Cao huyết áp hiện nay là một trong những bệnh mạn tính phổ biến nhất, có nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt liên quan đến tim mạch và có thể dẫn đến tử vong. Việc sử dụng thuốc hạ huyết áp sẽ giúp giảm nguy cơ xảy ra biến chứng nguy hiểm này. Vậy huyết áp cao bao nhiêu thì phải uống thuốc? Bài viết dưới đây sẽ làm rõ vấn đề này.
22/05/2023 | Biến chứng tăng huyết áp - Những hiểm họa cần cảnh giác 19/05/2023 | Khám tăng huyết áp là khám những gì? Khi nào cần thực hiện? 06/04/2023 | Điểm danh những loại thuốc tăng huyết áp phổ biến hiện nay
1. Huyết áp bao nhiêu gọi là cao?
Trước khi giải đáp câu hỏi “huyết áp cao bao nhiêu thì phải uống thuốc”, bạn cần biết huyết áp bao nhiêu là cao và những “hiểm họa” có thể xảy ra với người bệnh nếu không được can thiệp kịp thời.
Đối với một cơ thể khỏe mạnh, huyết áp bình thường có giá trị là 120/80 mmHg. Trong trường hợp huyết áp tâm thu > 140 mmHg hoặc tâm trương > 90 mmHg thì được gọi là tăng huyết áp.
Mức độ nặng nhẹ của tăng huyết áp tùy thuộc vào sự thay đổi của 2 chỉ số huyết áp tâm trương và tâm thu. Khi huyết áp cao hơn bình thường, người bệnh sẽ có biểu hiện chóng mặt, buồn nôn, đau đầu, đi đứng không vững,...
Cao huyết áp nếu không được xử lý kịp có thể gây ra biến chứng nguy hiểm
2. Các biến chứng có thể gặp khi huyết áp tăng cao
Trường hợp tăng huyết áp nếu không được xử lý kịp thời có thể để lại những biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng người bệnh.
Tổn thương động mạch vành
Khi huyết áp tăng, tim phải hoạt động mạnh hơn, áp lực tác động lên thành động mạch lớn. Tình trạng này có thể dẫn đến xơ cứng hoặc vữa động mạch. Khi áp lực lên động mạch chủ tăng sẽ ảnh hưởng đến việc cấp máu cho động mạch vành. Vì vậy, bệnh lý tăng huyết áp cũng gây ra những tổn thương tại động mạch vành.
Trường hợp động mạch chủ bị tổn thương có thể dẫn đến phình hoặc tách động mạch chủ, nếu không được xử lý kịp thời có thể dẫn tới tử vong.
Biến chứng về mạch máu ngoại vi
Tăng huyết áp sẽ gây ảnh hưởng đến các động mạch ngoại biên như động mạch chi trên - dưới, động mạch cảnh, động mạch thận. Tác động lâu ngày sẽ khiến các động mạch này cứng, xơ vữa, vội hóa hay tắc nghẽn.
Nhồi máu cơ tim
Tăng huyết áp làm tăng khả năng xơ vữa động mạch, thành mạch cứng hơn và dễ bị tổn thương. Các mảng xơ vữa bám vào lòng mạch vành làm thu hẹp con đường lưu thông của máu. Lúc này, máu sẽ không được dẫn đủ để nuôi cơ tim.
Khi chịu tác động từ một lý do nào đó (cơ thể do các tế bào máu, stress hoặc huyết áp cao), các mảng xơ vữa vỡ ra đột ngột bám vào vị trí thành mạch bị tổn thương tạo thành cục huyết khối, dẫn đến tình trạng tắc mạch hoàn toàn và gây nhồi máu cơ tim.
Biến chứng của cao huyết áp có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim
Suy tim
Suy tim là một biến chứng nguy hiểm của cao huyết áp nếu không biện pháp xử lý kịp thời. Tăng huyết áp sẽ khiến tim hoạt động co bóp liên tục với tần suất cao để bơm máu đến các mạch ngoại biên. Tình trạng kéo dài, cơ tim sẽ có thể bị phì đại, khả năng đàn hồi kém, chức năng bơm hút máu về tim giảm mạnh.
