Trẻ sinh non có thể gặp phải nhiều rủi ro sức khỏe, đặc biệt là khi tuổi thai của trẻ quá nhỏ khi trẻ chào đời. Bên cạnh đó, các yếu tố như chăm sóc trẻ, kiểm tra sức khỏe cho trẻ cũng rất quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của trẻ. Vậy trẻ sinh non cần khám những gì, cha mẹ cần chăm sóc trẻ như thế nào?
03/06/2022 | Cảnh báo tình trạng sinh non gây suy hô hấp ở trẻ sơ sinh 01/12/2021 | Những nguyên tắc vàng khi chăm sóc trẻ sinh non tại nhà
1. Trẻ sinh non cần khám những gì?
Được ở trong bụng mẹ đủ tháng, đủ ngày cũng là yếu tố quan trọng để đảm bảo thai nhi phát triển tốt. Trẻ sinh ra ở tuổi thai 22 tuần đến trước 37 tuần được gọi là sinh non.
Trẻ sinh non có thể gặp nhiều rủi ro sức khỏe
Các trường hợp trẻ sinh non sẽ có nguy cơ gặp phải một số vấn đề sức khỏe như ngưng thở khi ngủ, xuất huyết trong não thất, nhiễm trùng huyết, loạn sản phế quản phổi, viêm ruột hoại tử, còn ống động mạch, bệnh võng mạc,... Bên cạnh đó, trẻ còn phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng, có thể theo trẻ trong suốt cuộc đời, chẳng hạn như bệnh bại não, vấn đề về thị lực và thị giác, khả năng nhận thức kém và tăng trưởng kém,...
Trẻ sinh non cần khám những gì để đánh giá tình trạng sức khỏe và những nguy cơ của trẻ:
1.1. Các xét nghiệm quan trọng
- Xét nghiệm máu để kiểm tra mức đường huyết của trẻ. Hạ đường huyết và tăng đường huyết là tình trạng rất thường gặp ở trẻ sinh non.
Thông qua xét nghiệm máu, bác sĩ cũng có thể nhận biết về bệnh thiếu máu hoặc đa hồng cầu của trẻ, mặc dù bệnh không có biểu hiện ra bên ngoài. Bên cạnh đó, kết quả xét nghiệm cũng có thể tìm ra những bất thường về số lượng bạch cầu. Những bất thường về số lượng bạch cầu có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng sơ sinh.
Đặc biệt, kết quả xét nghiệm máu và xét nghiệm kháng thể còn giúp kiểm tra về sự không tương thích nhóm máu của mẹ và trẻ - chính là yếu tố làm tăng nguy cơ vàng da nhân ở trẻ sơ sinh. Đồng thời xác định kháng thể chống lại hồng cầu ở thai nhi.
- Định lượng điện giải trong huyết thanh: Xác định nồng độ natri, canxi, kali và glucose trong huyết thanh kết hợp với theo dõi cân nặng của trẻ, lượng nước tiểu của trẻ chính là những yếu tố quan trọng giúp bác sĩ hiểu rõ về lưu lượng dịch xuất nhập và đảm bảo cân bằng chất điện giải trong cơ thể trẻ.
- Chẩn đoán hình ảnh chẳng hạn như chụp X-quang ngực, siêu âm sọ não,... Tùy vào từng trường hợp cụ thể, những hệ thống cơ quan bị ảnh hưởng do sinh non, bác sĩ sẽ có những chỉ định rõ ràng, lựa chọn phương pháp chẩn đoán hình ảnh phù hợp.
- Các xét nghiệm xâm lấn: Chỉ thực hiện khi thực sự cần thiết vì có rủi ro cao do trẻ còn quá nhỏ. Chẳng hạn, với những trẻ cấy máu dương tính và có dấu hiệu nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương, các bác sĩ sẽ chỉ định chọc dò dịch não tủy.
1.2. Một số thăm khám chuyên biệt
Ngoài những xét nghiệm nêu trên, trẻ còn cần được thực hiện một số thăm khám chuyên biệt khác như:
- Kiểm tra mắt: Những trẻ sinh non và nhẹ cân (dưới 1.500 gram) cần được khám mắt ở thời điểm từ 4 đến 7 tuần tuổi. Bên cạnh đó, nếu trẻ sinh sau 30 tuần tuổi, nặng từ 1.500 đến 2.000 gam và phải chăm sóc đặc biệt cũng cần được kiểm tra mắt.
