Sinh thiết da là một trong những phương pháp được sử dụng để chẩn đoán bệnh về da liễu. Nhờ vào kỹ thuật này mà các bác sĩ sẽ xác định được các vấn đề liên quan đến da, đặc biệt có thể phát hiện ung thư da, từ đó đưa ra hướng điều trị kịp thời, hiệu quả.
29/09/2021 | Những bệnh da liễu thường gặp vào mùa nóng bạn không nên chủ quan 18/08/2021 | Triệu chứng, yếu tố nguy cơ và biện pháp dự phòng ung thư da hắc sắc tố 11/05/2021 | Chuyên gia Da liễu chỉ ra các dấu hiệu bị viêm da điển hình
1. Tổng quan về kỹ thuật sinh thiết vùng da
Có khá nhiều bệnh nhân khi được bác sĩ chuyên khoa chỉ định làm sinh thiết vùng da thường tỏ ra e ngại, không biết liệu có đau và ảnh hưởng gì đến sức khỏe hay không? Theo đó, sinh thiết là một trong các thủ thuật của y khoa, ngoài sinh thiết vùng da thì còn có rất nhiều các loại sinh thiết khác. Khi thực hiện, bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô trên bộ phận của cơ thể theo các cách khác nhau và kiểm tra mẫu bệnh phẩm dưới kính hiển vi. Sinh thiết da cũng tuân thủ quy tắc thực hiện nêu trên, được sử dụng để chẩn đoán các bệnh về da cũng như loại bỏ các tổn thương.
Sinh thiết da là thủ thuật khá quen thuộc giúp xác định các bệnh liên quan đến da
Khi nào cần thực hiện sinh thiết
Sinh thiết vùng da có thể được chỉ định thực hiện khi làn da của bạn gặp phải một số vấn đề sau đây:
-
Da bị viêm và có lớp sừng dày.
-
Các rối loạn gây phồng rộp da.
-
Da bị nhiễm trùng do nguyên nhân nào đó.
-
Tình trạng da xuất hiện nốt ruồi nhưng mức độ tăng trưởng nhanh bất thường.
-
Nghi ung thư biểu mô tế bào vảy, u ác tính,…
Các loại sinh thiết vùng da thường được sử dụng
Tùy vào tình trạng bệnh và khu vực bị tổn thương mà người bệnh sẽ được chỉ định sử dụng phương pháp sinh thiết khác nhau. Tuy nhiên, có 3 loại chính thường được ưu tiên dùng bao gồm:
-
Bấm: Đây được đánh giá là phương pháp được sử dụng phổ biến nhất trong việc chẩn đoán các bệnh về da. Bác sĩ chuyên khoa sẽ tiến hành bằng cách dùng một cây kim có dạng bút nhỏ, bấm lấy mẫu sinh thiết trên da, khâu mũi sinh thiết lại trong trường hợp vết bấm lớn. Trong một số trường hợp khác, vết sinh thiết nhỏ thì sẽ không cần khâu, vết thương sẽ tự lành lại sau một thời gian nhất định.
-
Cạo: Đây là thủ thuật không yêu cầu phải khâu như sinh thiết bấm. Với phương pháp này, bác sĩ chuyên khoa sẽ sử dụng một bộ dụng cụ cạo để tiến hành loại bỏ một phần nhỏ các lớp trên cùng của da hoặc biểu bì, hạ bì.
-
Cắt: Phương pháp này được thực hiện bằng cách sử dụng dao phẫu thuật để loại bỏ một phần hay toàn bộ khu vực có dấu hiệu bất thường của da. Khác với hai kỹ thuật nêu trên, sinh thiết cắt đòi hỏi phải khâu kín chỗ cắt trên da trước khi kết thúc quá trình sinh thiết.
Sinh thiết bấm là phương pháp được sử dụng rộng rãi nhất hiện nay
2. Quy trình thực hiện sinh thiết da
Sinh thiết da được thực hiện theo một quy trình nhất định, bao gồm 3 giai đoạn chính. Bạn đừng quá lo lắng nhé, đội ngũ bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ dẫn bạn cách thức thực hiện, đảm quá quá trình sinh thiết an toàn, góp phần giúp nhận định được tình trạng của da, từ đó có hướng điều trị kịp thời.
