Bệnh viêm gân cơ chóp xoay là không thể tự phục hồi. Nếu không điều trị, tình trạng bệnh sẽ ngày càng nghiêm trọng và gây ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe cũng như chất lượng sống của người bệnh. Do đó, ngay khi có những dấu hiệu cảnh báo bệnh, bạn nên đi khám càng sớm càng tốt.
16/12/2021 | Rách cơ chóp xoay: cách điều trị và phòng ngừa 20/08/2021 | Đau xương khớp dai dẳng là bệnh gì? Điều trị như thế nào? 14/04/2021 | Vì sao đau xương khớp vào mùa lạnh và cách cải thiện hiệu quả
1. Những nguyên nhân phổ biến gây ra viêm gân cơ chóp xoay
Gân chóp xoay chính là phần giữa của xương cánh tay và xương mỏm cùng vai, được bao phủ bởi bao hoạt dịch giúp cho hai phần xương này không bị va vào nhau và vì thế khớp vai có thể hoạt động linh hoạt, nhịp nhàng.
Vận động viên bắn cung có nguy cơ cao bị viêm gân cơ chóp xoay
Bệnh viêm gân cơ chóp xoay có thể do nhiều nguyên nhân gây ra nhưng các nguyên nhân chủ yếu là do thoái hóa gân, sử dụng quá mức hoặc bị chấn thương khớp vai.
- Do thoái hóa: Hệ thống cơ xương khớp cũng giống như bất cứ cơ quan nào khác trong cơ thể. Theo thời gian, chúng sẽ tăng dần nguy cơ thoái hóa. Do đó, người cao tuổi chính là nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc phải các bệnh về xương khớp, đặc biệt là viêm gân cơ chóp xoay. Hơn nữa, phần khớp vai được đánh giá là một trong những khớp phải hoạt động nhiều nhất trên cơ thể, nên tỷ lệ mắc bệnh ở người cao tuổi lại càng tăng lên.
- Sử dụng quá mức khớp vai:
Khớp vai phải hoạt động quá thường xuyên cũng là một nguyên nhân phổ biến dẫn đến căn bệnh này. Chẳng hạn, công việc của một người thợ sơn, thợ mộc, thợ xây yêu cầu phải thường xuyên giơ tay. Khi động tác này được thực hiện lặp lại liên tục, khớp vai sẽ chịu nhiều áp lực và tăng nguy cơ bị tổn thương.
Vận động viên thể thao cũng chính là nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc phải căn bệnh này, nhất là vận động viên chơi tennis và vận động viên bắn cung .
+ Đối với vận động viên chơi tennis: Việc cử động vai liên tục khi tham gia bộ môn này sẽ khiến chóp xoay bị bào mòn theo thời gian. Do đó, đối với vận động viên chơi tennis, viêm gân cơ chóp xoay có thể là chấn thương mạn tính sau một thời gian dài luyện tập hoặc cũng có thể là chấn thương cấp tính do áp lực đột ngột xảy ra.
+ Đối với vận động viên bắn cung: Theo các chuyên gia, cung thủ chính là nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị viêm gân cơ khớp vai. Khi kéo dây cung, áp lực sẽ dồn lên các cơ ở vai, cánh tay và lưng. Một phần vai của vận động viên cần bị cố định để giữ cung. Phần vai còn lại sẽ dùng một lực kéo lớn để kéo cung về hướng ngược lại. Khi cung tên đã được bắn, dây cung sẽ thả lỏng và tay giữ cung lại phải chịu áp lực để chống lại sự thả căng đột ngột.
- Do chấn thương
Vận động viên thể thao là những đối tượng có nguy cơ chấn thương vai cao. Bên cạnh đó, tình trạng viêm chóp xoay cũng có thể là do một số chấn thương nhẹ vùng vai trong sinh hoạt và lao động. Chẳng hạn như:
+ Vấp ngã hay ngã đè lên tay.
+ Nâng một vật nặng qua đầu nhưng không thực hiện đúng tư thế.
+ Tổn thương của gân cơ chóp xoay được lặp đi lặp lại nhiều lần gây viêm rách.
Bên cạnh đó, một số trường hợp bị viêm chóp xoay vai nhưng không tìm được nguyên nhân rõ ràng.
