Ngộ độc chì là một trong những dạng nhiễm độc kim loại từ nhiều nguồn khác nhau. Tình trạng này ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ nhỏ.
21/03/2023 | Sau ngộ độc thực phẩm nên ăn gì, kiêng gì? 17/03/2023 | Cách xử lý ngộ độc rượu methanol giúp giảm nhanh triệu chứng 03/01/2023 | Cảnh giác trước tình trạng ngộ độc thị thần kinh do rượu!
1. Tìm hiểu chung về ngộ độc chì
Bởi vì sở hữu nhiều công dụng trong cuộc sống nên chì được ứng dụng rất rộng rãi. Tuy nhiên, khác với các kim loại khác như kẽm, sắt, mangan,... có lợi cho sức khỏe con người thì chì lại gây ra nhiều vấn đề bệnh lý nếu cơ thể bị nhiễm phải.
Nếu kim loại này tích tụ (dù chỉ với một lượng nhỏ) trong cơ thể chúng ta lâu ngày sẽ gây ngộ độc chì. Khi tình trạng này xảy ra sẽ tác động đến hoạt động của các cơ quan phủ tạng, nếu bị ngộ độc nặng thì nguy cơ tử vong là rất cao.
Các con đường xâm nhập của chì vào cơ thể người bao gồm:
-
Đường hô hấp: việc hít nhiều khói bụi, không khí ô nhiễm, hơi khói có chứa chì sẽ gây ngộ độc chì. Thường thì trẻ em là đối tượng dễ bị nhiễm độc chì hơn so với người lớn. Nguyên nhân là vì thể tích khí thở cũng như diện tích tiếp xúc ở đường hô hấp của trẻ lớn hơn, ngoài ra trẻ nhỏ có chiều cao thấp nên dễ hít phải không khí có chứa chì ở gần mặt đất hơn. So với người lớn, phổi của trẻ có tốc độ lắng đọng chì cao gấp 2,7 lần;
-
Tiếp xúc da: tiếp xúc với chì trong thời gian dài cũng có thể ngấm qua da. Đặc biệt trẻ em có diện tích da trên một đơn vị cân nặng lớn hơn so với người lớn nên nguy cơ bị nhiễm độc chì qua da cũng cao hơn;
-
Đường tiêu hóa: tay không được vệ sinh sạch sẽ trước khi ăn, trẻ em hay ngậm mút những đồ vật có chứa chì, chế độ dinh dưỡng nghèo nàn (thiếu các chất như canxi, sắt, kẽm) khiến đường tiêu hóa gia tăng khả năng hấp thụ chì;
-
Xâm nhập qua nhau thai và sữa mẹ: nếu người mẹ bị nhiễm độc chì thì trong giai đoạn mang thai hoặc đang cho con bú cũng có thể truyền sang cho con.
Chì có thể xâm nhập vào đường tiêu hóa và gây ngộ độc cho cơ thể
2. Nhiễm độc chì do nguyên nhân nào gây nên?
Là một trong những kim loại sinh ra trong tự nhiên, chì được con người khám phá và khai thác thông qua những hoạt động sản xuất, đốt nhiên liệu hóa thạch. Ngoài ra chì còn dùng trong xăng dầu và các loại sơn, làm gốm, chất liệu hàn xì, pin, một số loại mỹ phẩm và vật liệu lợp. Sau đây là các nguồn vật liệu chứa chì phổ biến trong cuộc sống:
-
Sơn: tuy rằng việc sử dụng sơn có chứa chì đã bị cấm tại các nước phát triển từ những năm 1970-1980 nhưng hiện nay những sản phẩm sơn này vẫn còn được tiếp tục sử dụng tại các quốc gia kém phát triển khác. Đây là nguyên nhân dẫn đến ngộ độc chì, nhất là ở trẻ nhỏ khi ngậm hoặc nuốt các đồ vật có sơn chứa chì hoặc hít phải mạt bụi nhà văng ra từ các loại sơn tường này;
-
Đồ hộp nhập khẩu: một số loại đồ hộp được sản xuất để đựng thực phẩm chế biến sẵn cũng có chứa chì. Điều đáng quan ngại là ngay cả khi bạn đã nấu chín các thực phẩm này thì lượng chì có trong chúng cũng không thể mất đi;
-
Đường ống nước: những nơi có hệ thống đường ống xuống cấp, cũ kỹ, ít được sục rửa thường xuyên, nhiều mối hàn sửa chữa hoặc không được thay mới thì chất gỉ sét ở các đường ống này sẽ khuếch tán ion kim loại, trong đó có chì vào nước. Người dân khi sử dụng nguồn nước này trong thời gian dài sẽ bị ngộ độc chì;
-
Đồ gốm: ít ai biết rằng một số loại gốm sứ được làm từ nước men chứa chì. Nếu dùng những đồ gốm này để đựng đồ ăn, thực phẩm thì sẽ rất nguy hiểm cho người sử dụng;
-
Đất: sơn, xăng pha chì mà lắng đọng xuống đất sẽ khó có thể bị rửa trôi mà chúng sẽ tồn tại sau nhiều năm. Những nơi đất bị nhiễm chì thường là quốc lộ cao tốc hay khu vực dân cư trang trí nhà cửa bằng sơn chứa chì;
-
Các vật dụng khác có thể chứa chì gây ngộ độc: mỹ phẩm, đồ chơi, đạn chì, thảo dược (thuốc cam),...;
-
Tính chất nghề nghiệp: những người lao động khai thác quặng mỏ, sửa chữa xe máy/ô tô, sản xuất bình ắc quy/pin, lắp đặt đường ống,... có thể khiến chì bám lại trên quần áo hoặc hít phải kim loại này dẫn đến ngộ độc chì.
