Đám rối thần kinh cánh tay được cấu tạo từ nhiều các dây thần kinh đan xen nhau thành một thành một bó dây thần kinh, có nhiệm vụ kiểm soát cảm giác và vận động của bàn tay và cánh tay. Bệnh lý đám rối cánh tay không phải là một tình trạng dễ điều trị nhưng nếu không khắc phục thì bệnh sẽ làm ảnh hưởng lớn tới khả năng vận động của cơ thể.
11/07/2022 | Triệu chứng điển hình của chèn ép rễ thần kinh và đám rối thần kinh cổ 08/06/2022 | Chụp cộng hưởng từ dây thần kinh ngoại biên 03/06/2022 | U thần kinh nội tiết và những thông tin không phải ai cũng biết
1. Nguyên nhân dẫn đến bệnh lý đám rối cánh tay là gì?
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh lý đám rối cánh tay, có thể là dạng tổn thương thần kinh cấp tính hoặc phát triển từ từ bao gồm cắt ngang, chèn ép, viêm, thiếu máu cục bộ, ung thư, xạ trị, bất thường chuyển hóa,... Trong đó nguyên nhân phổ biến nhất là do chấn thương xuất phát từ tai nạn giao thông, tai nạn xe cơ giới (nhất là những người điều khiển mô tô), chấn thương khi chơi các bộ môn thể thao, vết cắn của động vật, vết thương do bị súng bắn,....
Cấu tạo đám rối thần kinh cánh tay
Cụ thể như sau:
-
Các dây thần kinh bị kéo căng: điều này có thể không làm đứt các dây thần kinh nhưng sẽ làm tổn thương các tổ chức liên kết và dẫn đến thiếu máu cục bộ;
-
Chèn ép dây thần kinh: trường hợp này hiếm gặp hơn vì đám rối thần kinh cánh tay được các cấu trúc xương tại đây bảo vệ. Hiện tượng chèn ép thường xảy ra do bệnh nhân duy trì tư thế không phù hợp trong thời gian dài (đeo ba lô, khi ngủ, hôn mê, khi học tập và làm việc,...), hoặc chèn ép vì nguyên nhân bệnh lý (ví dụ như dùng garô hay can xương đòn sau khi bị gãy,...). Khi đó vùng vai sẽ bị tập trung quá nhiều lực gây chèn ép đồng thời thiếu máu cục bộ tại vị trí đó, dẫn đến mất myelin từng đoạn (myelin là một loại chất béo bao bọc phía bên ngoài các dây thần kinh, đảm nhiệm chức năng thúc đẩy các tế bào thần kinh gia tăng tốc độ giao tiếp điện);
-
Cắt đứt dây thần kinh: đây là dạng tổn thương nghiêm trọng thường sẽ kèm theo tình trạng tổn thương mạch máu;
-
Dây thần kinh bị tổn thương do va chạm, đụng dập: tình trạng đụng dập có thể làm dập xương và tổn thương những tổ chức mô mềm xung quanh, ngoài ra còn gây phù nề và thâm nhiễm, thiếu máu cục bộ và mất myelin từng đoạn;
-
Viêm: hiện tượng viêm thường gây tắc các mạch máu nhỏ, khởi phát cấp tính bệnh lý đám rối cánh tay nhưng hiện vẫn chưa giải thích được sự kiện gây viêm và hậu quả do tình trạng này gây ra;
-
Thiếu máu cục bộ: thường gặp ở mạch máu nhỏ ở màng cứng gây tổn thương các rễ thần kinh;
-
Ung thư và xạ trị ung thư: khối u ác tính ở cánh tay có thể xâm lấn và chèn ép các dây thần kinh tại đây. Bên cạnh đó, khi áp dụng phương pháp xạ trị ung thư lên vùng cánh tay cũng có thể làm tổn thương các mô và sợi trục thần kinh;
-
Bất thường trong chuyển hóa: phổ biến ở những bệnh nhân bị đái tháo đường với biến chứng tổn thương mạch máu nhỏ.