2. Những dấu hiệu cảnh báo bệnh viêm gân cơ chóp xoay
Nếu thấy cơ thể xuất hiện những cơn đau vai, bạn nên thận trọng với bệnh viêm gân cơ chóp xoay. Đây là triệu chứng bệnh thường gặp nhất. Những cơn đau vai thường có đặc điểm sau:
- Đau âm ỉ, đau sâu trong vai, những cơn đau có thể lan rộng ra những vùng xung quanh, chẳng hạn lan lên tới cổ hay lan xuống cánh tay, tuy nhiên không lan sâu xuống vùng khuỷu tay.
Đau âm ỉ trong vai do viêm gân cơ chóp xoay
Có thể đau cả khi vận động và khi nghỉ ngơi, tuy nhiên ở giai đoạn đầu thường chỉ xảy ra những cơn đau nhẹ. Càng để lâu, cơn đau càng nghiêm trọng. Thường đau vào đêm khuya, nhất là sau một ngày lao động vất vả. Những cơn đau khiến bệnh nhân mất ngủ.
- Đau đột ngột: Cơn đau đột ngột có thể xảy ra trong nhiều tình huống khác nhau chẳng han như khi với tay lấy đồ, nâng vật nặng hoặc vận động với cường độ mạnh, nhất là những trường hợp vận động viên thể thao.
- Khi bệnh tiến triển, các triệu chứng sẽ nghiêm trọng hơn, người bệnh có thể bị đau ngay cả khi thực hiện những hoạt động đơn giản hàng ngày, chẳng hạn như chải đầu, mặc áo,…
- Khi đẩy đồ vật ra xa bằng tay, người bệnh sẽ cảm thấy đau nhưng khi kéo lại thì không thấy đau.
- Một số bệnh nhân nặng sẽ không thể giơ tay lên được. Hoặc sau khi giơ tay lên và muốn hạ tay xuống thì có thể bị rớt tay xuống đột ngột mà không giữ lại được.
3. Phương pháp điều trị viêm gân cơ chóp xoay hiệu quả nhất hiện nay
Bệnh viêm gân cơ chóp xoay không được xử trí kịp thời có thể dẫn tới nhiều biến chứng nghiêm trọng, đặc biệt là tình trạng suy giảm khả năng vận động và lâu dần dẫn đến cứng khớp.
Các bài tập vật lý trị liệu giúp cải thiện tình trạng đau khớp vai
Hỗ trợ giảm đau và phục hồi chức năng khớp vai cho người bệnh chính là mục đích của các phương pháp điều trị bệnh. Các bác sĩ sẽ lựa chọn phác đồ điều trị cho bệnh nhân tùy thuộc vào mức độ triệu chứng, độ tuổi và nhu cầu vận động của người bệnh. Dưới đây là những phương pháp phổ biến nhất:
- Điều trị không phẫu thuật: Bệnh nhân cần nghỉ ngơi hợp lý, hạn chế các động tác gây tổn thương khớp vai, áp dụng các bài tập vật lý trị liệu phù hợp, chườm lạnh giảm đau hoặc dùng thuốc giảm đau, tiêm corticoid trực tiếp vào khớp(có tác dụng giảm đau nhưng tồn tại nhiều tác dụng phụ), điều trị bằng huyết tương giàu tiểu cầu.
- Điều trị phẫu thuật: Khi các phương pháp điều trị không phẫu thuật không đạt được hiệu quả như mong muốn, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật để giúp bệnh nhân cải thiện chức năng khớp vai.
Phẫu thuật nối gân chóp xoay có thể mang lại hiệu quả điều trị tích cực
Trên đây là một số thông tin cơ bản về bệnh viêm gân cơ chóp xoay, đặc biệt là dấu hiệu cảnh báo bệnh để phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời và phòng ngừa biến chứng.
Để được tìm hiểu thêm về bệnh hoặc có nhu cầu thăm khám bệnh với các chuyên gia hàng đầu về xương khớp của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC như PGS.TS Nguyễn Mai Hồng, nguyên Trưởng khoa Cơ Xương khớp bệnh viện Bạch Mai, chuyên gia Cơ xương khớp BVĐK MEDLATEC cùng các Tiến sĩ, Thạc sĩ,… chuyên môn cao và dày dặn kinh nghiệm trong điều trị xương khớp, quý khách hàng vui lòng liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 để được tư vấn đặt lịch khám sớm.