Rách cơ chóp xoay là một tình trạng thường xảy ra ở những người trong độ tuổi trung niên, chơi thể thao hoặc lao động nặng,… Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có thể phải chịu những tổn thương hay thậm chí là đứt khớp vai.
04/09/2021 | Điểm danh 8 triệu chứng đau cơ xơ hóa điển hình nhất 23/12/2020 | Tập gym bị đau cơ và cách giảm đau hiệu quả
1. Rách cơ chóp xoay là gì?
Cấu tạo cơ chóp xoay là một nhóm gân ở khớp vai bao gồm cơ dưới vai, cơ trên vai, cơ dưới gai và cơ tròn bé. Chúng có nhiệm vụ giữ vững khớp vai và hỗ trợ cho chỏm xương cánh tay có thể dễ dàng xoay quanh ổ chảo.
Rách cơ chóp xoay là tình trạng xảy ra khi các cơ quay của khớp vai bị đứt hoặc rách một phần. Tình trạng này xuất hiện khá phổ biến ở những người ở độ tuổi trung niên từ 40 trở lên hoặc cũng có thể là do chơi thể thao hay hoạt động nặng.
Rách cơ chóp xoay là tình trạng các cơ quay ở khớp vai bị đứt hoặc rách một phần
Triệu chứng ban đầu thường gặp phải khi rách cơ ở chóp xoay là đau ở vùng vai rồi lan dần lên phía trên cổ và vùng cánh tay từ khuỷu tay trở lên. Cảm giác đau thường xuất hiện vào ban đêm, nhất là khi nằm nghiêng về phía vai bị tổn thương. Nếu để lâu không điều trị, cánh tay sẽ dần yếu đi và các cơ ở đây cũng bị teo lại.
2. Nguyên nhân khiến cơ chóp xoay bị rách
Có nhiều nguyên nhân khiến rách cơ chóp xoay. Tuy nhiên, thường gặp nhất là bởi chấn thương hoặc do thoái hoá gân.
Do chấn thương
Nguyên nhân khiến cơ chóp xoay bị rách là do chấn thương, đa phần gặp ở những người thường xuyên vận động mạnh hoặc lặp đi lặp lại những hành động không tốt cho cơ khớp vai. Một số tư thế rất dễ gây ra tình trạng này là:
-
Đưa tay mạnh ra phía sau một cách đột ngột.
-
Nhấc vật nặng từ dưới đất qua khỏi đầu.
-
Bị ngã trong tư thế cánh tay dang rộng.
Đối tượng thường gặp rách cơ do nguyên nhân chấn thương thường là vận động viên các môn thể thao như tennis, bóng chày, bóng rổ hoặc bắn cung,… Bên cạnh đó, những người lao động nặng cũng có nguy cơ cao mắc phải tình trạng này.
Do thoái hoá gân
Rách cơ chóp xoay do thoái hoá gân thường gặp ở những người trung niên trở lên. Đó là vì càng lớn tuổi thì gân ở các cơ chóp xoay càng bị mài mòn dần theo thời gian. Thông thường, tình trạng rách này sẽ xuất hiện ở bên phía cánh tay thuận bởi vì tần suất hoạt động nhiều hơn.
Nguyên nhân khiến cho cơ chóp xoay bị rách là do chấn thương hoặc thoái hoá gân
Ngoài những nguyên nhân trên thì tình trạng rách cơ ở chóp xoay cũng có thể xuất hiện do biến chứng của một số bệnh lý như đái tháo đường, viêm khớp hoặc béo phì,… Bên cạnh đó, yếu tố di truyền cũng làm tăng khả năng mắc phải tình trạng này.
3. Phương pháp chẩn đoán rách cơ chóp xoay
Để chẩn đoán được rách cơ chóp xoay, bác sĩ sẽ thăm khám những triệu chứng lâm sàng kết hợp với các phương pháp sau:
-
Chụp X-quang khớp vai: Thông qua hình ảnh X- quang, bác sĩ sẽ chẩn đoán được những tổn thương ở xương và tình trạng thoái hoá khớp vai.