2. Bệnh lý đám rối cánh tay được biểu hiện qua những triệu chứng như thế nào?
Bệnh nhân thường xuất hiện các dấu hiệu như sau khi mắc bệnh lý đám rối cánh tay:
-
Bệnh lý đám rối thần kinh cánh tay có thể bắt đầu hình thành, bộc lộ theo dạng cấp tính và diễn tiến âm ỉ, kéo dài. Khi khởi phát dưới dạng cấp tính, người bệnh có triệu chứng điển hình là đau phần vai lan xuống phần cánh tay, thường xảy ra khi bệnh nhân gặp chấn thương. Còn trong trường hợp bệnh diễn tiến âm ỉ thì mức độ đau sẽ tăng dần, tình trạng yếu và tê liệt cơ cũng tăng nặng theo thời gian, phổ biến ở những bệnh nhân bị ung thư (giai đoạn tiến triển hoặc đã di căn) và điều trị bằng phương pháp xạ trị;
-
Các biểu hiện lâm sàng khác của bệnh lý đám rối cánh tay đó là: teo cơ, yếu cơ, mất cảm giác. Đối với những người bị bệnh lý đám rối cánh tay cấp tính thì thường bị nhầm sang yếu cơ vì hạn chế vận động do đau. Trong đó, ở vài tuần đầu sẽ khó phát hiện ra tình trạng teo cơ, ngoài ra ở những cơ yếu còn có thể bị giảm phản xạ gân xương. Hiện tượng mất cảm giác thường biểu hiện theo sự phân bố của các dây thần kinh hoặc cũng có khi bị mất cảm giác lan tỏa.
3. Chẩn đoán bệnh lý đám rối cánh tay
Để phát hiện bệnh lý đám rối cánh tay, bác sĩ cần dựa trên các biểu hiện lâm sàng của bệnh nhân kết hợp với các biện pháp kiểm tra dưới đây:
-
Điện cơ đồ (EMG - Electromyography): đây là biện pháp hiệu quả trong việc phát hiện tổn thương sợi trục của dây thần kinh vận động. Đặc biệt EMG có thể đánh giá được tình trạng của bất kỳ cơ nào;
-
Đo dẫn truyền thần kinh chi trên: phương pháp này giúp xác định bệnh lý đám rối cánh tay thông qua biểu hiện tổn thương trên sợi trục, giảm biên độ co cơ, hiện tượng hủy myelin và giảm dẫn truyền cảm giác và vận động của thần kinh ngoại vi;
Biện pháp điện cơ đồ (EMG) áp dụng trong chẩn đoán bệnh lý đám rối cánh tay
-
Chụp X-quang: thực hiện chụp X-quang cột sống và chụp X-quang ngực thường quy có tác dụng phát hiện những tổn thương xuất hiện ở xương hoặc khớp vai, vùng đỉnh phổi;
-
Chụp cắt lớp vi tính CT: thường được chỉ định để chẩn đoán các u rễ thần kinh, u đỉnh phổi và các bất thường ở xương;
-
Chụp cộng hưởng từ MRI: hình ảnh do MRI cung cấp giúp bác sĩ quan sát được hình thái cấu trúc các rễ, đám rối và dây thần kinh ngoại vi. Từ đó xác định được các thương tổn và tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh.
4. Điều trị bệnh lý đám rối cánh tay bằng phương pháp nào?
Phụ thuộc vào nguyên nhân dẫn đến bệnh là gì mà bác sĩ sẽ chỉ định biện pháp xử trí phù hợp. Cụ thể:
-
Áp dụng trong những trường hợp bị bệnh do dây thần kinh bị chèn ép, mục tiêu phẫu thuật là giải phóng các mô và dây thần kinh khỏi khối gây chèn ép;
-
Ghép, nối thần kinh bằng vi phẫu nếu xảy ra tình trạng đứt dây thần kinh.
-
Điều trị giảm đau: dùng thuốc chống trầm cảm (amytriptilin), thuốc giảm đau thần kinh (Gabapentin, Pregabalin);
-
Tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng vận động cho cánh tay.
Bệnh nhân cần tập vật lý trị liệu theo hướng dẫn của bác sĩ
Như vậy có thể kết luận rằng bệnh lý đám rối cánh tay là một dạng tổn thương phức tạp ở đám rối thần kinh cánh tay, tính chất của bệnh thường là cấp tính hoặc mạn tính. Nguyên nhân của bệnh tuy đa dạng nhưng đa phần là có thể phòng tránh được. Nếu cánh tay xuất hiện các dấu hiệu ngầm cảnh báo bệnh lý này thì bệnh nhân nên đi khám để kịp thời điều trị, đề phòng biến chứng nặng sau này.
Để cập nhật các tin tức bổ ích về sức khỏe, quý bạn đọc vui lòng ghé thăm trang web chính thức của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC: medlatec.vn, nếu cần được tư vấn thêm thông tin chi tiết về bệnh lý đám rối cánh tay, các bệnh về thần kinh nói chung hoặc vấn đề sức khỏe khác, bạn hãy liên hệ ngay đến hotline 1900 56 56 56 để được tổng đài viên giải đáp và hướng dẫn đặt lịch khám trực tiếp cùng các bác sĩ chuyên khoa của MEDLATEC.