Những ngày tháng đầu tiên mới chào đời cũng là lúc trẻ rời khỏi bào thai mẹ, phải học cách tự thích ứng với môi trường mới. Lúc này, trẻ sơ sinh rất cần đến sự chăm sóc đúng cách của cha mẹ để có được sức khỏe và sự phát triển toàn diện. Tuy nhiên, với những người lần đầu làm cha mẹ thì đây là một khâu gây nên nhiều bối rối, bỡ ngỡ. Nếu bạn cũng đang trong hoàn cảnh ấy thì chớ nên bỏ qua những thông tin được chia sẻ dưới đây.
29/09/2020 | Trẻ sơ sinh bị ho có đờm và những điều cha mẹ cần biết 20/09/2020 | Bỏ túi bí quyết điều trị tình trạng trẻ sơ sinh bị táo bón 18/09/2020 | Tìm hiểu về vàng da sinh lý ở trẻ sơ sinh
1. Theo dõi vấn đề hô hấp và thân nhiệt của trẻ
1.1. Hô hấp
Nhịp thở bình thường của trẻ sơ sinh trong khoảng dưới 60 lần/phút. Trường hợp trẻ thở trên hoặc bằng 60 lần/ phút được gọi là thở nhanh, hoặc chậm hơn khoảng này, nhịp thở không đều, co thắt lồng ngực, thở khò khè thì cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa.
Đối với trẻ sinh non do dễ có cơn ngừng thở ngắn <15s nên nếu gặp tình huống này cha mẹ nên dùng phương pháp da kề da để kích thích trẻ thở. Trường hợp trẻ ngưng thở trên 15s hoặc liên tục thở ngắn, tím tái thì cha mẹ nên đưa trẻ đến thăm khám tại cơ sở y tế.
Cha mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ nếu phát hiện nhịp thở của trẻ bất thường
Nếu trẻ sơ sinh bị chảy nước mũi, hắt hơi, ngạt mũi, hãy dùng nước muối sinh lý ấm nhỏ thành nhiều lần trong ngày. Khi thấy trẻ ho nhiều và thở khò khè cũng cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để thăm khám.
1.2. Thân nhiệt
Bình thường, nhiệt độ cặp nách của trẻ sơ sinh trong khoảng 36.5 - 37.2 độ C. Nếu thân nhiệt hạ trẻ rất dễ bị viêm phổi. Để tránh điều này, cha mẹ nên cho trẻ nằm trong phòng thông thoáng, nhiều ánh sáng. Quấn trẻ quá kỹ cũng là việc làm không nên bởi nó dễ dẫn tới tình trạng tăng thân nhiệt giả và khó phát hiện ra bất thường (nếu có).
Cha mẹ nên theo dõi thân nhiệt cho trẻ:
+ Trường hợp thân nhiệt trên 37.5 độ C hãy nới lỏng quần áo; chườm ấm ở bẹn, nách, trán cho trẻ; cho trẻ nằm ở phòng thông thoáng.
+ Trường hợp thân nhiệt dưới 36 độ C hãy dùng phương pháp da kề da hoặc dùng chăn để ủ ấm cho trẻ.
2. Cách nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ sơ sinh
2.1. Cho trẻ bú
Thức ăn tốt nhất cho trẻ sơ sinh chính là sữa mẹ bởi nó dễ tiêu hóa và chứa nhiều kháng thể giúp bé chống lại các tác nhân gây hại cho sức khỏe. Vì thế, tốt nhất mẹ nên cố gắng cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong vòng 1 năm đầu đời.
Cho trẻ ăn đủ cữ 8 bữa/ngày, 3 giờ/lần và bú mẹ hiệu quả cũng là cách kích thích tiết sữa, giúp sữa mẹ về đều và nhiều hơn. Nếu mẹ thiếu sữa có thể cho trẻ uống thêm sữa công thức nhưng nên tham khảo ý kiến bác sĩ để sử dụng đúng loại sữa phù hợp với độ tuổi của trẻ.
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất đối với trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh có dạ dày khá bé nên mỗi lần bú không cần lượng sữa nhiều. Vài tuần đầu sau sinh bé bú 1 - 2 giờ/lần, mỗi cữ bú dài 15 - 30 phút tùy nhu cầu của từng bé. Nếu đói bé thường ngọ nguậy không yên, liên tục tém miệng,... Nếu đến cữ bú mà bé đang ngủ mẹ cũng không cần đánh thức bé vì cơ thể bé vẫn có đủ nguồn năng lượng dự trữ trong thời gian này. Sau khi con thức giấc mẹ có thể cho con bú bù.
Tâm vị của trẻ sơ sinh đóng chưa tốt nên dễ nôn trớ. Những trẻ sinh non do chưa có sự phối hợp tốt giữa 3 phản xạ thở, bú và nuốt nên dễ bị sặc khi ăn. Để khắc phục điều này, mẹ nên cho con bú theo nhu cầu, không ép trẻ, mỗi cữ nên ăn ít một. Sau khi trẻ ăn hãy đỡ trẻ ở tư thế cao đầu, nghiêng mặt sang một bên và vỗ ở hơi cho trẻ dễ tiêu.
2.2. Vỗ ợ hơi cho trẻ
Vỗ ợ hơi sau ăn là việc làm mẹ không nên bỏ qua bởi nó giúp trẻ tiêu hóa tốt, tránh được tình trạng ọc sữa, trào ngược dạ dày thực quản. Muốn làm việc này, mẹ hãy bế bé ở tư thế vác vai, để bụng bé áp sát ngực mẹ, đầu tựa vào vai mẹ, khum tay nhẹ nhàng vỗ lưng cho bé. Động tác này nên thực hiện trong khoảng 10 - 15 phút.