-
Siêu âm khớp vai: Hình ảnh siêu âm sẽ cho biết được cấu trúc của gân. Thông qua đó, giúp chúng ta biết được tình trạng cơ ở khớp vai.
-
Cộng hưởng từ khớp vai hay chụp MRI: Phương pháp này được đánh giá là “tiêu chuẩn vàng” để chẩn đoán được các bệnh lý liên quan đến khớp vai, trong đó có tình trạng cơ khớp vai bị rách. Đặc biệt, chụp MRI khớp vai có bơm thuốc tương phản từ hoặc thuốc cản quang sẽ cho kết quả chính xác nhất.
Chụp cộng hưởng từ khớp vai cho kết quả chính xác về tình trạng của cơ khớp vai
4. Cách điều trị rách cơ chóp xoay
Tùy theo tình trạng tổn thương của rách cơ chóp xoay để có biện pháp điều trị phù hợp. Có 2 phương pháp điều trị thường được áp dụng, đó là sử dụng thuốc và phẫu thuật.
Sử dụng thuốc
Khi tình trạng rách cơ ở chóp xoay còn nhẹ thì người bệnh thường được chỉ định điều trị bằng thuốc có tác dụng giảm đau và kháng viêm không steroid. Bên cạnh đó, cần kết hợp thêm các bài tập vật lý trị liệu.
Lưu ý rằng, không được tự ý thay đổi thời gian sử dụng hoặc liều lượng thuốc khi chưa hỏi ý kiến của bác sĩ. Nếu điều trị thuốc và luyện tập đúng cách, người bệnh sẽ có khả năng hồi phục và hoạt động lại như bình thường sau vài tháng.
Phẫu thuật
Phương pháp phẫu thuật sẽ được áp dụng đối với tình trạng cơ chóp xoay bị rách hoàn toàn để khâu lại gân. Sau khi phẫu thuật, người bệnh nên hạn chế việc cử động tay trong 3 đến 6 tuần. Bên cạnh đó, cần kết hợp thêm tập vật lý trị liệu nhằm giúp cho các khớp vai hoạt động lại bình thường.
Khâu gân nội soi là phương pháp phổ biến được áp dụng để điều trị tình rách cơ chóp xoay nặng
Hiện nay, để giảm thiểu những tổn thương cho các cơ xung quanh thì người bệnh thường sẽ được chỉ định khâu nội soi. Hơn thế nữa, khi áp dụng phương pháp này, khả năng hồi phục sẽ nhanh hơn so với mổ mở. Tuy nhiên, để có thể thực hiện khâu gân nội soi, phẫu thuật viên phải được tập huấn kỹ càng để có thể thành thạo với kỹ thuật này.
5. Cách phòng ngừa rách cơ chóp xoay
Rách cơ chóp xoay sẽ khiến cho người bệnh gặp khó khăn trong hoạt động hàng ngày và làm tăng nguy cơ bị thoái hóa khớp sớm. Nếu để lâu còn dẫn đến teo cơ, cứng cơ hay thậm chí là bị liệt. Do vậy, cần phải phòng ngừa tình trạng này bằng các cách sau:
-
Đối với những người đã có tuổi, hạn chế xách hoặc mang vác đồ vật nặng.
-
Tránh các hoạt động quá sức và đột ngột.
-
Khi xuất hiện các cơn đau ở vai, cần đi thăm khám bác sĩ ngay.
-
Hạn chế hút thuốc lá và kiểm soát tốt lượng cholesterol trong cơ thể. Bởi vì, những yếu tố này làm cho tình trạng rách nặng hơn và rất khó để hồi phục.
-
Tập luyện những bài thể dục cho cơ vai dẻo dai, hạn chế nguy cơ bị rách cơ ở chóp xoay.
Hy vọng với những thông tin đã đề cập trong bài viết, các bạn đã có thêm nhiều kiến thức về tình trạng rách cơ chóp xoay để có thể phòng tránh và điều trị hiệu quả. Nếu như vẫn còn bất kỳ thắc mắc nào về sức khỏe, hãy gọi ngay đến hotline của MEDLATEC theo số 1900 56 56 56 để được tư vấn và giải đáp.