Vàng da là tình trạng thường gặp ở trẻ sơ sinh. Nếu do sinh lý thì chỉ sau một thời gian ngắn tình trạng này sẽ biến mất. Vậy cách chăm sóc trẻ sơ sinh bị vàng da sinh lý như thế nào? Hãy theo dõi bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về tình trạng này ở trẻ sơ sinh nhé!
23/06/2020 | Vàng da sinh lý có gì khác với vàng da bệnh lý ở trẻ sơ sinh? 27/04/2020 | Các biến chứng khi trẻ sơ sinh bị vàng da và cách điều trị 04/02/2020 | Chỉ số Bilirubin vàng da ở trẻ sơ sinh cho biết điều gì?
1. Tìm hiểu về vàng da ở trẻ sơ sinh
Vàng da hay còn gọi là hoàng đản, là tình trạng nhiễm sắc tố vàng ở da, niêm mạc mắt, thường xảy ra ở trẻ sơ sinh. Bệnh được chia làm hai loại: vàng da sinh lý và vàng da bệnh lý. Trong đó, vàng da bệnh lý là tình trạng gây nhiều biến chứng nguy hiểm đối với trẻ sơ sinh. Vì vậy, bố mẹ nên phát hiện sớm và có biện pháp điều trị kịp thời.
Vàng da là tình trạng nhiễm sắc tố vàng ở da, niêm mạc mắt, thường xảy ra ở trẻ sơ sinh
Phân biệt vàng da sinh lý và vàng da bệnh lý
Nếu không nhận biết sớm và điều trị kịp thời, vàng da bệnh lý có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm ở trẻ. Dưới đây là cách phân biệt giữa vàng da sinh lý và vàng da bệnh lý:
- Vàng da sinh lý:
Hiện tượng này xuất hiện ở trẻ, từ 1 - 2 ngày sau sinh. Khi lượng Bilirubin tích tụ quá mức sẽ dẫn đến hiện tượng vàng da ở vùng mặt, cổ, ngực và vùng bụng trên. Đồng thời, trẻ vẫn đi phân vàng và tiểu ra nước nước tiểu màu vàng trong. Lúc này, nồng độ Bilirubin trong máu của trẻ sinh đủ tháng thường không quá 12 mg% và không vượt quá 15mg% ở trẻ sinh thiếu tháng.
Vàng da chỉ xảy ra ở mức độ nhẹ và không gây nguy hiểm cho trẻ. Khi gan của trẻ đã phát triển hơn, thì lượng Bilirubin trong máu sẽ được lọc thải ra khỏi cơ thể. Do đó, hiện tượng vàng da ở trẻ sẽ tự khỏi chỉ trong vòng 1 - 2 tuần.
- Vàng da bệnh lý:
Hiện tượng vàng da xuất hiện sớm ở trẻ trong vòng 24 giờ sau sinh, được xem là một biểu hiện của nhiều bệnh lý. Trẻ sơ sinh bị vàng da bệnh lý có thể là do: bệnh gan mật bẩm sinh, bệnh tan máu (do nhiễm trùng, hồng cầu hình liềm, thiếu men G6PD), xuất huyết dưới da, bất đồng nhóm máu giữa mẹ và con,…).
Khi lượng Bilirubin trong máu tăng lên quá mức sẽ làm cho toàn thân của trẻ xuất hiện màu vàng. Lúc này, vùng da ở lòng bàn tay hay bàn chân, kể cả kết mạc mắt đều có màu vàng chanh hoặc vàng sậm.
Vàng da bệnh lý có thể khiến trẻ gặp nhiều biến chứng nguy hiểm
Không chỉ vậy, trẻ còn xuất hiện một số triệu chứng bất thường như: bỏ bú, ngủ li bì, sốt, co giật,… Nếu không phát hiện và điều trị vàng da bệnh lý kịp thời, Bilirubin sẽ gián tiếp thấm vào não. Lúc này, trẻ có thể gặp phải các biến chứng nguy hiểm như: nhiễm độc thần kinh gây bại não suốt đời, hoặc gây tử vong ở trẻ.