Biến chứng não
Những biến chứng ở não có thể xảy ra khi bị cao huyết áp:
-
Tăng huyết áp khiến các mạch máu ở não không chịu nổi áp lực có thể vỡ ra gây đột quỵ do xuất huyết. Trường hợp đột quỵ xảy ra, sức khỏe của người bệnh sẽ giảm rõ rệt, đôi khi còn có thể bị liệt nửa người, nặng nhất là tử vong nếu không được cấp cứu ngay.
-
Ngoài ra, các mảng xơ vữa động mạch có thể tách ra, hình thành cục máu đông ở não dẫn đến nhồi máu não.
-
Khi các động mạch bị thu hẹp không gian, quá trình lưu thông máu lên não giảm dẫn đến hiện tượng thiếu máu não.
Ngoài những biến chứng trên thì tăng huyết áp còn có thể dẫn đến những ảnh hưởng về mắt, xuất huyết võng mạc, suy thận, tiểu đường,... Do đó, bất kỳ ai cũng không được chủ quan với “kẻ sát nhân” này.
3. Huyết áp cao bao nhiêu thì phải uống thuốc?
Dùng thuốc là một trong những biện pháp kiểm soát tình trạng tăng huyết áp được áp dụng phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, không phải lúc nào người bị tăng huyết áp cũng cần phải uống thuốc. Vậy huyết áp cao bao nhiêu thì phải uống thuốc?
Tùy vào mức độ nặng nhẹ của cao huyết áp và thể trạng người bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra quyết định cho bệnh sử dụng thuốc.
Giai đoạn tiền tăng huyết áp - Chủ yếu thay đổi chế độ sinh hoạt, ít uống thuốc
Huyết áp tâm thu ở mức từ 130 - 139 mmHg, huyết áp tâm trương 80 - 89 mmHg. Đây là giai đoạn tiền cao huyết áp, người bệnh chủ yếu quan tâm đến sức khỏe, thay đổi chế độ dinh dưỡng và rèn luyện thân thể, theo dõi huyết áp hàng ngày và kiểm soát các yếu tố nguy cơ. Những trường hợp này rất ít khi bác sĩ cho chỉ định dùng thuốc. Thuốc được cân nhắc chỉ định khi có nguy cơ biến chứng xảy ra.
Thay đổi thói quen sinh hoạt giai đoạn tiền tăng huyết áp để kiểm soát bệnh
Giai đoạn cao huyết áp sử dụng thuốc kết hợp thay đổi chế độ sinh hoạt
Huyết áp tâm thu ở mức >140 mmHg, huyết áp tâm trương >90 mmHg. Đối với trường hợp này, bên cạnh việc thay đổi chế độ sinh hoạt thì người bệnh sẽ được chỉ định sử dụng thuốc huyết áp nếu có bệnh lý nền.
Những bệnh nhân không có bệnh lý nền hoặc ít có nguy cơ biến chứng thì việc sử dụng thuốc sẽ hạn chế hơn. Tuy nhiên vẫn phải có sự theo dõi huyết áp thường xuyên để kịp thời xử lý khi cần thiết.
Giai đoạn tăng huyết áp bắt buộc phải dùng thuốc
Đối với trường hợp huyết áp tâm thu ở mức từ ≥160 mmHg, huyết áp tâm trương ≥100 mmHg thì người bệnh bắt buộc phải sử dụng thuốc huyết áp theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa để ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm. Đồng thời, người bệnh cũng cần phải có sự theo dõi huyết áp thường xuyên kể cả khi huyết áp đã trở về mức bình thường.
Trên đây là lời giải đáp cho nghi vấn huyết áp cao bao nhiêu thì phải uống thuốc. Tuy nhiên, khi có biểu hiện cao huyết áp, người bệnh nên đến cơ sở y tế uy tín để kiểm tra chính xác tình trạng, khi đó bác sĩ chuyên khoa sẽ đưa ra lời khuyên thích hợp về việc có cần uống thuốc hay không.
Việc sử dụng thuốc cao huyết áp cần có sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa
Nếu bạn đang cần địa chỉ tư vấn, thăm khám và điều trị về bệnh cao huyết áp thì có thể lựa chọn Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC. Với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cộng đồng, MEDLATEC tự hào khi được quý khách hàng lựa chọn và tin tưởng. Để được hỗ trợ thêm thông tin, quý khách hàng vui lòng gọi về hotline: 1900 56 56 56 sẽ có nhân viên tư vấn và giải quyết mọi yêu cầu.