2.3. Đặt bé ngủ
Trước khi đặt bé ngủ mẹ cần chuẩn bị cho bé môi trường ngủ thoáng mát, sạch sẽ và yên tĩnh. Trẻ được sinh đủ tháng, khỏe mạnh nên ở trong phòng có nhiệt độ 28ºC. Nếu bật điều hòa, cha mẹ không nên để nhiệt độ phòng quá thấp để tránh làm trẻ cảm lạnh nhưng cũng không nên để nhiệt quá cao dễ khiến trẻ nóng bức, đổ mồ hôi, ngủ không ngon giấc.
Trước khi ngủ mẹ có thể massage nhẹ nhàng cho bé sau đó đung đưa nhẹ hoặc cho bé nghe nhạc dịu nhẹ, hát ru để bé dễ dàng đi vào giấc ngủ. Ăn no, vệ sinh cơ thể sạch sẽ, phòng ngủ yên tĩnh và thoáng mát sẽ giúp trẻ sơ sinh ngủ ngon hơn. Có một giấc ngủ ngon là điều kiện không thể thiếu để trẻ phát triển tốt cả về thể chất và tinh thần.
Đối với trẻ sơ sinh cha mẹ cần chú ý tư thế ngủ, nếu bé có thói quen nằm sấp thì hãy theo dõi cẩn thận để tránh ngạt thở. Xung quanh trẻ cũng không nên để quá nhiều thú bông hay gối vì chẳng may chúng đè vào mũi sẽ dễ khiến trẻ ngạt thở.
2.4. Chăm sóc rốn cho trẻ
Cuống rốn của trẻ sơ sinh là vết thương hở, cần phải được chăm sóc đúng cách để tránh bị nhiễm trùng. Đây là việc làm cần được thực hiện hàng ngày, đảm bảo vệ sinh theo các bước:
Rốn của trẻ sơ sinh luôn cần được giữ khô thoáng, sạch sẽ
- Cha mẹ vệ sinh tay của mình thật sạch rồi dùng cồn 70 độ sát trùng trước khi chăm sóc rốn cho bé.
- Tháo băng rốn và gạc ra cho bé một cách nhẹ nhàng.
- Quan sát kĩ mặt cắt và xung quanh rốn xem có bị đỏ, viêm đỏ, có mủ, có chảy dịch hay chảy máu không, có mùi hôi hay có gì bất thường không.
- Dùng bông gòn thấm nước sôi vô trùng lau rốn cho bé sau đó thấm khô cuống và chân rốn.
- Dùng nước muối sinh lý sát trùng vùng da quanh rốn của bé.
- Dùng lớp gạc mỏng đã vô trùng để che rốn cho bé.
- Khi quấn tã, không nên để bất kỳ thứ gì vấy bẩn vùng này và hãy quấn tã dưới rốn của bé.
Các trường hợp bất thường sau cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay:
- Có nước dịch vàng, mùi hôi hoặc có mủ ở rốn.
- Chảy nhiều máu ở rốn và khó cầm.
- Sưng, đỏ vùng da quanh rốn.
- Trên 3 tuần nhưng trẻ chưa rụng rốn.
Trẻ sơ sinh có làn da rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương. Vì thế khi chăm sóc da cho bé, cha mẹ cần lưu ý:
- Chọn mua các loại quần áo có chất liệu mềm, thoáng, cắt bỏ mác, giặt quần áo của bé bằng xà phòng dành cho trẻ nhỏ để tránh kích ứng da.
- Sau khi bé đi vệ sinh cần thay tã ngay, chọn loại tã không có các thành phần dễ gây kích ứng cho da. Mỗi khi thay tã cần rửa sạch vùng mặc tã với chất làm sạch nhẹ dịu sau đó lau khô rồi mới mặc tã mới cho bé.
- Luôn giữ độ ẩm thích hợp cho da bé vì thời tiết hanh khô hoặc tắm rửa dễ khiến da bị mất nước. Cha mẹ có thể thực hiện việc này bằng cách thoa kem dưỡng ẩm toàn thân cho bé.
- Khi tắm nên chọn loại sữa tắm dịu nhẹ, có độ pH phù hợp với làn da của trẻ sơ sinh, luôn vệ sinh để rốn của bé sạch và khô.
- Cho bé tắm nắng mỗi ngày để tăng lượng canxi, vitamin D3 giúp cho quá trình phát triển của bé.
Về cơ bản, sau khi ra khỏi môi trường bụng mẹ cũng là lúc bé sẽ phải tự thích nghi với môi trường sống bên ngoài. Trẻ sơ sinh còn quá non nớt, sức đề kháng lại kém nên rất cần đến sự chăm sóc cẩn thận, khoa học từ cha mẹ. Hãy tìm hiểu thật kỹ, chọn lọc thông tin để trở thành những cha mẹ thông thái trong chăm sóc sức khỏe con mình.
Nếu cần được tư vấn thêm về các vấn đề liên quan đến sức khỏe của trẻ, cha mẹ có thể liên hệ tổng đài 1900565656 của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC. Tại đây, các chuyên gia y tế của chúng tôi làm việc 24/7, luôn sẵn lòng lắng nghe tâm tư và chia sẻ với cha mẹ những thông tin bổ ích nhất.