Tình trạng vàng da do tăng Bilirubin ở trẻ nhỏ thường được điều trị bằng cách chiếu đèn vàng da. Phương pháp này không quá tốn kém mà vẫn đảm bảo mang đến những lợi ích tích cực. Thời gian chiếu đèn cần phải hợp lý, dựa vào mức độ vàng da. Nếu chiếu đèn quá lâu có thể gây ra những tác dụng phụ nghiêm trọng.
15/02/2022 | Vàng da ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không và cách nhận biết 10/02/2022 | Trẻ bị vàng da có nguy hiểm không - Đâu là phương pháp điều trị hiệu quả? 08/01/2022 | Trẻ bị vàng da có nguy hiểm không và điều trị như thế nào?
1. Bệnh vàng da do tăng Bilirubin ở trẻ nhỏ và những thông tin cơ bản
Nồng độ Bilirubin trong máu tăng quá mức sẽ khiến da của trẻ sẽ bị vàng hơn bình thường. Trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi thường bị vàng da. Những đối tượng trẻ sinh non, trẻ không bú sữa mẹ, có nhóm máu không tương thích với mẹ,... sẽ có nguy cơ bị vàng da cao hơn những trẻ khác. Tuy nhiên, đây là hiện tượng vàng da sinh lý, thường ở mức độ nhẹ và có thể tự khỏi mà không cần điều trị.
Vàng da ở trẻ sơ sinh là hiện tượng sinh lý thường gặp
Bên cạnh đó, cũng có những trường hợp vàng da là do trẻ mắc phải một số bệnh lý và cần được điều trị sớm để tránh những biến chứng nguy hiểm như nhiễm độc thần kinh hay tình trạng bại não,...
Hiện nay có 3 cách phổ biến để điều trị vàng da cho trẻ nhỏ đó là:
- Kích thích tăng tốc độ chuyển hóa Bilirubin gián tiếp bằng cách cho trẻ bú mẹ, truyền Albumin hay một số loại thuốc phù hợp.
- Chiếu đèn vàng da.
- Nếu các biện pháp điều trị trên không mang lại hiệu quả hoặc trẻ đã xuất hiện những biến chứng nguy hiểm như nhiễm độc thần kinh,... trẻ cần được thay máu.
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện kết hợp các phương pháp trên để đạt được hiệu quả điều trị cao nhất.
2. Thời gian chiếu đèn vàng da là bao lâu?
Phương pháp chiếu đèn vàng da rất dễ thực hiện và không tốn nhiều chi phí, nhưng cần được thực hiện đúng cách mới đảm bảo mang lại hiệu quả tốt nhất. Đặc biệt cần thực hiện chiếu đèn trong khoảng thời gian hợp lý nhất đối với mức độ vàng da của trẻ.
Sử dụng ánh sáng trắng hoặc xanh để điều trị vàng da cho trẻ
Đèn điều trị vàng da là loại đèn có ánh sáng xanh hoặc trắng. Khi chiếu lên da, ánh sáng từ đèn sẽ xuyên qua da, có tác dụng chuyển Bilirubin ở mô mỡ dưới da thành Photobilirubin tan trong nước. Sau đó, chúng sẽ được đào thải ra ngoài thông qua đường tiểu. Từ đó, cải thiện hiện tượng vàng da.
Các chuyên gia sẽ dựa vào nồng độ Bilirubin trong máu, mức độ vàng da của trẻ, cân nặng và ngày tuổi của trẻ, một số yếu tố bệnh lý đi kèm, tình trạng nhiễm khuẩn, sinh non,... để tính toán thời gian chiếu đèn hợp lý cho trẻ. Trong một số trường hợp cần điều trị tích cực có thể dùng đèn chiếu 2 mặt để mang lại hiệu quả tốt nhất.