Sau thời điểm 4 đến 7 tuần tuổi, trẻ cũng cần được kiểm tra mắt nếu có bất thường trong mô mắt do bệnh võng mạc khi sinh non.
Khám thính lực cho trẻ sinh non
- Kiểm tra khả năng nghe: Được thực hiện trước khi trẻ xuất viện. Trẻ sẽ được giám sát phản ứng với âm thanh. Nếu bé có phản ứng với giọng nói của cha mẹ, âm thanh từ các loại đồ chơi mà bé không nhìn thấy thì thính giác của bé được đánh giá là bình thường.
- Đánh giá thiếu máu bằng kiểm tra nồng độ hematocrit hay hemoglobin và hồng cầu lưới. Trường hợp trẻ bị thiếu máu, cần được điều trị sớm bằng một số phương pháp như truyền máu hay bổ sung sắt. Sau đó, trẻ cũng được chỉ định thêm một số xét nghiệm để đánh giá khả năng đáp ứng với phương pháp điều trị thiếu máu.
- Đánh giá giấc ngủ của trẻ bằng một số phương tiện khác nhau để đánh giá được nhịp thở, nhịp tim, nồng độ oxy máu, sóng điện não khi trẻ ngủ. Kết quả này có thể đánh giá được nguy cơ đột tử ở trẻ.
- Siêu âm sọ não để phát hiện tình trạng xuất huyết não ở trẻ.
3. Những lưu ý khi chăm sóc trẻ sinh non tại nhà
- Thường xuyên theo dõi trẻ đặc biệt về thân nhiệt, màu da, nhịp thở,... Nếu có bất thường cần đưa trẻ đi khám càng sớm càng tốt.
Trẻ sinh non cần ngủ đủ giấc
- Cho trẻ bú sữa mẹ đầy đủ để trẻ được bổ sung lượng dinh dưỡng tốt nhất và tăng cường hệ miễn dịch, phòng tránh bệnh tật. Bên cạnh đó, có thể cần bổ sung một số vitamin và khoáng chất theo chỉ định của bác sĩ.
- Chế độ ngủ của bé: Mỗi ngày trẻ cần ngủ từ 16 đến 20 tiếng để đảm bảo tăng trưởng tốt. Khi cho bé ngủ cần lưu ý để trẻ nằm ngửa, không cho trẻ mặc quá nhiều đồ, lựa chọn những bộ quần áo thoải mái cho trẻ, không cho trẻ nằm đệm quá mềm hoặc quá cứng.
- Vệ sinh và mát xa cho trẻ sinh non:
+ Nên tắm cho trẻ 3 đến 4 lần trong một tuần. Cần dùng nước ấm sạch và khăn mềm. Nên dùng sữa tắm dành riêng cho trẻ sơ sinh. Khi vệ sinh các vùng như rốn, vùng kín của trẻ,... cần thực hiện nhẹ nhàng, cẩn thận.
+ Mát xa cho trẻ bằng loại dầu chuyên dùng cho trẻ nhỏ. Thường xuyên trò chuyện với trẻ để trẻ có thể phát triển tâm lý một cách tốt nhất.
- Hệ miễn dịch của trẻ sinh non rất kém nên cần tiêm phòng cho trẻ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ để giúp trẻ phòng ngừa bệnh tật, bảo vệ sức khỏe.
Tiêm vắc xin giúp trẻ phòng tránh bệnh tật
- Một số lưu ý khác: Để nhiệt độ phòng không quá nóng hay quá lạnh, thường xuyên vệ sinh không gian sống, hạn chế cho trẻ tiếp xúc với quá nhiều người,...
Trên đây là những thông tin giải đáp thắc mắc “trẻ sinh non cần khám những gì” và một số lưu ý quan trọng khi chăm sóc trẻ. Để được tư vấn thêm hoặc có nhu cầu khám sức khỏe cho trẻ, mời các bậc phụ huynh liên hệ đến tổng đài 1900 56 56 56 của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, đội ngũ nhân viên tư vấn của bệnh viện sẽ tư vấn chi tiết hơn cho bạn.