Hội chứng thận hư ở trẻ em là bệnh có thể điều trị hiệu quả nếu áp dụng đúng cách và kịp thời. Ngược lại, sự chậm trễ trong điều trị hoặc tự ý điều trị tại nhà có thể khiến trẻ gặp nguy hiểm đến tính mạng. Các chuyên gia khuyên rằng, nếu phát hiện con mình có những dấu hiệu nghi ngờ bệnh, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám kịp thời.
21/03/2023 | U nguyên bào thận ở trẻ em - những thông tin cần biết 06/09/2022 | Bác sĩ giải đáp: Bệnh thận đa nang có di truyền không?
1. Hội chứng thận hư ở trẻ em là gì?
Hội chứng thận hư ở trẻ em thường xảy ra ở trẻ từ 2 đến 5 tuổi. Ở trẻ bị bệnh, một lượng lớn protein sẽ bị mất qua nước tiểu dẫn đến protein trong máu giảm đáng kể, khiến nước bị thoát ra khỏi lòng mạch và gây phù.
Hội chứng thận hư ở trẻ có thể điều trị nếu phát hiện sớm
Phù là biểu hiện bệnh thường gặp. Ban đầu, tình trạng phù có thể xảy ra ở vùng mi mắt. Sau đó sẽ có thể lan rộng ra toàn thân, rất dễ nhận biết khi phù ở bụng, 2 chân và bìu.
Ngoài ra, trẻ mắc bệnh này còn có thể gặp phải một số triệu chứng như sau:
- Tiểu ít hơn bình thường.
- Nước tiểu có màu đục.
- Nước tiểu có bọt hoặc có máu.
- Trẻ bị tăng huyết áp.
- Tăng cân nhanh.
- Trẻ bị đau bụng, ho nhiều, có cảm giác khó thở hoặc có thể bị sốt.
- Trong lượng protein bị mất đi bao gồm một số loại đặc biệt có tác dụng giúp cơ thể tiêu diệt vi khuẩn. Chính vì thế, trẻ mắc hội chứng thận hư dễ bị nhiễm trùng hơn những trẻ khác. Hơn nữa, khi trẻ bị nôn, tiêu chảy, mất nước thì có thể kèm theo hiện tượng rối loạn đông máu. Tuy nhiên, những trường hợp này rất ít gặp.
Phần lớn các trường hợp mắc hội chứng thận hư ở trẻ em không rõ nguyên nhân. Theo một số chuyên gia, rất có thể căn bệnh này xuất phát từ những vấn đề bất thường trong quá trình hoạt động của hệ thống miễn dịch hay do đáp ứng với corticoid. Căn bệnh này cũng rất dễ tái phát.
2. Biến chứng của hội chứng thận hư ở trẻ em
Nếu không điều trị sớm, hội chứng thận hư có thể gây ra một số biến chứng như sau:
- Tràn dịch đa màng như tràn dịch màng bụng, trang dịch màng phổi hay tràn dịch màng tinh hoàn, thậm chí là tràn dịch màng tim.
- Nhiễm trùng cấp tính hay mạn tính, thường gặp nhất là viêm mô tế bào hay tình trạng viêm phúc mạc.
Bệnh có thể gây ra biến chứng suy thận
- Loét dạ dày: Có thể do tác dụng phụ từ thuốc điều trị.
- Tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu.
- Tắc tĩnh mạch thận cấp hay mạn tính.
- Suy thận cấp tính hay mạn tính: Hội chứng thận hư có thể gây mất nước, chất điện giải và albumin máu khiến chức năng thận suy giảm nghiêm trọng.
- Tiểu ra máu.
- Suy dinh dưỡng nếu lượng protein bị mất quá nhiều qua đường nước tiểu. Điều này khiến cho tình trạng sức khỏe của trẻ ngày càng suy kiệt.
3. Điều trị hội chứng thận hư ở trẻ bằng cách nào?
