Tế bào hồng cầu trong máu có vai trò vận chuyển oxy đến các mô và tế bào trong cơ thể để nuôi dưỡng và duy trì các hoạt động sống. Do đó, số lượng hồng cầu trong máu là một trong các chỉ số quan trọng thể hiện tình trạng máu trong cơ thể cũng như các bệnh lý tiềm ẩn. Muốn biết số lượng hồng cầu là bao nhiêu cần thực hiện xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu.
28/04/2022 | Hồng cầu lắng là gì và chỉ định dùng khi nào? 07/02/2022 | Khi nào cần truyền hồng cầu khối và lưu ý khi thực hiện 24/11/2021 | Những loại thực phẩm giúp tăng hồng cầu bạn không nên bỏ lỡ
1. Số lượng hồng cầu là bao nhiêu?
Cơ thể khỏe mạnh bình thường không chỉ cần duy trì thể tích máu cần thiết mà lượng hồng cầu, hay còn gọi là huyết tố cầu cũng cần duy trì ổn định ở mức bình thường. Khi lượng hồng cầu trong máu đủ, các tế bào trong cơ thể mới được cung cấp, nuôi dưỡng đủ oxy và dưỡng chất.
Hồng cầu là tế bào máu có vai trò vận chuyển oxy
Số lượng hồng cầu là bao nhiêu là thắc mắc của nhiều người khi quan tâm hay kiểm tra các chỉ số máu. Thực tế, lượng hồng cầu ở một người bình thường được chia theo giới tính:
-
Nam giới: Lượng hồng cầu trong máu rơi vào khoảng 4.2 triệu đơn vị/mm3 máu.
-
Nữ giới: Lượng hồng cầu trong máu bình thường thấp hơn nam giới, chỉ khoảng 3.8 tr/mm3 máu.
Hơn nữa, số lượng tế bào hồng cầu luôn biến đổi, thay đổi khác nhau ở từng thời điểm trong ngày, biến động mạnh hơn theo độ tuổi. Với trẻ sơ sinh trong 10 ngày đầu, lượng tế bào hồng cầu ở mức khá cao đến 5 triệu đơn vị/mm3, song chỉ số này sẽ giảm xuống bằng mức người trưởng thành khi trẻ đã được vài tháng tuổi.
Bên cạnh đó, khi vận động nhiều, lượng hồng cầu trong máu có xu hướng tăng lên do nhu cầu oxy của tế bào cũng cao hơn. Tế bào hồng cầu không tồn tại mãi mãi mà có chu kỳ, sau khoảng 100 - 200 ngày sống, hồng cầu sẽ bị tiêu hủy bởi các đại thực bào. Thay thế vào đó là những hồng cầu mới được sản xuất.
Số lượng hồng cầu được xác định qua xét nghiệm máu
Để kiểm tra số lượng hồng cầu trong máu, xét nghiệm công thức máu toàn phần là phương pháp được sử dụng thường xuyên nhất. Xét nghiệm này đang được áp dụng phổ biến trên hầu hết bệnh viện và cơ sở xét nghiệm trên cả nước, tại đây mẫu máu không chỉ được xét nghiệm đếm số lượng hồng cầu mà còn được phân tích đánh giá nhiều chỉ số khác.
Việc tăng hay giảm số lượng hồng cầu quá mức trong máu đều dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe, nhiều trường hợp là triệu chứng của bệnh lý nghiêm trọng
2. Số lượng hồng cầu bất thường cảnh báo bệnh lý gì?
Có nhiều nguyên nhân gây tăng hoặc giảm quá mức số lượng hồng cầu trong cơ thể, đôi khi đây chỉ là thay đổi tạm thời song có thể là dấu hiệu bệnh lý nghiêm trọng cần điều trị.
2.1. Số lượng hồng cầu tăng cao bất thường
Một trong những ảnh hưởng của chất kích thích khi sử dụng nhiều với cơ thể là làm tăng số lượng hồng cầu như: rượu, bia, thuốc lá,... Ngoài ra, những người mắc bệnh tim bẩm sinh, xơ phổi, ung thư thận dẫn đến thiếu nước hoặc mắc bệnh đa hồng cầu cũng gặp tình trạng nồng độ hồng cầu cao bất thường.
