Viêm mũi vận mạch là một trong những chứng bệnh về mũi thường gặp, có triệu chứng tương tự như các dạng viêm mũi khác. Đa phần bệnh tự khỏi hoặc sẽ thuyên giảm dần khi điều trị tích cực mà không gây biến chứng nguy hiểm gì. Tuy nhiên số ít trường hợp để điều trị căn bệnh này người bệnh cần dùng đến các loại thuốc chống sung huyết mũi.
26/01/2021 | Tư vấn: Viêm mũi dị ứng thời tiết và cách chữa trị 12/01/2021 | Viêm mũi dị ứng ở trẻ em: cách điều trị và phòng ngừa 08/12/2020 | Hướng dẫn cách chữa viêm mũi dị ứng nhanh và hiệu quả
1. Tại sao bạn bị viêm mũi vận mạch?
Các chứng bệnh viêm mũi khá thường gặp với chúng ta, tuy nhiên ít người biết đến căn bệnh viêm mũi vận mạch dù bệnh khá phổ biến. Bản thân bệnh lý này là viêm mũi vô căn do đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm được căn nguyên bệnh chính xác. Dù thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán tiên tiến cũng không phát hiện được tế bào viêm đặc hiệu.
Viêm mũi vận mạch là chứng bệnh về mũi khá thường gặp
Viêm mũi vận mạch xảy ra khi mạch máu nhỏ trong mũi do tác động nào đó bị giãn rộng ra, gây xung huyết và tắc nghẽn. Tình trạng này có thể đi kèm với chất nhầy chảy nhiều từ mũi, lan ra ngoài hoặc lan vào xoang. Triệu chứng bệnh tương tự với viêm mũi dị ứng hay các chứng viêm mũi khác như: chảy nước mũi, nghẹt mũi, hắt hơi, sổ mũi,…
Các triệu chứng này gây nhầm lẫn với bệnh viêm xoang và viêm mũi dị ứng, để phân biệt bằng dấu hiệu rất khó. Chỉ có thăm khám tại cơ sở y tế mới chẩn đoán phân biệt được. Đa phần triệu chứng bệnh kéo dài trong một vài tuần, sau đó tự biến mất và không gây biến chứng nguy hiểm gì.
Triệu chứng viêm mũi vận mạch tương tự các chứng viêm mũi thông thường
Một số ít trường hợp viêm mũi vận mạch ở người có cơ địa yếu, bệnh có thể tiến triển thành viêm mũi vận mạch bội nhiễm. Lúc này bệnh nhân cần được khám và điều trị đặc trị hơn.
2. Cách điều trị viêm mũi vận mạch
Lựa chọn phương pháp điều trị còn phụ thuộc vào tình trạng bệnh, tuy nhiên đa phần bệnh nhân không đi khám và điều trị. Do dễ gây nhầm lẫn nên người bệnh thường tự ý chăm sóc, điều trị tại nhà giống như viêm mũi dị ứng thông thường.
Điều trị viêm mũi vận mạch thường áp dụng các phương pháp sau:
2.1. Vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý
Bệnh gây chảy nhiều dịch mũi, dễ tích tụ vi khuẩn và chất bẩn gây sưng viêm nặng hơn. Vì thế, cần dùng nước muối sinh lý để làm loãng dịch nhầy, làm sạch chúng tránh sự phát triển và lây lan của phản ứng viêm. Đồng thời, nước muối cũng có tác dụng làm dịu, giảm viêm mạch máu.
Điều lưu ý khi vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý là thực hiện hàng ngày theo chỉ dẫn của bác sĩ, có thể dùng bình rửa mũi hoặc máy hút mũi để làm sạch tốt hơn, tránh làm tổn thương niêm mạc mũi.
Hầu hết trường hợp viêm mũi vận mạch được điều trị nội khoa
2.2. Thuốc kháng Histamin
Đa phần các trường hợp viêm mũi vận mạch không được khuyến cáo sử dụng thuốc kháng Histamin đường uống vì nó tác dụng toàn thân. Người bệnh chỉ cần dùng thuốc kháng Histamin dạng xịt, xịt trực tiếp vào mũi. Hơi sương chứa hoạt chất sẽ ngấm sâu qua niêm mạc mũi vào các mạch máu bị viêm, giúp giảm viêm và cũng ít gây tác dụng phụ cho cơ thể.
