Do nhiều yếu tố tác động khác nhau, nhiễm khuẩn tiết niệu trẻ sơ sinh hiện là căn bệnh có tỷ lệ mắc cao và phổ biến, khiến nhiều bậc phụ huynh bối rối và lo lắng trong việc chăm sóc khi trẻ bị bệnh. Bài viết sau đây sẽ cung cấp một số kiến thức giúp giải đáp phần nào những thắc mắc của bạn trong việc chăm sóc trẻ.
10/02/2022 | Bác sĩ chỉ cách nhận biết triệu chứng nhiễm trùng sớm ở trẻ sơ sinh 14/01/2022 | Dị ứng thời tiết ở trẻ sơ sinh: Vấn đề mẹ không thể chủ quan 20/12/2021 | Cùng mẹ tìm hiểu những nguyên nhân gây sốt ở trẻ sơ sinh
Tỷ lệ mắc nhiễm khuẩn tiết niệu trẻ sơ sinh đứng thứ 3 trong các bệnh lý nhiễm khuẩn thường gặp
1. Nguyên nhân và yếu tố thuận lợi
Với trẻ em, tỷ lệ mắc bệnh trẻ nữ thường cao gấp 2 - 3 lần so với trẻ nam vì vị trí niệu đạo gần với hậu môn. Nhưng với trẻ sơ sinh tỷ lệ mắc tương đương nhau vì trẻ chưa thể chủ động trong việc vệ sinh cá nhân.
Nguyên nhân gây bệnh cho trẻ thường do tác động của các loại vi khuẩn, bao gồm:
-
Escherichia Coli (E.Coli): là loại có mặt trong đại đa số những ca mắc bệnh với tỷ lệ 88%.
-
Proteus: thường gặp với trẻ nam trên 1 tuổi đồng thời nó cũng là nguyên nhân gây nhiễm khuẩn tiết niệu phổ biến.
-
Một số loại vi khuẩn khác: tụ cầu, liên cầu, trực khuẩn mủ xanh.
-
Trường hợp hiếm gặp: nấm, virus.
Vi khuẩn xâm nhập và gây bệnh cho cơ thể một phần do hệ miễn dịch của trẻ vẫn còn non nớt trong những năm đầu đời, mặc khác còn liên quan đến những yếu tố thuận lợi, tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn phát triển.
-
Độ tuổi: trẻ nhỏ dưới 2 tuổi và trẻ sơ sinh là nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao nhất.
-
Tình trạng sức khỏe: nhiễm khuẩn tiết niệu trẻ sơ sinh thường xuất hiện cùng với tình trạng suy dinh dưỡng nặng, khi trẻ đang mắc những bệnh lý như đái tháo đường, tiêu chảy,… hay với những trẻ bị ứ đọng nước tiểu do có khối u chèn ép, sỏi bàng quang/niệu quản,…
-
Yếu tố bẩm sinh: hẹp bao quy đầu, liệt bàng quang, hẹp lỗ tiểu, dị dạng đường tiểu,…
-
Can thiệp xâm lấn: trẻ được đặt sonde tiểu lâu ngày hoặc không đảm bảo vô khuẩn.
Vi khuẩn E.Coli là nguyên nhân phổ biến nhất của những ca nhiễm khuẩn tiết niệu, đặc biệt với trẻ sơ sinh
2. Triệu chứng nhiễm khuẩn tiết niệu trẻ sơ sinh
Nhiễm khuẩn tiết niệu trẻ sơ sinh bao gồm viêm thận - bể thận cấp và viêm bàng quang cấp. Với phân loại nào, triệu chứng đều thường xuất hiện không rõ ràng và khó xác định, nó có thể thay đổi tùy theo cơ địa và sự phát triển của trẻ.
Viêm bàng quang cấp
Bệnh viêm bàng quang cấp được coi là một bệnh lý nhiễm khuẩn tiết niệu thấp. Trẻ sơ sinh khi mắc phải thường có những dấu hiệu gợi ý đến tình trạng nhiễm khuẩn như sau:
-
Sốt: có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao.
-
Tiêu hóa: trẻ bỏ bú, nôn, tiêu chảy.
-
Một số dấu hiệu khác: vàng da, chán ăn, sụt cân, quấy khóc khi đi vệ sinh, một số trẻ có thể tiểu ra máu,…
Viêm thận - bể thận cấp
Bệnh lý này được phân loại là nhiễm khuẩn tiết niệu cao và rất khó xác định với trẻ sơ sinh nếu chỉ nhận biết bằng cách quan sát. Tuy nhiên, bạn có thể lưu ý một số biểu hiện bất thường như:
-
Sốt cao: trẻ sốt 39 - 40 độ C kèm theo rét run.
