Nhận được kết quả chẩn đoán sỏi mật khiến nhiều bệnh nhân băn khoăn, không biết trường hợp của mình có cần thiết phải mổ không. Vậy cụ thể sỏi mật kích thước bao nhiêu phải mổ và biến chứng bạn có thể gặp phải sau mổ sỏi mật là gì?
08/02/2021 | Chỉ điểm 8 triệu chứng chính của sỏi mật không thể bỏ qua 26/10/2020 | Những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh sỏi mật 07/09/2020 | Sỏi mật: nguyên nhân hình thành và chế độ ăn uống khuyến cáo
1. Bác sĩ trả lời: Sỏi mật kích thước bao nhiêu phải mổ?
Sỏi mật là loại sỏi hình thành trong túi mật hoặc đường mật, nguyên nhân gây ra tình trạng này rất đa dạng. Đây có thể là hậu quả của tình trạng giảm cân quá nhanh, nhịn ăn, béo phì, bệnh mãn tính,… Sỏi mật thường gây tình trạng đau bụng kéo dài, ngoài ra còn tiềm ẩn nguy cơ viêm túi mật, ung thư túi mật, tắc nghẽn đường mật,…
Sỏi mật là sỏi hình thành và tồn tại trong túi mật hoặc đường mật
Điều trị sớm và tích cực là bắt buộc với tất cả bệnh nhân được chẩn đoán, bất kể kích thước và số lượng sỏi. Có thể điều trị bệnh bằng nhiều phương pháp như thay đổi lối sống, điều trị nội khoa và ngoại khoa mổ sỏi mật.
Thực tế không có tiêu chuẩn về kích thước sỏi mật là bao nhiêu thì bắt buộc phải mổ. Có những trường hợp sỏi mật kích thước lớn tới 1 - 2cm song không nhất thiết phải mổ lấy sỏi mà điều trị bằng phương pháp khác, cũng có trường hợp kích thước sỏi rất nhỏ chỉ khoảng vài mm song phải chỉ định mổ sớm.
Thay vì dựa trên kích thước thì chỉ định phẫu thuật chủ yếu căn cứ trên mức độ nguy hiểm và biến chứng mà sỏi mật có thể gây ra. Thông thường, mổ nội soi túi mật sẽ được chỉ định khi sỏi chiếm 2/3 diện tích túi mật. Sỏi chặn hoàn toàn đường ra vào của dịch mật do nằm kẹp tại cuống túi mật.
Kích thước không phải là tiêu chí duy nhất để chỉ định mổ
Như vậy, nếu bạn đang thắc mắc sỏi mật kích thước bao nhiêu phải mổ thì cần biết rằng đây không phải là tiêu chí duy nhất trong chỉ định phẫu thuật sỏi mật.
2. Các tiêu chí khác giúp bác sĩ căn cứ để chỉ định mổ sỏi mật
Sỏi túi mật nếu không gây viêm đau túi mật, người bệnh không gặp triệu chứng nào thì hầu hết được theo dõi, kết hợp với thay đổi lối sống lành mạnh để sỏi không phát triển về kích thước cũng như gia tăng về số lượng. Một số trường hợp có thể điều trị nội khoa bổ sung mà không cần thiết phải phẫu thuật.
Nếu sỏi mật gây ra biến chứng hoặc có nguy cơ gây ra biến chứng thì dựa trên xem xét tình trạng sức khỏe và mức độ cấp tính của bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định mổ lấy sỏi. Cụ thể, phải mổ lấy sỏi mật trong các trường hợp sau:
-
Sỏi mật gây viêm túi mật, gây đau đớn cho người bệnh, tái phát nhiều lần và các triệu chứng như sốt, buồn nôn, đầy trướng,… ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Phẫu thuật là giải pháp tối ưu nhất để loại bỏ cơn đau cho người bệnh cũng như biến chứng viêm túi mật gây ra.
-
Khi sỏi mật kết hợp với polyp mật kích thước lớn (khoảng từ 10mm trở lên) có nguy cơ cao gây ung thư túi mật thì cần phẫu thuật để loại bỏ nguy cơ.
-
Sỏi túi mật kích thước lớn ảnh hưởng đến hoạt động của túi mật.
-
Sỏi mật kích thước lớn ở người cao tuổi, có thể gây biến chứng và không thể phẫu thuật ở độ tuổi cao hơn do sức khỏe không đáp ứng.
Sỏi mật kích thước lớn chiếm nhiều thể tích túi mật sẽ được chỉ định mổ
-
Túi mật sứ (tình trạng thành túi mật nhiễm canxi, dày và không đàn hồi) khiến túi mật không còn khả năng co bóp tốt, dễ bị cô đặc dịch mật, hình thành sỏi và tăng kích thước sỏi, nguy cơ tiến triển ung thư cao.
