Từ 6 tháng tuổi, trẻ sẽ bước vào giai đoạn ăn dặm. Ở thời kỳ này, mẹ cần lưu ý để bổ sung dinh dưỡng đầy đủ và đúng cách, đảm bảo trẻ phát triển khỏe mạnh. Cùng tìm hiểu những thông tin cơ bản về chế độ ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi trong bài viết sau.
27/09/2022 | 7 bí quyết chăm trẻ sơ sinh từ 0-6 tháng tuổi khỏe mạnh - ngoan ngoãn 15/09/2021 | Trẻ 6 tháng tuổi cần bổ sung vitamin như nào để phát triển khỏe mạnh 14/07/2021 | Vì sao trẻ từ 6 tháng tuổi dễ bị bệnh hô hấp?
1. Vì sao trẻ cần ăn dặm?
Sữa mẹ có chứa nhiều dưỡng chất, tốt cho hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện của trẻ và đồng thời giúp trẻ tăng cường hệ miễn dịch, phòng tránh nhiều loại bệnh tật. Tuy nhiên, từ tháng thứ 6 trở đi, nhu cầu dinh dưỡng của trẻ tăng lên đáng kể và nguồn dưỡng chất từ sữa mẹ sẽ không thể đáp ứng đủ nhu cầu của bé. Do đó, ngoài sữa mẹ, cần bổ sung dinh dưỡng cho mẹ từ các loại thực phẩm khác.
Nếu ăn dặm quá sớm, trẻ có thể gặp nhiều vấn đề về đường tiêu hóa. Tuy nhiên, nếu cho trẻ ăn dặm quá muộn có thể khiến trẻ thiếu các vi chất thiết yếu dẫn đến nguy cơ bị suy dinh dưỡng, chậm lớn, còi xương, thiếu máu và phát triển kém,…
Bé 6 tháng tuổi có thể bắt đầu ăn dặm
Các bậc phụ huynh có thể cho trẻ ăn dặm nếu nhận thấy những biểu hiện như sau:
+ Trẻ có thể ngồi thẳng nếu có sự hỗ trợ và có thể tự giữ đầu thẳng mà không cần mẹ giúp đỡ: Khi trẻ đã có khả năng ngồi, trẻ sẽ có thể nhai, nuốt đúng cách và dễ dàng hơn.
+ Trẻ có thể nhai thức ăn bằng nướu.
+ Trẻ tăng cân gấp đôi so với lúc chào đời.
+ Dù mẹ đã cho bé bú đủ 8 đến 10 cữ mỗi ngày, nhưng con vẫn muốn ăn thêm.
+ Trẻ hào hứng và tò mò với thức ăn.
Khi bước vào thời kỳ ăn dặm, dù trẻ đã có thể tiêu thụ được nhiều loại thực phẩm khác nhưng mẹ vẫn cần đảm bảo cho con bú sữa mỗi ngày. Bú sữa mẹ kết hợp với chế độ ăn dặm chính là cách tốt nhất để bé 6 tháng tuổi có thể phát triển và đảm bảo có hệ miễn dịch khỏe mạnh để phòng chống bệnh tật.
2. Nguyên tắc về chế độ ăn dặm cho bé 6 tháng
Khi thực hiện chế độ ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi, cha mẹ cần đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc như sau:
- Sữa mẹ vẫn cần là nguồn dinh dưỡng chính.
- Cho trẻ ăn đúng thời điểm.
- Ăn từ lỏng tới đặc, từ ngọt tới mặn.
- Ăn từ ít tới nhiều, từ một nhóm thực phẩm đến đa dạng thực phẩm.
- Không ép ăn.
- Ăn theo thời gian mỗi bữa ăn, tốt nhất chỉ nên kéo dài bữa ăn khoảng 30 phút và không nên ăn quá 40 phút/bữa.
- Hạn chế cho bé ăn những loại thực ăn cứng, đặc để tránh gây tổn thương cho hệ tiêu hóa còn yếu và chưa toàn diện của trẻ. Thay vào đó, mẹ nên cho bé ăn những loại thức ăn mềm, dễ nuốt và dễ tiêu hóa.
