Ngứa cổ họng, ho gây ra không ít khó chịu cho người mắc phải, đặc biệt khi triệu chứng này kéo dài hoặc thường xuyên lặp lại ảnh hưởng đến công việc và sinh hoạt. Vậy ngứa cổ họng ho phải làm sao để cải thiện hiệu quả? Tìm hiểu nguyên nhân gây ngứa họng sẽ giúp việc điều trị và phòng ngừa dễ dàng hơn.
27/10/2021 | Hỏi đáp: Cần làm gì khi bị ho đờm kéo dài không khỏi? 22/10/2021 | Trẻ ho về đêm và cách chăm sóc, điều trị hiệu quả 22/10/2021 | Trẻ ho có đờm và các phương pháp tiêu đờm hiệu quả
1. Ngứa cổ họng ho do những nguyên nhân gì?
Ngứa cổ họng ho có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý khác nhau, có những bệnh lý nhẹ song cũng cần cẩn thận bởi bệnh lý nặng nếu không điều trị sẽ gây nguy hiểm cho tính mạng.
Ngứa cổ họng ho là triệu chứng hô hấp thường gặp
Dưới đây là những bệnh lý thường gặp gây ngứa cổ họng và ho:
1.1. Viêm mũi dị ứng
Viêm mũi dị ứng xảy ra ở những bệnh nhân có cơ địa nhạy cảm, dị ứng với dị nguyên làm giải phóng histamin và gây viêm mũi. Ngoài ngứa cổ họng ho thì viêm mũi dị ứng còn gây chảy nước mũi, mắt ngứa đỏ, mệt mỏi, hắt hơi thường xuyên,…
1.2. Viêm họng
Viêm họng do vi khuẩn hoặc virus đường hô hấp sẽ gây nhiều triệu chứng khó chịu như: ngứa họng, ho thường xuyên, đau rát cổ họng, khó nuốt,… Làm dịu cổ họng bằng nước ấm, mật ong hoặc thuốc điều trị sẽ giúp giảm triệu chứng khó chịu.
Trào ngược dạ dày thực quản khiến hơi dạ dày chứa acid bị đẩy lên gây tổn thương niêm mạc họng, người bệnh thường bị ngứa cổ họng và ho. Bệnh có thể gây những triệu chứng khác như: chua miệng, ợ chua,… nhưng cũng có trường hợp chỉ có ngứa rát cổ họng là triệu chứng bệnh duy nhất.
Trào ngược dạ dày thực quản gây tổn thương và ngứa rát cổ họng
1.4. Dị ứng thuốc hoặc các dị nguyên khác như tôm, cua,...
Đôi khi đau và ngứa cổ họng, ho là triệu chứng khi bạn bị dị ứng với thuốc điều trị, điển hình là penicillin và các dòng kháng sinh. Nếu do nguyên nhân này, một số triệu chứng khác cùng xuất hiện như: buồn nôn, ngứa tai, tiêu chảy, phát ban, khó thở, khó nuốt,…
Cần đặc biệt cẩn thận, sau ngứa cổ họng và ho thì dị ứng thuốc có thể gây triệu chứng nặng như trụy tim, sốc phản vệ,… khiến người bệnh hôn mê, tử vong nếu không can thiệp sớm.
1.5. Mất nước
Thời tiết nắng nóng hoặc khô hanh nhưng cơ thể không được cung cấp đủ nước hoặc mất nước do tiêu chảy, sốt cao thường gây khô miệng, khô họng. Niêm mạc họng khô sẽ gây ra cảm giác ngứa cổ họng và ho.
Ngoài ra, nhận biết tình trạng mất nước và bổ sung nước ngay cho cơ thể bằng các dấu hiệu khác như: khô cổ họng, khô da, nước tiểu ít và đậm màu,…
2. Ngứa cổ họng ho phải làm sao để cải thiện?
Để điều trị dứt điểm chứng ngứa cổ họng ho thì việc xác định được nguyên nhân là vô cùng quan trọng. Khi tình trạng khó chịu này xảy ra, hãy áp dụng một số cách điều trị tại nhà đơn giản sau trước khi đi khám bác sĩ và phải dùng thuốc điều trị.
