Trong thời đại y học phát triển như hiện nay, sinh thiết là một xét nghiệm ngày càng được chỉ định rộng rãi, được coi là “tiêu chuẩn vàng” trong chẩn đoán rất nhiều bệnh lý, đặc biệt là các bệnh lý khó, không chẩn đoán xác định được bằng các thăm khám thông thường. Trong đó các bệnh lý xuất phát từ thần kinh cơ rất nhiều trường hợp cũng cần phải sinh thiết mới có thể chẩn đoán chính xác được.
23/05/2022 | Những điều cần biết và giá trị của sinh thiết tuyến tiền liệt 21/05/2022 | Sinh thiết màng hoạt dịch dưới hướng dẫn siêu âm 11/01/2022 | Tư vấn mẹ bầu: Thời điểm chọc ối và sinh thiết gai rau chính xác nhất 28/12/2021 | Sinh thiết gan là gì?
1. Sinh thiết là gì?
Sinh thiết (biopsy) là thủ thuật lấy một phần tổn thương cần quan tâm để làm xét nghiệm tế bào, mô bệnh học nhằm chẩn đoán chính xác tên tổn thương, phân loại, giai đoạn tổn thương,…
Tùy vào vị trí, kích thước, loại tổn thương mà có những phương pháp sinh thiết phù hợp để đảm bảo an toàn cho người bệnh cũng như lấy được mẫu bệnh phẩm tốt nhất phục vụ cho chẩn đoán.
Các loại sinh thiết được sử dụng phổ biến hiện nay gồm:
a. Chọc hút bằng kim nhỏ (hay chọc hút tế bào): là xét nghiệm dùng một cây kim nhỏ như kim lấy máu, chọc vào tổn thương, hút ra một ít dịch để làm xét nghiệm tế bào dưới kính hiển vi. Đây là một thủ thuật đơn giản, dễ làm, hầu như không có biến chứng, không cần sử dụng thuốc gây tê, được sử dụng nhiều nhất cho các tổn thương nằm ở nông như tuyến giáp, tuyến vú, hạch,…
b. Sinh thiết lõi: là thủ thuật dùng cây kim lớn hơn bấm lấy một hoặc vài mảnh tổn thương để xét nghiệm mô bệnh học. Thủ thuật này phức tạp hơn so với chọc hút kim nhỏ, có nguy cơ tai biến cao hơn nhưng bù lại lấy được mẫu bệnh phẩm nhiều hơn, có thể chẩn đoán được giai đoạn bệnh. Thủ thuật này được sử dụng cho hầu hết các cơ quan trong cơ thể như gan, thận, vú, …có tổn thương lớn đủ để sinh thiết. Phương pháp này cũng thường được lựa chọn trong sinh thiết các tổn thương thần kinh cơ.
c. Sinh thiết cắt bỏ: là thủ thuật lấy một phần hoặc toàn bộ khối u mang đi làm xét nghiệm giải phẫu bệnh. Đây là thủ thuật vừa có tác dụng chẩn đoán vừa để điều trị khối u lành tính, nhất là đối với các khối u vú.
d. Sinh thiết mở: là quá trình lấy bỏ toàn bộ khối u kèm một phần nhu mô xung quanh để làm xét nghiệm giải phẫu bệnh học
e. Sinh thiết trong mổ (hoặc sinh thiết tức thì): là trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ lấy một phần khối u đi làm xét nghiệm nhanh xem tổn thương là lành tính hay ác tính để có định hướng phẫu thuật tiếp theo. Rất nhiều tổn thương thần kinh cơ sử dụng kỹ thuật sinh thiết này.
Một số biến chứng trong quá trình sinh thiết có thể kể đến như: đau tại vị trí sinh thiết, chảy máu, nhiễm trùng, tổn thương cơ quan lành lân cận, dị ứng thuốc tê…Tuy nhiên nếu được thăm khám kỹ càng và được thực hiện bởi những bác sĩ có kinh nghiệm thì các thủ thuật này ít khi có biến chứng.
