Lật cổ chân có thể xảy ra ở nhiều nhóm tuổi nhưng trẻ em là đối tượng dễ gặp nhất vì trẻ rất hiếu động, hay nô đùa, nghịch ngợm. Vậy tình trạng này có nguy hiểm không và cách điều trị như thế nào?
10/08/2022 | Hướng dẫn xử trí khi bị bong gân mắt cá chân 09/02/2022 | Như thế nào gọi là bong gân - cách trị bong gân giúp giảm đau nhanh chóng 04/12/2021 | Bong gân cổ chân: Nguyên nhân và cách xử lý an toàn tại nhà 02/08/2021 | Cách xử lý tình trạng bong gân và khuyến cáo dùng thuốc cho tình trạng này
1. Dấu hiệu lật cổ chân
Lật cổ chân là tình trạng các dây chằng quanh khớp bị tổn thương chẳng hạn như dây chằng bị bong ra khỏi chỗ bám, rách dây chằng hoặc đứt dây chằng, tuy nhiên không gây ra tình trạng sai khớp. Trẻ thường bị lật cổ chân khi đang chạy nhảy hoặc khi chơi thể thao.
Trẻ có nguy cơ bị lật cổ chân khi chơi thể thao
Khi xảy ra chấn thương, cổ chân của trẻ sẽ có cảm giác đau, kèm theo đó là biểu hiện bầm tím, sưng nề và có thể bị giảm khả năng vận động. Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, lúc xảy ra chấn thương, trẻ có thể nghe thấy tiếng “rắc” và bị mất khả năng vận động.
Có thể phân loại mức độ lật cổ chân như sau:
- Mức độ nhẹ: Biểu hiện bên ngoài mắt cá chân chỉ là tình trạng sưng nề nhẹ. Bằng một số phương pháp chẩn đoán hình ảnh như chụp X-quang, chụp cộng hưởng từ thì chỉ thấy tổn thương vi thể trên các sợi xơ, dây chằng bị kéo giãn nhẹ.
- Mức độ trung bình: Dây chằng bị đứt một phần, biểu hiện sưng nề vừa phải ở quanh cổ chân, mất vững khớp cổ chân.
- Mức độ nặng: Dây chằng bị đứt hoàn toàn, sưng nề nghiêm trọng, vùng quanh khớp cổ chân bị bầm tím giảm hoặc mất vận động cổ chân tổn thương.
2. Điều trị lật cổ chân
2.1. Nguyên tắc điều trị lật cổ chân
Phần lớn các trường hợp bị lật cổ chân đều không cần phẫu thuật. Tuy nhiên, với những trường hợp nặng, việc điều trị bảo tồn không mang lại hiệu quả cao thì bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật nội soi để loại bỏ những mảnh sụn khớp nếu có hoặc nối dây chằng bằng những mảnh ghép gân cơ tự thân.
Cần nghỉ ngơi sau chấn thương
Nguyên tắc trong điều trị bệnh như sau:
- Người bệnh cần phải nghỉ ngơi, thậm chí bất động. Thực hiện các biện pháp để làm giảm sưng nề.
- Tập luyện đúng phương pháp để lấy lại khả năng vận động khớp, tăng cường sức mạnh cơ.
Những trường hợp bệnh nhẹ, cần khoảng 3 tuần để hồi phục trở lại. Tuy nhiên, các trường hợp tổn thương nghiêm trọng hơn thì cần từ 6 đến 12 tuần, trẻ mới có thể sinh hoạt bình thường trở lại.
2.2. Phương pháp điều trị lật cổ chân
Với những trường hợp tổn thương nhẹ, có thể điều trị tại nhà cho trẻ bằng những phương pháp sau:
- Cho trẻ nghỉ ngơi tuyệt đối. Không tác động lên chân bị chấn thương.
- Để giảm sưng nề, có thể chườm lạnh tại chỗ cho trẻ. Tuy nhiên, không dùng đá lạnh để chườm trực tiếp lên vị trí chấn thương mà cần dùng một lớp khăn bọc đá hoặc dùng túi chườm đá chuyên dụng. Mỗi lần chườm kéo dài khoảng 30 phút. Mỗi ngày có thể chườm từ 3 đến 4 lần.
- Dùng băng chun để ép nhẹ quanh khớp cổ chân. Trong trường hợp bắt buộc phải di chuyển, bạn có thể dùng nạng.
