Hội chứng Patellofemoral hay còn gọi là hội chứng đau bánh chè - đùi thường xảy ra do khớp phải hoạt động quá mức như lao động nặng, tập luyện với cường độ cao hay trật khớp xương bánh chè. Nếu không được điều trị sớm, bệnh có thể tiến triển thành mạn tính và dẫn tới những cơn đau dai dẳng và giảm khả năng vận động của người bệnh.
05/01/2023 | Chấn thương cơ đùi sau có nguy hiểm không? 19/09/2022 | 5 nguyên nhân dẫn đến căng cơ đùi và cách điều trị 04/07/2022 | Cùng chuyên gia tìm hiểu giải pháp khắc phục vỡ xương bánh chè hiệu quả
1. Triệu chứng của hội chứng Patellofemoral
Khi mắc hội chứng Patellofemoral, người bệnh thường phải đối mặt với những cơn đau tại vùng xương đùi và xương bánh chè. Đặc điểm của những cơn đau này như sau:
- Khi khởi phát bệnh, những cơn đau thường ở mức độ nhẹ. Nếu các trường hợp khởi phát bệnh do chấn thương, cơn đau có thể đột ngột và dữ dội.
Trật khớp bánh chè – đùi là nguyên nhân phổ biến gây hội chứng Patellofemoral
- Ban đầu, cơn đau chỉ xuất hiện ở vùng bánh chè – đùi nhưng sau đó, cơn đau sẽ lan tỏa dần sang những vùng xung quanh. Do đó, người bệnh rất khó khăn để xác định được vị trí đau.
- Những cơn đau tăng lên khi đầu gối phải chịu nhiều áp lực hoặc dây chằng ở vùng đầu gối bị kéo giãn, chẳng hạn như khi thực hiện các hoạt động ngồi xổm, quỳ gối, chạy bộ, đạp xe, quỳ gối hay lên xuống bậc cầu thang,…
Đau do mắc hội chứng Patellofemoral
- Đau nhiều khi giữ quá lâu một tư thế, nhất là khi ngồi nhiều.
- Trong những trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân có thể bị đau ngay cả khi thực hiện những hoạt động sinh hoạt thường ngày.
- Ở giai đoạn bệnh tiến triển, người bệnh còn có biểu hiện đau nhức, đau buốt, rất khó chịu.
- Ngoài những biểu hiện nêu trên, bệnh nhân còn có thể gặp phải một số biểu hiện bệnh khác như:
+ Rất khó hoặc thậm chí không thể gập gối.
+ Bị hạn chế khả năng vận động.
+ Khi khớp gối di chuyển có thể phát ra tiếng lách cách.
2. Nguyên nhân gây ra hội chứng Patellofemoral
Hiện nay, vẫn chưa tìm được nguyên nhân chính xác dẫn tới hội chứng Patellofemoral hay đau bánh chè đùi. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, rất có thể hội chứng này do vùng xương vùng bánh chè- đùi gặp nhiều áp lực. Trong đó, một số yếu tố gây tăng áp lực vùng xương khớp này có thể kể đến như:
Hoạt động thể chất với cường độ cao là một trong những nguyên nhân gây bệnh
- Tình trạng mất cân bằng cơ tứ đầu.
- Do người bệnh hoạt động thể chất quá mức, thường xảy ra ở những vận động viên thể thao, người hay tập luyện với cường độ nặng.
- Lặp đi lặp lại các hoạt động tác động lên khớp bánh chè- đùi.
- Bị trật khớp xương bánh chè.
Một số yếu tố khác cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc hội chứng Patellofemoral có thể kể đến như:
- Chấn thương quanh xương bánh chè hoặc một số bệnh lý về xương khớp như thoái hóa khớp gối, trật khớp bên trong vùng đầu gối, xuất hiện khối u ở vùng xung quanh hoặc trong đầu gối do những chấn thương từ trước đó.
- Yếu cơ khiến xương bánh chè không được giữ thẳng hàng.
- Phẫu thuật: Những trường hợp đã trải qua phẫu thuật khớp gối thì sẽ có nguy cơ mắc hội chứng Patellofemoral cao hơn những đối tượng khác.
- Tuổi tác: Hội chứng này thường gặp ở người trẻ do vận động quá mức. Với những trường hợp lớn tuổi thì nguyên nhân dẫn đến hội chứng này có thể là do viêm khớp. Tuy nhiên rất ít gặp.
