Hẹp eo động mạch chủ là một dạng bệnh tim bẩm sinh nghiêm trọng, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Khi mắc bệnh lý này, người bệnh thường mắc kèm theo một số dị tật bẩm sinh khác. Việc phát hiện bệnh sớm và áp dụng phương pháp khắc phục, kiểm soát bệnh tốt sẽ giúp phòng ngừa nguy cơ biến chứng và đảm bảo sức khỏe cho người bệnh.
25/05/2021 | Bệnh van động mạch chủ hai mảnh có thể gây biến chứng nguy hiểm 23/05/2015 | Phình động mạch chủ bệnh cần phát hiện sớm
1. Các triệu chứng của bệnh hẹp eo động mạch chủ
Động mạch chủ nằm bên trái của tim và chính là mạch máu lớn nhất. Các mạch máu nhánh và nhỏ hơn sẽ dẫn máu và oxy từ động mạch chủ này để đi nuôi cơ thể. Tình trạng động mạch chủ bị hẹp bất thường được gọi là hẹp eo động mạch chủ.
Hẹp eo động mạch chủ là bệnh lý nguy hiểm
Khi đó, dòng máu từ động mạch chủ chảy ra sẽ bị hạn chế hơn rất nhiều, khiến tim phải co bóp mạnh hơn để đảm bảo lượng máu cho cơ thể. Chính vì thế, người bệnh có nguy cơ bị huyết áp cao, suy tim, nhồi máu cơ tim, đột quỵ,… Nếu không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn tới tử vong.
Hẹp eo động mạch chủ là căn bệnh tim bẩm sinh. Trẻ bị bệnh còn có thể gặp phải một số dị tật khác. Tuy ít gặp nhưng một số trường hợp người trưởng thành cũng có thể mắc bệnh sau chấn thương, tai nạn. Bên cạnh đó, tình trạng xơ hoặc viêm động mạch khiến bán kính động mạch nhỏ lại cũng có thể gây hẹp động mạch chủ. Tuy nhiên, những trường hợp này cũng rất hiếm gặp.
Triệu chứng bệnh phụ thuộc vào mức độ hẹp động mạch, dưới đây là một số triệu chứng thường gặp:
+ Đối với trẻ sơ sinh: Những triệu chứng thường xảy ra trong vòng vài giờ hoặc vài ngày sau sinh. Cụ thể là: Trẻ có biểu hiện mệt mỏi, thở nhanh, mạch đập nhanh, vã mồ hôi, lượng nước tiểu giảm, da xanh xao, bú kém,… Các bậc phụ huynh không nên chủ quan, nếu thấy con có dấu hiệu bất thường thì cần đưa con đi khám sớm để được các bác sĩ chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời.
Triệu chứng bệnh có thể xảy ra trong vòng vài giờ đến vài ngày sau sinh
+ Đối với trẻ lớn hơn có thể xuất hiện những triệu chứng như sau: Đau ngực, đau đầu, chóng mặt, trẻ hay bị chuột rút, chảy máu cam, lạnh chân, khó thở khi gắng sức, chậm phát triển về thể chất,…
+ Đối với người trưởng thành: Người bệnh thường có thể không xuất hiện triệu chứng đặc biệt hoặc gặp phải một số triệu chứng như đau đầu, tăng huyết áp hay một số dấu hiệu suy tim,… Khi bệnh nhân lao động nặng, gắng sức, các triệu chứng sẽ càng rõ rệt hơn.
2. Phương pháp chẩn đoán và điều trị bệnh hẹp eo động mạch chủ
2.1. Chẩn đoán bệnh hẹp eo động mạch chủ bằng những phương pháp nào?
Để chẩn đoán bệnh chính xác, các bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện một số phương pháp chẩn đoán hình ảnh dưới đây:
- Chụp X-quang ngực: Ở một số trường hợp, phương pháp này có thể cho kết quả bình thường. Tuy nhiên, với một số trường hợp bệnh nghiêm trọng, kết quả chụp X-quang có thể cho thấy hình ảnh 3 cung ở động mạch chủ và dấu ấn xương sườn.