- Kê cao chân: Trong 48 giờ đầu tiên sau khi bị chấn thương, bạn nên kê cao chân hơn tim khoảng 10 đến 15cm. Tác dụng của việc kê chân cao hơn tim là giúp máu ở chân bị thương trở về tim một cách dễ dàng hơn. Từ đó giảm phù nề hiệu quả.
- Trong một số trường hợp cần thiết, các bác sĩ có thể chỉ định cho trẻ dùng một số loại thuốc chống viêm, giảm đau.
2.3. Sai lầm thường gặp trong điều trị lật cổ chân
Khi trẻ bị lật cổ chân, nhiều bà mẹ thường tự điều trị cho con bằng cách xoa cao nóng hoặc rượu vào vị trí tổn thương. Tuy nhiên, cách điều trị này hoàn toàn sai và có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho người bệnh.
Khi dây chằng bị tổn thương, mẹ tuyệt đối không được dùng những chất gây nóng tại chỗ cho con. Lý do là những chất này có thể khiến cho máu chảy mạnh hơn, thậm chí có thể dẫn đến teo cơ hoặc tình trạng cứng khớp trong tương lai.
Trong khi đó, những trường hợp này cần dùng biện pháp chườm lạnh và giảm đau tại chỗ. Những phương pháp gây nóng chỉ hợp với các trường hợp bị gãy xương vì sức nóng có tác dụng tăng tiết dịch và giúp xương mau liền hơn.
2.4. Tránh để bệnh tái phát
Hiện tượng lật cổ chân không được điều trị dứt điểm, dây chằng không được phục hồi hoàn toàn thì có thể bị tái diễn nhiều lần và chuyển thành bệnh mạn tính. Cần tránh một số hành động khiến cho tình trạng lật cổ chân mạn tính nghiêm trọng thêm như bước đi trên địa hình mấp mô, tham gia các môn thể thao khiến cổ chân có nguy cơ bị vặn xoắn,...
3. Khi nào cho trẻ chơi thể thao trở lại?
Khi mắt cá chân của trẻ đã có thể cử động dễ dàng trở lại và trẻ không còn cảm thấy đau đớn thì trẻ có thể chơi thể thao. Tuy nhiên, cần kiểm tra kỹ càng để tránh xảy ra những hậu quả không đáng có.
Đưa trẻ đi khám khi có biểu hiện bất thường
Mẹ có thể kiểm tra khả năng phục hồi chân của trẻ bằng cách sau:
- Yêu cầu trẻ nhảy trên chân bị thương khoảng 5 lần. Nếu trẻ còn cảm thấy đau nhức thì chân của trẻ chưa phục hồi hoàn toàn.
- Cho con đi trên những đoạn đường zigzac để kiểm tra về tình trạng hồi phục mắt cá chân.
Tốt nhất, để biết trẻ đã thực sự quay lại chơi thể thao được hay chưa, các bậc phụ huynh nên đưa con đến các cơ sở y tế để bác sĩ thăm khám và đưa ra lời khuyên chính xác nhất. Nếu con có thể chơi thể thao trở lại, mẹ cũng không nên chủ quan mà cần theo dõi con thường xuyên. Nên yêu cầu trẻ thực hiện các bài tập nhẹ nhàng, đặc biệt cần vận động trước khi tập luyện, để hạn chế nguy cơ tổn thương nghiêm trọng.
Ngược lại, nếu chơi thể thao quá sớm khi cơ thể chưa được phục hồi thì những chấn thương ở chân sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn và việc điều trị về sau lại càng khó khăn hơn. Trẻ có thể phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng trong tương lai.
4. Phương pháp phòng ngừa lật cổ chân
- Để hạn chế lật cổ chân và một số chấn thương khác, nên yêu cầu trẻ thực hiện khởi động trước khi chơi thể thao.
Yêu cầu trẻ khởi động trước khi chơi thể thao
- Khi chơi thể thao, cần đi giày đúng kích cỡ.
- Dạy trẻ cẩn thận khi đi vào những địa hình mấp mô.
- Nếu có biểu hiện bị đau chân khi đang chơi thể thao, cần ngừng chơi ngay lập tức để tránh tình trạng nghiêm trọng hơn.
Để được tìm hiểu thêm về lật cổ chân và các vấn đề sức khỏe khác của trẻ, các bậc cha mẹ có thể liên hệ đến Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC theo đường dây nóng 1900 56 56 56.