- Khi chiếu đèn vàng da, các bác sĩ sẽ thực hiện những bước sau:
+ Vệ sinh sạch sẽ lồng ấp đảm bảo hoạt động tốt và điều chỉnh về những thông số phù hợp. Đèn chiếu vàng da cần đủ tiêu chuẩn, chiều cao khoảng 30 đến 50 cm, có thể là ánh sáng trắng hoặc xanh với bước sóng khoảng 400 đến 480mm. Khi chiếu đèn, cần đánh dấu cẩn thận từ lúc mới bắt đầu để đảm bảo thay bóng đèn kịp thời. Lưu ý không chiếu đèn quá gần để phòng nguy cơ bỏng da và cũng không nên chiếu đèn quá xa làm giảm tác dụng của đèn.
Thay đổi tư thế để ánh sáng chiếu đều lên vùng da của trẻ
+ Khi chiếu đèn cần che mắt cho trẻ, để trẻ nằm trần và chỉ quấn khố mông (tránh ảnh hưởng đến các cơ quan sinh dục của trẻ) đảm bảo trẻ tiếp xúc với ánh sáng càng nhiều càng tốt.
+ Chiếu đèn cho trẻ liên tục và nhớ thay đổi tư thế của trẻ sau từ 2 đến 4 tiếng.
+ Trong thời gian chiếu đèn cần cung cấp đủ nước cho trẻ, tốt nhất hãy cho trẻ bú sữa mẹ.
+ Sau từ 12 đến 24 giờ có thể kiểm tra Bilirubin máu để xác định rõ hơn về thời gian chiếu vàng da cần thiết đối với trẻ. Khi hiện tượng vàng da được cải thiện, đồng thời chỉ số Bilirubin trở về mức bình thường có thể ngừng chiếu đèn.
+ Trong thời gian chiếu đèn, cần theo dõi tinh thần, phản xạ bú của trẻ,,.. để nhận biết sớm những bất thường như tình trạng nhiễm độc thần kinh và xử trí kịp thời. Với những trường hợp mức độ vàng da nghiêm trọng có thể dùng 2 đến 3 đèn chiếu cùng lúc để mang lại hiệu quả tốt nhất.
+ Nếu phương pháp này không mang lại hiệu quả có thể tính đến phương pháp thay máu cho bé.
3. Tác dụng phụ của phương pháp chiếu đèn vàng da
Một số tác dụng phụ của phương pháp chiếu đèn vàng da:
- Làm tăng thân nhiệt.
- Đi tiêu phân xanh.
- Mất nước.
- Nổi mẩn đỏ.
- Kích thích mẩn đỏ ngoài da.
- Nếu không che chắn mắt hợp lý có thể gây tổn thương nhãn cầu, bỏng,...
- Không áp dụng chiếu đèn vàng da với những trẻ bị vàng da do tăng Bilirubin trực tiếp.
- Thời gian chiếu đèn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như mức độ vàng da, chỉ số Bilirubin gián tiếp, cường độ ánh sáng hay khoảng cách từ đèn đến trẻ,... do đó, bác sĩ cần theo dõi, quan sát chi tiết để có những chỉ định phù hợp, đảm bảo hiệu quả điều trị và phòng tránh nguy cơ rủi ro. Chính vì thế, trẻ cần được khám và điều trị tại bệnh viện.
Che mắt cho trẻ khi chiếu đèn để tránh làm bỏng nhãn cầu
Tuy nhiên, trên thực tế nhiều phụ huynh ngại đưa con nhập viện nhiều lần nên đã tự ý tìm mua đèn chiếu vàng da để điều trị tại nhà cho con. Trên thị trường có rất nhiều loại đèn chiếu vàng da dành cho trẻ sơ sinh nhưng không phải loại đèn nào cũng đảm bảo có chất lượng tốt và các thông số về cường độ ánh sáng rõ ràng,... Việc dùng đèn chiếu vàng da sai cách có thể gây phản tác dụng khiến trẻ bị sốc nhiệt, mất nước, tăng mức độ vàng da,... và nhiều vấn đề nghiêm trọng khác.
Có thể nói rằng chiếu đèn vàng da là phương pháp rất tích cực, không tốn kém chi phí nhưng cần thực hiện đúng cách. Ngược lại, sử dụng sai cách có thể gây ra những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cho trẻ.
Để được tìm hiểu thêm về phương pháp này hoặc có nhu cầu thăm khám, kiểm tra sức khỏe cho trẻ, mời bạn liên hệ đến tổng đài 1900 56 56 56 của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC.