Phúc mạc có nhiệm vụ vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ các cơ quan trong ổ bụng. Đây cũng là thanh mạc lớn nhất của cơ thể. Tình trạng viêm phúc mạc được đánh giá là cấp cứu ngoại khoa nguy hiểm, có nguy cơ gây tử vong rất cao nếu không được xử trí kịp thời.
23/11/2020 | Giải pháp cho những đối tượng đang mắc hội chứng viêm phúc mạc 23/10/2020 | Viêm phúc mạc, căn bệnh nguy hiểm nhưng chưa được hiểu rõ 16/09/2020 | Thông tin tổng quan về viêm phúc mạc ruột thừa
1. Bệnh viêm phúc mạc nguy hiểm như thế nào?
Phúc mạc bao phủ các cơ quan trong bụng. Phúc mạc bao gồm thành phúc mạc lót khoang bụng và phúc mạc tạng bao bọc dọc ống tiêu hóa. Phần không gian 2 lớp thành phúc mạc tạo thành là xoang phúc mạc có chứa dịch và liên kết với nhiều bộ phận khác nhau trong cơ thể.
Viêm phúc mạc có thể gây sốt
Tình trạng viêm phúc mạc có thể do nhiễm khuẩn hoặc nấm hay cũng có thể là do viêm ruột thừa vỡ hoặc do thủng tạng rỗng, viêm tụy hoại tử, viêm túi mật,… hay do biến chứng của bất kỳ tình trạng bệnh lý nào khác. Nếu không được xử lý kịp thời và nhanh chóng, bệnh có thể đe dọa tính mạng của người bệnh, tỉ lệ tử vong do viêm phúc mạc lên tới khoảng 70%.
Sở dĩ viêm phúc mạc nguy hiểm vì đây là giai đoạn cuối của tình trạng nhiễm khuẩn trong ổ bụng. Diện tích của phúc mạc rất lớn và bao phủ tất cả các cơ quan khác trong ổ bụng, vì thế, khi cơ quan này bị nhiễm khuẩn thì việc hấp thu chất độc từ các tạng rỗng kết hợp với những độc tố do vi khuẩn tiết ra,… chính là những nguyên nhân dẫn đến sốc nhiễm trùng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh. Bởi vậy, người bệnh viêm phúc mạc cần được cấp cứu kịp thời để hạn chế nguy cơ tử vong.
Dưới đây là một số triệu chứng bệnh thường gặp:
- Bệnh nhân bị đau khắp bụng và những cơn đau càng nghiêm trọng hơn khi bệnh nhân vận động.
- Bệnh nhân liên tục nôn khan.
- Khó khăn khi đi trung tiện và đại tiện.
- Chướng bụng do dịch bẩn tích tụ.
- Thành bụng có hiện tượng co cứng và khi ấn vào gây đau.
- Bệnh nhân sốt cao, có thể sốt 39 đến 40 độ.
- Bệnh nhân thường xuyên khát nước, môi khô, lưỡi bẩn.
- Mắt bệnh nhân có hiện tượng thâm quầng và trũng xuống.
- Bệnh nhân đi tiểu với lượng tiểu rất ít.
Nếu thấy bệnh nhân xuất hiện những triệu chứng nghi ngờ bệnh viêm phúc mạc, bạn nên nhanh chóng đưa người bệnh đến các cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.
2. Những nguyên nhân gây bệnh viêm phúc mạc
Nhiều nguyên nhân có thể gây ra tình trạng viêm phúc mạc và dưới đây là những nguyên nhân phổ biến nhất:
- Nguyên phát: Bệnh nhân bị nhiễm trùng ổ bụng nhưng không xác định được nguyên nhân rõ ràng. Vi khuẩn có thể xâm nhập vào màng bụng theo đường máu, bạch huyết hoặc có thể xâm nhập qua đường sinh dục nữ.
- Thứ phát: Viêm phúc mạc thứ phát là nhiễm trùng thứ phát được xác định do những nguyên nhân từ ổ bụng. Tình trạng viêm có thể là do một số bệnh về đường tiêu hóa như viêm ruột thừa, thủng dạ dày, hoại tử túi mật, vỡ tử cung, áp xe gan xơ gan, bệnh Crohn, viêm tụy, viêm túi thừa,... Ngoài ra, một số chấn thương vùng bụng, những vết thương ở bụng cũng là nguyên nhân gây ra bệnh lý này.