Bộ dụng cụ thường dùng trong sinh thiết lõi
2. Sinh thiết thần kinh cơ
Sinh thiết thần kinh
Hệ thần kinh gồm có não- tủy sống và thần kinh ngoại vi (các dây thần kinh). Sinh thiết dây thần kinh có thể được thực hiện giúp chẩn đoán các bệnh lý: thoái hóa, viêm, u dây thần kinh. Một số bệnh lý có thể được chẩn đoán nhờ sinh thiết gồm: thoái hóa sợi trục, viêm đa dây thần kinh, u bao dây thần kinh (schwannoma),…Sinh thiết não là thủ thuật lấy một phần nhỏ nhu mô não để chẩn đoán các bất thường của não. Nó được sử dụng để chẩn đoán khối u, nhiễm trùng, viêm và các tổn thương khác.
Bằng cách kiểm tra mẫu mô dưới kính hiển vi, mẫu sinh thiết cung cấp thông tin về bản chất của tổn thương để có chẩn đoán và kế hoạch điều trị thích hợp. Do những rủi ro và biến chứng của thủ thuật, sinh thiết não chỉ được chỉ định nếu các phương pháp chẩn đoán khác (ví dụ như cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ) không đủ trong việc chẩn đoán và nếu lợi ích của chẩn đoán mô học sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch điều trị. Ngoài ra, sinh thiết tức thì trong mổ và làm giải phẫu bệnh toàn bộ tổn thương sau mổ giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác mức độ, giai đoạn của khối u, tạo điều kiện lập kế hoạch điều trị trong và sau mổ hợp lý.
Các trường hợp u não tùy tổn thương có thể lựa chọn phương pháp sinh thiết trước, trong hoặc sau mổ để có kế hoạch điều trị và phẫu thuật thích hợp
Sinh thiết cơ
Sinh thiết cơ là một thủ tục được sử dụng để chẩn đoán các bệnh liên quan đến mô cơ. Sinh thiết cơ có thể là sinh thiết lõi hoặc sinh thiết mở, cả hai đều có những ưu nhược điểm khác nhau. Sinh thiết lõi có những ưu điểm là thẩm mỹ hơn, ít xâm lấn và có thể lấy được nhiều mảnh bệnh phẩm. Tuy nhiên, mẫu bệnh phẩm nhỏ sẽ tạo ra những thách thức đối với việc xử lý và định hướng chẩn đoán, nếu là bệnh lý là lan tỏa nó có thể bị bỏ sót. Sinh thiết mở thì xâm lấn hơn, nhưng người thực hiện có thể nhìn thấy cơ và có thể lấy đủ mẫu cho các xét nghiệm giải phẫu bệnh, sinh hóa, vi sinh.
Người lấy sinh thiết cần có đủ kinh nghiệm và kỹ năng. Cơ được chọn để làm sinh thiết phụ thuộc vào vị trí cơ có triệu chứng, có thể bao gồm đau hoặc yếu cơ và hình ảnh bất thường trên siêu âm. Một số bệnh lý có thể chẩn đoán nhờ sinh thiết cơ như: chứng loạn dưỡng cơ, viêm cơ, nhiễm ký sinh trùng trong cơ, bệnh nhược cơ, xơ cứng cột bên teo cơ,…
Sinh thiết tổn thương cơ (dấu hoa thị trắng *) bằng kim lõi dưới hướng dẫn siêu âm: Hình A: mũi tên trắng: cơ bình thường. Hình B: mũi tên rỗng: kim sinh thiết
Hiện nay, hệ thống y tế MEDLATEC với đầy đủ các bác sĩ giỏi đến từ nhiều chuyên khoa, máy móc hiện đại, kỹ thuật tiên tiến có thể thực hiện được hầu hết các kỹ thuật sinh thiết. Trong đó, các chỉ định sinh thiết thần kinh cơ đang ngày càng được triển khai rộng rãi. Quý khách hàng có thể đến các cơ sở y tế của hệ thống để được khám, tư vấn một cách tận tình và chu đáo nhất.