Buồn nôn khi ốm là tình trạng thường gặp ở nhiều người. Điều này gây cho người bệnh không ít bất tiện và khó chịu. Sau đây, MEDLATEC sẽ chia sẻ đến bạn đọc những thông tin hữu ích về nguyên nhân cũng như các cách điều trị phù hợp khi bạn gặp phải tình trạng này.
28/06/2021 | Buồn nôn trong kỳ kinh nguyệt: Nguyên nhân và cách khắc phục 28/06/2021 | Buồn nôn ban đêm do đâu - nguy hiểm như thế nào? 26/06/2021 | Giải thích vì sao bạn bị buồn nôn sau khi tập thể dục
1. Nguyên nhân của tình trạng buồn nôn khi ốm
Cảm cúm là bệnh do một loại virus gây ra, khi virus đi vào cơ thể, hệ thống miễn dịch sẽ được kích hoạt và gây ra một số phản ứng với nó. Sau khi bị ốm, các phản ứng miễn dịch này sẽ được duy trì trong một vài tháng. Đi kèm với đó là một số triệu chứng thường gặp như: ho, sốt, sổ mũi, nhức đầu, ngoài ra còn có thể xuất hiện một số dấu hiệu như: đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy.
Buồn nôn là hiện tượng bình thường của cơ thể mỗi khi bị ốm
Tuy nhiên, không phải ai bị ốm đều sẽ xuất hiện các triệu chứng này, còn tùy thuộc vào thể trạng và khả năng miễn dịch của người bệnh nữa.
Nguyên nhân chủ yếu khiến bạn bị cảm là do sự xâm nhập của virus
Ngoài ra, tình trạng buồn nôn khi ốm xuất hiện còn do các nguyên nhân sau đây:
-
Ho nhiều: khi người ốm ho nhiều sẽ tạo ra sự co thắt ở các cơ vùng bụng và ngực, tăng sức ép xuống đường ruột, dạ dày. Điều này khiến người ốm dễ xuất hiện tình trạng buồn nôn hơn.
-
Nuốt phải nước mũi hoặc đờm: Ở nhiều người, đặc biệt là trẻ con thì thường xuyên gặp phải tình trạng nuốt nước mũi, đờm vào bụng. Việc nuốt các dịch mũi họng liên tục này khiến dạ dày ở mức đầy, tăng nhu cầu đào thải ra ngoài, vì thế xuất hiện tình trạng buồn nôn khi ốm.
-
Khóc nhiều: Khi ốm, người bệnh sẽ cảm thấy khó chịu đặc biệt là trẻ em thường rất dễ quấy khóc. Mà việc khóc nhiều rất dễ gặp phải tình trạng buồn nôn khi ốm.
Ở trẻ em, việc quấy khóc nhiều cũng khiến cho tình trạng buồn nôn xảy ra
2. Cần làm gì khi gặp tình trạng buồn nôn khi ốm
Tuy rằng buồn nôn không phải bệnh, chỉ là triệu chứng, nhưng có thể ảnh hưởng và kéo dài thời gian hồi phục. Vì thế, những thông tin sau sẽ giúp ích cho bạn trong việc làm giảm tình trạng buồn nôn khi ốm.
Uống nhiều nước
Sốt khiến cơ thể bị mất nước nghiêm trọng, vì vậy, việc cung cấp đủ nước cho cơ thể là điều vô cùng quan trọng và cần thiết, đặc biệt là trong trường hợp kèm theo buồn nôn và tiêu chảy. Bạn nên bổ sung thật nhiều nước, ít nhất là 2 lít nước mỗi ngày. Ngoài nước lọc, các loại nước ép hoa quả, nước rau củ và nước chứa các chất điện giải khác cũng có tác dụng cung cấp khoáng chất cần thiết. Lời khuyên là bạn hãy uống từng ngụm nhỏ.
Cần uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày, đặc biệt là người ốm nên bổ sung nhiều nước hơn
Ăn các món nhẹ
Thay vì ăn cơm như bình thường thì người ốm nên ăn các món nhẹ như súp, cháo,... để dễ tiêu hoá và hạn chế tình trạng buồn nôn hơn. Theo một vài nghiên cứu cho thấy súp gà là món ăn có khả năng giảm nhẹ các biểu hiện của cảm cúm. Hơn nữa, hơi nóng bốc lên từ món súp cũng làm cho người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn.
