Theo thống kê mới nhất, có đến 8 - 10% dân số Việt Nam mắc phải bệnh sỏi túi mật, tỷ lệ này còn cao hơn ở các nước phát triển khác. Triệu chứng của sỏi túi mật ban đầu rất mờ nhạt nên rất khó phát hiện bệnh sớm, chỉ phát hiện tình cờ khi thăm khám sức khỏe định kỳ bằng siêu âm hoặc khi sỏi túi mật đã gây biến chứng.
19/10/2021 | Những triệu chứng điển hình của sỏi mật ai cũng cần biết 16/03/2021 | Đau bụng dữ dội có phải là triệu chứng chính của sỏi mật? 15/03/2021 | Sỏi mật kích thước bao nhiêu phải mổ - thông tin ít người biết
1. Sỏi túi mật hình thành như thế nào?
Sỏi mật là những tinh thể rắn hình thành bên trong túi mật với kích thước đa dạng, có thể lớn đến vài cm. Sự hình thành của sỏi túi mật là do tình trạng bão hòa quá mức của các thành phần trong dịch mật gồm: muối canxi, cholesterol và sắc tố mật. Các tinh thể nhỏ hình thành gắn kết với nhau dần tạo thành sỏi kích thước lớn hơn. Một người bệnh có thể có một hoặc nhiều viên sỏi hoặc cũng có thể xuất hiện thành đám giống bùn gọi là sỏi bùn.
Sỏi túi mật là bệnh lý phổ biến ở Việt Nam
Bất cứ ai cũng có thể bị sỏi túi mật, căn bệnh này có tỉ lệ mắc bệnh khá cao ở nước ta, tập trung hơn ở các đối tượng như:
-
Phụ nữ dùng thuốc tránh thai kéo dài có chứa estrogen.
-
Người béo, thừa cân: Do hấp thu quá nhiều cholesterol dẫn đến dư thừa chất này trong máu và trong dịch mật.
-
Người mắc bệnh viêm đường ruột như: viêm loét đại tràng, bệnh Crohn.
Không phải tất cả các trường hợp bị sỏi túi mật đều nguy hiểm cho sức khỏe, nó còn phụ thuộc vào kích thước, số lượng và tính chất của từng loại sỏi.
Sỏi túi mật thường gặp hơn ở người béo, thừa cân
2. Nhận diện triệu chứng của sỏi túi mật điển hình
Người bị sỏi túi mật có triệu chứng khác nhau tùy theo vị trí, kích thước sỏi và tính chất của sỏi. Hầu hết bệnh nhân không hoặc có rất ít triệu chứng ở giai đoạn đầu, nhất là khi kích thước sỏi nhỏ và ít di động. Ngược lại khi triệu chứng xuất hiện nhiều và rõ ràng, hầu hết do sỏi đã di chuyển gây cọ xát vào túi mật, đường mật hoặc nghiêm trọng hơn gây tắc nghẽn dịch mật.
Các triệu chứng của sỏi túi mật lúc này bệnh nhân gặp phải bao gồm:
2.1. Đau bụng mạn sườn phải
Vị trí đau này thường do sỏi di chuyển gây cọ xát vào túi mật hoặc đường mật, cơn đau thường xuất hiện đột ngột và kéo dài từ vài phút đến vài giờ. Nhiều bệnh nhân sỏi túi mật cho biết, cơn đau thường xuất hiện hơn sau khi họ ăn nhiều dầu mỡ hoặc nhiều đạm.
Trong nhiều trường hợp, sỏi túi mật gây đau mạn sườn phải một cách âm ỉ, chỉ gây cảm giác khó chịu, tức nặng không rõ ràng.
Sỏi túi mật thường gây đau vùng mạn sườn phải
Đặc điểm cơn đau mạn sườn phải do các loại sỏi túi mật thường đi kèm với những rối loạn tiêu hóa như khó tiêu, chướng bụng, buồn nôn,… Cần phân biệt với cơn đau bụng dễ nhầm lẫn khác do sỏi đường mật ở gan hay sỏi ống mật chủ. Đau bụng do sỏi ống mật chủ thường gây đau dữ dội, lan ra nhiều vùng bả vai hay lưng kèm theo sốt nóng hoặc rét run. Còn đau bụng do sỏi đường mật trong gan thường gây đau quặn kèm theo triệu chứng vàng da, vàng mắt do tắc mật.
