫn” để răng vĩnh viễn phát triển theo tuần tự, đúng vị trí và thời điểm, nhờ đó mà bé lớn lên sẽ có một hàm răng đẹp.
Răng sữa giúp bé nghiền nhỏ thức ăn trước khi đưa xuống dạ dày
Cách chăm sóc răng sữa như thế nào?
Qua những phân tích về giải phẫu răng sữa có thể thấy đây là một trong những cơ quan dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài, đặc biệt là vi khuẩn gây ra các vấn đề về răng miệng. Vì vậy cần phải có cách chăm sóc răng sữa đúng cách để không làm ảnh hưởng đến sự phát triển răng của bé sau này.
Để giúp bé có một hàm răng đẹp và khỏe mạnh thì các bậc phụ huynh cần chú ý chăm sóc ở giai đoạn răng sữa với những biện pháp sau:
-
Vệ sinh răng miệng hàng ngày cho bé bằng những dụng cụ thích hợp đúng theo lứa tuổi.
-
Giai đoạn trẻ có thể ăn được nhiều loại thực phẩm, cha mẹ cần tránh các loại đồ chiên rán, đồ ngọt.
-
Không tác động bất kỳ phương pháp hay kỹ thuật nào liên quan thẩm mỹ ở giai đoạn trẻ đoạn mọc răng sữa.
-
Cho trẻ đi khám định kỳ và kiểm tra sức khỏe răng miệng 6 tháng/lần để theo dõi và kịp thời xử lý những bất thường có thể xảy ra.
Vệ sinh răng miệng cho trẻ đều đặn bằng dụng cụ thích hợp và an toàn
Những thông tin liên quan đến giải phẫu răng sữa và vai trò của răng sữa đối với trẻ được chia sẻ ở trên hy vọng có thể giúp ích cho các bậc phụ huynh trong quá trình chăm sóc đứa con của mình. Nếu bạn đang cần địa chỉ để kiểm tra sức khỏe răng miệng hoặc tư vấn các thắc mắc liên quan đến răng sữa có thể liên hệ với Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC theo số hotline: 1900 56 56 56.
Bên cạnh đó, các chuyên gia của bệnh viện cũng sẽ đồng hành và hỗ trợ bất kỳ vấn đề nào của cha mẹ liên quan đến chăm sóc, nuôi dạy trẻ nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của bé.