3.1. Phương pháp chẩn đoán
Trước hết, bác sĩ sẽ cần thực hiện một số phương pháp để chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh của trẻ:
Nên đưa trẻ đi khám sớm nếu có biểu hiện nghi ngờ hội chứng thận hư
+ Đo chiều cao, cân nặng và kiểm tra huyết áp đánh giá có tình trạng phù hay không.
+ Cho trẻ thực hiện xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu để phát hiện những bất thường.
3.2. Phương pháp điều trị
- Sau khi đã xác định trẻ mắc hội chứng thận hư, bác sĩ có thể điều trị theo những phương pháp sau:
+ Cho trẻ dùng thuốc corticoid chẳng hạn như Prednisolone. Phần lớn trẻ bị bệnh đều đáp ứng tốt với loại thuốc này.
Cho trẻ uống thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ
+ Tiêm vắc xin cho trẻ mắc bệnh: Những trẻ bị hội chứng thận hư cần được tiêm phòng các loại vắc xin theo chương trình tiêm chủng, nhưng cần tránh một số loại vắc xin như thủy đậu, lao hay sởi. Lưu ý, không nên tiêm phòng cho trẻ khi đang điều trị bệnh bằng thuốc prednisone liều cao hay một số loại thuốc ức chế miễn dịch khác.
Tốt nhất, mẹ hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về các loại vắc xin trước khi tiêm phòng cho con để đạt được hiệu quả tốt nhất và phòng tránh những biến chứng, rủi ro không đáng có.
- Một số tác dụng phụ có thể gặp phải khi điều trị bệnh
Thông thường, trẻ rất ít khi gặp phải tác dụng phụ vì các loại thuốc điều trị bệnh chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, một số tác dụng phụ có thể gặp phải như:
+ Trẻ nhanh đói hơn bình thường, ăn nhiều hơn và dễ dẫn đến tăng cân. Để hạn chế tác dụng phụ này, trong quá trình điều trị, trẻ nên ăn những loại thực phẩm như rau và hoa quả,… Đồng thời, nên tránh một số loại đồ ngọt và các món ăn chiên rán.
+ Trẻ bị thay đổi nhiều về tâm lý, dễ cáu giận vô cớ.
+ Dễ bị tăng huyết áp, tăng đường huyết và bị kích thích dạ dày.
+ Một số loại thuốc có tác dụng phụ là tăng nguy cơ bị đục thủy tinh thể, tuy nhiên sẽ không gây ảnh hưởng quá lớn đến thị lực của trẻ.
+ Nếu trẻ được chỉ định điều trị với prednisone: Khi xét nghiệm mật độ xương của trẻ có thể cho kết quả giảm nhẹ chất lượng khoáng trong xương. Tuy nhiên, điều này không dẫn tới tổn thương xương hay làm tăng nguy cơ gãy xương ở trẻ mắc phải căn bệnh này.
- Một số lưu ý khi chăm sóc con tại nhà:
+ Kiểm tra nước tiểu cho trẻ vào buổi sáng, sau khi dùng prednisone hoặc sau khi trẻ đã cải thiện tình trạng phù.
+ Nếu kết quả trong 3 ngày đều âm tính thì có nghĩa bệnh đã thuyên giảm. Sử dụng que thử tại nhà rất hữu ích để phát hiện sớm tình trạng tái phát bệnh và phòng ngừa bệnh tiến triển nghiêm trọng dẫn tới nhiều biến chứng đáng lo ngại.
+ Ngược lại, nếu kết quả protein niệu là dương tính trong 3 ngày liên tiếp, đồng thời trẻ có những dấu hiệu như đau bụng, phù, tiêu chảy, buồn nôn,… mẹ cần đưa trẻ đi khám sớm.
Hi vọng với những thông tin trên, các bậc phụ huynh đã hiểu rõ hơn về hội chứng thận hư. Nếu có thắc mắc hoặc có nhu cầu đặt lịch khám sức khỏe cho trẻ, mời các bậc phụ huynh liên hệ đến tổng đài 1900 56 56 56 của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, các tổng đài viên sẽ hướng dẫn và hỗ trợ bạn.