2.2. Rối loạn tiêu hóa
Rối loạn tiêu hóa là một trong những biểu hiện thường gặp ở bệnh sỏi túi mật song cũng dễ gây nhầm lẫn với các bệnh lý khác, đặc biệt là đau dạ dày. Đặc điểm là tình trạng rối loạn tiêu hóa do sỏi túi mật thường xuất hiện sau bữa ăn nhiều dầu mỡ, thực phẩm khó tiêu hoặc ăn quá no.
Đôi khi bệnh nhân bị buồn nôn, nôn ói ngay sau khi ăn. Nguyên nhân là do thức ăn chứa dầu mỡ kích thích túi mật tăng tiết dịch mật, song sỏi mật cản trở làm giảm dịch mật tiết khiến chất này ít được tiêu hóa.
2.3. Sốt cao
Sốt cao là triệu chứng nhiễm trùng điển hình, nếu xuất hiện ở bệnh nhân bị sỏi túi mật thì nguy cơ cao có nhiễm khuẩn đường mật. Cần cẩn thận nếu sốt cao đi kèm với các triệu chứng như vã mồ hôi, ớn lạnh, tim đập nhanh,…
Sốt cao là dấu hiệu của sỏi túi mật gây nhiễm trùng
2.4. Vàng da, vàng mắt
Sỏi túi mật di động có thể làm tắc nghẽn dòng chảy của dịch mật, khiến bilirubin bị tích tụ trong máu và lắng đọng ở da. Vì thế, bệnh nhân sẽ xuất hiện các triệu chứng vàng da, vàng mắt nhẹ hoặc nặng tùy vào mức độ tắc nghẽn dịch mật do sỏi.
Cần cẩn thận nếu sỏi túi mật gây triệu chứng đau bụng kéo dài nhiều giờ kèm theo sốt cao, ớn lạnh, mệt mỏi, nước tiểu sẫm màu,… Bệnh nhân cần được cấp cứu và điều trị sớm tránh sỏi túi mật gây viêm túi mật hoặc hoại tử.
3. Có các phương pháp điều trị sỏi túi mật nào?
Lựa chọn điều trị sỏi túi mật sẽ dựa trên kích thước, số lượng, đặc tính của sỏi cũng như các biến chứng mà bệnh nhân gặp phải. Nếu sỏi túi mật lớn hơn 1cm nhưng không di động, không gây triệu chứng gì thì không cần thiết phải phẫu thuật điều trị. Tuy nhiên vẫn cần thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp để giảm nguy cơ sỏi túi mật phát triển lớn và nhiều hơn, đồng thời kiểm tra thường xuyên phát hiện sớm biến chứng.
Nếu sỏi túi mật xuất hiện ở phụ nữ mang thai, không nên can thiệp phẫu thuật hay điều trị ở giai đoạn này. Nếu không quá nguy hiểm, bệnh nhân sẽ được theo dõi và điều trị phẫu thuật sau sinh.
Những trường hợp sỏi túi mật nhỏ từ 2 - 3mm thì cần điều trị sớm bằng can thiệp ngoại khoa kể cả sỏi chưa gây triệu chứng gì vì nguy cơ viêm tụy, hoại tử túi mật rất cao. Nếu bệnh nhân đã có dấu hiệu nhiễm trùng, đau sốt nặng thì cần điều trị càng sớm càng tốt.
Cần điều trị phẫu thuật cắt túi mật nếu sỏi gây triệu chứng nguy hiểm
Để điều trị sỏi túi mật, phẫu thuật cắt túi mật nội soi là phương pháp được áp dụng chủ yếu hiện nay. Bác sĩ sẽ rạch 3 lỗ nhỏ trên thành bụng để đưa dụng cụ phẫu thuật nội soi vào khu vực túi mật, sau đó cắt bỏ và đưa ra ngoài. Sau phẫu thuật, bệnh nhân chỉ cần nghỉ ngơi 1 - 2 ngày là đã phục hồi và dần sinh hoạt bình thường trở lại.
Như vậy, triệu chứng của sỏi túi mật khá dễ nhầm lẫn với các bệnh lý đường tiêu hóa thường gặp, rất khó để phát hiện sớm nếu sỏi không hoặc ít gây triệu chứng. Nếu có triệu chứng nghi ngờ như trên, người bệnh cần tới cơ sở y tế sớm để khám, điều trị ngoại khoa cắt bỏ túi mật. Tổng đài 1900 56 56 56 của MEDLATEC luôn sẵn sàng hỗ trợ quý khách hàng 24/7.