- Điện tâm đồ: Các bác sĩ chỉ định thực hiện phương pháp này nhằm mục đích phát hiện ra tình trạng tăng gánh thất trái hay không. Nhưng nếu chỉ dựa vào phương pháp này thì chưa thể có được kết luận chẩn đoán bệnh chính xác.
Bác sĩ có thể kết hợp nhiều phương pháp để chẩn đoán bệnh
- Siêu âm doppler tim: Phương pháp này có thể giúp xác định được vị trí hẹp của động mạch chủ, đo chênh áp qua eo động mạch chủ, đồng thời có thể phát hiện một số dị tật bẩm sinh như hẹp van hai lá, tắc nghẽn đường ra thất trái,… Tuy nhiên, chỉ nên thực hiện đối với đối tượng trẻ nhỏ vì phương pháp này rất khó đánh giá tình trạng bệnh ở người trưởng thành.
- Chụp cắt lớp vi tính động mạch chủ: Đây là phương pháp có thể xác định được vị trí chỗ hẹp và hình thái của nó, đồng thời phát hiện được một số tổn thương kèm theo. Phương pháp này rất hữu ích đối trong công tác chẩn đoán bệnh ở người trưởng thành.
- Thông tim chẩn đoán: Các bác sĩ sẽ dung các dụng cụ đưa qua đường mạch máu ngoại biên để chụp vị trí hẹp và tuần hoàn bàng hệ.
2.2. Các phương pháp điều trị bệnh
Tùy theo từng trường hợp bệnh nhân cụ thể, các bác sĩ sẽ lựa chọn những phương pháp điều trị bệnh phù hợp, có thể là phương pháp điều trị nội khoa hoặc ngoại khoa.
Mục đích của phương pháp này thường là điều trị triệu chứng tăng huyết áp và suy tim, nhưng hiệu quả điều trị bệnh thường không cao. Đối với những trường hợp trẻ sơ sinh bị bệnh nặng, có nguy cơ đe dọa đến tính mạch, có thể duy trì mở ống động mạch bằng prostaglandin E1.
Điều trị bệnh bằng một số loại thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ
Đối với những trẻ dưới 5 tuổi, phẫu thuật được đánh giá là phương pháp có hiệu quả cao hơn và được ưu tiên lựa chọn. Tuy nhiên, đối với trẻ trên lớn hơn và người trưởng thành, các bác sĩ thường ưu tiên phương pháp can thiệp qua da.
Trong trường hợp bệnh tái phát, các bác sĩ sẽ có thể lựa chọn phẫu thuật nong mạch bằng cách bơm một thiết bị nhỏ vào động mạch để nới rộng phần mạch bị hẹp, giúp mạch máu mở ra. Đây là phương pháp hiện đại, không để lại sẹo lớn và bệnh nhân có thể nhanh chóng phục hồi sức khỏe.
Sau khi điều trị, bệnh nhân không được chủ quan mà cần thăm khám sức khỏe định kỳ để kịp thời xử trí nếu có dấu hiệu bất thường. Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần duy trì chế độ sinh hoạt khoa học để cải thiện sức khỏe chẳng hạn như duy trì chế độ ăn lành mạch, tập một số bài tập phù hợp với tình trạng sức khỏe.
Cần tuân thủ theo mọi chỉ định của bác sĩ, đặc biệt cần uống thuốc theo đúng chỉ dẫn, không tự ý dừng thuốc khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ hoặc tự ý mua thuốc. Trong trường hợp cơ thể xuất hiện những triệu chứng bất thường, bệnh nhân không nên chủ quan mà cần đi khám sớm nhất có thể để được chẩn đoán tình trạng sức khỏe và khắc phục kịp thời.
Để biết thêm một số thông tin về bệnh hẹp eo động mạch chủ và các vấn đề sức khỏe khác hoặc có nhu cầu thăm khám bệnh, mời bạn liên hệ đến tổng đài 1900 56 56 56, các chuyên gia của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC sẽ hỗ trợ bạn.