2.3. Thuốc Corticosteroid
Bệnh nhân bị phù nề, viêm nhiễm nặng thì bác sĩ sẽ khám và đánh giá cụ thể, kê thuốc dùng tại chỗ để giảm triệu chứng. Thuốc có tác dụng mạnh hơn nhưng có thể gây tác dụng phụ như: Khô mũi, đau đầu, khô họng, chảy máu mũi,...
Vì thế Corticosteroid thường được chỉ định cụ thể. Khi sử dụng phải có sự theo dõi của bác sĩ, sử dụng đúng liều lượng và thời gian chỉ định. Hai loại thuốc xịt Corticosteroid chỉ định phổ biến nhất trong điều trị viêm mũi vận mạch là Flamasol và Triamcinolone.
2.4. Thuốc thông mũi
Thuốc thông mũi chứa Sudafed là loại bổ biến nhất, có tác dụng làm thu hẹp nhanh các mạch máu bị giãn nở và giảm tình trạng nghẹt mũi do dịch nhầy. Dù tác dụng nhanh song thuốc thông mũi thường gây nhiều tác dụng phụ như: tăng huyết áp, đánh trống ngực, cảm giác bồn chồn,… nên cần sử dụng theo chỉ định và có sự theo dõi của bác sĩ chuyên khoa.
Đa phần thuốc điều trị viêm mũi vận mạch ở dạng xịt trực tiếp
2.5. Thuốc xịt mũi Cholinergic
Tình trạng chảy nước mũi do viêm mũi vận mạch thường gây nghẹt mũi nghiêm trọng. Với các trường hợp này, thuốc xịt mũi Cholinergic có tác dụng tốt nhưng cũng có thể gây ra một vài tác dụng phụ như chảy máu cam, làm khô mũi,…
2.6. Phẫu thuật cắt bỏ polyp mũi
Các trường hợp không đáp ứng điều trị nội khoa hoặc tiến triển bệnh nặng, bác sĩ sẽ xem xét thực hiện thủ thuật nhỏ nhằm cắt bỏ polyp mũi và phục hồi vách ngăn lệch, từ đó giúp cải thiện hiệu quả của thuốc điều trị.
Một số trường hợp phải cắt bỏ cuống giữa, bán phần cuống mũi dưới hoặc đốt cuống mũi dưới. Bệnh nhân có thể bị chảy máu nhẹ và mất một khoảng thời gian để hồi phục sau mổ, tuy nhiên phương pháp này sẽ giúp cải thiện bệnh triệt để hơn.
3. Hướng dẫn phòng ngừa viêm mũi vận mạch
Đây là bệnh lý tương đối lành tính, dễ điều trị và tiến triển bệnh không quá nghiêm trọng. Vì thế tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ kết hợp với chăm sóc tốt sẽ giúp bạn nhanh chóng đẩy lùi được bệnh. Ngoài ra, một số thói quen sinh hoạt, dinh dưỡng dưới đây sẽ giúp tăng sức khỏe mạch máu, phòng ngừa và ngăn ngừa bệnh tái phát.
-
Đeo khẩu trang khi ra đường để hạn chế khói bụi, hóa chất, lông động vật,… trong không khí gây kích thích mạch máu niêm mạc mũi.
-
Vệ sinh mũi hàng ngày, nhất là sau khi ra ngoài bằng nước muối sinh lý.
-
Rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng khử khuẩn, hạn chế dùng tay cạy gỉ mũi vì có thể làm tổn thương niêm mạc mũi.
Vệ sinh mũi đúng cách giúp phòng ngừa các bệnh hô hấp
-
Chế độ dinh dưỡng đầy đủ, giàu Vitamin và khoáng chất, đặc biệt là Vitamin C, uống nhiều nước để tăng sức dẻo dai thành mạch và tăng sức đề kháng chung cho cơ thể.
-
Thường xuyên luyện tập thể thao, tăng cường sức khỏe.
Mặc dù hiếm khi tiến triển nhưng nếu triệu chứng viêm mũi vận mạch kéo dài và ngày càng nặng hơn, cần cẩn thận nguy cơ biến chứng hô hấp nặng với các bệnh như hen suyễn, viêm xoang,… Vì thế khi có triệu chứng bệnh, hãy tới ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị bệnh hiệu quả từ đầu.