-
Sỏi túi mật xuất hiện hoặc có nguy cơ di chuyển đến các vị trí hẹp dễ gây tắc như cổ túi mật.
-
Bệnh nhân không đáp ứng điều trị bằng thay đổi lối sống hoặc các phương pháp khác, số lượng và kích thước sỏi tiếp tục tăng lên nguy cơ biến chứng cao.
Ngoài ra, chỉ định mổ sỏi mật cũng được cân nhắc ở bệnh nhân mắc đồng thời bệnh mãn tính như tiểu đường dù chưa có triệu chứng hoặc nguy cơ biến chứng nhằm ngăn ngừa rủi ro về sau. Phẫu thuật này không quá phức tạp, song bệnh nhân cần đáp ứng về điều kiện sức khỏe tốt.
Tuy nhiên, bệnh nhân cần hiểu rõ phẫu thuật chỉ là loại bỏ sỏi chứ không ngăn ngừa sỏi hình thành. Do đó, có tới 50% trường hợp điều trị bằng mổ sỏi mật sẽ tái phát sau khoảng 3 - 5 năm. Để giảm nguy cơ tái phát sỏi, người bệnh sau phẫu thuật vẫn cần thực hiện theo dõi, thay đổi thói quen sinh hoạt phù hợp và điều trị nội khoa nếu cần thiết.
Dù không giải quyết được tận gốc nguyên nhân song mổ sỏi mật vẫn là giải pháp tối ưu nhất cho các trường hợp triệu chứng cấp tính nghiêm trọng và biến chứng nguy hiểm.
Mổ sỏi mật giúp ngừa biến chứng bệnh gây ra
3. Những biến chứng có thể gặp sau mổ sỏi mật
Mật là cơ quan có kích thước rất nhỏ, vì thế khi có sỏi mật, bác sĩ phải mổ cắt bỏ cơ quan này hoàn toàn. Túi mật có chức năng chính là dự trữ, cô đặc và điều tiết lượng dịch mật chuyển xuống tá tràng để tiêu hóa chất béo từ thức ăn mà cơ thể dung nạp. Vì thế khi cắt bỏ túi mật, chức năng này cũng không còn, chức năng tiêu hóa của bệnh nhân dễ bị rối loạn.
Cụ thể, sau cắt túi mật, các rối loạn tiêu hóa dễ gặp phải gồm: tiêu chảy kéo dài khi dịch mật sản xuất từ gan được tiết vào ruột với số lượng quá nhiều gây kích thích nhu động ruột, tình trạng chậm tiêu đầy chướng do gan không sản xuất dịch mật kịp và không có dịch mật dự trữ.
Ngoài ra, phẫu thuật cắt bỏ túi mật cũng ẩn chứa những rủi ro sức khỏe như:
Đau vết mổ
Dù là phẫu thuật tương đối đơn giản song sau khi cắt bỏ túi mật, đa phần bệnh nhân gặp phải tình trạng đau vết mổ với mức độ nhẹ và vừa. Hiện nay kỹ thuật mổ nội soi đã được áp dụng với mổ sỏi mật, giúp giảm đau đớn và tăng tốc độ phục hồi. Bác sĩ khuyên rằng bệnh nhân nên hạn chế vận động mạnh, kể cả đi lại nhiều sau phẫu thuật khoảng 1 tuần.
Chảy máu vết mổ
Thường gặp khi bệnh nhân mổ sỏi mật hở, hiếm gặp ở mổ nội soi do miệng vết mổ nhỏ. Biến chứng này có thể được ngăn ngừa bằng cách vệ sinh sạch sẽ vị trí mổ, thay băng thường xuyên, nghỉ ngơi tốt để vết mổ chóng lành.
Nghỉ ngơi, hạn chế di chuyển là cần thiết với bệnh nhân sau mổ sỏi mật
Rò rỉ dịch mật
Khi không còn túi mật, bác sĩ cần dùng kẹp đặc biệt để bịt kín các đầu nối giữa ống mật chủ và gan tới túi mật, song một số trường hợp dịch mật vẫn bị rò rỉ ra khoang bụng. Lúc này, có thể phải mổ lại để bịt kín ống nối cũng như loại bỏ dịch mật khỏi khoang bụng, tránh nguy cơ nhiễm trùng phúc mạc.
Hy vọng bài viết này đã giúp bạn giải đáp sỏi mật kích thước bao nhiêu phải mổ, hãy liên hệ trực tiếp với chuyên gia y tế MEDLATEC nếu bạn đang gặp phải vấn đề sức khỏe này để được tư vấn qua hotline 1900 56 56 56. Bạn có thể tới trực tiếp hệ thống Y tế MEDLATEC toàn quốc để được thăm khám, tư vấn cụ thể hơn.