Ngoài ra, người ốm không nên ăn nhiều đồ ăn chiên, rán, nhiều dầu mỡ, những thực phẩm này sẽ khiến người ốm nôn nhiều và mệt mỏi hơn. Để người bệnh cảm thấy không quá no nhưng cũng bổ sung đầy đủ dưỡng chất nên chia nhỏ bữa ăn từ 2 - 3 bữa thành 5 - 6 bữa mỗi ngày.
Có chế độ nghỉ ngơi hợp lý
Người ốm nên có chế độ nghỉ ngơi hợp lý để cơ thể hồi phục nhanh hơn. Việc nghỉ ngơi này sẽ làm cơ thể thoải mái và hạn chế tình trạng buồn nôn khi ốm hơn. Khi bị ốm, sốt, người bệnh nên nghỉ ngơi ít nhất 8 tiếng mỗi ngày.
Trong phòng nghỉ ngơi của người bệnh cần phải duy trì nhiệt độ, độ ẩm phù hợp. Độ ẩm thích hợp có thể làm giảm các triệu chứng do cảm cúm gây ra như: ho, sổ mũi, đau họng,...
Người ốm nên có chế độ nghỉ ngơi hợp lý để cơ thể hồi phục nhanh hơn
Ngậm, súc miệng bằng nước muối ấm
Nước muối là lựa chọn của nhiều người trong việc cải thiện các tình trạng liên quan đến đường hô hấp. Đặc biệt là khi bị các bệnh viêm đường hô hấp, nước muối ấm cải thiện các triệu chứng cảm cúm, đẩy nhanh quá trình hồi phục bệnh. Khi súc miệng, nước muối có tác dụng diệt khuẩn, làm sạch họng, giúp đường hô hấp trở nên thông thoáng hơn. Ngoài ra, khi bị buồn nôn khi ốm việc sử dụng nước muối sẽ giúp bạn nôn ra hết. Sau khi nôn xong, súc miệng lại bằng nước muối sẽ giúp bạn tiêu viêm.
Sử dụng các biện pháp dân gian
Việc áp dụng các biện pháp dân gian để cải thiện tình trạng buồn nôn khi ốm rất được nhiều người lựa chọn. Đơn giản bởi vì nó đem lại hiệu quả tốt, có nguồn gốc từ thiên nhiên nên không độc hại, ít tốn kém. Những loại thảo dược thiên nhiên bạn nên lựa chọn như: gừng, bạc hà, chanh,... Các loại này vừa có thể giải cảm, giảm tình trạng buồn nôn vừa là thức uống thơm ngon.
Trà gừng vừa là thức uống thơm ngon vừa giúp giải cảm hiệu quả
Mặc dù, buồn nôn khi ốm là dấu hiệu bình thường nhưng bạn không nên lơ là. Khi thấy buồn nôn đi kèm với các đặc điểm bạn nên cẩn trọng và nhờ người thân nhanh chóng đưa đến các cơ sở y tế uy tín để điều trị:
-
Cơn buồn nôn từ khi bắt đầu đã rất dữ dội.
-
Tần suất xuất hiện của các cơn buồn nôn nhiều và liên tục.
-
Khi nôn xuất hiện dịch mật hoặc máu.
-
Nhiệt độ cơ thể tăng cao trên 38,5 độ C.
-
Cơ thể mất nước nghiêm trọng: da khô, khát nước, mắt trũng và khô,...
-
Cơ thể co giật, ngủ li bì và khó thức giấc, hơi thở cũng trở nên dồn dập hơn.
Như vậy, qua những thông tin trên mà MEDLATEC đã chia sẻ chắc hẳn bạn đã hiểu rõ về tình trạng buồn nôn khi ốm và những điều nên làm khi gặp tình trạng này. Mặc dù buồn nôn là một triệu chứng phổ biến và thường gặp ở người ốm nhưng bạn cũng không nên xem nhẹ. Khi bị buồn nôn mà kèm theo đó là một số triệu chứng lạ như trên bạn cần nhờ người thân đưa đến các cơ sở y tế uy tín để điều trị kịp thời.