Ngủ gà ngủ gật vào ban ngày không chỉ do tình trạng thiếu ngủ mà còn do nhiều nguyên nhân bệnh lý. Do đó, bạn không nên chủ quan mà cần theo dõi tình trạng sức khỏe. Nếu tình trạng này kéo dài kèm theo những dấu hiệu sức khỏe nghiêm trọng khác, bạn nên đi khám để được các bác sĩ chẩn đoán và chữa bệnh kịp thời.
28/10/2022 | Gợi ý tư thế ngủ cho người suy giãn tĩnh mạch tốt cho sức khỏe 26/10/2022 | Những cách giúp trẻ sơ sinh ngủ ngon, sâu giấc hiệu quả 27/09/2022 | Còn trẻ đã bị mắc chứng ngủ rũ phải làm sao? Nguyên nhân do đâu?
1. Những nguyên nhân dẫn tới ngủ gà ngủ gật vào ban ngày
Nếu bạn vẫn ngủ đủ 7 đến 8 tiếng mỗi tối nhưng ban ngày bạn vẫn thường xuyên buồn ngủ, thậm chỉ ngủ gà ngủ gật, ngủ thiếp đi lúc nào mà không hay,… thì bạn không nên chủ quan vì đây có thể là một dấu hiệu bệnh lý. Cụ thể như sau:
Tình trạng ngủ gật có thể do nhiều bệnh lý gây ra
- Bệnh về mạch máu não:
Tình trạng xơ vữa động mạch, thiếu máu lên não hoặc xuất hiện những cục máu đông, tình trạng thiếu oxy lên não,… và một số bệnh về mạch máu não cũng có thể gây ra tình trạng ngủ gật.
Do đó, nếu tình trạng ngủ gật thường xuyên kèm theo một số triệu chứng như chóng mặt, đau nhức đầu, chân tay trở nên yếu ớt hơn bình thường, bạn nên đi khám để được các bác sĩ chẩn đoán bệnh sớm và điều trị bệnh kịp thời.
- Do mắc bệnh tim: Có thể nói, bộ não là cơ quan vô cùng quan trọng của cơ thể. Tuy nhỏ bé nhưng não bộ đóng vai trò như một “tổng chỉ huy” và điều khiển mọi hoạt động trong cơ thể. Khoảng 1/5 lượng máu tim bơm ra là để phục vụ cho các hoạt động của não bộ. Do đó, chức năng tâm thu của tim có tác động rất lớn đến sự trao đổi chất của não. Với những người mắc bệnh tim, lượng máu tim bơm ra ngoài sẽ giảm đi, dẫn tới tình trạng thiếu máu, thiếu oxy và vì thế người bệnh luôn mệt mỏi, uể oải và hay ngủ gật.
Những người thừa cân, béo phì thường có hội chứng ngưng thở khi ngủ, từ đó khiến giấc ngủ không sâu hoặc bị gián đoạn dẫn tới tình trạng ngủ gà ngủ gật. Đây là tình trạng hô hấp không liên tục, dẫn tới nghẹt thở. Biểu hiện điển hình nhất là những cơn ngáy với âm thanh không đều, thường xuyên bị ngắt quãng. Điều đó cho thấy rằng, người bệnh rất khó đi sâu vào giấc ngủ, tuy có giấc ngủ dài nhưng người bệnh vẫn chưa được nghỉ ngơi đầy đủ. Từ đó dẫn tới tình trạng ngủ gật và uể oải vào ngày hôm sau.
- Suy giảm chức năng tuyến giáp
Thời gian thức dậy và đi ngủ của chúng ta sẽ được diễn ra theo đúng nhịp sinh học của cơ thể. Quá trình tiết Thyrotropin – một loại hormone ở vùng dưới đồi sẽ tác động rất lớn và chi phối hoạt động này. Do đó, nếu tuyến giáp bị suy giảm chức năng thì có thể dẫn đến cản trở việc sản xuất Thyroxine và khiến cho giấc ngủ của người bệnh bị rối loạn.