2. Giải thích hiện tượng trẻ bị vàng da sinh lý
Hàm lượng Bilirubin trong máu tăng cao sẽ khiến trẻ bị vàng da sinh lý. Bilirubin là một chất màu mật, được tạo ra do sự phá vỡ các hồng cầu thai nhi, để thay thế các hồng cầu trưởng thành. Khi mới sinh, chức năng gan của trẻ chưa hoàn thiện, nên không thể lọc thải Bilirubin ra khỏi cơ thể. Đến khi trẻ được khoảng 1 - 2 tuần tuổi, lúc này chức năng gan hoàn thiện hơn nên có đủ khả năng đào thải chất này ra ngoài cơ thể. Hiện tượng vàng da sẽ tự khỏi và không xuất hiện các triệu chứng bất thường, gây nguy hại cho trẻ.
Trẻ bị vàng da sinh lý do hàm lượng Bilirubin trong máu tăng cao
3. Điều trị vàng da sinh lý
Bố mẹ không nên quá lo lắng khi trẻ được chẩn đoán là bị vàng da sinh lý. Bởi hiện tượng này sẽ tự khỏi và không xảy ra các biến chứng nguy hiểm. Do đó, các bậc phụ huynh có thể áp dụng một số biện pháp dưới đây để giúp trẻ nhanh hết vàng da:
- Vào mỗi buổi sáng sớm, mẹ nên cho bé nằm phơi nắng gần những nơi có nhiều ánh sáng mặt trời như: cửa sổ. Việc này không chỉ giúp bé nhanh thoát khỏi tình trạng vàng da mà còn hỗ trợ tổng hợp vitamin D, giúp xương phát triển tốt.
- Mẹ nên cho trẻ bú thường xuyên để đào thải Bilirubin thông qua đường tiêu hóa.
- Vệ sinh sạch sẽ và giữ ấm cơ thể cho bé.
- Theo dõi các biểu hiện của trẻ trong vòng 7 - 10 ngày. Đồng thời, quan sát hiện tượng vàng da ở trẻ có gì bất thường không.
- Nếu trẻ xuất hiện các triệu chứng bất thường, mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Mẹ nên vệ sinh sạch sẽ cho bé mỗi ngày
4. Phòng ngừa trẻ sơ sinh bị vàng da bệnh lý
Trẻ bị vàng da bệnh lý có thể gặp nhiều biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, bố mẹ nên phòng ngừa hiện tượng này ở trẻ. Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa vàng da bệnh lý mà bố mẹ có thể tham khảo:
- Khám thai định kỳ để có thể phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh lý mắc phải trong thai kỳ.
- Các bà bầu nên chăm sóc tốt sức khỏe của mình, để phòng ngừa hiện tượng sinh non, sinh nhẹ hoặc quá nặng cân, nhiễm trùng hay các bệnh có thể lây từ mẹ sang con.
- Nên đưa thai phụ đến cơ sở y tế để được thăm khám và theo dõi trước khi sinh.
- Ngay sau khi sinh, mẹ nên cho trẻ bú đủ sữa và giữ ấm để trẻ không bị hạ thân nhiệt, tụt huyết áp.
- Khi trẻ có biểu hiện vàng da, bố mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để chẩn đoán nguyên nhân gây vàng da là sinh lý hay bệnh lý. Nếu trẻ bị vàng da bệnh lý, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm.
Khám thai định kỳ sẽ giúp mẹ phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh có thể mắc trong thời kỳ mang thai
Vàng da sinh lý sẽ tự khỏi sau 1 - 2 tuần và không gây nguy hiểm cho trẻ sơ sinh. Để giúp bé nhanh hết vàng da, bố mẹ có thể áp dụng một vài biện pháp mà bài viết vừa chia sẻ. Đồng thời, việc phòng ngừa hiện tượng vàng da bệnh lý sẽ giúp trẻ tránh khỏi các biến chứng nguy hiểm. Do đó, trong thời kỳ mang thai các mẹ nên thực hiện khám thai định kỳ, để phát hiện và điều trị các bệnh lý có thể mắc phải.