Nên cho bé ăn đa dạng thực phẩm
- Để trẻ thích nghi từ từ: Khi mới chuyển sang chế độ ăn dặm, trẻ cần thời gian để thích nghi. Đầu tiên, mẹ nên cho bé ăn thực phẩm loãng và sau đó tăng dần độ thô tùy với khả năng của trẻ. Chẳng hạn cho bé ăn từ bột, đến cháo trắng, sau đó mới cho bé ăn kèm với những thực phẩm như bí ngô, khoai lang, cà rốt,… Cuối cùng mới cho bé ăn thử các loại thịt nạc, trứng, tôm,…
Mẹ chỉ nên cho con thử một món ăn mới, không nên cho con thử cùng lúc nhiều loại. Để bé có thể tiếp nhận mùi vị của thực phẩm mới một cách dễ dàng hơn. Bên cạnh đó cũng cần lưu ý, chỉ nên cho trẻ thử với số lượng ít, rồi sau đó mới tăng dần. Trường hợp trẻ không thích, mẹ không nên ép trẻ mà có thể cho con thử lại vào một dịp khác.
- Không nên cho các loại gia vị vào các món ăn của trẻ.
- Đảm bảo cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ: Khi bé đã bắt đầu thích nghi với chế độ ăn dặm, mẹ có thể cho trẻ ăn đa dạng các loại thực phẩm. Lưu ý, cần bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ thông qua các nhóm thực phẩm như chất bột, chất đạm, chất béo, các loại vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin A, C, D, sắt, canxi, và axit béo Omega-3. Lưu ý không nên cho trẻ ăn quá nhiều chất đạm chẳng hạn như thịt, cá,… cùng một lúc.
- Nên thường xuyên thay đổi món ăn để trẻ không bị ngán và được bổ sung đa dạng dưỡng chất.
- Lưu ý lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
- Cần kiểm tra về khả năng tiêu hóa và nguy cơ dị ứng khi cho bé thử những thực phẩm mới.
- Nên sắp xếp thời gian ăn dặm hợp lý để tạo thói quen ăn uống khoa học cho trẻ. Các bữa ăn dặm nên cách xa nhau. Hơn nữa, mẹ cần quan sát tâm trạng, khả năng ăn uống và sức khỏe của trẻ để cho con ăn dặm phù hợp, tránh thực hiện máy móc theo những quy tắc cứng nhắc.
3. Gợi ý một số món ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi
Nếu mẹ còn phân vân về các món ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi, có thể tham khảo thêm một số gợi ý dưới đây:
- Bơ nghiền: Đây là loại thực phẩm rất phù hợp với các bé đang trong giai đoạn ăn dặm vì nó rất mềm và dễ tiêu hóa. Đặc biệt, bơ có chứa nhiều chất béo, các loại vitamin A, C, B9 và nhiều khoáng chất như sắt, magie, kali, canx, photpho,… rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ.
Bơ nghiền rất phù hợp với trẻ đang trong thời kỳ ăn dặm
Cách cho bé ăn bơ cũng rất đơn giản: Mẹ chỉ cần rửa sạch quả bơ, sau đó bóc vỏ và bỏ xơ. Cắt bơ thành từng miếng nhỏ và dùng thìa nghiền nhuyễn. Tiếp đó, cho thêm sữa mẹ hoặc sữa công thức để tạo thành hỗn hợp mịn, lỏng là có thể cho bé ăn. Ngoài ra, mẹ có thể cho thêm bột ngũ cốc nếu bé đã có thể ăn được các món ăn dạng đặc.
- Chuối nghiền: Loại thực phẩm này có nhiều vitamin và khoáng chất, rất tốt cho bé. Cách chế biến cũng rất đơn giản, mẹ chỉ cần bóc chuối, sau đó thái thành lát và cho vào máy xay nhuyễn hoặc nghiền nát bằng thìa. Tiếp đó, pha thêm sữa mẹ hoặc sữa công thức hay ngũ cốc để có được một món ăn dặm thơm ngon và đầy đủ dinh dưỡng cho bé.
Chuối nghiền là món ăn dặm bổ dưỡng và thơm ngon
Hi vọng những thông tin trên đã giúp các bậc phụ huynh có thể xây dựng được chế độ ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi khoa học và lành mạnh, giúp trẻ phát triển tốt về thể chất và trí tuệ. Cha mẹ nên thường xuyên thay đổi món ăn để bé luôn hào hứng với mỗi bữa ăn.
Nếu còn thắc mắc về vấn đề ăn dặm của trẻ hoặc con gặp phải những vấn đề sức khỏe cần được thăm khám, cha mẹ có thể liên hệ đến Chuyên khoa Nhi của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC theo đường dây nóng 1900 56 56 56.