Bước chuẩn bị sinh thiết
Ở bước này, bác sĩ chuyên khoa sẽ thực hiện thăm khám da cho bệnh nhân cũng như có những nhìn nhận ban đầu về tình trạng da của người bệnh. Bạn nên nói rõ với bác sĩ nếu có tiền sử chảy máu nhiều khi thực hiện thủ thuật y tế, mắc phải tình trạng rối loạn chảy máu, đã hay đang sử dụng bất cứ loại thuốc nào,…
Tùy thuộc vào từng vị trí chỉ định thực hiện sinh thiết mà bạn được yêu cầu thay quần áo choàng của bệnh viện. Bác sĩ sẽ tiến hành làm sạch và đánh dấu vùng da sắp được làm sinh thiết.
Bác sĩ chuyên khoa sẽ tiến hành kiểm tra tình trạng da trước khi thực hiện sinh thiết
Bước thực hiện sinh thiết
Quá trình thực hiện sinh thiết da chỉ mất tầm 15 đến 20 phút, bạn chỉ mất một khoảng thời gian ngắn là có thể xác định được tình trạng bệnh lý về da. Tùy thuộc vào mỗi loại sinh thiết mà quy trình thực hiện tuân thủ theo các cách khác nhau:
-
Đối với loại sinh thiết cạo: Bác sĩ chuyên khoa sử dụng dao cạo một lưỡi để tiến hành cắt mô, độ sâu của vết rạch dựa trên từng loại sinh thiết và khu vực cần sinh thiết. Phương pháp này có khả năng gây chảy máu cao.
-
Đối với sinh thiết bấm và cắt bỏ: Được tiến hành bằng cách sử dụng công cụ chuyên dụng trong y tế để bấm, cắt lớp trên cùng của lớp mỡ dưới da. Kết thúc quá trình sinh thiết bằng thao tác khâu và băng bó vết thương, đảm bảo an toàn cũng như ngăn ngừa tình trạng chảy máu.
Kết quả sinh thiết
Sau khi người bệnh được thực hiện sinh thiết, mẫu da sẽ được gửi đến bộ phần thí nghiệm để bắt đầu kiểm tra, nhận định. Kết quả có thể có trong vài ngày hoặc vài tuần tùy thuộc vào mức độ phức tạp của bệnh.
Mẫu mô sẽ được kiểm tra dưới kính hiển vi để xác định tình trạng bệnh lý
3. Những lưu ý sau khi thực hiện sinh thiết
Để vết thương sau khi thực hiện sinh thiết da nhanh chóng lành, bạn cần tuân thủ một số lưu ý sau dây:
-
Thường xuyên vệ sinh tay sạch sẽ trước khi tiếp xúc trực tiếp với vết thương để tránh sự nhiễm khuẩn.
-
Vệ sinh vết thương, thay băng hằng ngày.
-
Duy trì chế độ ăn uống, tập luyện thể dục thể thao khoa học.
-
Tránh sử dụng các chất kích thích như: Thuốc lá, rượu, bia,…
-
Bạn có thể sử dụng nước hoặc xà phòng chuyên dụng để vệ sinh bề mặt da được sinh thiết. Đồng thời, nên dùng nước ẩm để loại bỏ hoàn toàn xà phòng để tránh tình trạng kích ứng da.
Nhìn chung, bất cứ cách điều trị nào cũng có những rủi ro nhất định. Sinh thiết da cũng không ngoại lệ, sẽ có một tỷ lệ nguy hiểm nhất định. Theo nhận định của các chuyên gia y tế, thủ thuật này khá an toàn và không ảnh hưởng nhiều đến tính mạng, bạn có thể yên tâm phần nào khi thực hiện sinh thiết theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Trên đây là những chia sẻ của chúng tôi về kỹ thuật sinh thiết da khá phổ biến hiện nay. Hy vọng sẽ phần nào cung cấp cho bạn đọc các kiến thức hữu ích, nếu còn bất cứ thắc mắc nào về vấn đề này, vui lòng liên hệ 1900 56 56 56 để được giải đáp.