Bệnh nhân đau khắp vùng bụng khi bị viêm phúc mạc
Một số chất hóa học hay những chất trong khoang bụng có thể kể đến như dịch vị, nước tiểu hoặc dịch tụy,… cũng có thể tác động đến, gây kích thích phản ứng viêm và dẫn tới nhiễm trùng màng bụng.
Bên cạnh đó, một số trường hợp đã từng mắc bệnh viêm phúc mạc sẽ có nguy cơ tái nhiễm. Bởi vậy, người bệnh cần lưu ý tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ để hạn chế tối đa nguy cơ tái phát bệnh.
3. Phương pháp điều trị viêm phục mạc
Trước hết, các bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng và chỉ định bệnh nhân thực hiện một số xét nghiệm để có thể đưa ra chẩn đoán bệnh chính xác.
Siêu âm ổ bụng để kiểm tra dịch trong ổ bụng
Dưới đây là một số xét nghiệm phổ biến trong công tác chẩn đoán viêm phúc mạc:
- Xét nghiệm máu để nhận biết chính xác số lượng bạch cầu và rối loạn điện giải.
- Chụp X-quang để phát hiện những hình ảnh bất thường của thành bụng.
- Siêu âm ổ bụng để kiểm tra dịch trong ổ bụng và nhận biết trình trạng viêm nhiễm ổ bụng.
- Với một số trường hợp đặc biệt, nhất là những trường hợp mắc bệnh lý về gan, bác sĩ có thể lấy dịch từ ổ bụng để làm xét nghiệm. Lưu ý, chỉ hút dịch ổ bụng khi bụng bệnh nhân không quá chướng.
Sau khi đã chẩn đoán bệnh, tùy vào mức độ bệnh cũng như thể trạng của bệnh nhân, các bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị cấp cứu phù hợp. Một số phương pháp điều trị viêm phúc mạc có thể áp dụng là:
Điều trị viêm phúc mạc bằng thuốc kháng sinh
- Cho bệnh nhân sử dụng thuốc kháng sinh.
- Đặt ống hút dạ dày để cải thiện triệu chứng chướng bụng, giúp giảm căng ruột và giảm đau cho bệnh nhân.
- Phẫu thuật để loại bỏ phần viêm nhiễm, dẫn lưu để đưa hết phần mủ và dịch ra ngoài nếu trong quá trình phẫu thuật chưa thể loại bỏ hết.
- Các bác sĩ có thể kết hợp nhiều phương pháp với nhau để mang lại hiệu quả điều trị bệnh cao nhất cho bệnh nhân, chẳng hạn như điều trị giảm đau, cho bệnh nhân thở oxy, truyền dịch tĩnh mạch, truyền máu trong những trường hợp cần thiết.
Ngoài ra, việc chăm sóc bệnh nhân sau phẫu thuật cũng rất quan trọng: Bệnh nhân cần được uống nước nhiều, có thể truyền đường, truyền đạm hay máu tùy theo những trường hợp cụ thể. Nếu sức khỏe ổn định, bệnh nhân nên vận động nhẹ nhàng sau phẫu thuật để giảm nguy cơ dính ruột, tắc ruột, kích thích nhu động ruột, phòng ngừa một số biến chứng như nhiễm trùng đường tiểu,… đồng thời giúp tâm lý thoải mái và tích cực hơn.
Như vậy, có thể nói rằng, bệnh viêm phúc mạc rất nguy hiểm, có thể gây ra biến chứng đặc biệt nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời. Do đó, chúng ta cần trang bị những kiến thức về bệnh, đặc biệt là những dấu hiệu viêm phúc mạc để kịp thời xử lý hiệu quả nếu nghi ngờ bệnh.
Nếu muốn tìm hiểu thêm về bệnh hoặc muốn thăm khám tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, mời bạn gọi đến đường dây nóng 1900565656 để được hỗ trợ tư vấn.