Người bị suy giảm chức năng tuyến giáp thường ngủ nhiều hơn trước khi bị bệnh. Bên cạnh đó, người bệnh còn có thể gặp phải một số triệu chứng khác như lười vận động, rụng tóc, sợ lạnh, da khô, tăng cân, sưng phù chân tay, suy giảm trí nhớ, khàn tiếng, táo bón, phản ứng chậm,…
Buồn ngủ, ngủ gật khi đang lái xe rất nguy hiểm
- Do mắc một số bệnh mạn tính
Ngoài những lý do trên tình trạng ngủ gà ngủ gật còn có thể là biểu hiện của một số bệnh lý mạn tính như bệnh tiểu đường, bệnh viêm thận mạn tính, rối loạn lipid máu, gan mạn tính, tình trạng trầm cảm,…
2. Một số phương pháp giúp bạn cải thiện chứng ngủ gà ngủ gật vào ban ngày
Để điều trị triệt để chứng ngủ gà ngủ gật, cần tìm hiểu nguyên nhân và điều trị theo nguyên nhân. Tuy nhiên, bạn cũng có thể tham khảo một số phương pháp dưới đây để cảm thấy tỉnh táo hơn:
- Thay đổi chế độ ăn:
+ Không sử dụng các loại đồ uống có chứa caffeine: Những loại đồ uống này có thể giúp bạn tỉnh táo nhanh chóng nhưng khi tác dụng của caffeine đã hoàn toàn hết, chúng ta sẽ có thể cảm thấy buồn ngủ và mệt mỏi hơn.
+ Hạn chế thức ăn ngọt: Khi tiêu thụ quá nhiều đường, cơ thể của bạn sẽ thấy mệt mỏi hơn và dễ buồn ngủ hơn. Do đó, bạn có thể thay thế đồ ngọt bằng các loại trái cây.
+ Không nên ăn quá no vì tình trạng quá no có thể khiến chúng ta dễ buồn ngủ.
+ Uống nhiều nước: Tình trạng mất nước sẽ khiến cho cơ thể mệt mỏi và buồn ngủ. Do đó, bạn nên uống nhiều nước để hạn chế tình trạng buồn ngủ.
- Thay đổi thói quen vận động
Tập thể dục để cải thiện tình trạng ngủ gật
Một số hoạt động có thể giúp bạn cải thiện tình trạng ngủ gà ngủ gật vào buổi trưa đó là:
+ Thường xuyên đi dạo, tập thể dục buổi sáng ở những nơi có không khí trong lành. Đây là một thói quen rất tốt giúp bạn đánh thức trí não và luôn tràn đầy năng lượng để bắt đầu một ngày làm việc hiệu quả.
+ Tắm nắng thường xuyên cũng là một thói quen tốt để kích thích sự hoạt động của não bộ, giúp tăng cường khả năng tập trung và giảm tình trạng buồn ngủ.
- Một số cách khác:
+ Rửa mặt bằng nước lạnh hoặc đi tắm cũng khiến bạn tỉnh táo một cách nhanh chóng.
+ Thường xuyên để cho đôi mắt của bạn được thư giãn: Nếu mắt của bạn phải làm việc với cường độ cao, chẳng hạn liên tục nhìn vào màn hình máy tính trong vòng nhiều giờ thì sẽ không thể tránh khỏi tình trạng mệt mỏi và buồn ngủ. Nên để mắt nghỉ ngơi sau mỗi 1 tiếng làm việc, có thể tham khảo một số bài tập giúp đôi mắt của bạn khỏe hơn hoặc cũng có thể dùng một số dung dịch nhỏ mắt theo sự tư vấn của bác sĩ.
Nghe nhạc vui để cải thiện tình trạng buồn ngủ
+ Trò chuyện vui vẻ với mọi người xung quanh cũng là một trong những cách giảm căng thẳng và cải thiện tình trạng ngủ gật.
+ Nên làm việc ở những nơi có cường độ ánh sáng tốt.
+ Trước khi làm việc, hãy lập kế hoạch rõ ràng và cố gắng tập trung, hoàn thành kế hoạch của bạn.
+ Nghe những bản nhạc vui tươi cũng là một trong những cách hiệu quả giúp xua tan cơn buồn ngủ.
Như vậy, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngủ gật giữa ban ngày. Do đó, nếu mắc phải triệu chứng này, bạn không nên chủ quan mà cần đến các chuyên khoa Thần kinh để khám để được chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời. Hãy gọi đến tổng đài 1900 56 56 56 của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC để được tư vấn và đặt lịch khám sớm.