- Do chơi thể thao: Một số bộ môn thể thao như tennis, marathon,… gây ra những áp lực rất lớn lên đầu gối và có thể dẫn đến hội chứng đau bánh chè – đùi.
3. Điều trị hội chứng Patellofemoral
Trước hết, các bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng, chỉ định thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng như chụp X-quang, chụp cộng hưởng từ MRI, chụp cắt lớp vi tính, siêu âm để đưa ra những chẩn đoán chính xác về bệnh. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể tiến hành chẩn đoán phân biệt để tránh nhầm lẫn với những bệnh lý khác như viêm bao hoạt dịch, viêm gân gót, hội chứng plica,…
Bài tập vật lý trị liệu giúp tăng cường sự linh hoạt cho các khớp
Những phương pháp thường được áp dụng để điều trị hội chứng đau bánh chè đùi như sau:
- Điều trị bằng thuốc
Một số loại thuốc có thể được kê đơn như thuốc giảm đau, thuốc chống viêm không steroid, thuốc GAGPS giúp người bệnh tăng khả năng tổng hợp axit hyaluronic trong dịch khớp,…
- Điều trị bằng phương pháp phẫu thuật: Trong trường hợp điều trị nội khoa không mang lại hiệu quả tốt, bác sĩ có thể cân nhắc về phương pháp phẫu thuật. Có thể mổ nội soi hoặc mổ hở tùy vào tình trạng chấn thương ở mỗi người. Mục đích của các phương pháp phẫu thuật là giảm đau, giảm áp lực lên sụn khớp và cải thiện khả năng vận động của khớp.
- Một số phương pháp điều trị tại nhà cũng có thể mang lại những hiệu quả rất tốt, có thể kể đến như:
+ Chườm lạnh giúp giảm sưng và giảm đau. Tuy nhiên, phương pháp này không phù hợp với những người đang có biểu hiện co cứng.
+ Chườm nóng: Tác dụng của việc chườm nóng là giúp người bệnh giảm đau, giãn cơ và dây chằng.
+ Thực hiện các bài tập vật lý trị liệu theo hướng dẫn của bác sĩ: Tác dụng của những bài tập này là giảm đau, giúp vùng chấn thương nhanh chóng phục hồi trở lại, tăng cường sức bền cho các cơ hỗ trợ đầu gối, giúp hệ thống xương khớp linh hoạt hơn.
+ Tập thể dục: Ngoài các bài tập vật lý trị liệu, bệnh nhân cũng cần thường xuyên tập thể dục để tăng cường sự linh hoạt cho các khớp. Một số bài tập có thể kể đến như yoga, bơi lội, kéo giãn cơ,… Bạn có thể lựa chọn các bài tập phù hợp với tình trạng sức khỏe và sở thích của mình nhưng quan trọng nhất là cần thực hiện tập đúng kỹ thuật để hạn chế chấn thương và hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả.
+ Kiểm soát cân nặng tốt để tránh tạo áp lực lên các khớp.
+ Bổ sung chế độ dinh dưỡng khoa học, ưu tiên những thực phẩm tốt cho xương khớp.
Hội chứng Patellofemoral không phải là bệnh lý nguy hiểm và bệnh có thể được điều trị hiệu quả bằng nhiều phương pháp khác nhau. Tuy nhiên, nếu điều trị muộn, bệnh có thể chuyển sang mạn tính và gây ra nhiều hậu quả đáng lo ngại, nhất là giảm khả năng vận động của người bệnh. Vì thế ngay khi có biểu hiện bất thường, bạn nên đến thăm khám tại các cơ sở chuyên khoa đáng tin cậy để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Nếu đang cần tìm một địa chỉ y tế điều trị xương khớp hiệu quả, bạn có thể lựa chọn Chuyên khoa Cơ xương khớp của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC. Bệnh viện quy tụ các bác sĩ giỏi, tận tâm với người bệnh. Bên cạnh đó, một ưu điểm vượt trội của MEDLATEC là luôn chú trọng đầu tư về cơ sở máy móc hiện đại.
Để được tư vấn và đặt lịch khám sớm, mời bạn liên hệ đến tổng đài 1900 56 56 56.