Súc miệng nước muối giúp giảm ngứa cổ họng
2.1. Súc miệng với nước muối
Đây là cách hiệu quả bạn có thể áp dụng ngay lập tức khi bị ngứa cổ họng và ho. Nước muối ấm súc miệng sẽ giúp làm sạch cổ họng, loại bỏ tác nhân là vi sinh vật hoặc vật thể lạ gây ngứa cổ họng.
Bạn pha 1/2 - 3/4 thìa cà phê muối trong 240ml nước ấm. Sau đó nhấp và ngửa cổ họng để nước muối ấm giữ trong họng khoảng 10 giây sau đó nhổ ra. Súc miệng với nước muối 2 - 3 lần trong ngày, nhất là vào buổi sáng hoặc sau khi ra ngoài về, triệu chứng ngứa cổ họng và ho sẽ được cải thiện.
2.2. Trà gừng mật ong để giảm ho và ngứa cổ họng
Niêm mạc họng khô nứt hoặc tổn thương là nguyên nhân gây ngứa cổ họng và ho, mật ong và gừng là một trong những thảo dược có tính ấm, kháng khuẩn chống viêm tốt phù hợp dùng trong các trường hợp này. Bạn có thể pha trà gừng mật ong với chanh để tiêu trừ ngứa họng và ho hiệu quả như sau:
-
Dùng 1 thìa mật ong nguyên chất pha vào cốc nước ấm.
-
Cắt 2 lát chanh và vắt lấy nước cốt cho vào cốc nước mật ong.
-
Rửa sạch và bào mỏng gừng.
-
Khuấy đều để các nguyên liệu tan ra và uống khi còn ấm, pha dùng 2 - 3 lần mỗi ngày.
2.3. Uống trà thảo mộc để giảm ngứa họng và ho
Có nhiều loại trà thảo mộc uống ấm có tác dụng làm dịu triệu chứng ngứa cổ họng và ho. Bạn có thể tìm đến các loại trà thảo dược như: bạch quả, đương quy, cam thảo, cây tầm ma, cỏ ba lá đỏ, trà cải ngựa,…
Uống trà thảo mộc giúp làm dịu cổ họng và giảm ngứa ho
Nếu nguyên nhân gây ngứa họng và ho là do trào ngược acid dạ dày, có thể pha sữa nghệ sẽ làm dịu cổ họng và giảm tiết acid dạ dày. Nên uống hỗn hợp sữa nghệ vào buổi tối để đạt hiệu quả tốt nhất.
3. Khi nào nên đi khám khi bị ngứa cổ họng ho?
Nếu áp dụng các cách chữa ngứa cổ họng ho tự nhiên trên mà triệu chứng không thuyên giảm hoặc còn kèm theo các triệu chứng bất thường như: sốt, ho nhiều hơn, khó thở, khó nuốt, thở khò khè, sưng mặt,… thì cần đi khám bác sĩ sớm. Nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể do bệnh lý cần chẩn đoán và điều trị mới có thể giảm ho, ngứa cổ họng.
Bác sĩ có thể kê một số loại thuốc cải thiện chứng ngứa họng và ho như: thuốc chống dị ứng, thuốc xịt mũi, các loại viên ngậm,… Không nên tự ý mua và sử dụng thuốc điều trị khi chưa xác định được nguyên nhân và có chỉ định dùng của bác sĩ.
Ngoài ra, để bảo vệ cổ họng ngăn ngừa ho và ngứa, bạn nên hạn chế các yếu tố nguy cơ sau: hút thuốc lá hoặc hít phải khói thuốc thụ động, dùng cafein và uống nhiều rượu bia, không giữ ấm tốt cho cơ thể, tiếp xúc nhiều với môi trường không khí ô nhiễm,…
Hạn chế uống cafe khi bị ho và ngứa cổ họng
Triệu chứng ngứa cổ họng ho thường sẽ thuyên giảm với các biện pháp chăm sóc tại nhà như trên, hãy thử áp dụng ngay để giảm cảm giác khó chịu. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài dai dẳng đi kèm với triệu chứng nặng khác, hãy đi khám bác sĩ để tìm nguyên nhân và điều trị tích cực. Nếu cần tư vấn thêm về tình trạng ngứa cổ họng ho phải làm sao, hãy liên hệ với bác sĩ MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56.