Hệ thống ống nước hoen gỉ cũng là nguyên nhân gây ngộ độc chì
3. Những dấu hiệu nhận biết ngộ độc chì
-
Đối với thai nhi và trẻ sơ sinh: tăng trưởng chậm về thể chất, sinh non và nhẹ cân khi mới sinh;
-
Đối với trẻ nhỏ: mệt mỏi, lờ đờ, sụt cân và ăn không ngon miệng, chậm phát triển, bụng đau, thính lực kém, co giật, táo bón, nôn mửa, mắc hội chất Pica (thèm ăn những thứ không có dưỡng chất như kim loại, đất, giấy,...);
-
Đối với người lớn: đau bụng, đau đầu, đau cơ, rối loạn cảm xúc, khó tập trung hay ghi nhớ. Nữ giới bị ngộ độc chì có thể bị thai lưu, sảy thai hoặc sinh non. Nam giới thì ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng tinh trùng.
Ngộ độc chì mang tính chất nguy hiểm cao. Khi tiếp xúc chì trong thời gian dài não bộ người bệnh sẽ bị ảnh hưởng, đồng thời gây ra các biến chứng như tổn thương hệ thần kinh, suy thận, co giật, thậm chí nặng hơn là bất tỉnh hay tử vong.
4. Ngộ độc chì điều trị và phòng ngừa bằng phương pháp gì?
4.1. Biện pháp điều trị
Để điều trị khỏi tình trạng ngộ độc chì thì đầu tiên cần tránh xa nguồn gây ô nhiễm. Sau đây là 2 liệu pháp phổ biến nhất được áp dụng trong điều trị ngộ độc chì, nhất là đối với các trường hợp bị nặng:
-
Liệu pháp chelation: bệnh nhân sẽ được chỉ định cho dùng thuốc đào thải chì ra khỏi máu theo đường nước tiểu. Đây là phương pháp được khuyến nghị áp dụng cho trẻ bị ngộ độc chì từ 45 mcg/dL trở lên và người lớn đã xuất hiện các dấu hiệu của hiện tượng này;
-
Liệu pháp chelation EDTA: nếu liệu pháp chelation thông thường không hiệu quả đối với người bệnh thì cần áp dụng liệu pháp chelation EDTA có thêm hóa chất canxi disodium ethylenediaminetetraacetic acid tiêm tĩnh mạch giúp đào thải độc tố chì.
4.2. Phòng ngừa ngộ độc chì
Để phòng tránh nguy cơ bị ngộ độc chì, mỗi người nên thực hiện những cách như sau:
-
Vệ sinh tay và đồ chơi sạch sẽ: vì trẻ nhỏ thường cho tay lên miệng nên cha mẹ hãy chú ý vệ sinh tay sạch sẽ cho trẻ thường xuyên, đặc biệt là sau khi trẻ vui chơi, nô đùa, trước khi ăn và trước giờ đi ngủ.
-
Làm sạch nơi ở và bề mặt các vật dụng trong nhà: lau dọn bậu cửa sổ, sàn nhà, các vật dụng thường xuyên để tránh mạt bụi chứa chì xâm nhập vào cơ thể;
-
Xả nước lạnh trước khi sử dụng: giúp hạn chế chì nhiễm vào nước ở những khu vực dân cư có hệ thống ống nước cũ kỹ;
-
Cởi bỏ giày dép trước khi vào nhà: điều này có tác dụng tránh mang bụi bẩn, đất cát có chứa chì vào trong nhà;
-
Hạn chế để trẻ nô đùa trên nền đất: nên lát gạch, nền xi măng hoặc trồng cỏ ở những nơi trẻ hay chơi;
-
Bảo dưỡng nhà cửa: nếu sơn tường nhà bạn có chứa chì thì hãy chú ý và kiểm tra những vệt tường bị bong tróc để kịp thời khắc phục;
-
Có chế độ ăn uống khoa học: bữa ăn nên có đầy đủ dưỡng chất, nhất là sắt, vitamin C, canxi sẽ giúp hạn chế hấp thụ chì độc hại.
Hãy tạo dựng thói quen rửa sạch tay thường xuyên cho trẻ để phòng ngừa nguy cơ ngộ độc chì
Như vậy, mong rằng với những thông tin qua bài viết trên đây bạn đã hiểu rõ hơn về tình trạng ngộ độc chì. Nếu cơ thể xuất hiện bất kỳ triệu chứng bất thường nào nghi ngờ bị nhiễm độc kim loại này, bạn nên nhanh chóng đi khám để tìm hiểu nguyên nhân và được điều trị đúng cách.