-
Thường xuyên quấy khóc khi bị chạm vào vùng lưng, hông và nhất là khi đi vệ sinh.
-
Trẻ đang mắc bệnh hoặc có tiền sử về bệnh viêm bàng quang trước đó.
Để xác định chắc chắn về tình trạng bệnh, bố mẹ cần đưa trẻ đi kiểm tra sức khỏe trong thời gian sớm nhất. Qua quá trình thăm khám và xét nghiệm sẽ giúp trẻ có được kết quả chẩn đoán chính xác.
Triệu chứng bệnh thường không rõ ràng và rất dễ nhầm lẫn nếu không được thăm khám kỹ
3. Trẻ mắc bệnh cần được chăm sóc như thế nào?
Nhiễm khuẩn tiết niệu trẻ sơ sinh có thể tiến triển dai dẳng hoặc tái phát nhiều lần nếu trẻ không được chăm sóc chu đáo, cẩn thận. Để giúp trẻ nhanh chóng khỏi bệnh bố mẹ nên lưu ý một số điểm như sau:
Tuân thủ phác đồ điều trị
-
Đọc kỹ thông tin trên đơn thuốc gồm tên thuốc, liều lượng, thời gian sử dụng, trước hay sau ăn… và hỏi lại ngay bác sĩ khi có thắc mắc.
-
Không tự ý ngừng thuốc trước thời hạn dùng theo phác đồ.
-
Không dùng uống thêm thuốc ngoài đơn đã kê, nếu trẻ cần được bổ sung thêm dưỡng chất khác dạng thực phẩm bổ sung cần hỏi trước ý kiến của bác sĩ.
-
Khi trẻ gặp những vấn đề bất thường chưa từng xuất hiện trước khi dùng thuốc như buồn nôn, nôn, táo bón, da nổi mẩn,… hãy báo ngay cho bác sĩ để được can thiệp kịp thời.
Tái khám
Với tình hình dịch bệnh hiện nay, một số trẻ có thể được chăm sóc tại nhà và chỉ tái khám theo lịch hẹn. Bố mẹ cần ghi nhớ và đưa bé đến bệnh viện đúng ngày để được trẻ được đảm bảo theo dõi sát tiến trình điều trị, cũng như kịp thời điều chỉnh khi có phát sinh vấn đề.
Vệ sinh
Việc vệ sinh cũng cần đảm bảo đúng cách, theo chiều từ trước ra sau để tránh vi khuẩn từ hậu môn xâm nhập vào lỗ tiểu, nhất là ở trẻ gái. Đồng thời, bố mẹ cần lưu ý những dấu hiệu bất thường khi thay bỉm cho trẻ như xuất hiện cặn trắng, máu,… và báo lại cho bác sĩ để trẻ được theo dõi kỹ trong suốt quá trình điều trị. Chú ý làm vệ sinh sạch sẽ ngay khi trẻ vừa đại tiểu tiện, tránh tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và lây lan.
Dinh dưỡng
Trẻ sơ sinh cần được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu kể cả khi bị bệnh. Với trẻ đã được ăn dặm, bé cần được cho uống đủ nước, bữa ăn kết hợp với các rau quả giúp hỗ trợ sức đề kháng. Đồng thời thực phẩm cũng cần được lựa chọn kỹ càng, đảm bảo vệ sinh và tươi ngon.
Trong suốt quá trình điều trị, việc chăm sóc cần được đảm bảo kỹ lưỡng để giúp trẻ hồi phục cách tốt nhất
Nhiễm khuẩn tiết niệu trẻ sơ sinh nếu được theo dõi và chăm sóc tốt, trẻ có thể hồi phục sau khoảng 7 - 15 ngày tùy theo phác đồ điều trị. Để đạt được điều này không thể thiếu sự quan tâm của bố mẹ và chất lượng thăm khám của cơ sở y tế. Hiện nay, cha mẹ có thể yêu tâm khi đưa bé đến khám và điều trị tại Chuyên Khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC. Liên hệ với chúng tôi qua đường dây nóng 1900 56 56 56 hoặc website medlatec.vn để tìm hiểu thêm về dịch vụ cũng như đặt lịch khám nhanh chóng.