Chất kích thích có thể làm tăng số lượng hồng cầu
Tình trạng tăng cao số lượng hồng cầu do điều kiện sinh sống không phải là vấn đề nghiêm trọng, những người sống ở miền núi có lượng hồng cầu cao hơn người sống ở đồng bằng và đây được cho là một trong những lý do giúp họ có sức khỏe tốt hơn. Tuy nhiên, nếu hồng cầu trong máu tăng cao bất thường, cần theo dõi sát sao bởi có thể dẫn đến vỡ mạch máu hoặc đột quỵ.
2.2. Số lượng hồng cầu giảm thấp bất thường
Những nguyên nhân thường khiến lượng hồng cầu trong máu giảm thấp bao gồm: thiếu máu, bệnh bạch cầu, bệnh lý về tủy, rối loạn tuyến giáp,... Ngoài ra, các chấn thương mạch máu hoặc thiếu erythropoietin không có dấu hiệu rõ ràng cũng dễ dẫn đến thiếu hồng cầu trong cơ thể.
Ở các vùng kém phát triển, tình trạng suy dinh dưỡng hoặc thiếu hụt một số dưỡng chất nhất định quan trọng trong việc tạo máu như: đồng, sắt, folate, Vitamin nhóm B, B6, B12,... phổ biến nên lượng người mắc bệnh thiếu hồng cầu cũng nhiều hơn.
Cần khắc phục sớm bởi tình trạng thiếu hồng cầu ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe lâu dài, là nguyên nhân gây khó thở, chân tay đau nhức, chóng mặt, mất ngủ thường xuyên,... Nhất là khi bạn bị chóng mặt, khó thở khi vận động nhiều thì cần đi xét nghiệm kiểm tra trong đó có xét nghiệm kiểm tra số lượng hồng cầu trong cơ thể.
3. Làm gì để cải thiện số lượng hồng cầu bất thường
Nếu số lượng hồng cầu trong máu cao hay thấp không quá nghiêm trọng, việc điều trị bằng thuốc hoặc truyền máu có thể không cần thiết. Thay vào đó, một số yếu tố sau có thể giúp người bệnh cải thiện tình trạng, đưa chỉ số hồng cầu trong máu trở về mức bình thường và an toàn.
3.1. Thay đổi lối sống lành mạnh
Một lối sống lành mạnh tác động rất lớn đến quá trình tạo máu cũng như tình trạng sức khỏe của mỗi chúng ta. Vậy lối sống lành mạnh cần thực hiện với những người có số lượng hồng cầu bất thường như thế nào?
-
Uống nhiều nước, lượng nước ít nhất từ 1.5 - 2l hàng ngày, có thể nhiều hơn ở người vận động nhiều.
-
Hạn chế thức uống có cồn như rượu, bia hoặc chứa chất kích thích caffeine, thuốc lá.
-
Hạn chế sử dụng aspirin và các loại kháng sinh khi không cần thiết.
-
Ăn nhiều hoa quả để bổ sung Vitamin và viên uống nếu cần thiết.
-
Tập thể dục thường xuyên để cơ thể trao đổi chất tốt hơn, máu lưu thông hiệu quả hơn.
3.2. Thay đổi chế độ ăn uống
Một chế độ ăn uống lành mạnh cũng góp phần quan trọng trong điều trị chỉ số hồng cầu bất thường tại nhà, cần chú ý bổ sung đầy đủ các dưỡng chất sau:
-
Sắt từ các thực phẩm như thịt đỏ, cá, đậu khô, thịt gia cầm, rau có màu xanh, đậu Hà Lan,...
-
Vitamin B12 từ các thực phẩm như trứng, sữa, cá, ngũ cốc nguyên hạt,...
-
Đồng từ các thực phẩm như động vật có vỏ, các loại hạt, thịt gia cầm,...
Sắt là dinh dưỡng cần bổ sung cho quá trình tạo máu, có nhiều trong rau màu xanh
Như vậy, số lượng hồng cầu bình thường là chỉ số quan trọng cho thấy bạn đang có sức khỏe tốt, hơn nữa xét nghiệm đánh giá này khá đơn giản nên thường ứng dụng trong kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Nếu cần xét nghiệm hoặc tư vấn kết quả, hãy liên hệ với chuyên gia MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56.